NHỮNG BỔN PHẬN CỦA VỊ ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG


Sống trong xã hội, con người cách nào đó phải hòa chung vào dòng chảy của xã hội.Theo sự phân công của xã hội, mỗi người sẽ đảm nhận những vị trí và những chỗ đứng khác nhau. Tuy nhiên ở vị trí nào, người ta cũng phải chu toàn những bổn phận và trách nhiệm của mình. Người nông dân có bổn phận sản xuất ra lúa gạo, người công nhân có bổn phận làm ra những sản phẩm, người nghiên cứu khoa học có bổn phận đưa ra những dự báo, bác sĩ thì có bổn phận chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho mọi người… Khi đã xác định được những bổn phận và trách nhiệm của mình, người ta sẽ dễ dàng hoàn thành tốt công việc. Cũng vậy trong vai trò đồng hành thiêng liêng, để giúp cho người khác dễ dàng tiếp xúc và gặp gỡ Chúa, người đồng hành phải xác định được cho mình những bổn phận. Chính nhờ biết được bổn phận của mình là gì người đồng hành sẽ tìm ra những cách thức tốt nhất trong công việc của mình.

Tùy theo kinh nghiệm riêng và hoàn cảnh riêng của mỗi vị đồng hành mà xác định bổn phận trong việc đồng hành thiêng liêng là gì? Có những vị chú trọng tới những vấn đề đạo đức, có những vị thường đưa ra những lời khuyên nhủ, có những vị trưng dẫn ra gương mẫu của các vị thánh…để giúp cho người thụ hướng lựa chọn. Thực tế, chúng ta cũng khó liệt kê ra được một cách đầy đủ những bổn phận của vị đồng hành, bởi vì mỗi vị sẽ theo những cách thức và những kinh nghiệm của mình để thực hiện việc linh hướng.
Qua thực tế gặp gỡ những vị linh hướng và qua tham khảo sách vở, với bài thuyết trình này, chúng tôi sẽ đưa ra những bổn phận của người đồng hành thiêng liêng. Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu về những bổn phận chung; sau đó sẽ đi vào những bổn phận chính yếu mà vị linh hướng cần xác định để có thể làm tròn trách nhiệm trong việc đồng hành thiêng liêng.
I.    NHỮNG BỔN PHẬN CHUNG
Đồng hành thiêng liêng bao hàm trong đó là quá trình trao đổi  chuyện trò giữa vị linh hướng và người thụ hướng để giúp nhau đạt tới cùng đích là sự gặp gỡ Thiên Chúa. Để quá trình trao đổi mang lại hiệu quả tốt giúp người thụ hướng tiến tới trên con đường hoàn thiện, vị linh hướng cần phải biết lắng nghe và phân định. Lắng nghe và phân định tốt sẽ giúp vị linh hướng có sự hiểu biết hơn về bản thân và nhu cầu thực sự của người thụ hướng, để từ đó đưa ra những chỉ dẫn thích hợp.
1.  Lắng nghe
Lắng nghe là một bổn phận không thể thiếu trong việc đồng hành thiêng liêng. Đo đó, “vị linh hướng không phải lắng nghe theo nghĩa tâm lý hay giao tiếp thuần túy, mà lắng nghe ở đây bao hàm sự hiểu biết , đón nhận và giúp người thụ hướng khám phá ra con người thật của họ, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong họ, và kế hoạch của Người dành cho họ. Chính vì vậy, nội dung của việc lắng nghe ở đây cũng chính là nội dung của việc đồng hành thiêng liêng”.[1] Bởi thế, nhờ việc lắng nghe mà “vị linh hướng lắng nghe câu chuyện của người thụ hướng, tìm giúp họ hiểu và làm sáng tỏ điều Thiên Chúa đang chất vấn họ”.[2]
Hơn nữa, tự bản chất, việc lắng nghe là nói đến trông mong, khát khao đợi chờ điều hay, điều tốt từ một ngôi vị khác. Trong sứ vụ đồng hành thiêng liêng, người đồng hành luôn có thái độ biết lắng nghe, lắng nghe một người đã tín nhiệm mình để hướng dẫn họ. Như thế, việc lắng nghe đó phải để Thiên Chúa hướng dẫn và soi rọi hầu giúp mình nhận ra được tiếng Chúa nói gì với mình qua người thụ hướng. Bởi thế, “vị đồng hành chẳng giúp được gì cho người thụ hướng nếu không lắng nghe họ trong niềm hy vọng”.[3]
2.  Phân định
Để đồng hành với những người mà Chúa giao phó, đối với Đức Bênêđictô XVI, cần phải «trợ giúp họ phân định các thần khí và bước theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trong viễn ảnh dẫn đưa họ đến ân sủng tròn đầy, cho đến chỗ đạt tới những gì mà thánh Phaolô đã gọi là tầm vóc viên mãn trong Chúa Kitô».[4] Như thế, “phân định thường bao gồm một trật hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán. Cũng vậy, trong việc phân định thiêng liêng, cả việc nhận thức và phán đoán đều quan trọng. Mục đích của việc phân định là đạt tới một tình yêu sáng suốt, dẫn tới sự tự do đích thực”.[5] Tóm lại, công việc “phân định là tiến trình lắng nghe và chọn lựa qua sự an bài của Chúa trong đời sống con người, để tìm kiếm và xác định hoàn cảnh và lời đáp trả đích thực đối với tình yêu của Chúa”.[6]
Như thế, phân định là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng trong việc đồng hành thiêng liêng. Phân định không chỉ giúp người thụ huấn sắp xếp và thấy được yếu tố cần thiết trong đời sống thiêng liêng, nhưng còn giúp họ sửa đổi và tránh được những lầm lạc để trở về sống theo Thần Khí.
II.NHỮNG BỔN PHẬN CHÍNH YẾU[7]
Đâu là bổn phận hay nhiệm vụ của vị đồng hành? Có lẽ câu trả lời sẽ rất tương đối tuỳ thuộc vào mỗi vị đồng hành, mỗi cách giải quyết khác nhau, mỗi hoàn cảnh khác nhau… Nếu làm một tóm kết chung chung ở đây, thì bổn phận của vị đồng hành có thể liệt kê hàng loạt như: phân định, lắng nghe, cảm thông, soi sáng, thiết lập mối tương quan…. Đứng trước hàng loạt bổn phận phải thi hành, vậy đâu là nhiệm vụ chính yếu nhất, và làm thế nào để chu toàn được nhiệm vụ này?
Trước hết, nhiệm vụ của vị đồng hành là giúp người thụ hướng chú ý tới Thiên Chúa đang tự mặc khải mình cho họ; thứ đến là giúp người thụ hướng ý thức lại những phản ứng của mình và sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, hay nói cách khác là đón nhận và thực thi thánh ý Chúa trong cuộc sống của mình. Vì thế, sau đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu một số bổn phận chính yếu của vị đồng hành thiêng liêng.
1.  Hiểu biết về người mình đang đồng hành
Đây là một nhiệm vụ khó khăn và tế nhị: khó khăn “vì con người là một huyền nhiệm”, cho nên đâu dễ gì hiểu biết hết được; tế nhị là vì nến không khéo, vị đồng hành sẽ tạo cho người thụ hướng cảm tưởng họ đang bị theo dõi, điều tra... Thế nhưng nếu không hiểu biết người khác, thì làm sao vị đồng hành có thể hướng dẫn họ. Sự hiểu biết này đòi hỏi ở mức độ toàn diện, nghĩa là phải hiểu biết ngọn ngành con người mình đang hướng dẫn: về tính khí, cá tính, khuynh hướng tốt và xấu, khuyết điểm, sở thích, khả năng và nghị lực. Hơn nữa còn phải biết về quá khứ của người đó, ít là những nét sơ quát, đặc biệt là thời thơ ấu, môi trường sống, môi trường giáo dục… Hiện nay tình trạng người ấy thế nào, đang khao khát điều gì?
Để đạt được những hiểu biết này, thiết tưởng là vị đồng hành phải thiết lập được mối tương quan tình bạn với người thụ hướng trước đã; nếu không có mối tương quan này, mọi nỗ lực hiểu biết sẽ dễ biến thành một thứ “cảnh sát điều tra”.
Nhờ hiểu biết, “vị đồng hành thiêng liêng giúp thụ hướng nhận ra chính con người thật của họ, nhận ra những giá trị trong đời sống, nhận ra sự thật và sống theo sự thật, nhận ra thần lành và thần dữ, biết sống hòa hợp giữa thân xác - lý trí và tinh thần - với Thiên Chúa và tha nhân, biết áp dụng những nguyên tắc tốt lành để thăng tiến tinh thần sống. Giúp họ khám phá ra thế giới con người của chính mình, biết những chỗ yếu để làm cho nó mạnh hơn, 'biết dùng những quà tặng và tài năng Chúa ban để phục vụ tha nhân, làm cho họ được phát triển một cách sung mãn. Một người biết mình sẽ sống rất lạc quan yêu đời và hạnh phúc trong tất cả mọi việc họ làm và họ cũng là người luôn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người họ gặp gỡ. Vị đồng hành thiêng liêng cũng giúp cho con người, tâm thần và đời sống thiêng liêng của ta được phát triển theo đúng môi trường. Chính vì vậy trong thời gian bị thay đổi văn hóa (cultural shift), đòi hỏi sự cần thiết của vị đồng hành thiêng liêng”.[8] Vì thế, vị đồng hành là “người phải thông hiểu thực thụ, vì ngài có nghĩa vụ dưỡng nuôi các linh hồn bằng bánh chân lý và lèo lái họ vững tiến trên đường nẻo của Thiên Chúa”.[9]
2.  Cho những lời chỉ dẫn
Từ sự hiểu cặn kẽ về người thụ hướng, vị đồng hành có thể chỉ dẫn cho họ những điều cần thiết; cũng tương tự như một bác sĩ khi đã chẩn đoán đúng căn bệnh, thì có thể cho bệnh nhân những liều lượng thuốc phù hợp. Tuy nhiên việc cho người khác những lời chỉ dẫn là việc làm quan trọng do vậy phải cẩn trọng hết sức, đừng quá dễ dàng cho người khác một lời khuyên. Nên nhớ nguyên tắc: vị đồng hành chỉ đóng vai trò soi sáng, gợi mở chứ không phải là quyết định thay cho người khác. Richard P. Vaughan, SJ. Lưu ý một số điểm cần thiết khi cho người khác những lời chỉ dẫn trong việc tư vấn mục vụ, và cũng có thể hiểu là trong việc đồng hành thiêng liêng:
-         Chi đưa ra lời khuyên khi biết chắc chắn người kia không thể tự mình quyết định.
-         Hãy bảo đảm rằng bạn đã nắm hiểu hoàn toàn vấn đề của đương sự trước khi bạn đưa ra bất cứ lời khuyên nào.
-         Phải liệu cách để đưa ra lời khuyên sao cho còn chừa chỗ để đương sự có thể chấp nhận hay từ khước.
-         Khi trao lời lời khuyên cho một người, bạn đừng quên rằng lời khuyên ấy có thể làm cho đương sự lệ thuộc vào bạn và bớt tự tin vào khả năng của chính mình.
-         Cũng đừng quên rằng bạn có thể bị phiền trách nếu lời khuyên ấy rốt cục không tác dụng, hay phản tác dụng.
-         Và bạn cần nhớ: lời khuyên có thể làm tổn thương người ta, dù bạn khuyên một cách khéo léo mấy đi nữa.
Những lời hướng dẫn của vị đồng hành phải tập trung vào đời sống tâm linh, đời sống Kitô giáo hoàn thiện, đời sống đức tin, chứ không phải đưa ra những lời khuyên chỉ mang tính tâm lý, hay thuần túy là luân lý, tệ hại hơn là những lời an ủi rẻ tiền làm cho người thụ hướng trở nên nhu nhược và quá lệ thuộc vào vị đồng hành. Hơn nữa, vị đồng hành không bao giờ được phép lấy mình làm tiêu chuẩn để hướng dẫn người khác.
3. Khuyến khích
Theo nguyên tắc sư phạm giáo dục, biện pháp kỷ luật hay roi đòn theo kiểu “hay chữ dữ đòn” hoặc “yêu cho roi cho vọt” không phải là cách thức tốt giúp cho người môn sinh tiến bộ, mà cách thức tốt phải là sự quan tâm, động viên, khuyến khích.
Vị đồng hành có nhiệm vụ phải gieo vào lòng người thụ hướng tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa hơn là quá tập trung vào chính mình. Nhất là những người đã có kinh nghiệm về sự đổ vỡ trong tâm hồn, kinh nghiệm về sự thất bại, tội lỗi…, thì thái độ tích cực không phải là hối hận trong đau khổ, gặm nhấm tâm hồn mình, tự ty mặc cảm, buông xuôi thất vọng; mà phải là thái độ tin tưởng, bằng an, cảm nhận được tình thương, sự tha thứ, và dám coi những đổ vỡ đó như cơ hội để khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, ngay trong những gì tệ hại nhất của mình, nhận ra kế hoạch của lòng thương xót, và để cho lòng thương xót đó chữa lành.
Đời sống tâm linh phải khởi đi từ sự chấp nhận chính mình, chấp nhận sự thật, để rồi từ đó thoát ra khỏi bản thân hay quên đi chính bản thân mình, quên đi những gì là tội lỗi, và cả những gì là thánh thiện, để rồi chỉ tập trung vào một mình Thiên Chúa. Chính khi ấy, Thiên Chúa sẽ tỏ lộ kế hoạch của Người. Có được như thế, người thụ hướng rất cần sự kiên nhẫn lắng nghe và động viên của vị đồng hành. Sự khuyến khích này như là tiếp thêm nhiên liệu cho cỗ máy đã được khởi động, nhờ vậy có thể đạt được hiệu năng như lòng mong ước.
4. Giám sát đời sống tâm linh
Xin mượn hình ảnh người mẹ tập đi cho con mình để diễn tả tiến trình tâm linh này. Lúc đầu người mẹ cầm tay đứa bé, dẫn đi từng bước chậm chạp, nhưng rồi có lúc người mẹ phải hoàn toàn buông tay để cho con bước đi tự do. Chính nhờ những bước đi tự do này, có khi bị quỵ ngã, mà đứa bé có thể bước đi những bước đầu tiên bằng chính đôi chân của mình, và từ đó có thể cứng cát và trưởng thành. Một điểm rất đáng lưu ý ở đây là cho dù người mẹ hoàn toàn buông tay để cho con mình tự do, nhưng mắt bà không bao giờ rời xa đứa bé, bà luôn dõi theo từng bước chân chập chững của con mình và có những trợ giúp khi cần thiết.
Có thể tạm ví tiến trình tâm linh của một con người cũng thế, người thụ hướng được hoàn toàn tự do, được khuyến khích để bước đi trên đôi chân của mình mà đến với Chúa, thế nhưng sự giám sát của vị đồng hành luôn là cần thiết. Với những bước chập chững khởi đầu trên đường tâm linh, người thụ hướng có thể buông xuôi khi thấy hành trình thăm thẳm, hoặc cũng có thể vì quá nhiệt tình mà họ ôm đồm gồng gánh mọi thứ, đến nỗi nặng nề không thể mang vác nổi. Việc quá dễ dàng, sao lãng với các bổn phận thiêng liêng, hoặc quá nhiệt tình trong việc ăn chay, cầu nguyện, hãm mình đến độ kiệt sức… đều có thể là những bước trật đường, cần phải được vị đồng hành điều chỉnh uốn nắn.
Do vậy, vị đồng hành phải luôn đóng vai người mẹ dõi mắt theo từng bước chân “người con thiêng liêng” của mình, để kịp thời điều chỉnh những thái quá, bất cập, hoặc uốn nắn nếu trệch hướng. Nhiều khi sự trệch hướng này rất tinh tế, ẩn núp ngay trong những lần gặp gỡ tâm linh giữa hai người; nếu không kịp thời phát hiện và điều chỉnh thì có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc, hoặc biến những cuộc gặp gỡ đồng hành trở thành những cuộc trò chuyện đạo đức hay thăm hỏi xã giao thuần tuý.
Việc giám sát giúp người thụ hướng nhận ra và phân biệt được ý hướng của Thiên Chúa. Bởi thế, trong lúc giám sát, “chắc chắn vị đồng hành thiêng liêng phải liên hệ đến kinh nghiệm của người thụ hướng, kinh nghiệm ấy sẽ được phân tích và nghiên cứu để tìm ra ý nghĩa cho người thụ hướng. Để từ đó vị đồng hành lắng nghe và trả lời cho người thụ hướng”[10] hầu hướng dẫn họ ngày càng thăng tiến. 
5. Sửa chữa những khuyết điểm
Một số nhà tu đức xưa thường ví tâm hồn con người như một thửa ruộng, trong đó mọc đầy cỏ dại. Nếu chỉ nhổ cỏ mà không gieo lúa vào thì chẳng mấy chốc cỏ tiếp tục mọc lên; nếu gieo lúa mà không nhổ cỏ, thì cỏ sẽ lấn át hết lúa; hoặc nếu chờ nhổ hết cỏ rồi mới gieo lúa thì chẳng biết bao giờ mới triệt tiêu hết được cỏ dại, và rốt cuộc lúa cũng chẳng có. Như thế, một việc làm kép lúc này là vừa gieo lúa vừa phải nhổ cỏ: lúa lớn dần và từ từ lấn át cỏ dại; nếu mỗi ngày kiên nhẫn nhổ cỏ và chăm sóc cho lúa, thì chẳng mấy chốc sẽ có một ruộng lúa xanh ngát và hứa hẹn một mùa thu bội hạt.
Đời sống tâm linh cũng thế, khởi đầu là việc chấp nhận chính mình (lúa và cỏ mọc chung), một khi tăng trưởng hơn trong đời sống thiêng liêng (lúa tốt lấn át dần cỏ dại), thì phải vượt qua chính bản thân mình, triệt tiêu những tội lỗi và nết xấu (nhổ hết cỏ dại). Công việc này không diễn ra trong ngày một ngày hai, mà là một tiến trình liên lỉ. Người thụ hướng phần lớn phải lãnh trách nhiệm này, hay nói cách khác là mỗi người phải có trách nhiệm trong việc nên thánh của mình; tuy nhiên, trong mối tương quan đồng hành, vị đồng hành sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong việc giúp người khác sửa chữa nết xấu. Nếu như việc lắng nghe đích thực là không phê phán, không lên án, chấp nhận họ như chính họ là… thì việc sửa chữa khuyết điểm không đi ngược lại với nguyên tắc trên. Nên biết rằng, chấp nhận con người không có nghĩa là đồng loã với nết xấu; không kết án, không phán xét, không có nghĩa là không được sửa đổi sai lầm và giúp đương sự nên tốt hơn.
Sửa lỗi là một nghệ thuật, vị đồng hành đồng thời phải thể hiện tính nghiêm túc, cứng rắn, vừa phải bày tỏ lòng bao dung độ lượng, để làm sao người được sửa lỗi không thấy mình bị tổn thương và vẫn cảm nhận được sự cảm thông, yêu mến; từ đó họ có thể vượt qua được những giới hạn của mình mà không bị dồn nén, ép buộc. Và cũng chính khi đó, người thụ hướng có cơ may đọc ra ý định của Chúa và cảm nhận được tình thương của Người. Một cuộc biến đổi như thế phải là kết quả của cuộc đồng hành thiêng liêng đúng nghĩa.
6. Giữ bí mật
Trong công tác đồng hành, việc giữ bí mật cho người thụ hướng là một bổn phận người đồng hành phải nghiêm túc chu toàn; hơn nữa, không phải chỉ giữ bí mật vì những điều người thụ hướng nói ra thuộc toà trong, nhưng còn phải giữ vì đó là nhiệm vụ của mình. Do vậy, dù bất cứ lý do gì, ngay cả khi người thụ hướng cho phép, vị đồng hành cũng không được tiết lộ những gì mình biết được về người thụ hướng qua cuộc gặp gỡ thiêng liêng. Nhiều khi gặp những trường hợp khó khăn, vị đồng hành có thể tham khảo ý kiến những vị khôn ngoan và giàu kinh nghiệm khác, tuy vậy vẫn phải khôn ngoan không để bí mật bị tiết lộ.
Đừng kể chiều kích tâm linh, xét theo khía cạnh tâm lý, người thụ hướng có quyền đòi buộc vị đồng hành phải tuyệt đối giữ bí mật, họ cần bảo đảm rằng vấn đề của họ sẽ không để một người thứ ba biết được. Một khi cách nào đó việc giữ bí mật này bị vi phạm, vấn đề riêng tư của người thụ hướng trở thành đề tài cho người khác đàm tiếu, dị nghị, thì vị đồng hành sẽ mất tín nhiệm, làm sao người ta dám cởi mở tâm hồn mình cho một người như thế nữa; và điều quan trọng, là không lường hết được sự tổn thương của người thụ hướng.
Chính vì thế, vị đồng hành phải khôn ngoan liệu sao cho cuộc gặp gỡ thiêng liêng của mình không có nguy cơ bị người khác nghe lén, hoặc bị gián đoạn quá nhiều vì cùng lúc phải tiếp những vị khách khác, phải trả lời điện thoại… Nếu không tạo được bầu khí tự do, thoải mái, ân cần, thì khó lòng người thụ hướng có thể bày tỏ những kinh nghiệm nội tâm sâu xa hoặc những kinh nghiệm tội lỗi nữa.
KẾT LUẬN
Khoa học ngày càng phát triển, đời sống con người nhờ đó ngày càng được nâng cao. Con người ngày hôm nay dường như được đáp ứng đầy đủ hơn những nhu cầu vật chất, tuy nhiên trái ngược với sự thỏa mãn vật chất, con người vẫn cảm thấy bị thiếu hụt về mặt tâm linh. Chính vì vậy, người ta khao khát đi tìm để thỏa mãn nhu cầu tâm linh này. Đi tìm ý nghĩa cuộc đời, đi tìm một nền tảng có thể làm điểm tựa vững chắc cho mình trong một thế giới thay đổi nhanh đến chóng mặt, rốt cuộc chính là một sự đi tìm mang bản chất tôn giáo. Trong những năm gần đây số người tham gia vào việc linh hướng ngày càng nhiều, điều này đòi hỏi những người có trách nhiệm phải tìm cách đáp ứng. Rất tiếc những yêu cầu được hướng dẫn để tìm sự an bình nội tâm này rất ít người dám đảm nhận, vì đa số không biết đường đi nước bước của việc linh hướng.
Hướng dẫn người khác trên con đường tìm kiếm Chúa là công việc của linh mục và tu sĩ. Tuy nhiên, trong thực tế rất ít người muốn nhận công việc linh hướng này, bởi vì không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Có những người được người khác đến nhờ vả linh hướng đều cảm thấy hốt hoảng khi nghĩ mình phải làm linh hướng cho những con người ấy. Cũng thế, hẳn sẽ có nhiều người trong chúng ta cũng la lên: “Sao Tôi ấy à?”. Tất cả những ngại ngùng hay hốt hoảng xuất phát từ việc không xác định được bổn phận của người linh hướng là gì.
Hy vọng rằng, với những trình bày ngắn gọn trên về bổn phận của người đồng hành sẽ giúp cho những ai muốn bước theo ơn gọi hướng dẫn người khác trên con đường tìm kiếm Chúa không còn nao núng hay sợ sệt trong việc đồng hành thiêng liêng. Một khi người đồng hành xác định được bổn phận của mình trong việc linh hướng, thì chắc hẳn họ sẽ dùng những chuyên môn mình có được, nhằm làm hành trang giúp mình có thể chu toàn những bổn phận của việc đồng hành thiêng liêng một cách tốt nhất.



[1] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, NXB-TG, 2009, tr. 35.
[2] Trần Minh Huy, Phương Pháp Linh Hướng, [?], tr. 48.
[3] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, NXB-TG, 2009, tr. 65.
[4] Bênêđictô XVI, Trong buổi tiếp kiến cc sinh vin của Phn khoa thần học Teresianum tại Rơma, 19/05/2011
[5] Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, NXB-TG, 2009, tr. 68.
[6] Trần Minh Huy, Phương Pháp Linh Hướng, [?], tr. 23.
[7] Phần này đa số lấy lại trong giáo trình của Cha giáo. Xc Phạm Quốc Văn, Trên Đường Emmaus, NXB-TG, 2009, tr. 169-178.
[8] Sr. Nắng Hạ, OP, http://www.nutudaminh.org/vni/Unicode/BSN/LinhHuongTrongDoiSongK.htm,
[9] Nguyễn Hữu Tấn, Linh Hướng Theo Các Nhà Linh Đạo Học, Tp.HCM, 1978, tr. 54.
[10] W.A. Barry-W.J. Connolly, Tập làm linh hướng, Tủ sách chuyên đề, 1988, tr.297.