Thông cáo của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh


WHĐ (24.02.2013) – Ngày 23-02-2013, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã công bố bản thông cáo sau đây về quyền tự do của các Hồng y trong việc bầu Giáo hoàng:
“Tự do của Hồng y đoànvốn do luật định có trách nhiệm bầu giáo hoàngluôn được Tòa Thánh bảo vệ mạnh mẽ, như một bảođảm để việc bầu chọn chỉ hoàn toàn dựa vào những sự cân nhắc nhắm đến thiện ích của Giáo hội.
Trong suốt nhiều thế kỷcác các Hồng y đã phải đối mặt với nhiều hình thức áp lực, trên mỗi cử tri cũng như trên chính Hồng y đoàn, nhằm tác động đến quyết định của các ngàitheo một tiêu chuẩn mang tính chính trị hay thế tục.
Nếu trong quá khứ đã có những cái gọi là quyền lựctức là các Nhà nướctìm cách gây ảnh hưởng đến việc bầu Giáo hoàng,thì ngày nay cũng có một mưu toan thực hiện điều ấy qua ​​công luậnvốn thường dựa trên những phán đoán không nắm bắtđược phương diện thiêng liêng điển hình của thời điểm mà Giáo hội đang sống.
Thật đáng trách khi gần đến thời điểm bắt đầu Mật tuyển viện và các Hồng y cử tri –theo lương tâm và trước mặt Chúa sẽ phảitự do bày tỏ sự lựa chọn của mìnhngười ta lại phát tán những thông tin thường không được kiểm chứng, không thể xác minh, hoặc thậm chí hoàn toàn sai trái, gây thiệt hại nghiêm trọng cho con người và cho các định chế.
Hơn lúc nào hếtbây giờ người Công giáo cần chú tâm vào điều chính yếucầu nguyện cho Đức Thánh Cha BênêđictôxinChúa Thánh Thần soi sáng cho Hồng y đoàn cầu nguyện cho vị Giáo hoàng tương laitin tưởng rằng tương lai của con thuyền Thánh Phêrô là ở trong tay Chúa”.
nguon:http://hdgmvietnam.org/thong-cao-cua-phu-quoc-vu-khanh-toa-thanh/4735.57.7.aspx

Một số thay đổi trong Nghi thức khởi đầu triều đại giáo hoàng


WHĐ (24.02.2013) – Nghi thức đánh dấu khởi đầu triều đại giáo hoàng của Đức Tân giáo hoàng đã được thay đổi đôi chút.Hôm thứ Hai 18 tháng Hai 2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã phê chuẩn một số thay đổi đối với Sách Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô của Giám mục Roma (Ordo rituum pro ministerii Petrini initio Romae episcopi). Sau khi đệ trình lên Đức Thánh Cha những thay đổi này, Đức ông Guido Marini, Chưởng nghi Tòa Thánh Vaticanđã giải thích ý nghĩa và trình bày chi tiết các điểm được thay đổi.

Cụ thể, cầphân biệt việc cử hành Thánh Lễ với những nghi thức khác vốn không liên quan chặt chẽ với Thánh lễ”, chẳng hạnnghi thức phong thánhnghi thức hát mừng Phục Sinh, và nghi thức trao dây Pallium cho các tân Tổng giám mục.

Có hai cử hành quan trọng đánh dấu việc khởi đầu triều đại giáo hoàng: Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Giám mục Roma và nghi thức nhận ngai tòa Rôma tại Vương cung thánh đường Latêranô. Đức ông Marini giải thích: “Những nghi thức tiêu biểu sẽ được cử hành trước và ngoài Thánh Lễ chứ không phải trong Thánh lễ nữa”.

Về nghi thức tuyên hứa vâng phục, trước đây, chỉ các hồng y cử tri mới phải hứa vâng phục Đức Thánh Cha ngay sau cuộc bầu cử tại Nhà nguyện Sistine, nhưng nay, tất cả các vị hồng y đồng tế đều phải tuyên hứa. Đức ông Marini giải thích: “Cử chỉ này sẽ mang một chiều kích chung và mở rộng cho tất cả các thành viên của Hồng y đoàn, đồng thời cũng mang đặc tính Công giáoĐó không phải là muốn làm điều gì mới lạ vì như mọi người đều nhớ rõ, khi Đức Gioan Phaolô II khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài, tất cả các hồng y có mặt trong Thánh Lễ đồng tế đều tuyên hứa vâng phục.

Về việc thăm viếng các Đại Vương cung thánh đường tại Roma của Đức tân giáo hoàngngài sẽ xem xét thời điểm nào và hình thức nào “mà ngài cho là thích hợp nhất: trong một Thánh Lễ hoặc một Giờ kinh Phụng vụ, hay trong một cử hành phụng vụ cụ thể khác”.

Tại sao cần thay đổi? Đức ông Marini giải thích hai lý do tại sao Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đưa ra quyết định này: Trước hết, Đức Thánh Cha là người đầu tiên đã có dịp trải nghiệm những nghi thức khởi đầu triều đại giáo hoàng vào năm 2005. Kinh nghiệm này có lẽ đã giúp ngài đưa ra một số cải tiến cho bản Nghi thứcTiếp theongài cũng muốn đi theo cùng một đường lối của một số thay đổi trong những năm gần đây đối với các nghi thức phụng vụ của giáo hoàng”.

Bản Nghi thức mới cũng dự trù việc quy định rõ một danh mục âm nhạcTừ nay những thay đổi được áp dụng sẽ cho phép tự do hơn trong việc lựa chọn các bài hátkhi đề cao giá trị kho tàng âm nhạc phong phú của lịch sử Giáo hội.

(Vatican Radio, 23-02-2013)
nguon:http://hdgmvietnam.org/mot-so-thay-doi-trong-nghi-thuc-khoi-dau-trieu-dai-giao-hoang/4736.57.7.aspx

Hội Nhập Văn Hóa: Vấn Đề Hay Huyền Nhiệm


Trước hết tôi xin được phép Quý vị miễn chấp cho tôi cái tội “vô lễ” được bỏ qua mọi công thức nghi lễ cần phải có, như Kính thưa… Kính thưa… và Kính thưa… v…v. để đi vào “câu chuyện” mà tôi trình bày với Quý vị hôm nay.
Vâng, xin thưa: “Câu chuyện” chứ không phải bài tham luận. Xin quý vị lượng tình xem như tôi hầu chuyện với quý vị cho vui (theo kiểu Nguyễn Du: ”lời quê góp nhặt dông dài – mua vui cũng được một vài trống canh”) để thư giãn sau những giờ thảo luận khá lao lực trí óc – Và tôi e rằng khi câu chuyện kết thúc, quý vị sẽ ít nhiều không được như ý. Lý do là vì tôi sẽ không thi công đúng như sự đặt hàng là “Vấn đề Đức Tin Hội Nhập Văn Hoá”. Quả vậy, tôi sẽ không (ít ra là không trực tiếp và không nhiều) đề cập đến nội dung đề tài, mà chỉ vòng tam quốc chủ đề; có chăng thì ngấp nghé ở ngưỡng cửa mà thôi. Xin quý vị lượng thứ cho cái tội thiếu sòng phẳng trong cách làm ăn thế. Xin chân thành cám ơn quý vị.
***
Những điều tôi trình bày sau đây là một số cảm nghĩ thiên về trực cảm hơn là suy tư về một điều mà chúng ta có thể xem như là vấn đề PHƯƠNG PHÁP trong cách tiếp cận với nội dung của SỰ VIỆC mà ta thường gọi là Hội Nhập Văn Hoá đối với Đức Tin Kitô Giáo, tức là tôi sẽ không bàn đến chính sự việc Hội nhập ấy. Những năm gần đây chủ đề nầy đã được đề cập đến trong rất nhiều buổi thảo luận, các cuộc toạ đàm từ cấp liên Giáo phận, cho đến các Cộng đoàn các cấp (bản thân tôi cũng có tham dự ít nhiều). Chúng ta đã được nghe, được đọc nhiều bài tham luận có giá trị.
Hôm nay, tôi xin được trình bày một câu hỏi mà chính tôi đã tự đặt lấy cho mình: “Cái cách chúng ta tiếp cận “sự việc” mà chúng ta gọi là “Hội Nhập Văn Hoá” đương nhiên là cần thiết và hữu ích; nhưng có một bình diện khác của sự việc, mà có lẽ chúng ta đã ít lưu tâm đến chăng?”.
Xin lưu ý rằng tôi dùng từ nôm na “sự việc” chứ không dùng từ “vấn đề” là có chủ ý mà sau nầy quý vị sẽ rõ.
Tôi xin dựa vào sự phân biệt các sự việc ra làm hai loại, của nhà Triết học bậc thầy là Gabriel Marcel. Ông ta dùng hai thuật ngữ: Problème (tạm dịch là Vấn đề) và Mystère (tạm dịch là Huyền nhiệm) để gọi hai loại sự việc cần phân biệt ấy.
● Problème (Vấn đề) là những sự việc ta có thể tách rời khỏi bản thân ta, ném ra trước mặt ta, như một khách thể, một đồ vật (un objet, une chose) để khảo sát, phân tích, lý giải đạt một câu trả lời thường là rõ ràng, dứt khoát, chính xác. Ví dụ như: phân tích một chất hoá học, hay tuyệt vời hơn là tìm đáp số một bài toán học. Đạt được kết quả: thường có thể diễn đạt bằng một công thức: định lý, hay định luật. Sau khi trình với giới thẩm quyền thẩm định: được công nhận là xong! Chỉ cần đưa ra áp dụng theo một quy trình như một kỹ thuật công nghệ: có thể áp dụng chung cho bất cứ sự việc nào cùng một loại. Mọi yếu tố thuộc về chủ thể cần phải gạn lọc cho thật hết sạch để đạt tính cách khách quan 100%, và ai cũng phải đạt tới cùng một giải đáp như nhau. Ví dụ: 2+2=4; nước phân tích ra là H2O. Thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy (đương nhiên đó là lý tưởng cần hướng tới, còn gần được bao nhiêu thì còn tuỳ).
● Ngược lại Mystère (Huyền nhiệm) là những sự việc gắn liền với bản thân ta là những hữu thể có ngã vị, có chủ thể tính, có tự do, tự quyết, tự thực hiện lấy chính mình, tuỳ theo cái câu trả lời của mình đối với sự việc; nó như mời gọi, thách thức chính mình, mà câu trả lời của mình chính là mình xử lý chính mình chứ không phải là lý giải một khách thể.
Đó là trường hợp: “Anh có yêu em không?”, “Có nên bỏ túi viên đá quý nhặt được hay không?” và chúng ta đây ai cũng biết trước câu hỏi mà Giêsu Nazareth đặt ra: “Ta là ai?”, thì tiêu biểu là hai cách trả lời: một của Phêrô, một của Caipha; và ta đã biết câu trả lời cho câu hỏi ấy đã kéo theo những hậu quả như thế nào trong cách ứng xử của hai nhân vật ấy! Một người thì cuối cùng chịu đóng đinh ngược trên thập tự để làm chứng cho Giêsu, một người thì xé áo mà tuyên án tử hình Ngài.
Do đó cách tiếp cận một vấn đề là khác hẳn cách tiếp cận một huyền nhiệm.
Phân biệt như vậy để thấy rõ, chứ thực ra: sự việc nào cũng có hai dạng ấy với một tỷ lệ ít hay nhiều thôi. Ví dụ: dầu sao cũng phải biết Giêsu người ở Galilê, con bà Maria,v.v… Và đứng trước một cục đá vô giá trị thì tâm tư cũng ít dao động hơn trước một viên kim cương. Đứng trước sự việc nào ta cũng có cả hai cách tiếp cận với những tỷ lệ ít nhiều khác nhau.
Đối với những vấn đề, ta cũng phải cảnh giác để ứng xử sao cho đừng thiệt thân và có lợi tối đa (đó là bình diện huyền nhiệm của nó).
Đối với những huyền nhiệm ta cũng cần kiểm chứng để sự dấn thân được hợp lý thuận tình.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng đồng ý rằng cả hai sự việc Văn Hoá và Đức Tin (nhất là Đức Tin Kitô Giáo) là hai phạm trù (tôi dùng từ này có hơi quá cao, những tôi thấy từ khái niệm thì hơi thấp) chỉ về hai “sự việc” mà tỷ lệ Huyền nhiệm là rất cao: nói rằng chúng chiếm đến 90% có lẽ không ngoa! Vì Đức Tin và Văn Hoá chi phối toàn thể cuộc sống con người (cá nhân cũng như đoàn thể) trên mọi bình diện: từ những bản năng thể lý cho đến những khát vọng tâm lý và tâm linh.
Chắc rằng chúng ta ai cũng nghĩ rằng hai sự việc Văn Hoá và Đức Tin đều có tỷ lệ Mầu nhiệm rất lớn, lớn lắm. Vì cả hai đều chi phối toàn thể cuộc nhân sinh từ những bản năng thể lý cho đến những khát vọng của tâm hồn của những chủ thể độc nhất vô nhị thuộc về những “HIC et NUNC” “ở đây và hiện nay” vô cùng phức tạp và không bao giờ lặp lại. Nỗ lực Hội nhập hai Mầu nhiệm với nhau, sẽ là Mầu nhiệm luỹ thừa 2! Quả là nan giải: sẽ là loanh quanh, lúng túng như lạc vào mê hồn trận, tìm lối ra chắc là không dễ!
Cũng chính vì thế mà chúng ta có xu hướng tìm giải pháp dễ (solution facile) muốn phi mầu nhiệm hoá nó, mà chỉ lưu tâm đến chiều kích vấn đề của sự việc. Ta có xu hướng khách thể hoá Văn Hoá và Đức Tin cho dễ bề thao tác trong việc hội nhập mà ta xử lý như đem pha trộn hai chất liệu nào đó với nhau. Làm như vậy e rằng không ổn! Vì chúng ta đã quên đi rằng không có đồ vật nào để gọi là Văn Hoá, không có đồ vật nào để gọi là Đức Tin. Văn Hoá và Đức Tin là cái cách sống nào đó của những con người có ngã vị chủ thể tự do sáng tạo có lịch sử tính (personne chứ không phải chose).
Vì sự sao nhãng ấy mà chúng ta chỉ chú tâm đến những sản phẩm hữu hình đã tách ra khỏi bản thân đời sống của chủ thể và thành những Đồ Vật (chose). Như vậy chúng ta chỉ nắm bắt các đồ vật (sản phẩm: là kiệt tác hay là bài tiết), chứ không nắm bắt được chính SINH HOẠT HỘI NHẬP của con người trong chiều kích NHÂN SINH, là một cái gì sống động, linh hoạt mà quên rằng “La lettre tue, c’est l’esprit qui vivifie”. Cụ thể mà nói: sinh hoạt Hội Nhập Văn Hoá không ở trong ngôi thánh đường Phát Diệm mà ở trong chính con người của nhà Kiến trúc là linh mục Trần Lục, nay đã là người thiên cổ! Cũng như nó không nằm trong bài thơ Ave Maria của Hàn Mặc Tử, mà ở trong chính tâm hồn của Thi nhân, nay cũng đã là người thiên cổ. Ta đã lấy sản phẩm mà cho là sinh hoạt. Quả vậy, không phải ai cũng bắt gặp được sự hội nhập văn hoá trong khối vật chất của nhà thờ Phát Diệm, cũng như không phải ai cũng gặp được cái hồn thơ của bài Ave Maria, có đồng thanh mới tương ứng, có đồng khí mới tương cầu! Nếu cho sinh là khổ thì một bức tranh dù là kiệt tác của cuộc Đức Mẹ Maria viếng thăm bà Isave, có giúp cho bắt gặp được niềm vui của bài Magnificat không? Hay chỉ đáng xót thương cho hai phụ nữ mang thai sẽ là duyên khởi cho hai tên tử tội trong vài chục năm sau còn nặng nghiệp oan gia nào đó chứ vinh phúc nỗi gì?!
Đọc bài kinh hiến dâng cho Tình Yêu của Têrêxa Hài Đồng mà có tư tưởng vô ngã thì sẽ xót thương cho cô thiếu nữ tư sản Tây Phương thế kỷ 19 đắm chìm trong Ái dục và chấp Ngã, chứ làm sao đồng cảm với mối tình say sưa ngây ngất giữa hai Ngã vị: Giêsu Nazaret và Têrêxa Lisieux! Vì chiêm niệm Kitô và thiền định khác nhau trời vực! (Xin lưu ý tôi chỉ nói KHÁC nhau (khó pha trộn) chứ không nói hơn thua, sai đúng).
Xin sang một vấn đề thuần tuý văn hoá! Thử làm một cuộc điều tra xem, trong các cô Tú, cậu Tú ngày nay mấy ai cùng với Tố Như khóc thương Thuý Kiều và cùng với Thuý Kiều khóc thương Đạm Tiên nữa không? Hay chỉ là học tủ làm bài bình văn học thuộc lòng như máy ghi âm để thi cho đậu mà thôi! Các cô cậu Tú ấy với những người mẹ mù chữ ở nông thôn thuở trước khẽ ngâm Kiều ru con ai hiểu Đoạn Trường Tân Thanh hơn? Nghe đâu thanh niên Ninh Bình không thích Quan họ nữa, thanh niên Huế không thích Nam ai Nam bình nữa, thanh niên Bình Định mấy ai hiểu tuồng Hát bội; và các phòng Karaoke ở thành phố HCM mấy ai ca cải lương sáu câu vọng cổ?
Thường ta cho rằng tác phẩm được tạo nên với chất liệu nào đó là những người con của văn nghệ sĩ! Có lẽ không phải thế. Người con của tác giả là những ai qua tác phẩm, cùng rung cảm với tác giả và trở nên như đã được tác giả nhập hồn. Cũng như con tinh thần của thánh Gioan Thánh Giá không phải là các bài thơ thần hiệp của Ngài trong khối lượng từ Tây Ban Nha in trên giấy tờ, mà là Têrêxa Hài Đồng, qua các ký hiệu ấy, làm cho chính linh đạo của Ngài sống lại trong trái tim của mình, rồi cứ thế mà sinh sôi nảy nở cả một dòng họ thiêng liêng Cát Minh, là cuộc sống thần hiệp của các con cái Ngài.
Sự lầm lẫn ấy đưa đến một hậu quả không hay là, hễ nói đến Hội Nhập Văn Hoá, là ta chỉ nghĩ đến việc mô phỏng bắt chước một cách máy móc những sản phẩm có giá trị trong quá khứ mà không có một cái gì gọi là sáng tạo. Đáng lẽ ra ta phải tự hỏi, nếu các tác giả đã thành công trong quá khứ, mà sống vào thời điểm và nơi chốn của ta hiện nay thì các ngài SẼ làm gì. Bảo tồn di sản là để qua cái di tích vật chất ấy làm sao thấm nhuần đến mức đi vào được cái Thần của tác giả xưa, để tự mình tưởng tượng ra, nếu trong hoàn cảnh hiện tại, thì cái Thần ấy SẼ biểu hiện ra dưới biểu trưng nào, chứ không phải cứ việc lặp lại các sản phẩm ĐÃ được làm nên trong quá khứ. Truyền thống là một nguồn mạch sống luôn tạo nên cái mới theo một tinh thần, theo một cái hồn nào đó, rồi chính mình phải sáng tạo ra cái hình hài khác nhưng vẫn là tiếp tục và phát triển cái hồn xưa vốn có tính cách siêu thời gian và phong phú. Vì vậy không nắm được cái tinh thần của linh mục Trần Lục, thì chỉ có thể bắt chước, sao chép như photocopy nguyên bản chứ không thể sáng tạo cái hợp thời theo tinh thần của Trần Lục. Ví dụ: Thánh Phanxicô ở thời Ngài, theo tinh thần nghèo khó thì phải ăn xin, nhưng nay theo tinh thần nghèo khó của Ngài thì hình thức ăn xin không hợp nữa, mà phải lao động sản xuất mới thực sự là trung thành với tinh thần của Ngài. Làm sống lại, hay nói đúng hơn vẫn duy trì sống động cái tinh thần trong hình hài mới, chứ không phải ép xác cái hình hài cũ nguyên xi bỏ vào lồng kính! Bất cứ nhà xây dựng thuộc dân tộc nào cũng làm lại được một nhà thờ Phát Diệm nguyên xi: nhưng đó là phục chế chứ không phải trung thành với tinh thần truyền thống; đó là việc của thợ thi công chứ không phải là tài hoa của nhà kiến trúc có nghệ thuật cao!
Không chính tự mình thấm nhuần cái hồn dân tộc Việt Nam thì không thể tạo nên một ngôi thánh đường, không phải là sao y nguyên bản mà là tiếp nối cái tinh thần của linh mục Trần Lục. Không có một tâm hồn như Hàn Mặc Tử thì không thể sáng tác một bài thơ, không phải chỉ là bản sao mà là một bài thơ cùng một dòng với Hàn Mặc Tử! Chính bản thân có đẹp như Tây Thi thì nhăn mặt khi đau bụng lại càng thêm đẹp, còn bản thân thì xấu, bắt chước Tây Thi nhăn mặt thì làm thiên hạ khiếp sợ bỏ chạy. Cứ xem một vài thánh đường mới xây bắt chước một vài chi tiết của nhà thờ Phát Diệm mà chính nhà kiến trúc không có một nền văn hoá có chiều dày truyền thống Đông Phương, thì trông Tây không ra Tây, Đông cũng chẳng phải Đông! Nếu uống từng két bia, thay đổi xe máy hàng tháng, hàng đêm đua xe làm tắc nghẽn giao thông, mà làm thơ Đường thì chỉ là văn xuôi có vần chứ làm sao có hồn thơ của Lý Bạch Đỗ Phủ!
Hội Nhập Văn Hoá thực sự trước hết là ở chính trong cuộc sống của bản thân từng người, rồi tự nhiên sẽ sản sinh ra những hoa quả tốt đẹp. Sau thời gian nhập đạo, sống thân cận với một số gia đình Công Giáo tại một vùng quê, tôi thấy Hội Nhập Văn Hoá đã thực sự xuất hiện nơi các bà mẹ Công Giáo Việt Nam vừa có những nét của Mạnh Mẫu, vừa có những nét của Đức Mẹ Maria, và sản phẩm của các ngài là biết bao nhiêu là tu sĩ nam nữ, linh mục được cống hiến cho Giáo Hội và phục vụ đồng bào.  Sau hơn 50 năm trời, mà tôi vẫn còn nhớ rõ cái hình ảnh của một chặng đường thánh giá được tiếp diễn một cách sống động ngay giữa khung cảnh thiên nhiên của sông núi quê tôi: Trên một dốc cao ven bờ Vực Nầm (nơi mới bị lũ lụt xói mòn vừa qua), dưới cái nắng gay gắt của mùa hạ, ngọn gió Lào quần quật, một em bé quãng 14,15 vác một thân cây có lẽ nặng gần gấp đôi chính cơ thể em, từng bước một nặng nhọc đi lên, mồ hôi tầm tả, hơi thở dồn dập, tôi chạy lại gần ghé vai chung vác cho tới đỉnh. Bỏ khúc cây xuống nghỉ, tôi hỏi em: “Vác như rứa có nhoọc (mệt) lắm không em?”. Em mỉm cười: “Nhoọc lắm anh ạ, nhưng so với Chúa Giêsu vác thánh giá lên đỉnh núi Canve, thì có thấm chi mô?”. Đối với tôi, chính bản thân em trong giây phút ấy đã hội nhập đức tin Kitô vào chính cái văn hoá cần cù lao động của cả vùng quê tôi, giữa cảnh đồi núi, sông ngòi của vùng Nghệ Tĩnh ở một đỉnh cao. Mà nào có ai biết ai hay ai ca tụng ngoài Chúa ra! Và chính bản thân em bé ấy thì hoàn toàn không biết “vấn đề” hội nhập, song em đã sống cái “huyền nhiệm” hội nhập một cách tuyệt vời! Mà cái đó mới là chính yếu. Một hình ảnh khác, một vị tu sĩ, trong trại cải tạo, tuân thủ kỷ luật rất nghiêm túc, các bạn cùng cảnh ngộ hỏi: “Thầy sợ họ lắm sao mà tuân thủ kỷ luật quá vậy!”, “Không! Tôi chỉ sợ Chúa, tôi sống đức vâng lời trong cái hoàn cảnh này đó mà!”. Cái văn hoá trại cải tạo đã được nâng lên cao trong tinh thần tu hành Kitô Giáo! Đó cũng là một gương Hội Nhập khá sáng!
Vậy sự việc không phải là cố gắng một cách duy lý, duy ý chí, bắt chước máy móc một mô hình đã có nào đó, mà tự mình thể hiện nơi đời sống văn hoá của mình sự phối hợp với đức tin của mình. Điều kiện cần phải có là mình hấp thụ chính cái văn hoá nơi và lúc mình đang sống, yêu mến nó trong những gì là hay là tốt rồi nâng lên với chính đức Giêsu đang sống trong tâm hồn mình, gần như một cuộc hôn phối giữa Ngài và cái tinh thần văn hoá đang linh hoạt nơi mình.
Vì vậy từ hội nhập có lẽ không sát nghĩa lắm. Đây không phải là dung hoà giữa nền văn hoá nầy với nền văn hoá kia, mà sự kết nghĩa giao duyên giữa văn hoá mà mình sống với chính Thiên Chúa Ngôi Hai để mầu nhiệm Nhập Thể vẫn tiếp tục thể hiện trong bản thân mình. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh hôn phối để nói về sự kết hợp giữa đức Giêsu Kitô và Hội Thánh là hiền thê của Ngài. Thời Cựu Ước cũng dùng hình ảnh tình yêu vợ chồng để nói về tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người. Tóm lại Hội Nhập Văn Hoá chỉ là tiếp diễn mầu nhiệm Nhập Thể nơi mỗi người tín hữu thuộc mọi thời đại và ở khắp mọi nơi. Và nếu như sự nhập thể được xem như một cuộc hôn nhân thì đương nhiên sẽ sinh sản ra hoa quả, như những người con linh hoạt, nơi mà hình ảnh của Cha và Mẹ kết thành một, chứ không phải như cái máy sản xuất ra một lô sản phẩm hàng loạt. Và con cái tuy cùng chung một cha một mẹ, nhưng như chị em Thuý Vân Thúy Kiều “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Mỗi người một vẻ chứ không phải một lô hàng gốm cùng đúc một khuôn, nung trong một lò chỉ là những vật chất dù có đẹp đến đâu!
Kiệt tác chính là cuộc sống của con người toàn diện, sản phẩm chỉ là biểu hiện bên ngoài chỉ có ý nghĩa với những ai đồng thanh đồng khí. Ta thử hỏi xem nếu cho sinh là khổ thì có thể vẽ được một bức tranh vẽ cảnh Đức Mẹ đi viếng bà Isave mà làm cho người xem thông dự vào niềm vui của hai bà mẹ tương lai, như bài Magnificat đã phản ánh không? Vì đối với người ấy thì hai cái bào thai kia là duyên khởi của hai chúng sinh sẽ bất đắc kỳ tử chưa biết oan nghiệt ra sao? Không thể nào reo vui nhảy mừng trong bụng mẹ như bào thai của Gioan Tẩy Giả được, và bà Maria làm sao cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa được? Ngược lại một người Công Giáo Việt Nam, mà từ thuở bé không hề cảm xúc sâu xa trước tà áo phụ nữ Việt Nam nhẹ bay theo bước đi của bà của mẹ của chị của em gái mình, thì dù có cố gắng mấy tạc tượng Đức Mẹ mặc áo phụ nữ Việt Nam sẽ không có cái thần tà áo phụ nữ Việt Nam được.
Vậy việc phải làm là làm sao để tâm hồn thấm nhuần cái thần của văn hoá Việt Nam trong cái chiều sâu của tâm hồn chứ không phải cố mô phỏng các di sản ĐÃ được  làm nên. Muốn tìm câu trả lời ta thử hỏi một vài câu.
Ví dụ: trong tầng lớp gọi là trí thức hiện nay số người thấm nhuần văn hoá Trung Hoa Ấn Độ, như Augustin và Thomas thấm nhuần văn hoá La-Hy, được mấy người?
Chúng ta biết các đại chủng sinh, ở cấp trung học hầu hết nắm khá vững văn chương của nước họ đã đành, lại còn cả của các nước lân cận, và xa hơn là văn chương cổ đại Hy Lạp và La Mã! Số người trong các đại chủng viện của ta, bao nhiều người thực sự cảm thụ được cái thần của thơ Lý Bạch Đỗ Phủ, và ngay cả những tác phẩm như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm; kể cả truyện Kiều thì cũng chỉ học vừa đủ để làm bài thi đủ điểm đậu theo kiểu học tủ mà thôi!
Rồi trong lớp người sau 30 tuổi, số người mà thời thơ ấu được mẹ ru bằng những câu ca dao, là bao nhiêu! Và ta thử làm trắc nghiệm mà xem, số tục ngữ về các mặt đạo đức phong tục, sinh hoạt sản xuất, nhân tình thế thái, họ có biết nhiều không và có ăn sâu vào tiềm thức và chi phối lên cách ứng xử kể cả những việc như giặt áo quần, quét nhà, khuân vác, leo trèo v.v…?
Số người Công Giáo sành về nghệ thuật cổ truyền, có được mấy ai còn biết chơi, hoặc ít ra biết thưởng thức hát chèo, hát bội, nhạc cung đình, và Nam ai Nam bình?
Những mô-típ điển hình như các nhân vật Nhị Độ Mai, tích Lưu Bình Dương Lễ, Từ Thức, Liễu Hạnh, Phan Trần có phả vào đời sống tâm tình những cung bậc nào không?
Rồi hoa ngâu, hoa lý, hoa lài, hoa bưởi, hoa cau, hoa sim, hoa dâm bụt, rau ngò, rau húng, rau dền, rau đay, rau mùng tơi, rau má, rau sam, quả nhát, quả cà, quả chùm ruột, quả trứng cá, quả ổi, quả me, còn để lại những cảm giác gì trong ký ức tuổi thơ với những cá thia, chuồn chuồn, chim chích choè, chèo bẻo, chìa vôi, chim quốc, chim vạc, chim cú, đỉa, sâu róm, nhện, thằn lằn, bò cạp, con rươi, con cà cuống, con ve, con ong và còn biết bao nhiêu mà kể, có để lại một vài kỷ niệm vui buồn nào không?
Chưa nói đến vấn đề triết học thần học cao sâu, nhưng nếu những sự vật kể trên mờ nhạt trong tâm tư thì làm sao mà có thơ văn, kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc có màu sắc Việt Nam? Và những từ nôm na như: song, vẫn, dù cho, chi mấy… mà không ăn sâu vào cân não thì suy tư chưa hẳn có dấu ấn Việt Nam. Ví dụ tiếng Pháp, tôi có được nghe một giáo sư triết khởi đầu giáo trình bằng cách nêu lên những gì gợi lên cho ông từ hai chữ ‘Jamais’ và ‘À jamais’. Chỉ có một chữ giới từ “À” mà ‘Jamais’ là ‘không bao giờ’, còn ‘À jamais’ là ‘mãi mãi’: một mảng tâm hồn dân Pháp hàm chứa trong một chừ “À”! Mấy ai ngẫm nghĩ xem chữ “Ai” trong tiếng Việt hàm chứa những gì bằng cách so sánh AI và GÌ như câu hỏi của Chúa: “Ta là AI” và câu hỏi: “Mầy là GÌ của tao mà đòi v.v…” (Personne và Nature đấy: chìa khoá đi vào mầu nhiệm nhập thể đấy!).
Tôi không dám khẳng định, nhưng xin mạo muội nói thật rằng: Tôi có cảm tưởng như cái hồn, cái thần của Văn hoá Đông Phương không thấm nhuần vào tâm tình của người Công Giáo Việt Nam. Và nếu quả là như vậy thì tại sao? Có phải vì người Công Giáo tâm hồn hời hợt nông cạn chăng? – Không phải thế – nhưng tại sao xem ra lại có vẻ như thế?
Xin tạm đưa ra một vài giả thiết như sau:
Có nhiều lý do: tâm lý và tâm linh của người Công Giáo Việt Nam có một cái gì đó làm cho nó khó bén rễ vào sâu bất cứ một cái gì. Không phải bản chất như vậy! Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Hàn Mặc Tử, một số trí thức Công Giáo miền Nam trước đây, cho ta thấy, nếu có điều kiện thuận lợi thì người Công Giáo cũng như bất cứ người Việt Nam nào. Nhưng vì có cái gì đó làm cho cái rễ chính không thể ăn sâu vào lòng đất gần như một cây đa bị trồng vào một chậu cảnh, thì rễ làm sao ăn sâu vào gì được.
Cái chậu cảnh ấy là gì? Thưa: là cái khung sống xã hội của người Công Giáo Việt Nam. Vì hoàn cảnh bên ngoài xã hội: người Công Giáo thường tụ tập với nhau trong những giáo xứ. Tổ chức phần nào theo cơ chế của làng Việt Nam. Mà làng Việt Nam thì thường là khép kín trong một bờ rào tre xanh kiên cố, ra vào có cổng. Các làng bên lương thì tuy khép kín nhưng từ lâu đời đã được thấm nhuần trong một nền văn hoá với một chiều dày lịch sử với ba lớp phù sa dày của Tam giáo: Phật Nho Lão. Còn làng Công Giáo thì đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bởi một đức tin đã thấm nhuần văn hoá Tây Phương, đồng thời cái văn hoá Tây Phương ấy cũng thấm nhuần Kitô Giáo: đó là kết quả một sự nghiệp Hội Nhập Văn Hoá của Kitô Giáo Tây Phương mà 2000 năm của lịch sử Tây Phương cho ta thấy nó đã tạo nên một sự nghiệp lẫy lừng. Những người Công Giáo Việt Nam bị kẹt vào một cái thế bị trồng vào chậu cảnh, rễ không thể bén sâu (như người Công Giáo Tây Phương trên bản địa lâu đời của họ, hoặc như người lương trên bản địa lâu đời của mình) nên ngay chính tâm lý Đức Tin cũng không sâu xa được. Nhiệt tình, quảng đại, nghiêm túc, nhưng chưa thấm nhuần vào chiều sâu thẳm nhất của bản thân, nên chưa biến thành như một seconde nature (bản tính thiên nhiên thứ hai) mà có cái gì như ghép tháp vào có phần gượng ép: chỉ mới ở phần lý trí (với các tín điều), phần luân lý và kỷ luật (giữ đạo). Có thể hăng hái tử đạo, nhưng không có cái chiều sâu của đời sống thần hiệp nên chưa có một linh đạo nào có bản sắc mà chỉ toàn vay mượn.
Vững về niềm tin (tín lý), nghiêm túc về đạo đức luân lý, nhưng vẫn còn cạn về đời sống nội tâm thiêng liêng.
Đức tin của người Kitô Giáo Tây Phương, là cái cây gieo trên bản địa văn hoá La-Hy bởi những hạt giống Kitô chưa Hội Nhập Văn Hoá nào cả, nên đã lớn mạnh với hạt giống nguyên xi nuôi dưỡng bởi một nền văn hoá bản địa. Cái đức tin Kitô được truyền sang Đông Phương là một đức tin đã được phối hiệp rất sâu xa với một nền văn hoá đã lâu đời, đem gieo vào tâm hồn của những con người bị tách ra khỏi cái bản địa văn hoá của mình. Thậm tệ hơn là bị ngăn cấm không được dinh dưỡng bởi nhựa văn hoá của mình. Tại sao bị cấm? Tôi không đồng ý với những ai trách móc các thừa sai đã có lỗi trong sự việc ấy: các ngài đành phải làm như vậy, vì nền văn hoá bản địa đã thấm nhuần bởi Tam giáo (tương tự như Tây Phương đã thấm nhuần Kitô Giáo) cho nên thấm nhuần văn hoá Đông Phương thì có nguy cơ nuốt luôn cả Tam giáo và có thể tạo nên những điều trái nghịch với Kitô Giáo. Đời sống tâm linh èo uột ấy cuối cùng cũng làm kẹt không cho cái hồn của Đất Nước nhập vào sâu được. Thành thử có hiện tượng ảnh hưởng tiêu cực hai chiều hỗ tương cho nhau rất nặng: vì tự tách rời nên không ăn sâu vào nền đất văn hoá bản địa, và thiếu nền văn hoá bản địa (mà chỉ sống trên một nền Đức Tin Kitô đã được hội nhập khăng khít với một nền văn hoá nên Đức Tin cũng khó có chiều sâu tâm linh mà chỉ mạnh ở phần chí (luân lý) và vững ở phần lý (tính điều) mà thôi.
Cần phải thực hiện một công trình thanh lọc lâu dài đầy trắc trở:
- Một mặt cắm sâu vào bản địa văn hoá của mình, nhưng phải khử những yếu tố có tính cách tôn giáo với những tín điều nghịch với đức tin (Ví dụ: Học thiền, nhưng phải tránh cái hậu quả là đi đến chỗ lầm lẫn Hoá thân và Nhập thể. Vun quén lòng hiếu thảo nhưng phải tránh cái cám dỗ phải có kẻ nối dõi tông đường trái với luật hôn nhân (nếu không may không có con trai; hoặc con trai một mà muốn hiến dâng cho Chúa thì đừng ngăn cấm).).
- Một mặt cần trau dồi đời sống thiêng liêng nội tâm (vie spirituelle) đạt đến chiều sâu thần hiệp.
- Có chiều sâu tâm linh thần hiệp thì lại có khả năng nhập sâu vào hồn non sông đất nước hơn.
Sự ngăn cản có hai chiều hỗ tương, thì sự phát triển tháo gỡ cũng tích cực hai chiều hỗ tương.
Công việc của chúng ta nặng gấp đôi công việc của thế hệ Kitô Giáo đầu tiên: vì họ là con đầu, hạt giống Đức Tin còn nguyên xi chưa bị hội nhập hoá với nền văn hoá nào cả. Họ chỉ có việc hội nhập hoá với nền văn hoá bản địa của họ.
Còn ta cần nhiều công đoạn:
1) Thấm nhuần Đức Tin đã bị hội nhập với nền văn hoá Tây Phương.
2) Thanh lọc những yếu tố văn hoá Tây Phương để tiếp cận ngay với hạt giống nguyên sơ (việc này rất khó).
3) Thấm nhuần văn hoá bản địa (nhưng phải thanh lọc những yếu tố các tín ngưỡng đã in dấu sâu xa vào văn hoá ấy, việc này cũng không phải dễ).
Muốn thanh lọc những yếu tố văn hoá Tây Phương khỏi Đức Tin, thì phải thấm nhuần văn hoá bản địa – nhưng muốn thanh lọc văn hoá bản địa khỏi các tín ngưỡng, thì lại phải thấm nhuần Đức Tin Kitô vào chiều sâu tâm linh. Và sự thanh lọc nào cũng đau đớn và có những nguy cơ như một cuộc giải phẫu!
Sự thanh lọc yếu tố văn hoá Tây Phương trong Đức Tin có thể đi đến thực sự hoặc bị chụp mũ lạc giáo.
Sự thanh lọc yếu tố tín ngưỡng của văn hoá bản địa có thể đi đến thực sự hoặc bị nghi oan là vong bản.
Có thể nói sự Hội Nhập Văn Hoá của Kitô Giáo Đông Phương đang còn mới bắt đầu đi vào giai đoạn purgative (thanh lọc cả hai chiều), và giai đoạn ấy thì phải là rất đau đớn và cũng có thể phải kéo dài và đầy cạm bẫy thử thách đến từ nhiều phía như ở thế kẹt giữa hai lằn đạn công kích:
1) Một lằn đạn công kích cho là lạc giáo.
2) Một lằn đạn công kích cho là vong bản.
Có thể bị thương vì cả hai phía. Nhưng! Mầu nhiệm Nhập thế phải qua mầu nhiệm Khổ nạn, rồi mới tiến về mầu nhiệm Phục sinh. Quy luật ấy không thể tránh. Và nếu lấy hình ảnh hôn phối và tình yêu hôn nhân để gợi ý tạo hình cho sự nghiệp Hội Nhập Văn Hoá, thì đau khổ là đương nhiên: tình yêu nào lại chẳng đòi hỏi hy sinh và tạo nhiều gian khổ. Và đó cũng chính là một chặng đường phải qua nếu muốn là môn đệ của Ngài.
Hãy vác thánh giá hằng ngày mà theo Ta trong tiếng gọi Tình Yêu.
Bon courage mes amis
Và Ama et fac quod vis.
Tác giả: Nguyễn Khắc Dương
Nguồn: dunglac.org