BÀN VỀ THẦN QUYỀN CHÍNH TRỊ


Dựa theo chiếu chỉ Milan năm 313, Giáo hội không những được thu nhận lại tất cả của cải của mình bị tịch thu trong thời gian bị bách hại, nhưng còn thêm đặc quyền thu nhận gia sản. Bắt đầu từ đó, Giáo hội được xem như có uy tín trên tất cả các hoàng đế và tất cả các nước, quyền giáo hoàng được gia tăng. Giáo hoàng trở thành tôn sư trong khắp Nước Kitô. Nghĩa là quyền lãnh đạo của ngài ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong thời Trung Cổ. Thế nhưng, trong sự hùng mạnh đó không chỉ làm cho Kitô giáo ngày càng lan rộng và ảnh hưởng trên tất cả cuộc sống của mọi tầng lớp và giai cấp thời bấy giờ, song bên cạnh đó còn có những ảnh hưởng không tốt mang đến cho Giáo hội khi các chức sắc quá lạm quyền trong việc cai trị.
Với đề tài “Lợi và hại của thần quyền chính trị”, người viết xin đề cập đến những vấn đề sau: Thứ nhất, cần nói đến “Mặt hại của thần quyền chính trị”; thứ đến, xin đề cập đến “Mặt lợi của thần quyền chính trị”; và sau cùng, người viết xin đóng góp vài “Nhận định”.
1.    Mặt hại của thần quyền chính trị
Khi Nước Kitô được lan rộng và có ảnh hưởng trên toàn thể Tây Âu, và được xem như một đại gia đình con cùng một Cha trên trời. “Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một giai đoạn lịch sử của Giáo hội lữ hành. Không nên lý tưởng hóa quá độ. Như chúng ta sẽ thấy, không phải lúc nào các tín hữu Trung Cổ cũng sống và cư xử theo Tin Mừng.”[1] Vì thế, khi thần quyền được gia tăng thì việc lạm quyền cũng được thi thố, và có những lúc xem ra không còn sống theo Phúc Âm nữa. Đó chính là những cuộc triệt hạ và thi hành án tuyệt thông lẫn nhau. Những cuộc tuyệt thông như thế không giải cứu được tình thế, thậm chí lại mang đến những hậu quả không tốt. Ví dụ, như cuộc chiến đầy căm go giữu vua Henri IV và đức Grêgôriô VII. “Đức Grêgôriô VII phạt vạ tuyệt thông vua Henri IV, và vua phải nhẫn nhục giữa đêm đông giá rét đến xin giáo hoàng giải vạ tại Canossa (1077). Nhưng sự nhẫn nhục đó không phải là một sự tuân phục đức giáo hoàng thực sự. Vì năm 1080, vua Henri vận động các giám mục Đức Ý bầu giáo hoàng giả Clêmente III, vây hãm thành Rôma suốt ba năm rồi chiếm đống. Đức Grêgôriô VII phải ẩn náu trong đồn Thiên Thần, rồi lưu lạc và qua đời tại Salermo năm 1085.”[2] Những cuộc Thập Tự Chinh tàn sát nhóm Albigeois làm điêu đứng cả miền Nam nước Pháp (1209-1229). Những giàn hỏa thiêu được dựng lên như nấm, bắt đầu từ năm 1017. Pháp đình tôn giáo (Inquisition) được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX (1227-1241) thiết lập. Đầu thế kỷ XIII cả miền nam nước Pháp bị tàn sát vì tội đồ lạc giáo: Albigeois, Catharer, Waldenser... Một bầu khí sống trong lạm quyền đã dẫn đưa các chức sắc trong Giáo hội đi đến một ảo vọng quyền lực. Họ nghĩ đó là con đường ngắn nhất để đưa Giáo hội phát triển và phồn thịnh, mà quên sống theo Tin Mừng. Thế nhưng, đó lại là một mối nguy hại cho việc lãnh đạo của họ, vì Đức Kitô đã nói “Nước Ta không thuộc thế gian này” (Mt 20,25).
Những sự kiện đó cho chúng ta thấy rằng, vì quá lạm dụng vào chức vị và danh vọng nên đã biến quyền cai quản Giáo hội thành thần quyền chính trị để thay vì hướng dẫn Giáo hội sống theo Tin Mừng của Đức Kitô thì lại lo tranh dành quyền bính và loại trừ nhau.
2.    Mặt lợi của thần quyền chính trị
Trong lúc thế mạnh thần quyền ảnh hưởng khắp cả vùng Châu âu, đó cũng lúc vương quốc Kitô giáo được lan rộng. Đồng thời Kitô giáo cũng được tự do sinh hoạt. Khi ưu thế thần quyền được gia tăng, nhân danh ưu thế thiêng liêng, Giáo hoàng can thiệp vào các vấn đề chính trị khi ơn cứu đội của các Kitô hữu bị nguy hiểm vì tội lỗi. Ngài cũng can thiệp vào các trường hợp khẩn cấp khi các vua chúa không có cấp trên theo cấp bậc phong kiến.
Hãy đổ rượu mới vào bầu da mới (Lc 5,38). Trong bối cảnh lịch sử thời Trung Cổ, niềm tin các tín hữu không chỉ chịu tác động từ bên ngoài. Tin Mừng vẫn không ngừng thúc bách những người thời đại, khởi từ những cảm hứng Tin Mừng, góp phần xây dựng tòa nhà văn minh Trung Cổ đặc biệt về văn hóa nghệ thuật.[3] Trong khi các vị Giáo hoàng chỉ lo tranh giành quyền lực, các giám mục chạy theo các vua chúa: tất cả chỉ tìm sự xa hoa hơn là phục vụ theo tinh thần Tin Mừng. Trong hoàn cảnh sa đọa như thế, Thiên Chúa đã không bỏ rơi đàn chiên. Chính vì thế, Ngài đã cho Giáo hội sinh những hoa trái tốt lành, để không những cũng cố và đưa Giáo hội trở về với cuộc sống theo Tin Mừng đích thật, mà còn nới rộng Nước Chúa bằng những gương lành. Những hoa trái đó phải kể đến những Dòng Hành Khất, như: Đa Minh, Phanxicô, Carmelô, Ẩn sĩ Augustin đã xuất hiện đúng lúc, và đã đáp ứng nhu cầu thời đại của Giáo hội. Những dòng ra đời cùng chung một nỗi khát khao là: Hội Thánh quay về với đức khó nghèo của Chúa Kitô. Là những thành phần nòng cốt cho Giáo hội, họ đảm nhận nhiều công việc khác nhau, như văn hóa, tri thức và truyền giáo. Đến thế kỷ XIII, người ta bắt đầu suy nghĩ về nền tảng đức tin (Thánh Kinh và Thánh Truyền) để có thể hiểu sâu các lý luận. Từ đó phát sinh thuật ngữ “Kinh Viện”, tức là người ta cố gắng tạo một cái nhìn thống nhất trong đó khoa học và đức tin, lý trí và mặc khải gặp nhau một cách hòa hợp. Về sau có nhiều đại học và đảm nhiều nhiều lĩnh vực chuyên khoa, hầu giúp mở mang kiến thức cho giáo dân thời bấy giờ.
Nói chung,
những hoa trái ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh giữa những tu sĩ dòng Phanxicô (Bônaventura) và tu sĩ dòng Đa Minh với những gương mặt lớn như Albertô và học trò của ngài là thánh Tôma. Kinh viện là điểm căn bản nền tảng cho triết và thần học Kitô giáo kéo dài cho đến ngày hôm nay. Đây là thành quả lớn, và là kho tàng quí báu để lại cho Giáo hội và cho các thế hệ mai hậu.
3.   Nhận định
Qua việc trình bày lợi và hại của thần quyền chính trị, người viết nhìn thấy một số vấn đề cần phải đào sâu thêm rằng: Binh Thánh giá có cần thiết hay không? Trấn áp lạc giáo như thế có đi đúng Tin Mừng hay chưa? Và tại sao các Dòng Hành Khất có vai trò quan trọng trong Giáo hội Trung Cổ? Có thể nói được rằng, mọi sự kiện nó tùy thuộc vào thời cuộc và hoàn cảnh lúc đó. Nếu không có các cuộc Binh Thánh giá và những cuộc trấn áp lạc giáo thì sao biết được những sai lệch trong Giáo hội. Nếu thời đó các Giáo hoàng không hành xử như thế thì các ngài đã thi hành đúng chức vì của mình hay chưa và Giáo hội sẻ như thế nào.[4] Đồng thời, nếu không có những cuộc xem ra không thực thi đúng Tin Mừng thì chắc gì Giáo hội đã có những hoa trái lớn (các Dòng Hành Khất) như thế. Bởi thế, cuộc sống lữ hành là cùng giúp nhau tiến về Vương Quốc Thiên Chúa. Nhưng trên con đường tiến về, nhiều lúc lại có những khúc ngoặt hay đêm đen đã làm nhiễu và ngăn trở hành trình của chúng ta. Thế nhưng, Thiên Chúa không bao giờ thất bại trước những mưu mô và khôn ngoan của trần gian. Chính vì vậy, những thời kỳ xem ra rất đen tối đối với Giáo hội, thì lúc chính Thiên Chúa lại dùng những khuôn mặt lỗi lạc, những tư tưởng lớn hay những lối sống thánh thiện để bày tỏ vinh quang của Ngài, biểu hiện sự chiến thắng và sự thật của Ngài được lan rộng khắp Châu âu.
Tóm lại, nếu quá lạm quyền thì thần quyền chính trị sẽ làm cho con người xa lia Tin Mừng. “Tuy nhiên, thời bị coi là đen tối và nhiễu loạn đó lại chính là thời uy quyền của Thiên Chúa được sáng tỏ hơn hết trong Giáo hội: hàng giáo phẩm, giáo sĩ có uy tín và can đảm bảo vệ đức tin; giáo dân nhiệt thành sống đạo; hàng tu sĩ dấn thân phục vụ Dân Chúa. Đó là kết quả tinh thần Kitô giáo đã ảnh hưởng thâm sâu vào đời sống xã hội thời Trung cổ.”[5]



[1] Đào Trung Hiệu O.P, Cuộc Lữ Hành Đức Tin I, 2008, tr 80
[2] Ibid, tr 82
[3] Đào Trung Hiệu O.P, Cuộc Lữ Hành Đức Tin I, 2008, tr 100
[4] Xc.Bùi Đức Sinh O.P, Lịch sử Giáo hội Công giáo, Phần I, Chân Lý, Saigon, 1972, tr 288
[5] Ibid, tr 329