Giáo hội có sứ mạng loan báo Tin mừng của Thiên Chúa, đó là
Tin mừng về một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị: Ngôi Cha, Ngôi Con và
Ngôi Thánh Thần. Chúa Cha là Đấng dựng nên vũ trụ, đã sinh hạ Con của Người vào
trần gian. Chúa Con là Đấng được sinh ra từ Chúa Cha, Ngài đến trần gian để
hoàn tất lời hứa của Chúa Cha, Đấng cứu chuộc. Chúa Thánh Thần phát xuất từ
Chúa Cha và Chúa Con bởi tình yêu, Ngài đến thế gian để thánh hoá, và cũng gọi
Ngài là Đấng thánh hoá ủi an.
Chúng ta biết
được đôi chút về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi qua công trình sáng tạo vũ trụ
của Thiên Chúa và qua sự mạc khải của Chúa Giê-su khi Ngài đến thế gian này. Do
đó, sự hiểu biết của chúng ta về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi còn rất giới hạn, chi
là hạt cát trong sa mạc hay chỉ là giọt nước giữa biển khơi. Và điều đó đã được
thánh Augustinô cảm nhận một cách sâu sắc khi ngài suy tư và tìm hiểu mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tuy nhiên, nói
như thế không lẽ chúng ta chỉ tin vào Thiên Chúa một cách mờ mịt mà không có
hiểu biết nào sao? Và điều đó Thiên Chúa cũng không muốn con người có niềm tin
như vậy. Thiên Chúa vẫn có những phương thế để cho con người truy tầm hiểu biết
về Ngài bằng cách mạc khải qua vũ trụ thiên nhiên, qua những sứ giả và đặc biệt
là qua Người Con yêu dấu của Ngài. Nhờ đó con người nhận ra Thiên Chúa là Đấng
Thánh, là Chúa trên các Chúa, là Đấng Chân Thiện Mỹ.
Trong bài này,
người viết xin trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi với những vấn đề: Thiên
Chúa duy nhất trong bản thể, phân biệt trong Ngôi Vị và đưa ra những đặc tính
duy nhất và phân biệt. Với những kiến thức đã học và một số tài liệu tham khảo
vẫn còn hạn hẹp, cho nên cách giải quyết vấn đề vẫn còn nhiều khó khăn và chưa
rõ mấy. Do đó, người viết rất mong được Cha giáo chỉ dạy thêm nữa.
I. Thiên Chúa duy
nhất trong một bản thể
1. Ba Ngôi đồng bản thể
Để có thể hiểu
cách mạch lạc hơn về Ba Ngôi đồng bản thể, trước tiên chúng ta đi tìm hiểu ý
niệm bản thể: Theo triết học, bản thể là chủ thể hoặc thể nền cáng đáng các phụ
thể, bản chất của bản thể như một thứ gì lập hữu nghĩa là hiện hữu tự thân;
theo thần học, bản thể đôi khi đồng nghĩa với bản tính để chỉ hữu thể đơn nhất
của Thiên Chúa. Như vậy, Ba Ngôi đồng bản thể có nghĩa là cùng chung một bản
thể Thiên Chúa.
Theo thánh Augustinô, Anselmô và Thomas,
Bản thể Thiên Chúa như là biến cố của sự tương quan được thực hiện từ vĩnh cửu.
Các ngài đặt nền móng suy tư trên truyền thống về siêu hình học và xác định Bản
thể Thiên Chúa như là một bản thể tự tồn tự tại, không bị giới hạn. Vì Thiên
Chúa luôn hằng hữu, cho nên nơi Ngài không có tuỳ thể. [1]
Hơn nữa, sự sinh sản Chúa Con và sự phát
xuất Chúa Thánh Thần thuộc về hành vi tất yếu của Thiên Chúa. Chúa Cha sinh ra
Chúa Con không chỉ vì Ngài muốn điều đó mà thôi nhưng đó còn là điều tất yếu và
đối với việc phát xuất Chúa Thánh Thần cũng vậy. Các mối phát xuất và các mối
tương quan được thiết lập trong Bản thể Thiên Chúa, vì thế người ta phải nói
rằng: mối tương quan nơi Thiên Chúa là mối tương quan thực hữu và đồng nhất với
yếu tính của Thiên Chúa, bởi vì nơi Thiên Chúa không có chi là phụ thể bám vào
chủ thể, nhưng bất cứ điều gì có nơi Thiên Chúa cũng chính là yếu tính của
Người. Điều đó có nghĩa là Ba Ngôi Vị Thiên Chúa có chung một Bản thể.[2]
Theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, qua
việc nhập thể của Con Thiên Chúa mạc khải rằng Thiên Chúa là Cha từ muôn thuở
và Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha, nghĩa là Chúa Con ở trong Chúa Cha và
cùng với Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất. Thêm vào đó, sứ mạng của Chúa Thánh
Thần, Đấng Chúa Cha cử đến nhân danh Chúa Con và Được Chúa Con gởi đến “từ nơi
Chúa Cha” (Ga 15,26) mạc khải rằng Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa
Con là một Thiên Chúa duy nhất. “Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa
Cha và Chúa Con”[3].
2. Một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính
Trong thời Cựu
Ước, dân Israel chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, và người Israel có nét độc
đáo là đạo độc thần so với các tôn giáo của các dân tộc láng giềng. Sách Đệ Nhị
Luật viết điều họ tuyên xưng ấy: “Nghe đây hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa
chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết
lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Dnl 6, 4).
Trong thời Tân
Ước, Chúa Giê-su đã nói cho các môn đệ của Ngài biết về Thiên Chúa duy nhất
nhưng có Ba ngôi. Trong Tin mừng Gioan,
Chúa Giê-su đã nói: “Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha” (Ga 10, 38)
và “Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Các con hãy
tin đi: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 17, 11).
Thiên Chúa là thân phụ Đức Giê-su Kitô:
“Thiên Chúa và Cha của Đức Giê-su Kitô của chúng ta” trong các bản văn vinh
tụng; “Thiên Chúa và Cha, Đấng đã cho Đức Giê-su trổi dậy từ cỗi chết” (Rm
4,24). Hơn nưa, thánh Phaolô quy gán những tác động như nhau cho Đức Kitô hay
cho Thần Khí. Thí dụ: nhờ phép rửa, các tín hữu được ở trong Đức Kitô hay ở
trong Thần Khí; đối lại Thần Khí cũng ở trong họ và Đức Kitô cũng ở trong họ(Rm
8,9). Niềm vui của các tín hữu được gọi là “trong Thần Khí” (Rm 4,1) cũng như
trong “Đức Chúa” (Pl 3,1)[4].
Giáo hội không tuyên xưng ba Thiên Chúa,
nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: “Ba Ngôi đồng bản thể”. Các Ngôi Vị
Thiên Chúa không chia nhau một thiên tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là
Thiên Chúa trọn vẹn: Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì
Chúa Cha là thế ấy, và Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế
ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính.[5]
Thêm vào đó,
toàn bộ nhiệm cục của Thiên Chúa là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Vì, cũng như Ba Ngôi chỉ có một bản tính, Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một hoạt
động. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của thụ
tạo mà là một nguyên lý duy nhất.[6]
Từ những điểm
trên đây, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất trong hoạt động tạo
dựng, cứu chuộc và hành trình đời sống Giáo hội của Người.
II. Thiên Chúa phân
biệt trong Ba Ngôi Vị
1. Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần phân
biệt nhau
Chúa Cha không
phải là Chúa Con, và Chúa Con không phải là Chúa Cha, Chúa Thánh Thần không
phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con.
Người là Đấng Duy
nhất Đơn Thuần. Nhưng Người cũng là ba Ngôi Vị phân biệt. Mỗi Ngôi Vị thực hiện
công trình chung theo đặc tính riêng.
Mạc khải Cựu Ước cho
biết Thiên Chúa sáng tạo và hoạt động bằng Lời, bằng Thần Khí của Người: “Lúc
khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng,
bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
Thiên Chúa phán: hãy có ánh sáng…” (St 1, 1-31). Qua Cựu Ước, Thiên Chúa biểu
lộ mình ra như một cái Tôi mà hữu thể và hoạt động mang dấu ấn của một sức sống
riêng tư sung mãn. Người được nhìn nhận như là Ngôi vị vừa siêu việt, nhưng lại
vừa gần gũi với con người. Và Cựu Ước đã nhân cách hoá Lời của Giavê, Khôn
ngoan, Thánh Khí là những dấu chứng biểu lộ sự sống phong phú của Thiên Chúa.
Còn dựa vào Tân Ước:
“nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật
và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giê-su Kitô, nhờ
Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr
8,6), Hội thánh tuyên xưng một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành mọi sự, một
Chúa Giê-su Kitô, cùng đích của mọi sự, và một Chúa Thánh Thần, trong muôn vật
được hiện hữu. Đặc biệt, các sứ mạng của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm nhập thể của
Chúa Con và trong việc trao ban Chúa Thánh Thần, tỏ lộ nét đặc thù của từng Ngôi
vị.[7]
Cho nên chúng ta thấy
tuy là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi vị phân biệt. Mỗi Ngôi Vị
Thiên Chúa thể hiện đặc tính riêng của mình trong Ba Ngôi, nhưng luôn luôn có
sự liên kết và tương quan mật thiết với nhau, để không thể tách ra thành ba
Thiên Chúa, mà chỉ có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị.
2. Ba ngôi phân biệt do các mối tương quan
nguồn gốc
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã khẳng
định chân lý về Thiên Chúa Ba Ngôi: “Chúa Cha là Đấng sinh ra, Chúa Con là Đấng
được sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con”[8].
Ngôi Lời, phân biệt với Chúa Cha, không
được tạo thành nhưng được sinh ra từ đời đời. Dưới mắt người đời, Ngôi Lời đã
làm người. Nhưng trước mắt Thiên Chúa, Ngôi Lời không trở thành. Người luôn
luôn ở với Chúa Cha. Người hiện hữu trong Cội Nguồn là Chúa Cha, và không bao
giờ tách biệt khỏi Chúa Cha.
Thiên Chúa không khởi
sự làm Cha nhưng từ đời đời Người là Cha của Chúa Con. Từ muôn thuở, Người sinh
hạ Chúa Con. Chúa Con không là một phần của Chúa Cha, tách rời khỏi Chúa Cha.
Người là Hình ảnh phản chiếu ánh sáng của Chúa Cha. Cũng như Ánh sáng luôn
chiếu rọi, Chúa Cha không ngừng sinh ra Chúa Con.
Chúa Con không tách
rời khỏi Chúa Cha, mặc dù phân biệt với Chúa Cha. Không vì ân sủng, nhưng vì
được tham gia vào yếu tính, mà Ngôi Lời là Con.
Ngôi Ba là Thánh
Thần. Niềm tin vào Thánh Thần là đặc thái của Kitô giáo. Thánh Thần cũng vĩnh
cửu. Trong lề luật Cựu Ước và trong Tin Mừng đã có Người. Người đã có, hiện có
và sẽ có cùng Chúa Cha và Chúa Con. Người có từ đời đời, nhưng Người đổi mới
mọi sự. Thánh Thần của Chúa Cha và Thánh Thần của Chúa Con là một[9].
Khi nói về Ba Ngôi
phân biệt, thánh Thomas cho thấy trong Thiên Chúa, ngoài tương quan ra, không
còn có điều gì như là thực tại nào khác; Ngôi Cha là Đấng sinh đẻ và nhiệm xuy,
Ngôi Con là Người được sinh ra và nhiệm xuy, và Ngôi Thánh Thần là Đấng được
nhiệm xuy. Bốn tương quan (sinh, nhiệm xuy, được sinh ra và được nhiệm xuy) cấu
tạo nên Ba Ngôi Vị Thiên Chúa[10].
(còn tiếp phần sau...)
[1]
Lm. Ant Hà Văn Minh, Thần Học Ba Ngôi, Giáo Trình Học, xb 2007, tr 35.
[2]
Op. cit, tr 41.
[3]
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 262 – 263.
[4]
Lm. Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, xb 2001, tr 104.
[5]
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 253.
[6]
Op. cit, số 258.
[7]
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 258.
[8]
Op. cit, số 254.
[9]
Gm. Bùi Văn Đọc, Mầu Nhiệm Thiên Chúa , tr 299
[10]
Lm. Ant Hà Văn Minh, Thần Học Ba Ngôi, Giáo Trình Học, xb 2007, tr 41-42.