Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu




“Canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á”
Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu
***
“Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (1 Ga 1, 3)
Chúng tôi, các giám mục đại diện của các Hội đồng Giám mục thành viên và các Hội đồng Giám mục liên kết, thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu, đã họp Hội nghị toàn thể lần thứ X tại Xuân Lộc và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), từ ngày 10 đến ngày 16 tháng Mười Hai 2012. Tham dự Hội nghị, có: Đức hồng y Gaudencio Rosales, Đặc sứ của Đức Thánh Cha; Đức Tổng giám mục Saviô Hàn Đại Huy SDB, Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng các dân tộc; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam; quý đại biểu huynh đệ của các Liên Hội đồng Giám mục châu Đại dương, châu Mỹ Latinh và châu Âu; quý đại biểu một số tổ chức quyên góp và tài trợ; quý Đức cha và Thư ký các văn phòng FABC; và quý khách mời. Tổng số đại biểu tham dự là 111 vị (gồm: 7 hồng y, 69 giám mục, và 35 linh mục, tu sĩ, giáo dân).
Chúng tôi cảm tạ Chúa về biến cố lịch sử bản Quy chế thành lập FABC được Tòa Thánh chuẩn nhận 40 năm trước đây. Quả là một hồng phúc đặc biệt cho chúng tôi vì dịp kỷ niệm 40 năm FABC lại trùng với bốn biến cố quan trọng: Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, 20 năm xuất bản sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, và Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 13 vừa kết thúc về Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức Tin Kitô giáo.
Tất cả những biến cố này nhắc chúng ta ý thức về căn tính sâu xa nhất của mình: chúng ta là một cộng đoàn đức Tin được Chúa kêu gọi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi trần gian. Chúng tôi cảm tạ Chúa đã chúc lành cho FABC trong công cuộc canh tân sứ vụ yêu thương và phục vụ tại châu Á.
Chúng tôi hết lòng biết ơn Giáo hội tại Việt Nam, đặc biệt các giáo phận Xuân Lộc và TP.HCM, đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp hết sức nồng hậu và hiếu khách. Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cởi mở và giúp đỡ Hội nghị chúng tôi được diễn ra tại đất nước có những truyền thống và văn hóa phong phú này. Chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo Hội tại Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi cũng bày tỏ tình hiệp thông và liên kết, cũng như sự khích lệ, đối với Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Các đại biểu của Giáo hội Trung Quốc đã không có mặt tại Hội nghị của chúng tôi. Chúng tôi thiết tha mong mỏi sẽ có ngày cuộc quy tụ huynh đệ được mở rộng thêm ra với sự tham gia tích cực tại FABC của Giáo hội Trung Quốc. Chúng tôi hiệp nhất với Giáo hội Trung Quốc trong lời cầu nguyện cho mọi người của đất nước rộng lớn này được bình an, hưởng niềm vui và hy vọng đã được Chúa Kitô mang đến.
Chúng tôi hết lòng biết ơn tất cả anh chị em giáo dân, nam nữ tu sĩ, các linh mục và giám mục đang thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thậm chí phải liều cả mạng sống. Tinh thần quả cảm và hết lòng phục vụ Tin Mừng của anh chị em đã soi sáng và củng cố chúng tôi rất nhiều.
Tuần lễ diễn ra Hội nghị thực sự là một Tuần Đức Tin. Ngọn lửa niềm tin của chúng tôi vào Thiên Chúa đã bừng cháy thêm lên trước đức Tin sâu sắc và sống động của dân Chúa tại Việt Nam và qua câu chuyện của các vị tử đạo. Nhờ chứng từ cao cả của các vị tử đạo, sức mạnh của đức Tin và đức Cậy đã ngời sáng.
Trong ánh sáng của Lời Chúa, Hội nghị của chúng tôi nhận diện những nẻo đường thực thi sứ vụ mà Chúa Thánh Thần soi dẫn. Được Thánh Thần hướng dẫn, chúng tôi đọc các dấu chỉ thời đại, những trào lưu lớn trong xã hội tại châu Á và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội của mình, đồng thời phân tích những thách đố và cơ hội đang mở ra để có thể đáp ứng từ chiều sâu đức Tin của mình. Chúng ta đang thực thi một sứ vụ rất khó khăn là loan báo Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu thế giữa những thay đổi mau chóng tại châu Á. Vì lẽ đó, chúng ta càng phải ý thức hơn nữa mình phải trở thành một cộng đoàn có kinh nghiệm về Đức Kitô và làm chứng cho Đức Kitô. Trọng tâm công cuộc Tân Phúc âm hóa đã được Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tái khẳng định, chính là lời thúc giục hãy trở nên những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy về Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế.
Chính Thần khí đã từng thúc đẩy Công đồng Vatican II nay cũng đang hiệu triệu chúng ta thành những sứ giả được đổi mới của Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chính Thánh Thần là Đấng có thể làm cho Giáo hội và từng người chúng ta nên mới. Chính Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta có thể đáp ứng một cách đáng tin và có hiệu quả trước các trào lưu xã hội và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội đã được Hội nghị bàn đến.
Để trở nên những thừa sai mới, chúng ta phải đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới, trong sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người. Chúng ta cần phải sống linh đạo Tân Phúc âm hóa.
Chúng tôi đề nghị với anh chị em một số chiều kích cơ bản của nền linh đạo này:
1. Gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô. Trước hết và trên hết, những sứ giả mới của Tin Mừng cần phải có một đức Tin sống động, được xây dựng trên nền tảng cuộc gặp gỡ sâu xa, cá vị và có sức biến đổi, với con người sống động của Đức Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ của Chúa Giêsu trong lời nói và việc làm. Tóm lại, chúng ta loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm đến (x. 1 Ga 1, 1-3). Cuộc gặp gỡ cá vị này và đời sống người môn đệ là điều hết sức cần thiết. Thiếu điều này, không ai có thể chạm đến cái hồn của châu Á.
2. Say mê sứ vụ. Nếu chúng ta có mặt là để thi hành sứ vụ, thì chúng ta cần phải có niềm say mê sứ vụ. Truyện kể về Giáo hội tại châu Á đan xen với truyện kể về các vị thừa sai và các vị tử đạo. Các vị là những giáo dân, tu sĩ nam nữ và hàng giáo sĩ đã dám liều mạng sống mình vì Đức Kitô. Câu chuyện về các ngài thôi thúc và khích lệ chúng ta. Các ngài là hiện thân của niềm say mê truyền giáo theo một cách thức mà loài người không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể (x. Lc 18, 27). Chân phước Gioan Phaolô II khẳng định: “Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa… (chúng ta) phải cháy lửa tình yêu Chúa Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo sát Người hơn” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 23). Lời Thánh Phaolô: “Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 14) lay động cõi lòng chúng ta hãy chia sẻ tình yêu khôn sánh của Chúa Giêsu cho toàn thể thế giới. Bởi lẽ chúng ta xác tín rằng mọi niềm khao khát của các dân tộc Á châu đều được kiện toàn nơi Chúa Giêsu, Đấng là Sự Sống.
3. Tập trung vào Nước Thiên Chúa. Việc loan báo Chúa Giêsu tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống và các tầng lớp xã hội –toàn bộ cuộc sống con người. Do đó linh đạo Tân Phúc âm hóa không tách thế giới của chúng ta khỏi Triều đại của Thiên Chúa. Không tách đời sống vật chất khỏi tôn giáo, cũng không làm cho đời sống đức Tin xa lìa nghĩa vụ làm thay đổi đời sống chính trị và kinh tế xã hội. Trên hết, linh đạo của sứ giả Tân Phúc âm hóa không tách Đức Giêsu Kitô ra khỏi Nước Chúa, cũng không tách những giá trị của Nước Chúa ra khỏi Con người Đức Giêsu. Tập trung vào Nước Thiên Chúa là trao bản thân mình cho Chúa Giêsu và tầm nhìn của Người về một nhân loại mới đúng theo khuôn mẫu của Người.
4. Quyết tâm hiệp nhất. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất với Chúa Cha, với Người và với nhau (x. Ga 17, 20-22). Qua cuộc Khổ nạn, cái Chết và sự Phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã phục hồi mọi sự nơi chính mình Người, và đưa nhân loại cùng toàn thể thụ tạo vào sự hiệp thông với Chúa Cha và Thánh Thần. Như Chúa Giêsu, những nam nữ thừa sai Tân Phúc âm hóa cần phải sống và cổ võ sự hiệp thông. Quả thật, linh đạo hiệp thông chính là linh đạo của Tân Phúc âm hóa. Chân phước Gioan Phaolô II nhắc chúng ta nhớ “hiệp thông và sứ vụ gắn kết với nhau không thể tách rời”. Thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi “là nguồn mạch và là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông đưa đến sứ vụ và sứ vụ được hoàn tất trong hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số24, trích dẫn Thông điệp Christifideles laici, số 32). Vì thế đây phải là phương châm của chúng ta: “hiệp thông vì sứ vụ” và “sứ vụ vì hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 25). Các sứ giả Tin Mừng sẽ gặt hái kết quả hữu hiệu khi sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và quảng đại dấn thân làm chứng và cổ võ sống thông hiệp với Chúa, với nhau và với mọi thụ tạo.
Trong bối cảnh châu Á đang tìm kiếm sự hài hòa giữa những căng thẳng và xung đột đang gia tăng, mọi thành phần dân Chúa –giáo sĩ và giáo dân, nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như thiếu niên nhi đồng– đều được mời gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng, sứ giả của Lời Chúa, người kiến tạo hòa bình và xây dựng sự hiệp thông. Một sự hiệp thông như vậy cần được thể hiện qua chính sự hiệp thông sống động của các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận.
5. Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ. Công cuộc Tân Phúc âm hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Đối thoại phải là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại châu Á. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Đối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Đối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng.
6. Hiện diện khiêm hạ. Chúng tôi tin rằng mỗi người châu Á đều dự phần và đồng hành trong cuộc hành trình tiến đến Nước Thiên Chúa, và tin rằng những cánh đồng truyền giáo là những thửa đất có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thánh Thần Thiên Chúa. Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và “chiêm niệm”. Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.
7. Vai trò ngôn sứ của người truyền giáo. Trở nên ngôn sứ là trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhận diện những nghịch lý tại châu Á và tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Những sứ giả mới của Tin Mừng phải bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta. Qua việc tố cáo bất công, những sứ giả mới của Tin Mừng loan báo tình yêu của Thiên Chúa, “những điều quan trọng hơn trong Lề Luật” tức là là công bình, lòng nhân từ và thành tín (Mt 23, 23), và tình yêu được Chúa Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo.
8. Liên đới với những nạn nhân. Trong Hội nghị, chúng tôi đã lưu ý con số các nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa, của bất công, của thảm họa hạt nhân và thiên tai, của những cuộc tấn công do những kẻ cực đoan và khủng bố gây ra, con số ấy đang gia tăng từng ngày. Chúa Giêsu đứng về phía nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và bị gạt ra ngoài lề xã hội phải trở thành chiều kích chính yếu của linh đạo Tân Phúc âm hóa.
9. Chăm sóc tạo thành. Hội nghị cũng đã lưu ý việc lạm dụng thiên nhiên vì lợi ích kinh tế thiển cận và ích kỷ vẫn chưa được khắc phục. Những nguyên nhân do con người gây ra đã góp phần đáng kể làm cho trái đất nóng lên và khí hậu thay đổi, khiến người nghèo và người bị bóc lột phải hứng chịu những tác động bi đát hơn nữa. Mối quan tâm đến sinh thái, việc bảo toàn công trình tạo dựng, bao gồm sự công bằng và đồng cảm giữa các thế hệ, là yếu tố cơ bản trong linh đạo hiệp thông.
10. Can đảm sống đức Tin và tử đạo. Từ buổi đầu Kitô giáo có mặt đến nay, mảnh đất Á châu đã thấm máu đào của các vị tử đạo. Nếu ngày nay chúng ta được mời gọi hãy đem sự hy sinh cao cả mà làm chứng cho đức Tin, chúng ta sẽ không từ nan. Chúa Giêsu đã căn dặn chúng ta, hy sinh như thế là dấu chứng tối hậu chúng ta tận trung với Người và với sứ mạng của Người. Xin các vị tử đạo tại đất nước chúng ta, trong đó có nhiều vị đã được tôn kính trên bàn thờ, giúp chúng ta biết noi gương các ngài và chuyển cầu cho chúng ta được thêm mạnh sức. Chúng ta tri ân Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố nhiều vị chứng nhân người Á châu là những đấng tử đạo của Giáo hội, “máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Kitô giáo”.
Kết luận
Trong Năm Đức Tin này, vào thập niên thứ hai của thiên niên kỷ mới, nhân dịp kỷ niệm 40 năm FABC, chúng tôi kêu gọi mọi người thuộc các Giáo hội tại châu Á hãy nuôi dưỡng niềm say mê đặc biệt đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa.
Chúng ta không được để mình thờ ơ hoặc bi quan trước những trào lưu xã hội tại châu Á đang đe dọa cấu trúc xã hội, sự bền vững của gia đình và tầm nhìn đức Tin của chính cộng đoàn Kitô hữu. Ẩn bên trong những thực tại này có thể là những nguồn lực nội tại của Thánh Thần, đang hoạt động trong lòng những giá trị Á châu, là những hạt giống của một nhân loại mới đang khao khát sự sống viên mãn trong Đức Giêsu.
Sứ vụ của công cuộc Tân Phúc âm hóa, mới trong nhiệt tâm, mới về phương pháp và mới trong cách diễn tả, đang được đặt ra cấp thiết. Sứ vụ này kêu gọi các sứ giả Tin Mừng phải canh tân đổi mới với một linh đạo được đổi mới, linh đạo hiệp thông, linh đạo truyền giáo, linh đạo Tân Phúc âm hóa. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình cần phải trở thành trường dạy nền linh đạo này. Sứ vụ này đòi hỏi các nhà thừa sai mới phải sống hoán cải sâu sắc, phải thay đổi tầm nhìn cũng như phải nên giống Đức Kitô trong tâm tư và thái độ, và phải hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ vụ này đòi hỏi phải có niềm tin sống động vào Chúa, phó thác nơi Chúa, theo chân Chúa Giêsu từ trong tư tưởng, tình cảm đến hành động.
“Đoàn chiên nhỏ bé” của Chúa Giêsu không được rụt rè hoặc sợ hãi giữa hàng tỉ người châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Bởi vì chúng ta có chính Đức Giêsu Kitô, là nguồn duy nhất mang lại niềm tin cho chúng ta, là hồng ân độc đáo Thiên Chúa ban cho loài người. Người đồng hành với chúng ta như đã từng đi với các môn đệ trên đường đến Emmaus (x. Lc 24, 13-32). Trong mỗi cử hành Thánh Thể, Người mở mắt và sưởi ấm trái tim chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á.
Xin Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta, đồng hành cùng chúng ta đang bước đi trên những nẻo đường Á châu để “kể chuyện Chúa Giêsu”. Chúng ta không sợ. Chúng ta đã được Chúa bảo đảm, “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Và chúng ta đã nhận được lời Người cam kết: “Hãy nhớ, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Xuân Lộc và TP.HCM, Việt Nam
Ngày 16 tháng Mười Hai 2012

 
Thành Thi chuyển ngữ

http://hdgmvietnam.org/su-diep-hoi-nghi-toan-the-lan-thu-x-cua-lien-hoi-dong-giam-muc-a-chau/4568.116.3.aspx

Đức Tổng giám mục Hàn Đại Huy nhận định về Trung Quốc và Giáo hội Trung Quốc


Trong Hội nghị toàn thể lần X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu mới diễn ra tại Xuân Lộc (10-16/12/2012), sự hiện diện của Đức TGM Hàn Đại Huy là sự hiện diện được chờ đợi, vì ngài là Tổng thư ký Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, quen gọi là Bộ Truyền Giáo. Do bận rộn công tác, ngài chỉ có thể có mặt sau khi Hội nghị được tiến hành hai ngày, tuy nhiên ngài đã ở lại cho đến khi kết thúc. Ngay sau Thánh Lễ bế mạc và bữa tiệc kết thúc hội nghị tại Sài Gòn, ngài vội vã lên đường trở về Rôma.
Trong cuộc gặp gỡ các giám mục Á châu tại Hội nghị, Đức TGM Hàn Đại Huy đã có bài nói chuyện rất đáng quan tâm. Mở đầu bài nói chuyện, vị giám mục gốc Hong Kong đã chia sẻ rằng ngài có thể ngỏ lời với nhiều tư cách, tuy nhiên “lần này, tôi muốn ngỏ lời với anh em trong tư cách một giám mục đến từ Trung Quốc”. Rồi vị giám mục đến từ Trung Quốc đưa ra những nhận định về đất nước Trung Quốc và về Giáo hội công giáo tại Trung Quốc.
1. Ngôi làng của những chú ngựa vằn
Nói về Trung Quốc, ngài mượn một câu chuyện của Trương Duy Nghênh, nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, giải thích về những cải cách ở Trung Quốc. Chuyện kể rằng trong một ngôi làng kia, cư dân vốn quen thuộc với việc dùng ngựa để vận chuyển hàng hóa. Nhưng ở ngôi làng bên cạnh, người ta lại dùng ngựa vằn. Các vị lão thành trong làng không ngừng đề cao giống ngựa của mình và chê bai giống ngựa vằn là hoang dã. Thế nhưng sau nhiều năm, họ phải nhìn nhận rằng loại ngựa vằn khỏe hơn và có ích hơn, và họ quyết định là phải dùng loại ngựa vằn này. Điều khó khăn là đã bao nhiêu năm đề cao giống ngựa cũ, dân chúng đã được “tẩy não” rồi, bây giờ làm sao thuyết phục người ta dùng ngựa vằn? Các vị lão thành bèn nghĩ ra một kế hoạch tinh vi, ấy là hằng đêm, khi dân chúng đang say ngủ, họ lấy sơn vẽ những vòng lên một số con ngựa. Khi dân chúng thức giấc và ngỡ ngàng thấy có những con quái vật xuất hiện trong làng, các vị lão thành mới trấn an họ rằng đây không phải là ngựa vằn mà chỉ là những con ngựa cũ được trang trí bằng ít hình vẽ thôi. Rồi dân chúng dần dần quen với những con ngựa được trang trí lạ mắt. Và sau “thời kỳ quá độ”, các nhà lãnh đạo bắt đầu thay giống ngựa cũ bằng loại ngựa vằn. Loại ngựa này đã làm thay đổi hẳn đời sống của dân làng vì nó sản xuất nhiều hơn và tạo sự phồn thịnh cho dân làng.
Ta vẫn kiên quyết tiến lên chủ nghĩa xã hội đấy chứ vì chủ nghĩa xã hội vạn lần văn minh hơn chủ nghĩa tư bản. Cho dù ta có chủ trương kinh tế thị trường đi nữa thì đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn hỏi rằng “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì thì chuyện đó để sau sẽ bàn! Ý của Trương Duy Nghênh là thế, nhưng Đức cha Hàn Đại Huy muốn mượn câu chuyện này để trình bày những suy nghĩ khác về Trung Quốc. Ngài nói: “Với sự cải cách về kinh tế, Trung Quốc đã trở thành người khổng lồ. Những sản phẩm mang nhãn hiệu “made in China” đã có mặt khắp nơi: cửa hàng, nhà ở, văn phòng. Ngày nay nhãn hiệu đó cho thấy sự trỗi dậy của một quyền lực kinh tế không thuộc phương Tây, và quyền lực ấy dứt khoát đóng một vai trò trong việc định hình trật tự thế giới hiện hành. Thật vậy, Trung Quốc đã đem mô hình tăng trưởng của mình đi khắp nơi: châu Phi, châu Mỹ La Tinh, Trung Á, kể cả Trung Đông. Việc giới thiệu ấy bao gồm nhiều dự án lớn, từ những công trình xây dựng lớn đến cầu đường cũng như phát triển đường hàng hải. Ở mức độ nào đó, thế giới bắt đầu bị định hình theo cái gọi là “made in China”. Trước đây người ta loan báo là sẽ đến giai đoạn “phổ quát hóa nền dân chủ tự do của phương Tây”, nhưng nay điều đó không còn là chọn lựa duy nhất”.
“Sự tăng trưởng bằng mọi giá đã được Đặng Tiểu Bình thúc đẩy bằng câu nói nổi tiếng: “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng. Điều quan trọng là nó bắt chuột”. Do đó tăng trưởng kinh tế là điều đi trước mọi thứ ý thức hệ. Thế nhưng sự thành công của cải cách kinh tế cũng mang theo nó nhiều vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề không chỉ là sự tàn phá môi trường mà còn là sự tàn phá những giá trị tinh thần truyền thống, chẳng hạn như những gì Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân – Điều ta không muốn thì đừng làm cho người khác”. Cuối cùng ra, màu sắc của con mèo có thật sự là không đáng quan tâm? Nếu Trung Quốc muốn định hình thế giới, thì cái gì sẽ định hình Trung Quốc?”
Và Đức cha Hàn Đại Huy nói tiếp: “Là người Kitô hữu, chúng ta có câu trả lời trong Đức Kitô. Cậu bé Đaniel đã giải thích giấc mơ của vua Nabuchodonosor về một pho tượng khổng lồ như sau: “Đầu pho tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và hai cánh tay bằng bạc, bụng và hai bắp chân bằng đồng, hai bàn chân nửa sắt nửa sành. Ngài đang mải nhìn thì bỗng có một tảng đá tách ra, dù không có bàn tay nào đụng tới, nó đập vào pho tượng trúng hai chân nửa sắt nửa sành khiến hai bàn chân vỡ tan ra. Bấy giờ tất cả cùng vỡ tan…” (Đaniel 2, 31-35). Theo giải thích của các giáo phụ, tảng đá không do con người làm ra ấy là biểu tượng báo trước Ngôi Lời nhập thể. Tôi tin rằng sớm hay muộn, chính Đức Kitô sẽ định hình Trung Quốc”.
2. Tự do tôn giáo và Coca-cola
Nói đến tình hình Giáo hội công giáo tại Trung Quốc, Đức cha Hàn Đại Huy không dùng ẩn dụ nhưng vận dụng chuyện có thật, chuyện của hãng Coca-cola. Đó là hãng giải khát có tầm vóc toàn cầu, sản phẩm có mặt khắp nơi trên thế giới. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, người lãnh đạo phái các nhà quản lý của hãng đến mọi chi nhánh, làm đúng như yêu cầu của hãng, nhờ đó người tiêu thụ dù ở bất cứ đâu vẫn có thể tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Từ sự kiện này, Đức cha Hàn Đại Huy cho biết: “Về tự do tôn giáo ở Trung Quốc, bạn có thể chọn tôn giáo bạn thích, nhưng cuối cùng ra, người quyết định chất lượng sản phẩm là Đảng Cộng sản. Để bảo đảm điều đó, Đảng cũng phái các nhà quản lý đến các nơi để điều hành. Điều này đang xảy ra trong trường hợp các giám mục bất hợp pháp tại Trung Quốc”.
Vấn đề bắt đầu rõ ra và câu hỏi xuất hiện: “Tại sao ở Trung Quốc lại xảy ra việc phong chức giám mục bất hợp pháp?” Hãy bắt đầu bằng việc chọn ứng viên giám mục. Theo Đức cha Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo, “Việc tuyển chọn này hoàn toàn do chính quyền kiểm soát và thao túng. Bản tường trình việc tuyển chọn sẽ được gửi đến Bắc Kinh để xin sự chấp thuận của cái gọi làHội đồng Giám mục Trung Quốc (không được Tòa Thánh Vatican nhìn nhận). Đôi khi bản tường trình ấy cũng được gửi đến Vatican để xin Đức Thánh Cha chuẩn nhận. Thế nhưng dù Đức Thánh Cha có nhận hay không, thì Ủy ban yêu nước và cái gọi là Hội đồng Giám mục (HĐGM) sẽ chuẩn nhận với sự đồng ý của chính quyền. Nếu ứng viên được Đức Thánh Cha chuẩn nhận thì tiến hành phong chức cách hợp pháp, còn nếu không được chuẩn nhận thì người ta làm cách bất hợp pháp”.
“Trong trường hợp phong chức bất hợp pháp, một số đông các viên chức và công an được huy động để ép buộc các giám mục hợp pháp tham dự và bảo đảm nghi lễ diễn ra đúng đắn. Khi đối diện với thông tư mạnh mẽ của Vatican, Trung Quốc phi bác quyết liệt và củng cố lập trường tự bầu cử, tự phong chức. Những giám mục và linh mục nào vâng phục chính quyền thì được hậu đãi, còn những ai trung thành với Đức giáo hoàng sẽ bị nghiêm trị”.
“Chính quyền và cái gọi là HĐGM muốn làm mờ đi ranh giới giữa các giám mục hợp pháp và giám mục bất hợp pháp, bằng cách bảo đảm rằng chỉ có các giám mục hợp pháp mới được chủ trì và tham dự vào việc phong chức bất hợp pháp, và ngược lại, các giám mục bất hợp pháp thì lại có mặt trong những lần phong chức hợp pháp. Bằng cách đó, họ làm mờ nhạt đi những quy định của giáo luật về việc phong chức hợp pháp, đồng thời cố gắng làm cho những lần phong chức bất hợp pháp trở thành hợp pháp trước mắt mọi người. Chính quyền chấp nhận để cho một vài giám mục xin Đức giáo hoàng tha thứ, đang khi đó lại ém nhẹm trước công luận việc những giám mục ăn năn sám hối và xin Đức giáo hoàng tha tội. Điều gây phiền toái hơn nữa làHội Công giáo Yêu nước cố gắng vận động sự ủng hộ từ những cộng đoàn công giáo ở ngoài Trung Quốc, bằng cách tạo điều kiện cho “những nhà truyền giáo nước ngoài” đến làm việc cho Trung Quốc, cả trong nước lẫn ở ngoài”.
Đức cha Hàn Đại Huy cho biết thêm: “Hội Công giáo Yêu nước còn tổ chức việc phong chức linh mục do các giám mục bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông chủ sự, làm như thế để trộn lẫn cái sai với cái đúng, cái thật với cái giả. Hậu quả là các tín hữu đâm ra mơ hồ, bực bội và chia rẽ nhau. Nếu tình hình này còn tiếp tục thì sớm hay muộn, cộng đồng công giáo sẽ mất đi tính khả tín trong việc Phúc âm hóa. Tuy nhiên điều đó lại phục vụ cho những mục tiêu của chính quyền, vốn dành nhiều nhân lực và tài lực để duy trì sự kiểm soát đối với Giáo hội. Thực sự là Đảng khó lòng đảo ngược hay làm chậm lại hệ thống này. Ít ra đây cũng là điều mà nhiều người công giáo nghĩ, phát xuất từ thực tế là cái gọi là HĐGM đang nắm quyền về tài sản của Giáo hội. Người ta sẽ không chịu mất quyền kiểm soát đối với những gì họ đang có khi mà những tài sản đó đem lại lợi nhuận lớn lao cho họ”.
Trước tình hình có vẻ bi đát đó, câu hỏi đặt ra là “Liệu chính quyền có thể kiểm soát mọi sự?” Đức cha Hàn Đại Huy trả lời ngay: “Không, nếu chính người công giáo không muốn như thế”. Rồi ngài đưa ra trường hợp của Đức cha Tađêô Mã Đạt Khâm, giám mục phụ tá Thượng Hải, được nhiều người trên thế giới biết đến vì lập trường rõ ràng và minh bạch đối với Nhà nước. Đức cha Hàn Đại Huy cũng ước mong Liên Hội đồng Giám mục Á Châu sẽ nâng đỡ và khích lệ vị giám mục phụ tá Thượng Hải cũng như các tín hữu công giáo tại Trung Quốc.
***
Khi ngỏ lời trong hội nghị, Đức TGM Hàn Đại Huy đã chọn lựa tư thế là một giám mục Trung Quốc để chia sẻ với anh em giám mục Á châu. Khi đến thăm các nữ tu Nhà Kín Cát Minh ở Sài Gòn, ngài xin các chị cầu nguyện cho ba điều: việc truyền giáo, ơn gọi, và Trung Quốc. Tất cả cho thấy ngài nặng lòng với đất nước Trung Hoa và Giáo hội tại đây. Vì yêu nước nên băn khoăn thao thức với tiền đồ của dân tộc, với hạnh phúc đích thực của người dân. Lòng yêu nước ấy lại được đức tin thúc đẩy và soi sáng nên ngài mạnh mẽ khẳng định: “Sớm hay muộn, chính Đức Kitô sẽ định hình Trung Quốc”. Không lạ gì bài nói chuyện của ngài đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc nơi các giám mục hiện diện và được nhắc đến nhiều bên lề hội nghị. Cũng hi vọng rằng không chỉ có Đức cha Hàn Đại Huy, cũng không chỉ có Đức cha phụ tá Thượng Hải mới có lập trường này, nhưng nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Trung Hoa cũng đồng quan điểm. Trong tác động của ân sủng, sự đồng cảm ấy sẽ là chất men xúc tác để tạo sức sống mới cho Giáo hội công giáo tại đất nước đông dân nhất thế giới.
 
Thiên Triệu
Nguon:http://hdgmvietnam.org/duc-tong-giam-muc-han-dai-huy-nhan-dinh-ve-trung-quoc-va-giao-hoi-trung-quoc/4558.63.8.aspx

Năm 2012 đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện khác lạ và thú vị trên khắp thế giới mà dưới đây là một số điển hình

Tham vọng lớn


Người phụ nữ thấp nhất thế giới, Jyoti Amge, 19 tuổi, đã trở thành nhà vận động bầu cử nhỏ nhất thế giới trong năm nay, khi cô tuyên bố ủng hộ các ứng viên củađảng cánh hữu Maharashtra Navnirman Sena ở Mumbai, Ấn Độ.

Khát khao thay đổi

"Nữ Ma cà rồng Mexico" Maria Jose Cristerna có một cách phản đối bạo lực giađình rất đặc biệt: biến đổi cơ thể. Cô đã cấy sừng bằng titan lên đầu, trồng răng nanh, đeo khuyên tai cực to và móc khuyên vào da. Theo các bản tin trên mạng, Maria nói, những hình xăm và việc biến đổi cơ thểkhiến bà cảm thấy bản thân giống như một nữ chiến binh.

Nhà 4 mặt đường

Khi Trung Quốc quyết định xây một đường cao tốc ở Wenling, họ bồi thường cho các hộ dân trong khu vực để họ tái định cư. Nông dân Luo Baogen cùng vợ ông nhất quyết không rời đi vì cho rằng tiền bồi thường không xứng đáng. Sau một thời gian họ mới đồng ý cho phá nhà.

Chó và hổ

Con chó chăn cừu Thụy Sĩ Talli đã chấp nhận và chăm sóc cho ba chú hổ con mồ côi- Olymp, Dar và Talli - sau khi đàn hổ này bị hổ mẹ bỏ rơi ở miền nam nước Nga.

Gấu "bay"
Một con gấu đen lang thang trong khuôn viên trường Đại học Colorado, Mỹ, hồi tháng 4, đã có một pha "bay" từ trên cây xuống do bị cảnh sát bắn thuốc mê. Con gấu nặng hơn 90kg này đã "đáp" xuống một tấm nệm da và được trả lại môi trường hoang dã sau khi tỉnh thuốc.
"Chạm tới Bầu trời"

Chỏm tóc có chiều cao 1,13 mét đã giúp Kazuhiro Watanabe có tên trong phiên bản năm 2013 của Sách Kỷ lục Guinness Thế giới. Nhà thiết kế 40 tuổi này mất 15 nămđể nuôi chỏm tóc của mình. Ba nhà tạo mẫu tóc, ba bình keo xịt tóc và một chai gel vuốt tóc đã giúp anh cóđược chỏm tóc chỏng lên trời. Nếu không có keo xịt và gel, tóc của anh sẽ rũxuống đến đầu gối. Chó cao nhất thế giới
Một chú chó dòng Great Dane đã đi vào sách Kỷ lục Thế giới Guinness là chú chó cao nhất thế giới. Con vật được nuôi ở bang Michigan (Mỹ) này có thể ăn tới 14kg thực phẩm hàng ngày và hiện nặng 70,3 kg.
Ban biên soạn sách "Kỷ lục Thế giới năm 2013" - ấn bản lần thứ 57 - cho biết chiều cao tính từ chân cho tới điểm giữa hai bả vai của chú - cách đo chiều cao chính thức của các chú chó - là 1,2m. Còn nếu chú chó này kiễng lên bằng hai chân sau thì chiều cao của nó sẽ lên tới 2,2m.
"Thủy thủ Popeye"
Vận động viên thể hình đến từ Ai Cập, Moustafa Ismail, 24 tuổi, đang giữ kỷlục người có bắp tay lớn nhất thế giới.
Để có được bắp tay đạt chu vi 78cm, Moustafa đã tích cực tập thể hình suốt 10 năm qua. Hiện tại bắp tay anh có chu vi tương đương với… vòng thắt lưng của 1 người đàn ông trưởng thành. Để tăng cường sức khỏe cho việc luyện tập, mỗi bữa Moustafa ăn hết 1,3kg gà, 0,4kg bít tết hoặc cá, 4 cốc hạnh nhân, 2 lít nước và 3 lít đạm.
Nhiều người gọi vui Moustafa là "thủy thủ Popeye phiên bản đời thực". Anh nói: "Mọi người luôn liên tưởng đến Popeye khi thấy tôi. Thật buồn cười nhưng tôi không hề ăn rau chân vịt như nhân vật hoạt hình đó. Thậm chí tôi nghĩ bắp tay tôi còn to hơn cả Popeye".

Thanh Hảo (Tổng hợp)
Nguon:http://vn.news.yahoo.com/nh-ng-c-u-chuy-n-l-nh-180000553.html

Một vài suy tư khi mừng lễ Giáng Sinh


Trong ngày này, không khí vui mừng đón chờ Giáng Sinh đang tràn ngập trên thế giới. Tại Việt Nam, nơi các thánh đường ở thôn quê hay thành thị, ngoài đường phố, trong các ngõ hẻm, ngay cả trong các công ty, xí nghiệp, các nhà hàng, các quán ăn...đâu đâu cũng thấy không khí của của lễ hội. Không khí ấy lại nóng dần lên khi người người đi mua sắm, nhà nhà háo hức đợi chờ. Dù là người nghèo hay giàu, trẻ em hay cụ già, người theo đạo Công giáo hay không, Giáng Sinh vẫn cứ là một ngày hội. Ngày hội tâm linh, ngày hội xã hội...
Đứng trước thực trạng ấy, là người Công Giáo, chúng ta nghĩ gì về việc mừng Giáng Sinh hiện nay.
1.    Trước tiên, Giáng Sinh dưới cái nhìn xã hội
Cứ mỗi dịp Giáng Sinh về, tại thành phố Sài Gòn, Hà Nội...chúng ta thấy rất rõ những hình thức chuẩn bị và ăn mừng Giáng Sinh. Nào là: tại các ngả đường, nơi các con hẻm, người có đạo hay không có đạo...hang đá cứ mọc lên như nấm. Đến nỗi hang đá trên lầu, hang đá dưới sân, hang đá trong phòng, hang đá ngoài đường, hang đá nơi ngã ba, ngoài ngã bẩy... Ai có dịp đến đường Phạm Thế Hiển, q. 8, Sài Gòn thì thấy điều tôi nói quả là không ngoa. Còn hơn thế nữa, tại các trung tâm mua sắm, các khu vui chơi giải trí, ngay cả những chốn ăn chơi như quán Bar, cafe đèn mờ, họ cũng làm hang đá trước cửa nhà. Mục đích của họ là cuốn hút sự chú ý của khách hàng, để đạt được mục đích xã hội và kinh tế của họ.
Trong những ngày này, họ cũng thi đua mời nhau đi nhậu. Nay tôi, mai anh. Nay nhóm này, mai nhóm khác...nhậu tơi bời, nhậu hả hê, nhậu quên ăn, quên làm, thậm chí nhậu quên luôn cả lễ lạy cầu kinh...một sự lạm dụng đến xót xa.
Như vậy, Giáng Sinh theo cái nhìn hiện sinh của con người và xã hội hiện nay thì: là thời điểm “hót” để bán hàng, dịp thuận tiện để mua sắm, là cơ hội để giao lưu, nhậu nhẹt. Đây là một thực trạng thực của một số người dân hiện nay khi Mùa Giáng Sinh về. Lời nhận định của Đức Hồng Y Oswald Gracias Chủ tịch FABC làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “Ngày nay, người ta ít chú trọng vai trò của Thiên Chúa đối với cuộc sống con người. Chạy đua tiền bạc và những chân lý nửa vời”[1]. Lời nhận định này được đưa ra vào đúng thời điểm mà chúng ta đang nô nức đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh, điều này thật thức thời để chất vấn lương tâm của chúng ta. Vậy, đâu là ý nghĩa đích thực của việc đón Chúa Giáng Sinh? Những việc làm cụ thể để mừng Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người là gì? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.
2.    Giáng Sinh dưới cái nhìn đức tin và lối sống của người Công Giáo
Trước lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta có thời gian chuẩn bị để đón chờ Thiên Chúa Nhập Thể. Thời gian đó ta gọi là Mùa Vọng. Mùa Vọng là Mùa mời gọi ăn năn sám hối, dọn sạch tâm hồn khỏi những hố sâu của tội lỗi, quanh co của dối trá, đồi cao của kiêu ngạo...và hãy học nơi Mẹ Maria, luôn sống với nội dung tin mừng, đồng thời luôn tìm cách mang Chúa đến cho người khác, chấp nhận gian nan thử thách. Mặt khác, đây cũng là thời gian thuận tiện để giao hòa lại với Thiên Chúa và anh em nơi bí tích hòa giải. Điển hình như tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự nghi thức sám hối cộng đồng, sau đó ngài đã cử hành bí tích hòa giải. Trước tiên từ các cha, sau đó đến giáo dân...[2] đây là một hình ảnh rất đẹp, diễn tả tâm tình của những người có niềm tin và trông mong ơn cứu độ.
Lược qua tinh thần của Mùa Vọng như thế, để thấy được đích điểm mà Giáo Hội muốn nhắm tới trong Mùa Vọng là gì và nội dung của việc mừng Chúa Giáng Sinh hệ tại đâu?
Trước tiên, đón mừng Giáng Sinh, không chỉ chuẩn bị những thứ bên ngoài, những thứ đó là việc cần nhưng không phải là việc quan trọng nhất. Việc quan trọng nhất là mỗi khi mừng lễ, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người Do thái khi nghe Gioan Tẩy Giả kêu mời là hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, hãy dọn sạch con đường tâm hồn để Chúa ngự đến. Đồng thời mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng ta cũng hãy hướng về ngày cách chung của thế giới và của mỗi người như một cuộc chất vấn lương tâm về những hành vi tốt xấu của mình hầu chuẩn bị cho xứng đáng đón Chúa ngự đến trong tâm hồn. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, đã nói: "Sự giáng sinh của Chúa Kitô thách thức chúng ta hãy kiểm điểm lại những ưu tiên, giá trị và chính lối sống của chúng ta. Trong khi Lễ Giáng Sinh chắc chắn là một thời điểm đầy vui mừng, nhưng đây cũng là cơ hội để suy tư sâu xa, và xét mình.”[3].
Thứ đến, Giáng Sinh về, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy chiêm ngắm sự khiêm nhường của gia đình Thánh Gia. Một gia đình hết sức khiêm nhường. Mẹ Maria thì suy đi nghĩ lại trong lòng, không khoe khoang, lên mặt với ai, dẫu biết rằng trong nhà mình có Hài Nhi Giêsu là Chúa các chúa, Vua các vua. Ngài là Chúa Tể trời đất. Với thánh Giuse, người là đấng Công Chính, luôn âm thầm và sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Còn Chúa Giêsu, Người đã tự hạ, trở nên Ngôi Lời, tức Thiên Chúa- người, để ở với và sống cùng chúng ta. Một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo mỗi khi chiêm ngưỡng hang đá. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Vào cuối một năm cam go về kinh tế đối với nhiều người, chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ sự khiêm hạ, nghèo khó, đơn sơ của cảnh tượng hang đá máng cỏ”[4].
Tiếp theo, khi chúng ta mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa Cha đổ tràn cho nhân loại qua Con Một của Người. Đồng thời chúng ta cũng phải chia sẻ tình thương đó cho mọi người. Noi gương Mẹ Maria trong việc thăm viếng bà Elizabetl, Mẹ có Chúa, Mẹ mang Chúa đến cho người khác, Mẹ chấp nhận gian nan đau khổ chỉ vì yêu, miễn sao tình yêu được chia sẻ và người đón nhận được bình an và hạnh phúc.
Như vậy, đón mừng lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng ta hãy tiếp tục sống tinh thần Mùa Vọng là hoán cải, sửa sang tâm hồn bên trong hơn là bề ngoài. Đến với Chúa bằng tấm lòng đơn sơ khiêm nhường. Chiêm ngắm gia đình Thánh Gia bằng con mắt đức tin. Và, sống mầu nhiệm Giáng Sinh bằng tinh thần tự hủy, liên đới và yêu thương.
Mong thay, mỗi dịp Giáng Sinh về, lời thiên sứ loan tin cho các mục đồng khi xưa lại vang vọng và đọng lại trong tâm hồn mỗi chúng ta. Lời đó là lời vui mừng - bình an – yêu thương.
Thiết nghĩ, qua những gì vừa chia sẻ, chúng ta hãy làm mới lại tất cả những cung cách, tinh thần mỗi khi cử hành phụng vụ, để trong khi cử hành thánh đó, chúng ta đụng chạm được thực sự đến Thiên Chúa, Một Thiên Chúa – người. “Lễ Giáng Sinh có thể là một thời điểm trong đó chúng ta học cách đọc Tin Mừng, để biết Chúa Giêsu, không những như một hài nhi trong máng cỏ, nhưng còn như một Đấng qua đó chúng ta nhận ra Thiên Chúa làm Người”[5].
Kết thúc bài viết này, xin mượn lời của Đức hồng y Oswald Gracias, Chủ tịch FABC đã trả lời phỏng vấn của WHĐ để tôi và bạn cùng nhau suy tư, cầu nguyện và sám hối khi chúng ta đón mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh. Ngài nói: “Giáo hội tại Việt Nam cần tập trung vào việc huấn luyện đức tin, mọi người cần hiểu biết về Tin Mừng nhiều hơn, tham dự Phụng vụ cách sống động hơn. Cần phải tập trung để đưa Thiên Chúa trở về với cuộc sống, để đương đầu với những thách đố đến từ bên ngoài”[6].

Jos. Vinc. Ngọc Biển
Nguon: http://thanhlinh.net/node/40522 


[1] Đức hồng y Oswald Gracias, Giáo hội tại Việt Nam cần tập trung vào việc huấn luyện đức tin, truy cập ngày 23-12-2012, trên: http://www.hdgmvietnam.org/%E2%80%9Cgiao-hoi-tai-viet-nam-can-tap-trung-....
[2] Xc. Minh Quý, nghi thức sám hối cộng đồng và thánh lễ tạ ơn 45 năm linh mục của Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, truy cập ngày 23-12-2012, trên: http://tonggiaophanhanoi.org/tin-tuc/tin-giao-phan/4708-nghi-thuc-sam-ho....
[3] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, kêu gọi suy tư và xét mình nhân lễ Giáng Sinh, truy cập ngày 23-12-2012, trên: http://tonggiaophanhanoi.org/tin-tuc/tin-tong-hop/4713-duc-thanh-cha-keu....
[4] Ibid.
[5] Ibid.
[6] Đức hồng y Oswald Gracias, Giáo hội tại Việt Nam cần tập trung vào việc huấn luyện đức tin, truy cập ngày 23-12-2012, trên: http://www.hdgmvietnam.org/%E2%80%9Cgiao-hoi-tai-viet-nam-can-tap-trung-....


TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ CHÚA


Lời phát biểu được tuyên bố long trọng, diễn tả sự hối tiếc những gì tiếp theo. Lời đó nói là lau nước mắt cá sấu, giới thiệu câu nói đó với công chúng là không vui vẻ gì, nhưng điều đó đã được thực hiện. Lời đó tuyên bố rằng ĐGH Gioan-Phaolô II là một giáo hoàng kinh khủng (terrible pope) và không nên gọi là chân phước (blessed).
Với cách mở đầu như vậy khiến tôi đọc tiếp. Sự thật khủng khiếp đó có được biểu lộ cách coi một người quá đáng kính là thánh? Không: Chỉ là sửa đổi những lời phê bình đã có trong những năm qua. Chủ yếu trong những điều này là ĐGH Gioan-Phaolô II quá thân thiện với những niềm tin khác: Thậm chí ngài đã kêu gọi mọi người trong các tôn giáo khác cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình – ở cùng một vị trí, cùng một thời điểm! Thật khủng khiếp.
Và còn nữa: Ngài cử hành với loại nhạc kinh khiếp (horrible music) và có vẻ chưa biết về phụng vụ khác thường (liturgical aberrations) xảy ra quanh ngài. Hơn nữa, một số giám mục mà ngài đã bổ nhiệm không sử dụn nhiều.
Sau khi đọc bài đó, tôi cảm thấy bị lừa. Là vậy ư? Đúng là chủ yếu. Có một số ca thán về nhiều thứ khác, nhưng những thứ này thiếu sâu sát nhiều. Lời tố cáo ĐGH Gioan-Phaolô II lạ trở thành điều châm biếm.
Khi ĐGH Gioan-Phaolô II còn sinh thời, tôi vui sống những năm đầu của tuổi trưởng thành, những thập niên đầu của đời sống hôn nhân, tác nghiệp báo chí, nghiên cứu và viết vài cuốn sách. Ngài luôn luôn hiện diện sống động trong thế giới, và dĩ nhiên cả trong đời sống giáo hội. Tại mỗi Thánh lễ, tên ngài trong kinh nguyện đã quen: “Giáo hoàng Gioan-Phaolô II của chúng tôi”. Khuôn mặt ngài chờ đợi, cam đoan, chịu đựng, từ bức hình treo trong trường học hoặc phòng Công giáo, hoặc trên tấm thiệp trong sách nguyện. Ngài là một phần cơ cấu của mọi thứ. Tôi gặp ngài một lần tiếp kiến công chúng, thật phấn kích. Nhưng theo một ý nghĩa khác, ngài chỉ là một vị giáo hoàng – và như vậy tôi chấp nhận ngài vô điều kiện.
Dĩ nhiên, tôi biết – mọi người đều biết – rằng đó là điều khác thường để có một vị giáo hoàng người Ba Lan sau nhiều thế kỷ toàn là giáo hoàng người Ý. Nhưng đó cũng có thể là một thực tế về khuôn mặt làm thay đổi mọi thứ: Trong thời đại đi lại mau chóng và giao tiếp dễ dàng, người Ý không còn thuận lợi về địa lý trong một tổ chức đặt tại Rôma. Các hồng y của nhiều quốc gia đến gặp, đàm đạo, viết và làm việc với nhau. Thật thoải mái khi có một vị giáo hoàng không phải là người Ý, thật thú vị khi có một vị giáo hoàng từ sau Bức Màn Sắt. Nhưng suy cho kỹ thì đó là điều cần thiết và gương mẫu tuyệt vời của Chúa Quan Phòng.
Ngay cả các vụ ám sát có vẻ là sự mạo hiểm giật gân trên tầm vóc quốc tế liên quan con người đã là nhân vật quốc tế lúc đó. Những chuyến đi khắp thế giới của ngài mau chóng thành kiểu mẫu của sự thân thiện: Đến nơi nào ngài cũng quỳ gối và hôn đất, ngài nói với rất nhiều đám đông, ngài cử hành Thánh lễ ở các khu đất trống ngoài trời, ngài gặp gỡ các chính khách và chúc lành cho các em bé.
Trong những năm cuối đời của ngài, tôi mới hiểu rằng ngài sâu sắc và quan trọng hơn tôi hiểu. Đó là một con người dấn thân hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa và muốn những gì Thiên Chúa muốn. Ngài không bị điều khiển bởi các sự kiện thế giới, không sợ tấn kịch nào trên sân khấu thế giới. Không gì là vấn đề. Trong trái tim ngài, mọi thứ đều đơn giản: Thiên Chúa được mạc khải nới Đức Kitô đã thiết lập giáo hội, đồng thời bổ nhiệm thánh Phêrô và những người kế vị, các vị này phả điều gì cho riêng mình và trung thành đến cuối đời.
ĐGH Gioan-Phaolô II đã trở nên vị lãnh đạo tinh thần mà cả thế giới đều nhận biết: Lòng chân thành của ngài minh nhiên, khi ngài kêu gọi hòa bình trong các nước chiến tranh, ngài không do dự khi nói sự thật và xin lỗi về các sai lầm của giáo hội trong những thế kỷ trước. Ngài có vẻ không muốn điều gì thoải mái cho riêng mình: Chỉ có vấn đề là sứ điệp của Chúa Kitô. Như vậy, các thành tựu của ngài, tụ họp một thế hệ mới trong yêu thương để phụng sự Thiên Chúa và giáo hội, khai sinh một cách giao tiếp hoàn toàn mới của sự khôn ngoan về luân lý giới tính, tái tạo sinh lực của giáo hội sau công đồng – bằng những cách bất ngờ.
Ngài lãnh đạo giáo hội bước qua ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới – không chỉ đánh dấu thời gian mà còn làm cho các sứ điệp ăn sâu vào ý thức của giáo hội với niềm đam mê thống hối và canh tân, tái truyền giáo và nhiệm vụ cấp bách.
Ngài giảng dạy, hướng dẫn, điều hành, gợi hứng, thương lượng, xây dựng, khai mở, và đưa ra các dự án tới kết thúc phù hợp. ĐGH Gioan-Phaolô II đã cho chúng ta Ngày Giới Trẻ, đưa hàng triệu người trẻ tụ họp lại với nhau cùng cầu nguyện, học hỏi về chân lý của đức tin Công giáo, và tôn thờ Chúa Kitô trong Bí tích Thành Thể. Ngài khai sinh Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót và ghi lễ này vào lịch của giáo hội. Ngài lần chuỗi Mân Côi, mà người ta khinh suất và cho là lỗi thời, và cho chúng ta thấy sự vĩ đại và vẻ đẹp của chuỗi Mân Côi bằng cách thêm 5 Mầu nhiệm Sự Sáng. Kể từ thánh Phêrô, ngài là vị giáo hoàng đầu tiên vào đền thờ Do Thái, và mở ra một trang sử mới trong quan hệ của giáo hội với người Do Thái. Tông thưVeritatis Splendor đặt ra một thực tế về sự thật luân lý trong thế giới mà ngay cả khái niệm về chân lý cũng được thử thách.
Không hão huyền. ĐGH Gioan-Phaolô II có một bộ óc thông minh, nhưng ngài khiêm nhường và tin vào sứ vụ tông đồ. Ngài có khả năng yêu thương rất nhiều. Ngài khơi gợi lòng trắc ẩn và tình thân hữu: Một cụ già mà vẫn gặp gỡ và đối thoại với giới trẻ, vẫn giữ tình bạn thân với một nhà tư vấn thần học mà ngài quên từ 20 năm trước. Tại đám tang ngài, những từ ngữ đã làm xúc động những trái tim người nghe trên khắp thế giới.
Ngài rất can đảm: Ngài chịu đựng những khó khăn về bệnh tật thể lý và không cho nó ngăn cản ngài làm việc. Ngài không đơn độc trên thế giới: Suốt triều đại giáo hoàng của ngài, có nhiều nhân vật quan trọng giữ vai trò đáng kể trong đời sống cộng đồng. Đầu tiên là nữ thủ tướng Anh, rồi tổng thống Hoa kỳ, tổng thống Nga, Ba Lan,… Nhưng ĐGH Gioan-Phaolô II vẫn có một máy bay khác họ.
ĐGH Gioan-Phaolô II không chỉ là một con người vĩ đại mà còn là người kế vị vĩ đại của thánh Phêrô, và là một con người vĩ đại của Thiên Chúa. Ngài qua đời và không để lại tài sản riêng nào, chiếc quan tài cũng rất đơn giản, vì ngài luôn sống giản dị. Ưu tiên của ngài là Thiên Chúa, cầu nguyện, và công việc được thực hiện do lời cầu nguyện, thực tế yêu thương. Ngài sống với Thiên Chúa, và có thể gọi ngài là được chúc phúc: Ngài là thánh nhân, và từ nay người Công giáo sẽ kêu cầu ngài. Chúng ta là những người sống trong thời đại của ngài và được đặc ân. Chúng ta biết điều đó. Giáo hoàng là tôi tớ của các tôi tớ. Chính ĐGH Gioan-Phaolô II đã thực hiện đúng như vậy.

Tác giả Joanna Bogle (TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ InsideCatholic.com))

http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=16802