TÌM HIỂU Ý NGHĨA VÀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ


(Thời Tân Ước và Bốn Thế kỷ đầu của Giáo hội)

Dẫn nhập
Là một người Công giáo, phải khẳng định rằng: Phép Thánh Thể là mầu nhiệm chính của đức tin, nhưng đồng thời cũng là mầu nhiệm phải tin. Bởi thế, hơn hai ngàn năm nay Bí tích Thánh Thể luôn được cử hành liên tục và ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới, hầu đáp ứng nhu cầu đức tin cho người Kitô hữu. Chính điều đó đã nói lên được giá trị cao quí và thiết yếu của việc cử hành phụng vụ Thánh Lễ.
Hơn nữa, xét dưới một khía cạnh khác, phụng vụ Thánh Lễ là một việc cử hành nhằm hiện tại hóa chân lý đức tin giữa những chân lý khác. Người Kitô hữu phải tin rằng phụng vụ Thánh Lễ là việc tưởng niệm cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, qua đó và qua Giáo hội dâng lên hy tế thập giá. Bởi thế, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy ràng: “Bí tích Thánh Thể tưởng niệm cuộc vượt qua của Đức Kitô, hiện tại hóa cách Bí tích và dâng hiến hy tế duy nhất của Người trong Phụng vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người” (GLHTCG 1362). Từ giá trị và ý nghĩa của mầu nhiệm chính yếu này, người viết xin được phép trình bày một vài suy tư về mầu nhiệm cao trọng này.
1.    Ý nghĩa Lễ Vượt Qua trong Tin Mừng
Trong các Tin Mừng, chúng ta thấy có bốn trình thuật về Bí tích Thánh Thể. Trình thuật thứ nhất được Đức Giêsu hứa ban bánh hằng sống cho chúng ta ăn, bánh đó chính là Thịt và Máu của Người (Ga 6,53-57). Ba trình thuật còn lại trong Tin Mừng Nhất Lãm, kể lại việc Đức Giêsu thực hiện lời hứa (Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20). Nhìn lại trong thời Cựu Ước đã manh nha về Bí tích Thánh Thể, cụ thể là qua các buổi cử hành lễ bẻ bánh của người Do-thái. Trong thời gian này, việc cử hành Thánh Lễ được cử hành hoàn toàn do người chủ tọa, nên việc cử hành rất tự phát. Đến thời Đức Giêsu Kitô, việc cử hành cũng được diễn ra theo tập tục này. Thánh Lễ đầu tiên được Đức Giêsu cử hành trong Nhà Tiệc Ly khi Người thiết lập Bí tích Thánh Thể, hay còn gọi là Bữa An Cuối Cùng của Chúa. Những hành động này nói lên việc các cộng đoàn tiên khởi đã tôn thờ, yêu mến và cử hành Thánh Thể. Việc làm cao quý đó vẫn giữ và duy trì mãi cho đến ngày hôm nay, và đó chính là nguồn sống của Giáo hội. Trong thời kỳ này, Đức Giêsu Kitô đóng nhiều vai trò khác nhau, như: vị thượng tế hoặc làm trung gian trong các nghi lễ tạ ơn hay lễ bẻ bánh. Bởi thế, qua mọi thời vai trò của Đức Giêsu Kitô trong phụng vụ Thánh Thể luôn là chính yếu, các tác viên cũng như các tín hữu chỉ đóng vai trò thứ yếu mà thôi.
Có thể nói rằng, Bí tích Thánh Thể của Kitô giáo được bắt nguồn từ bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu Kitô với các môn đệ trước khi Người chịu chết. Bữa ăn này cũng thể hiện theo tập tục các bữa ăn của người Do-thái. Tập tục đó họ đã giữ từ ngàn xưa, thế nhưng theo thời gian cũng đã có nhiều thay đổi. “Vào thời Đức Giêsu Kitô, Lễ Vượt Qua cũng phải có con chiên nướng, nhưng ngoài ra vẫn có những món ăn khác. Người ta ăn Lễ Vượt Qua vào ngày 14 Nisan, tức là rằm tháng Giêng âm lịch theo thời gian của Do-thái. Người ta ăn lễ từ lúc mặt trời lặn, tức là khoảng 6 giờ chiều và chỉ được kết thúc vào lúc nữa đêm. Bữa ăn có thể chia ra làm bốn phần một cách uyển chuyển, căn cứ vào chén rượu chung, được gọi tên khác nhau. Mỗi thực khách đều có chén rượu riêng và muốn uống bao nhiêu tùy thích; thế nhưng vẫn có một chén chung theo nghi lễ mà chủ nhà sẽ đọc kinh, sẽ uống trước và chuyển cho mỗi thực khách cùng uống”[1]. Chính trong tập tục đó mà Lễ Vượt Qua của Chúa được cử hành có cách mới mẻ hơn. Sự mới mẻ đó được Đức Giêsu Kitô thể hiện trong Lễ Vượt Qua với các môn đệ rằng: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Đức Giêsu Kitô thiết lập Giao Ước mới với toàn thể nhân loại, và nhóm mười hai là đại diện. Và Giao Ước mới chỉ được được khai mở bằng cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Theo tập tục của người Do-thái, mỗi khi cử hành phụng vụ việc tưởng niệm còn đi xa hơn việc gợi nhớ lại quá khứ. Nghi thức tưởng niệm này là việc ghi nhớ hành vi cứu độ loài người và cũng là việc tôn vinh Chúa Cha. Đây là điểm cốt yếu và ý nghĩa trong mỗi lần cử hành Lễ Vượt Qua. Mỗi khi cử hành Lễ Vượt Qua là làm cho một biến cố đã qua mà được hiện tại hóa đối vơi người tín hữu cũng như đối với Thiên Chúa, và hướng đến niềm hy vọng vĩnh cửu. Việc cử hành Thánh Lễ là nhắc đến Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô với các Tông đồ xưa kia, nhưng cũng làm cụ thể hóa giao ước hỗ tương giữa Thiên Chúa và con người, cũng là một chứng từ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Người nĩi với cc ơng: "Thầy những khát khao mong mỏi ăn Lễ Vượt Qua nầy với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua nầy nữa, cho đến khi lễ nầy được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa" (Lc 22,15-16). Khi nói xong, theo tập tục nghi lễ, Người cầm lấy bánh và rượu mà nói: "Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nó: "Đy là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. "Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén nầy là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em. (Lc 22,17-19; Mt 26,27-28; Mc 14,22-23).
Tiếp nối theo lệnh truyền của Chúa, các cộng đoàn thường xuyên qui tụ lại cử hành Lễ Tạ Ơn để tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại. Hình thức cử hành được vị chủ tọa chủ sự theo như Đức Giêsu Kitô đã dạy. Trong thánh lễ, họ ăn uống thoải mái vui vẻ, ngoài thịt chiên ra, còn có trứng, cá … Bữa tiệc được kéo dài hằng giờ. Sau khi tan tiệc, tan tiệc thường lúc 12 giờ khuya, tất cả những ai có mặt đều hát các Thánh Vịnh (Tv 114-118) mà tạ ơn Thiên Chúa. Từ đó về sau, việc cử hành nghi Lễ Tạ Ơn (Eucharistia) trở thành một nghi thức Phụng vụ trong các cộng đoàn. Mọi Kitô hữu ý thức rằng, mỗi khi cử hành Lễ Vượt Qua thì chính Đức Kitô đang ở với họ và nuôi dưỡng họ bằng chính Máu và Thịt của Người, vì Người đã sống lại từ cõi chết và hiện diện với họ luôn mãi.
2.    Phụng vụ Thánh Thể trong sách Tông đồ Công vụ   
Sách Tông đồ Công vụ được xem như là một cuốn sách nói về những sinh hoạt của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cách rõ ràng và sống động nhất. Vì thế, trong Tông đồ Công vụ đã tường thuật lại khá chi tiết về những buổi hội họp hoặc sinh hoạt trong cộng đoàn của Giáo hội sơ khai. Trong các sinh hoạt, việc cùng nhau qui tụ lại để tham dự Lễ Bẻ Bánh là một hành động khá đặc biệt của các cộng đoàn trong thời sơ khai của Giáo hội. Sau khi Đức Giêsu Kitô về trời, các tín hữu thường xuyên tập trung lại để tham dự Lễ Bẻ Bánh: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện không ngừng (Cv 2,42).
Thời xưa, theo văn hóa của người Trung Đông, việc qui tụ lại với nhau để nghe giảng dạy và tham dự Lễ Bẻ Bánh là một việc thông thường theo văn hóa của họ. Mặc dù sách thánh không nói rõ về việc bẻ bánh như thế nào, nhưng có lẽ mọi người cùng nhau họp lại, có thể mang một số thức ăn tới để chia sẻ với nhau và họ thực hiện những gì mà Đức Giêsu đã dạy qua các Tông đồ. Hành động cùng nhau ngồi lại để cầu nguyện và tham dự một bữa tiệc đối với họ rất là quan trọng. Hành động đó nói lên sự hiệp nhất, tình bằng hữu và lòng tin tưởng nhau giữa anh em trong cộng đoàn. Họ qui tụ nhau lại để cùng nhau nâng đỡ, chia sẻ vật chất lẫn tinh thần, bởi thế hành động này được gọi là chia sẻ tình yêu, tình huynh đệ (Agape). Bởi vậy, “tiệc Agape” làm cho mọi người cùng hiệp thông, cùng chia sẻ và cũng được chia sẻ. Mọi người đều mang lương thực của mình đến chia sẻ chung với nhau, nhất là chia sẻ cho người nghèo cùng ăn. Việc làm này thật giá trị và nói lên được sự hiệp nhất yêu thương trong Giáo hội thời sơ khai. Một tập tục bẻ bánh tại tư gia rất là đơn sơ và vui vẻ, tạo nên một bầu khí thân tình, làm cho mọi người cảm thấy được sự gần gũi, đặc biệt càng ngày làm cho nhiều người được ơn cứu độ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày càng thêm những người được cứu độ (Cv 2,46). Thời đó, lễ bẻ bánh còn mang tính cách gia đình, vì lúc ấy các cộng đoàn tụ họp theo tùng nhóm nhỏ trong mỗi gia đình và sinh hoạt thường xuyên.
Cũng nên biết rằng, các cộng đoàn tiên khởi trong Giáo hội sơ khai cũng như các Tông đồ, họ đều xuất thân từ Do-thái, bởi thế việc cử hành phụng vụ Lễ Bẻ Bánh này có phần ảnh hưởng kinh nguyện của Do-thái. Mặc dù nguồn gốc từ Do-thái, sau đó họ được ngụp lặn trong ân sủng của Đức Giêsu Kitô phục sinh, nhưng họ đã cùng nhau đồng tâm và cùng một ý hướng để cử hành Lễ Bẻ Bánh theo một tinh thần mới mẻ hơn. Mỗi lần qui tụ lại nơi một gia đình, họ cùng nhau cầu nguyện, hiệp nhất với nhau để ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa: Họ cùng nhau nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp nhất với nhau (Cv 2, 42). Phụng vụ Thánh Lễ thời các cộng đoàn tiên khởi trong Tông đồ Công vụ nói lên được mối giây liên kết giữa họ với nhau trong tình yêu mến, đến nỗi họ đồng tâm nhất trí sống với nhau như anh em, và mọi sự đều trở nên là của chung: Các tín hữu bấy giờ đông đảo, chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi cái gì là của mình có làm của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung (Cv 4,32). Dần dần sau đó, họ họp nhau lại với nhau trong ngày Chúa nhật để cùng nhau cử hành Lễ Bẻ Bánh: Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau lại để cử hành bẻ bánh (Cv 20,1). Trong bối cảnh đó, mỗi lúc họ họp nhau cử hành lễ bẻ bánh hay là bữa tiệc đều mang tính chất mừng Lễ Vượt Qua. Họ cùng nhau họp lại là để Ta Ơn Thiên Chúa và Đấng tác tành vạn vật và họ là những con người nhận lãnh ân sủng sáng tạo để nuôi dưỡng họ. Họ qui tụ nhau lại để cử hành Lễ Tạ Ơn như thế không chỉ là để tạ ơn Thiên Chúa ban phát lương thực và nuôi sống họ, nhưng còn có một ý nghĩa lớn lao lơn, vì họ đã nhận lãnh nguồn lương thực trường sinh từ Đức Giêsu Kitô, đó chính là Mình và Máu của Người. 
3.    Phụng vụ Thánh Thể trong bốn thế kỷ đầu của Giáo hội
Trong thế kỷ đầu của Giáo hội, cộng đoàn tụ họp nhau để cử hành các nghi thức phụng vụ, đặc biệt là cử hành Thánh Thể. Đây là việc làm có tính hiệp thông cách chặt chẽ giữa cộng đoàn Kitô hữu và Thánh Thể. Họ họp nhau lại để bẻ bánh tại tư gia, vì lúc đó chưa có nơi để gặp gỡ riêng hoặc chưa có nhà thờ. Có lúc chỉ hai hay ba người cùng nhau tụ họp lại cầu nguyện và cử hành lễ bẻ bánh, và lúc ấy họ tin có Đức Giêsu Kitô ở giữa họ: Ở đâu có hai ba người tụ họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ (Mt 18,20). Như thế, việc cử hành Lễ Vượt Qua cùng với toàn thể cộng đoàn đó là việc chính yếu của Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai. Hội Thánh biết mình là mẹ của những người con cùng một Cha, của những người tin vào Đức Kitô phục sinh hầu để cứu độ nhân loại. 
Việc chuyên cần tụ họp lại đcử hành Lễ Vượt Qua những năm sau đó mang những ý nghĩa phong phú và được hướng dẫn cách rõ ràng hơn. Bởi thế, mỗi lần qui tụ là nhằm để chúc tụng Thn Chúa, thể hiện sự hiệp nhất và xua đuổi những sự dữ của Satan. Điều này được thánh Giáo phụ Inhaxiô thành Antiochia nhắc nhủ trong thư gửi Êphêsô 13,1 như sau: Anh em hãy năng hội họp để dâng Thánh Lễ và nhiều lời chúc tụng lên Thiên Chúa. Bởi vì, càng hội họp nhiều, anh em càng tiêu diệt được sức lực của Satan, bằng chính sự hiệp thông đức tin của anh em. Sự hiệp nhất trong đức tin được hướng dẫn là chỉ có tham dự vào một Tiệc Thánh Thể mà thôi. Vì lúc ấy các Giáo phụ đã khai triển thần học về sự hiệp nhất trong cùng một đức tin qua việc tham dự Thánh Thể. Nghĩa là sự hiệp nhất đó được thể hiện qua việc xác tín là chỉ có một xác thịt của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và chỉ có một Chén duy nhất để hiệp thông họ với nhau trong Máu Thánh của Người. Đức tin đó cũng được thể hiện xung quanh một bàn thờ, chỉ có một giám mục với trưởng lão và phó tế. Vì thế, vào những năm đầu của thế kỷ thứ II, việc chủ sự để cử hành Thánh Thể được dành riêng cho đức giám mục, vì ngài chính là vị đại diện của Đức Giêsu và là người đứng đầu của Hội Thánh. Những ai tham dự Tiệc Thánh Thể đều được lãnh nhận bánh và rượu đã dâng lời tạ ơn. Nếu những ai không tham dự được thì họ cử phó tế mang đến để chung phần vào tiệc thánh đã tạ ơn.
Đến cuối những năm của thế kỷ thứ II, thánh Giáo phụ Irênê có tư tưởng thần học về việc cử hành Thánh Thể rất là sâu sắc. Ngài nói: Lễ vật mà Hội Thánh dâng lên khắp địa cầu theo lệnh truyền của Chúa để tôn vinh Thiên Chúa, là lễ vật tinh tuyền, đẹp lòng Thiên Chúa; không phải Thiên Chúa cần đến lễ vật của chúng ta, nhưng là vì người dâng được tôn vinh trước nhan thánh Ngài, khi Ngài được đẹp lòng (Adv. Haer. 4.18.1). Đầu thế kỷ thứ III, việc cử hành Thánh Thể được cử hành cách trọng thể. Thánh Lễ được cử hành thường có đầy đủ các thành phần trong Hội Thánh: giám mục, linh mục, phó tế và cộng đồng, đặc biệt là có thưa đáp với nhau giống như trong khi cử hành Thánh Lễ ngày nay.      
Vào năm 313, theo chiếu chỉ Milan, hoàng đế Constantinô ban cho Giáo hội một nền tự do Kitô giáo. Khi ấy việc qui tụ và họp nhau trở nên dễ dàng hơn, và dần dần các Kitô hữu tăng nhanh. Trong bầu khí như thế, các cộng đoàn trở nên khá đông và không thể họp nhau tại tư gia được. Họ đã sử dụng những căn nhà thuộc hoàng đế, rồi họ dựng những căn nhà đặc biệt dành riêng cho những lần họp mặt để cử hành Thánh Thể. Đó là những căn nhà đầu tiên của Giáo hội sơ khai để cộng đoàn họp nhau cử hành Lễ Bẻ Bánh.
Việc họp nhau để cử hành Thánh Thể thời Giáo hội sơ khai được mang nhiều ý nghĩa. Ngoài những ý nghĩa như mừng Lễ Vượt Qua, Lễ Tạ Ơn, cử hành Lễ Bẻ Bánh, Bí tích Tình Yêu… còn mang một ý nghĩa quan trọng là chúc tụng công trình Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi cử hành phụng vụ Thánh Thể không những diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, mà cả giữa Ba Ngôi Thiên Chúa nữa. Vì Thiên Chúa đã quá yêu thương nhân loại nên đã Ban Con Một của Ngài xuống thế gian. “Chính Đức Kitô đã tự nguyện chấp nhận ý định của Thiên Chúa, việc chấp nhận đó không những yêu thương nhân loại, nhưng trước hết là yêu thương Chúa Cha. Đức Kitô đã tự ý thi hành kế hoạch cứu độ bởi vì muốn bày tỏ lòng mến Chúa Cha, hoàn toàn kết hiệp ý chí với Chúa Cha cho đến nỗi hy sinh mạng sống của mình (Ga 10,17-18). Chúa Cha đón nhận tình yêu hiếu thảo của Đức Kitô và đáp lại bằng việc ban hồng ân sự sống mới khi cho Người được phục sinh. Cuộc đối thoại tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Kitô mang tính cách hằng cửu bởi vì nơi Thiên Chúa, tình yêu là một Ngôi vị, tức là Thánh Linh. Chính biến cố phục sinh của Đức Kitô chứng thực tình yêu ấy, kéo dài cho đến muôn đời”.[2]
Tóm lại, từ khi Đức Giêsu cử hành Lễ Vượt Qua với các môn đệ cho đến những năm đầu của thế kỷ thứ IV, chúng ta khó mà biết được việc cử hành phụng vụ Kitô giáo thuở ban đầu như thế nào. Điều này chỉ có thể dựa trên các bản văn Kinh Thánh và các bài viết của các Giáo phụ mà thôi. Nhưng mọi hành vi trong việc cử hành Thánh Thể đã nói lên được lòng Tôn kính, Chúc tụng, Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời nói lên tính hiệp nhất trong đức tin của các cộng đoàn tiên khởi thời Giáo hội sơ khai, rồi được tiếp nối cho tới ngày nay và mãi mãi. Vì thế, “trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng cứu chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Lễ thập giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho hiền thê yêu quí của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Giêsu Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai (SC 47).
Kết Luận
Bí tích Thánh Thể là một “mầu nhiệm đức tin”: là sự tổng hợp và tóm kết đức tin của chúng ta. Đức tin của Giáo hội tự nền tảng là tin vào Thánh Thể, và đức tin đó được nuôi dưỡng một cách đặc biệt tại bàn tiệc Thánh Thể.[3] Do đó, Thánh Thể là trung tâm và là nguồn mạch ân sủng của đời sống Hội Thánh. Người Công giáo nhận biết điều này, vì họ được hình thành và nuôi dưỡng trong sự hiệp thông với Hội Thánh, qua việc Chúa Giêsu phục sinh, đặc biệt qua việc qui tụ với nhau trong việc bẻ bánh và chia sẻ chén thánh để tưởng niệm cái chết và phục sinh của Người.
Ngay từ những ngày đầu, cộng đoàn Hội Thánh đã ý thức cử hành Thánh Lễ theo như lệnh truyền của Đức Kitô, bao lâu còn lữ hành trên dương thế. Vì thế, trong khi cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Bởi vậy, Hội Thánh cử hành Thánh Lễ là nhằm để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô và của Hội Thánh. Đồng thời mỗi khi cử hành Thánh Lễ cũng cầu cho các tín hữu và toàn thể nhân loại được nên một trong tình yêu của Thiên Chúa.



[1] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh Lễ, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 11.
[2] Phan Tấn Thành, Bí Tích Tình Yêu, ĐSTL IX, HVĐM, 2011, tr 65
[3] Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 6