Công đồng Vatianô II đã tuyên bố rằng:
Giáo hội là Dân Thiên Chúa. Mà Dân Thiên Chúa là một dân có tổ chức, là một cộng
đoàn chứ không phải là một đám đông hỗn hợp, trong đó có quyền bính được thi
hành trong Giáo hội và trên Giáo hội do các Tông đồ và được tiếp nối bởi các
Giám mục, là những người kế vị các Tông đồ. Quyền bính đó không tự các Tông đồ
có được, nhưng là do Chúa Ki-tô trao ban cho các Tông đồ, nhằm để phục vụ Nước
Trời, cùng với sự cộng tác của Linh mục và Phó tế. Thật vậy, Công đồng Vaticanô
II khẳng định: “Để chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Chúa Ki-tô
đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo hội hầu mưu ích cho toàn thân. Thực
vậy, các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình, để
mọi người thuộc Dân Thiên Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Ki-tô hữu sẽ đạt đến
phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến tới cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự”.[1]
Giáo phận là
một phần Dân Chúa được giao phó cho một giám mục chăm sóc, với sự cộng tác của Linh
mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua Ngài, giáo phận được
quy tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo Hội
riêng biệt, trong đó Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền của
Chúa Ki-tô hiện hữu và hành động thực sự".[2]
Trong phạm vi đề
tài, nhóm xin được trình bày mối tương quan giữa Giám mục và Linh mục qua các
phần như sau:
I. BẢN CHẤT CỦA CHỨC GIÁM MỤC VÀ LINH MỤC
Trước tiên, để tìm hiểu bản chất của Giám mục và Linh mục, chúng ta xem một
số đoạn Kinh Thánh liên quan đến chức Giám mục và Linh mục. Thánh Phaolô nói với
Ti-mô-thê môn đệ của mình: “Tôi nhắc anh
phải khơi lại đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt
tay trên anh” (2Tm 1,6) và “Ai
mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao cả” (1Tm
3,1). Ngài cũng nói với Ti-tô: “Tôi đã để
anh ở lại đảo Kê-ta, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những
kỳ mục trong mỗi thành như tôi đã truyền cho anh” (Tt 1,5). Còn trong 1Tm
5,22: Thánh Phao-lô nhắc nhở môn đệ
Ti-mô-thê cẩn thận trong việc đặt tay để chỉ định giám quản.
Đức Ki-tô đã kêu gọi
đến với mình những kẻ Người muốn và thiết lập mười hai vị để chung sống với Người
cùng sai họ đi rao giảng nước Thiên Chúa. Người tổ chức cho các Tông đồ theo
hình thức cộng đoàn và đặt Phê-rô làm đầu. Nhờ tham dự vào quyền bính của Người,
các Tông đồ làm cho mọi dân tộc nên môn đệ Người cùng thánh hóa và điều khiển họ.
Như thế, dưới sự hướng dẫn của Đức Giê-su Ki-tô, các ngài mở mang và chăn dắt Giáo
hội bằng việc phục vụ mọi ngày cho đến tận thế. Để sứ mạng được tiếp nối sau
khi các Tông đồ qua đời, nên các ngài đã ủy thác và ban quyền cho các cộng sự
viên trực tiếp của mình nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi
sự. Có nhiều thừa tác vụ khác nhau được thi hành trong Giáo hội từ buổi sơ
khai. Theo chứng từ của Truyền thống, thừa tác vụ chính yếu là thừa tác vụ của
những vị đã được bổ nhiệm lên chức Giám mục, nhờ liên tục kế vị từ buổi ban đầu.
Như thế, theo chứng tích của thánh I-rê-nê, Truyền thống tông đồ được biểu hiện
trên khắp hoàn cầu và được bảo tồn nhờ những đấng được các Tông đồ đặt làm Giám
mục và các vị kế nghiệp các ngài cho đến ngày nay.
Đức Ki-tô hứa Người
ở cùng các môn đệ cho đến tận thế. Và Thánh Thần được trao ban để các Tông đồ,
những người kế vị, cùng các cộng sự viên của các ngài có thể chu toàn nhiệm vụ.
Giám mục, Linh mục đều nhận lãnh nhiệm vụ nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh: qua việc
đặt tay của Giám mục và được thánh hiến bởi Thánh Thần và thi hành sứ vụ dưới sự
hướng dẫn của Thánh Thần. Như thế, chúng ta thấy Giám mục và Linh mục được xuất
phát cùng một nguồn gốc từ Chúa Ki-tô; cũng thế, vai trò và nhiệm vụ của các
ngài là nhằm để phục vụ Giáo hội với tư cách là đại diện Chúa Ki-tô. Đồng thời,
các ngài cũng được đặt tay và lãnh nhận các nhiệm vụ do việc đặt tay, cùng được
thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần và cùng thi hành sứ vụ trong vai trò đại diện
Chúa Ki-tô.
Như thế, Giám mục
và Linh mục với chức tư tế thừa tác, các ngài cùng có những trách nhiệm: Thánh
hóa, giảng dạy và cai quản nhân danh Chúa Ki-tô. Để vấn đề được rõ ràng và cụ
thể hơn, chúng ta cùng tìm hiểu vài tương quan qua vai trò của các ngài.
II. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN
Nhờ việc phong chức thánh, một số Ki-tô hữu được đặt lên nhân danh Đức Ki-tô
và được lãnh nhận ơn Thánh Thần để chăn đắt Giáo hội bằng lời và ân sủng của
Thiên Chúa.[3]
Thừa tác vụ của Hội thánh do chính Chúa thiết lập và do các Tông đồ truyền lại
có ba cấp bậc: Giám mục, Linh mục và Phó tế.[4] Đó
chính là những cấp bậc chính yếu của phẩm trật trong Giáo hội. Ở đây, chúng tôi
chỉ xin đề cập đến mối tương quan giữa Giám mục và Linh mục mà thôi.
Các giám mục có sự viên mãn của bí tích truyền chức, trở nên những thầy dạy
đức tin, thượng tế và mục tử thực thụ và chính thức. Các ngài có nhiệm vụ rao
giảng Lời Chúa, thánh hoá dân Thiên Chúa bằng cách cử hành bí tích, nhất là Hy
tế Tạ ơn, trao các nhiệm vụ thánh và ban hành kỷ luật về cử hành phụng vụ và bí
tích, đồng thời các ngài cũng làm phát triển, bảo vệ đạo lý, tránh những lầm lạc,
những vấn đề đức tin và luân lý.[5]
Các linh mục, cũng nhờ sự thánh hiến của bí tích truyền chức, liên kết với
Giám mục trong chức tư tế và tuỳ thuộc vào ngài khi thi hành các phận vụ nói
trên.[6] Trong
lời nguyện Tông truyền đã nói rõ vai trò và nhiệm vụ của các ngài như sau: Giờ đây xin cũng nhìn đến tôi tớ Cha, người
được đưa vào hàng linh mục do việc tuyển chọn và quyết định của toàn thể giáo
sĩ, xin ban tràn đầy Thần khí ân sủng và dạy dỗ trên tiến chức này, để người
giúp đỡ và quản trị dân Cha với tâm hồn trong sạch, cũng như Cha đã nhìn đến
Dân Cha tuyển chọn và truyền cho ông Môisê tuyển chọn những kỳ mục để Cha ban đầy
tràn thần khí Cha trên họ.
Tóm lại, tương quan giữa Giám mục và Linh mục trong phẩm trật được thể hiện
rõ nét qua cùng một nguồn gốc từ Đức Ki-tô, cùng trách nhiệm là rao truyền,
thánh hóa và cai quản Dân Chúa. Bên cạnh đó cũng có sự khác nhau về mức độ tham
gia vào bí tích truyền chức. Giám mục lãnh nhận chức linh mục cách trọn vẹn và
hoàn hảo, còn Linh mục tham gia một phần vào chức linh mục. Nghĩa là trách nhiệm
tham dự của Giám mục và Linh mục khác nhau về chức tư tế của Chúa Ki-tô. Điều
đó được thể hiện qua nghi thức thụ phong và lời nguyện thánh hiến.
Giờ đây, chúng ta thử
tìm hiểu những mối tương quan trong sứ vụ giữa Giám mục và Linh mục.
1.Tương
quan trong sứ vụ
1.1.Tư
tế
Giám mục,
bởi nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh cách viên mãn, là "người quản lý
ơn sủng của chức Linh mục tối cao", nhất là trong hy lễ tạ ơn do chính
ngài dâng hoặc lo liệu cho có lễ dâng, nhờ đó Giáo hội luôn sống động và tăng
triển. Qua việc tấn phong, Giám mục nhận lãnh sự trọn vẹn của thiên chức Linh mục.
Toàn thể Dân Chúa là dân tư tế nhờ phép rửa, nhưng Đức Giêsu đã thánh hiến cách
đặc biệt những người mà ngài đã chọn lên chức Giám mục để phục vụ Ngài, để họ
trở thành những đại diện hữu hình cho chức Linh mục tối thượng của Ngài. Chính nhờ
các bí tích mà hành động tư tế của Đức Giêsu đến được với chúng ta, thì các Giám
mục là những thừa tác viên chính của các bí tích. Nếu khi thi hành sứ vụ, các Giám
mục cần đến những người trợ giúp là những người thông phần vào chức Linh mục của
mình, thì trật tự bí tích vẫn thuộc thẩm quyền và tuỳ thuộc vào các ngài. Thánh
I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a nói rằng, không có bí tích Thánh Thể hợp pháp ngoài
Thánh Thể được cử hành dưới sự chủ toạ của Giám mục hoặc những người mà Giám mục
uỷ thác” (Smyrn,8,1). Bởi thế, việc ban cho các Linh mục những gì cần thiết để
hoàn thành nhiệm vụ riêng của mình thì đó là điều tuỳ thuộc vào Giám mục. Bên cạnh
đó, với chức tư tế, Giám mục là thừa tác viên thông thường của một số bí tích
như Thêm Sức hay Truyền Chức Thánh.
Còn Linh mục, dù
không có quyền tư tế tối cao và tùy thuộc hoàn toàn vào Giám mục khi thi hành quyền bính, hơn nữa cùng hiệp nhất với Giám mục
trong tước vị Linh mục để thi
hành chức tư tế đã được lãnh nhận. “Là thừa tác viên lo việc phụng tự, nhất là trong Hy Tế Thánh Lễ,
các Linh mục là hiện thân của Đức Ki-tô, Đấng đã tự hiến chính mình làm hy vật
thánh hóa nhân loại; và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài
đang thi hành”.[7]
Hơn nữa Công đồng Vaticanô II cũng nhấn mạnh rằng: “Tất cả các Linh mục, hiệp
nhất với các Giám mục, đều tham dự cùng một chức tư tế và thừa tác vụ duy nhất
của Chúa Ki-tô”.[8]
Như thế, ngoài chức tư tế cộng đồng nhờ phép Rửa, Giám mục và Linh mục đều là
những tư tế thừa tác được Thiên Chúa tuyển chọn, là hiện thân của Đức Ki-tô. Vì
vậy, “Giám mục và Linh mục là những tư tế thừa tác không những có nhiệm vụ đóng
vai trò Đức Ki-tô, Thủ Lảnh của Hội Thánh, trước cộng đoàn tín hữu, mà còn hành
động nhân danh Hội Thánh, khi dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện Hội Thánh, nhất
là khi cử hành thánh lễ”.[9]
1.2.
Ngôn Sứ
Công đồng Vaticanô II xác
định rằng: Đức Ki-tô, Đấng Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian (Ga 10,36)
nhờ các Tông đồ, đã làm cho những người kế vị các ngài, tức là các Giám mục,
được tham dự vào việc thánh hiến và sứ mạng của mình. Sau đó, các Giám mục lại
giao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Giáo
hội theo từng cấp bậc.[10] Vì thế,
“việc rao giảng Phúc Âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu
của Giám Mục, Giám Mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới
về với Chúa Ki-tô, Giám Mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền
của Chúa Ki-tô, giảng dạy cho những kẻ được trao phó cho các Ngài, một đức tin
phải được xác tín và phải được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức
tin đó bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các Ngài rút ra những cái mới cái cũ
trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt 13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái và
luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đàn chiên mình (2Tm 4,1-4)”.[11]
Cũng như Giám mục, đối với
Linh mục, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là rao truyền lời Chúa. Thực vậy, chính
nhờ lời Chúa qui tụ Dân Chúa quanh bàn thờ. Cũng chính nhờ lời giảng dạy mà các
Linh mục thực hiện nhiệm vụ truyền giáo chính yếu của ngài. Đàng khác, khi việc
rao truyền lời Chúa chưa thể thực hiện được, thì chính đời sống gương mẫu và
gương sáng các ngài giữa lương dân đã là một cách thế rao truyền lời Chúa.
Do đó, các Linh mục hiệp
thông với Giám mục trong chức vụ thừa tác. Hơn nữa, Linh mục là những cộng tác
viên đắc lực của Giám mục, làm thành một linh mục đoàn duy nhất có nhiệm vụ rao
giảng lời Chúa. Thuộc quyền Giám mục, Linh mục được trao nhiệm vụ trực tiêp
hướng dẫn và giảng dạy cho đoàn chiên hiểu và thấm nhuần lời Chúa.
1.3.Vương Đế
Thánh Công Đồng dạy rằng, khi được tấn
phong, các Giám mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích Truyền Chức Thánh mà tập
tục phụng vụ Giáo hội và các thánh Giáo phụ gọi là chức tư tế tối cao và nhận
lãnh thực tại trọn vẹn của thừa tác vụ thánh. Việc tấn phong Giám mục trao ban
nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị. Tuy nhiên các nhiệm
vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông phẩm trật với Đức
Giáo Hoàng và với các anh em trong Giám mục đoàn.[12]
Mỗi Giám mục được đặt làm thủ lãnh một Giáo
hội địa phương, thực hành quyền mục vụ trên phần Dân Thiên Chúa được giao phó
cho mình, chứ không được thực hành quyền mục vụ trên các Giáo hội địa phương
khác hoặc Giáo hội phổ quát.[13] Khi đề cập đến chức năng
vương đế, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc lãnh đạo. Thế nhưng, là đại diện
và sứ giả của Đức Ki-tô, các Giám mục điều khiển Giáo hội địa phương mà Chúa đã
ủy thác bằng lời khuyên bảo, gương lành và còn bằng uy quyền thánh chức nữa. Thực
vậy, các ngài chỉ sử dụng quyền bính này để xây dựng đoàn chiên trong chân lý
và thánh thiện, khi tâm nguyện rằng: “kẻ
cao trọng hãy nên như kẻ rốt hết, người làm chủ hãy nên như người tôi tớ”
(Lc 22, 26-27).[14]
Thế rồi, các Giám mục lại giao trách nhiệm
của thừa tác một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Giáo hội của mình mà cụ
thể ở đây là các Linh mục. Các Linh mục là cộng sự chủ chốt của Giám mục. Bởi
vì nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, Linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Ki-tô,
Thầy cả thượng phẩm vĩnh viễn, để rao giảng Phúc âm, chăn dắt tín hữu và cử
hành phụng tự Thiên Chúa.[15] Là cộng sự viên khôn
ngoan, Linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa. Các ngài hợp với Giám mục
của mình và tạo thành Linh mục đoàn duy nhất với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Như
thế, xét theo sứ vụ vương đế, “các Linh mục được tham dự vào việc điều hành mục
vụ của Giám mục, và theo phạm vi quyền hạn của các ngài mà hành xử nhiệm vụ của
chính Chúa Ki-tô”.[16]
Tóm lại, Giám mục
và Linh mục có chung nhiệm vụ: Chăn dắt và nêu gương cho đoàn chiên (Cv
20,17-28, 1Pr 5,1-4; 1Tm 3,1-7); gắn bó với đạo lý lành mạnh và khuyên nhủ mọi
người sống trung thành với giáo lý (Tt 1,5-9) và bảo vệ đoàn chiên trước những
lý thuyết sai lạc (2 & 3 Ga).
2. Tương quan trong tình huynh đệ
Tất cả các Linh mục, hiệp nhất với các Giám
mục, đều tham dự cùng một chức Linh mục và thừa tác vụ duy nhất của Chúa Ki-tô;
cho nên, chính tính cách duy nhất của việc tấn phong và sứ mệnh đòi phải có sự
hiệp thông phẩm trật giữa các ngài và Giám mục.[17] Đôi khi mối hiệp thông đó
được biểu hiện một cách rất cao đẹp trong việc cùng cử hành phụng vụ, và một
cách minh nhiên trong khi cử hành Tiệc Thánh Thể. Do đó, vì ơn Chúa Thánh Thần
ban cho các Linh mục khi lãnh nhận Chức Thánh, các Giám mục phải coi các ngài
như những trợ tá và cố vấn cần thiết trong thừa tác vụ, cũng như trong chức vụ
dạy dỗ, thánh hóa và chăn dắt dân Chúa.[18] Giám mục phải xem các
Linh mục, những cộng sự viên của mình như thể bạn hữu, như Đức Ki-tô không còn
gọi môn đệ là tôi tớ nhưng là bạn hữu (Ga 15,15). Do đó, tất cả các Linh mục,
triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, luôn gắn kết với Giám mục
đoàn và tùy theo ơn gọi và ân sủng mà phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo hội.[19]
Trong huấn từ dịp Ad Limina 2002, Đức
Gioan Phaolô II đã khuyên các Giám mục Việt Nam hãy luôn gần gũi hơn với các Linh
mục, quan tâm tới đời sống hàng ngày của họ, để nâng đỡ họ và đồng hành cùng họ,
nhất là khi họ gặp thử thách vì thi hành sứ vụ; cung cấp cho họ một sự đào tạo
thiêng liêng thích nghi với những thách đố trong việc truyền giáo mà họ phải đối
diện.[20] Các Giám mục nên đi bước
trước trong cuộc đối thoại thân hữu và thường xuyên với các Linh mục trẻ, để họ
có thể cởi mở và chân thành bàn cãi cách riêng tư, với sự hướng dẫn từ phụ của Giám
mục, về công việc, thành công và thất bại, kế hoạch và vấn đề, và về đời sống
thiêng liêng của họ nữa. Đối với những Linh mục về hưu, Giám mục cần quan tâm
thăm hỏi các ngài, động viên các ngài; mặt khác còn chăm lo bệnh tật và cung cấp
tài chánh để nuôi dưỡng các ngài cách chu đáo.
Hơn nữa, đức
Giám Mục là hiện thân của Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm, hiện diện giữa loài
người để phục vụ Dân Chúa cùng với sự phụ tá của các linh mục và các thành phần
khác trong giáo dân. Do đó, Đức Giám Mục cần nhìn nhận các linh mục là anh em
và bạn hữu, hết sức lo lắng đến ích lợi của họ. Đối lại, các cộng sự viên của
giám mục phải kính trọng, vâng phục và giúp đỡ Đức Giám Mục trong tinh thần hiệp
thông sâu sắc, đặt lợi ích dân Chúa hơn lợi ích riêng tư.[21]
Tình huynh đệ linh mục và sự thuộc về linh mục đoàn là những yếu tố đặc trưng của
linh mục. Do đó, các linh mục giáo phận đều thuộc về linh mục đoàn giáo phận.
Các ngài phải tìm thấy nơi linh mục đoàn những phương thế đặc thù, nên thánh và
rao giảng Phúc Âm, ở đó linh mục phải được giúp đỡ để lướt thắng những khó khăn
của đời sống linh mục. Các ngài cần tránh mọi hoạt động lẻ loi đơn độc.
3.
Tương quan giữa Linh mục dòng với Giám mục
Các Linh mục dòng
cũng nhận lãnh thừa tác vụ Linh mục do bởi Bí tích Truyền Chức từ các Giám mục,
như thế, họ cũng cần phải kính trọng và vâng phục Giám mục giáo phận.[22] Và, nhất là Linh mục dòng sống và làm việc trong
một Giáo hội địa phương, với một tước hiệu khác, cũng thông phần vào Linh mục
đoàn duy nhất, dưới sự hướng dẫn của Giám mục giáo phận. Các đặc sủng riêng biệt
và đa dạng của họ vừa mời gọi, động viên các Linh mục tấn tới trong nỗ lực thấu
hiểu chức Linh mục, và sát cánh với các Giám mục trong việc đào tạo thường kỳ. Giám
mục giáo phận luôn tôn trọng tính chất đặc thù của từng Hội Dòng và cũng như truyền
thống tu đức. Ân huệ dòng tu trong cộng đoàn giáo phận nới rộng chân trời làm
chứng Ki-tô giáo và bằng nhiều cách, góp phần làm cho nền tu đức Linh mục nên
phong phú. Ân huệ dòng tu đóng vai trò ấy, đặc biệt trong những gì liên can đến
tương quan thoả đáng và ảnh hưởng hỗ tương giữa những giá trị của Giáo hội địa
phương với những giá trị của toàn thể Dân Chúa. Về phía mình, các Linh mục dòng
phải chú tâm duy trì một tinh thần hiệp thông với Giáo hội thật sự, cách riêng
là với Giám mục, đặc biệt trong việc mục vụ các Linh mục dòng phải tuân theo
qui định và sự vận hành của giáo phận, cụ thể là theo hướng dẫn của Giám mục, bằng
cách tự nguyện hiến dâng đặc sủng riêng của mình hầu xây dựng Giáo hội trong đức
ái.
Ví dụ cụ thể: Dòng
Truyền Giáo Ngôi Lời (SVD) muốn đến hiện diện tại một giáo phận nào đó, trước
tiên, vị bề trên dòng phải làm việc với Giám mục giáo phận đó, đồng thời được
ngài cho phép dòng hiện diện. Sau đó vị bề trên mới gửi Linh mục của mình tới
và giới thiệu với Giám mục giáo phận. Tiếp đến, vị Linh mục tiếp nhận nhiệm vụ
và những chỉ dẫn từ Giám mục giáo phận mà mình thi hành sứ vụ. Khi ra làm công
việc mục vụ, vị Linh mục này hoàn toàn thi hành và thực hiện những gì mà Giám mục
đã trao quyền. Cụ thể trong việc cử hành các bí tích, giảng dạy hay hướng dẫn
các đoàn thể phải tuân theo chỉ dẫn của Giám mục.
Như vậy, các Linh mục triều cũng như dòng với ý thức, vì
các Giám mục lãnh nhận sung mãn Bí tích Truyền Chức Thánh, là đấng bản quyền,
nên phải tôn trọng các ngài quyền bính của Chúa Ki-tô, vị Chủ Chăn tối cao. Các
Linh mục phải kết hiệp với Giám mục bằng tình thương yêu chân thành và lòng
vâng phục. Ðược thấm nhuần tinh thần cộng tác, đức vâng phục được đặt nền tảng
trên chính việc tham dự vào thừa tác vụ của Giám mục, mà các Linh mục đã lãnh
nhận khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh và bài sai do đức Giám mục trao.[23]
KẾT LUẬN
Để tiếp nối việc chăn dắt và phát triển
Dân Chúa luôn mãi, Chúa Ki-tô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo hội
hầu mưu ích cho toàn thân. Do đó, các thừa tác viên có sử dụng quyền bính cũng là
nhằm mục đích phục vụ phần rỗi của anh chị em mình, hầu tiến tới cứu cánh trong
tự do và trật tự. Được Chúa Cha sai phái đến trần gian (Ga 10,36), Chúa Ki-tô
qua các Tông đồ đã trao cho các Giám mục, những người kế nghiệp các Tông đồ có
thể tham dự vào sứ mạng của mình. Tiếp đến, các Giám mục lại giao nhiệm vụ thừa
tác của mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Giáo hội theo từng cấp bậc.
Linh mục dù không có quyền tư tế tối cao và tùy thuộc vào Giám mục khi thi hành
quyền bính cũng hợp nhất với Giám mục trong tước vị Linh mục.
Qua những tìm hiểu trên, chúng ta có thể nói, mối tương quan của Giám mục
và Linh mục nói chung không là tương quan phẩm trật thuần túy, nhưng còn tương
quan hiệp thông và nối dài sứ mạng của Chúa Ki-tô. Giám mục đã lãnh nhận việc
phục vụ cộng đoàn với sự giúp đỡ của các Linh mục thuộc quyền. Các ngài đại diện
Chúa Ki-tô, đứng đầu đàn chiên mà các ngài là chủ chăn. Cũng vậy, các Linh mục phải
luôn có tinh thần vâng phục, hợp tác với Giám mục noi gương Chúa Giê-su hằng
vâng lời Chúa Cha. Tất cả những mối tương quan là nhằm phục vụ và cứu rỗi các
linh hồn.
[1] Vaticanô
II, Lumen Gentium, số 18
[3] Nghi thức truyền chức Giám mục, Linh mục và
Phó tế, 1989, số 1
[4] Ibid, số
2
[5] Ibid, số
14; Lumen Gentium, số 24 & 25
[6] Nghi thức truyền chức Giám mục, Linh mục và
Phó tế, 1989, số 4
[7] Vaticanô
II, Presbyterorum Ordinis, số 13
[8] Ibid., số 7
[9] GLHTCG,
số 1552
[10]
Vaticanô II, Lumen Gentium, số 28
[11] Ibid, số 25
[12] Vaticanô
II, Lumen Gentium, số 21.
[13] Ibid.,
số 23.
[14] Ibid., số
27.
[15] Ibid., số
28.
[16]
Vaticanô II, Sắc lệnh về chức vụ và đời
sống Linh mục, số 13
[17] Vaticanô
II, Lumen Gentium, số 28.
[18] Didascalia
II, 22,4.
[19] Vaticanô
II, Lumen Gentium, số 28.
[20]
UCANEWS, “The Church is waiting for the
Total Respect of its Autonomy”…
[21] Vaticanô
II, Lumen Gentium, số 21. 23; PO, 2.7
[22] X. Nghi Thức Phong Chức Linh Mục.
[23] X. Nghi Thức Phong Chức Linh Mục