Phân tích tóm tắt Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin của Đức Phanxicô


Thông điệp, dù được viết bởi vị giáo hoàng có ngôn từ đơn giản và trực tiếp như Đức Phanxicô, vẫn không phải là dễ đọc. Để giúp bạn đọc, nhất là những bạn đọc lần đầu tiên đọc một thông điệp của giáo hoàng, chúng tôi xin phân tích tóm tắt các ý chính theo từng phần, từng chương và từng đoạn của cả thông điệp. Các số trong [] là số đoạn

Phần Nhập Đề [1-7]: Ngược với người duy tục cho rằng đức tin là mù quáng, liên kết với bóng tối [các số 2-3], Đức GH nhắc lại lời Chúa Giêsu khẳng định “Ai tin Ta sẽ không còn ở trong bóng tối nữa” vì Người là “ánh sáng bước vào trần gian” (Ga 12:46). Nên ai tin, sẽ thấy [số 1]. Vì đức tin là ánh sáng, một ánh sáng có khả năng chiếu rọi mọi khía cạnh của nhân sinh [số 4]. Nhiệm vụ của GH là củng cố đức tin của anh em mình. Nên Đức Bênêđíctô đã lập ra Năm Đức Tin [số 5] song song với năm kỷ niệm Vatican II, một công đồng của đức tin [số 6]. Và nay, Đức Phanxicô ban hành Lumen Fidei, từng được khởi đầu bởi vị tiền nhiệm [số 7). 

Chương Một [8-22]: Đường đi của Đức Tin

Đức GH vẽ lại đường đi của Đức Tin. Bắt đầu với Ápraham, cha ta trong đức tin: ông đã nghe, và đáp lại, nên đức tin của ông là đức tin bản vị, là lời đáp trả đối với một lời đích thân nói với ông [số 8]. Lời nói với ông này vừa kêu gọi (lià bỏ quê hương) vừa hứa hẹn (1 dân vĩ đại) [số 9]. Ápraham tín thác vào lời này vì Thiên Chúa là Đấng tín trung [số 10].Vả lại, Đấng kêu gọi ông còn là Thiên Chúa sự sống, nguồn gốc mọi sự [số 11].

Sau đó, TĐ nói tới đức tin của Israel: dân này được mời gọi lên đường thờ phượng Chúa tại Sinai và thừa hưởng đất hứa [số 12]; nhưng họ đã rơi vào ngẫu thần. Với ngẫu thần là tan tác. Với đức tin là thống nhất đời sống [số 13]. Người môi giới giữa TC và Israel là Môsê. Đức tin cá nhân tìm được chỗ đứng trong cộng đồng, trong gặp gỡ người khác [số 14]. 

Nhưng đức tin chỉ viên mãn với Chúa Giêsu, Đấng là tâm điểm mà mọi con đường trên đều hướng về. Kitô Giáo tuyên xưng Người là Chúa, là Con Thiên Chúa làm người, sống lại từ cõi chết. Đức tin này là đức tin hoàn hảo. Tại sao? Vì a) Chúa Giêsu là căn cứ để TC can thiệp dứt khoát, là biểu hiệu tối cao cho tình yêu của Người, lời TC nói với ta trong Chúa Giêsu là lời trường cửu; b) tin vào một tình yêu có khả năng biến đổi thế giới và biến đổi diễn biến lịch sử của nó [số 15]. Chúa Giêsu đáng tin vì a) đã chết cho ta [số 16] và đã sống lại [số 17]. Nhưng Người không những là Đấng ta tin mà còn là Đấng ta kết hợp với, để cùng nhìn cái nhìn của Người, để chào đón Người vào đời ta [số 18].

Đến đây, TĐ nhắc tới câu bất hủ của Thánh Phaolô: Cứu rỗi nhờ đức tin chứ không nhờ việc làm của ta (thư Ep. 2:8). Nghĩa là gì? Mọi sự thiện đều do TC ban cho, kể cả sự cứu rỗi; tin là mở lòng nhìn nhận quyền tối thượng của hồng ân TC [số 19]. Nhờ thế, tình yêu Chúa Kitô sẽ vào trong ta, biến đổi ta từ bên trong, khiến ta biết nhìn bằng con mắt Chúa Kitô, chia sẻ tâm trí Người, chia sẻ thiên hướng con thảo của Người [số 20-21].

Nhưng đức tin vào Chúa Kitô này luôn có tính Giáo Hội: tin không phải là việc riêng tư, nó phát sinh từ việc nghe, một việc nghe nhằm được phát biểu thành lời và được tuyên xưng; tuyên xưng trong Giáo Hội [số 22].

Chương Hai [23-36]: Có tin mới hiểu

A. Đức tin và sự thật [23-31] : TĐ nhắc lại câu bất hủ của Isaia 7:9: “Có tin mới hiểu”. Tuy nhiên đây là theo Bản Hy Lạp (Bản Bẩy Mươi), chứ bản Hípri viết khác: “có tin mới đứng vững” [số 23]. TĐ nhận cả hai khía cạnh này của đức tin: hiểu biết sự thật mới đứng vững [số 24]. Tuy nhiên, thời nay chỉ chuộng sự thật kỹ thuật và sự thật chủ quan của cá nhân. Họ hoài nghi chân lý phổ quát, coi nó đồng nghĩa với độc tài áp chế. Hậu quả: duy tương đối, bác bỏ mối liên kết giữa tôn giáo và chân lý, quên cả nguồn gốc mọi hiện hữu [số 25]. 

Trong khi đó, cái biết của đức tin là cái biết của trái tim (Rm 10:10), một cái biết giữ cho mọi chiều kích kết hợp với nhau, vì các chiều kích như thân xác và tinh thần, trí hiểu, ý chí và cảm xúc đều hội tụ nơi trái tim. Cái biết này phát khởi khi ta nhận được tình yêu bao la của Thiên Chúa [số 26]. 

Tình yêu không phải là xúc cảm phù du. Mà là xúc cảm dẫn ta ra khỏi ta để hướng về một người khác, để xây dựng 1 liên hệ bản thân lâu dài. Nó là đường hướng tương quan trong cách nhìn thế giới, 1 cái nhìn qua mắt người khác và là cách nhìn chung về mọi sự vật hiện hữu. Tình yêu phải dựa trên sự thật mới bền vững. Mà sự thật cũng cần tình yêu mới khỏi lạnh lùng áp chế [số 27]. Tình yêu như thế là nguồn của hiểu biết. Điều này thấy rõ trong tình yêu của bất cứ người nam người nữ nào. Lịch sử Israel cũng chứng minh điều đó: nhờ biết rằng vì TC yêu họ nên mới chọn họ, Israel đã hiểu được tính thống nhất toàn diện trong kế hoạch TC đối với họ và đối với thế giới [số 28]. 

Giao ước với Israel cũng cho thấy: Đức tin gồm cả nghe lẫn nhìn: nghe lời TC luôn kèm theo ước muốn được thấy mặt Người. Nghe nhấn mạnh tới ơn gọi và đáp trả bản thân. Nhìn cho ta thấy cái toàn bộ của hành trình, định vị nó trong kế hoạch toàn diện của TC [số 29]. Tin Mừng Gioan làm nổi bật cả nghe lẫn nhìn của đức tin [số 30]. Và cả rờ mó nữa (1Ga 1:1) [số 31]

B. Đức tin và lý trí [32-34] . Nhờ đối thoại với triết lý Hy Lạp [số 32], Thánh Augustinô tìm ra mô thức ánh sáng: ánh sáng từ trên cao soi sáng mọi loài là TC; mọi loài đều có 1 độ sáng nào đó, phản chiếu được sự tốt lành của TC. Nhờ thế, lý trí ta có khả năng nhận ra sự ác và hướng về sự thiện. Thánh Augustinô cũng tổng hợp cả nhìn (ánh sáng) và nghe (cầm lấy mà đọc): “lời (nghe) sáng lên (nhìn) từ bên trong” [Số 33].

Áp dụng vào thời ta, đức tin có thể giải đáp các vấn nạn về chân lý. Nó không độc tài, vì xây trên tình yêu. Nó không xa lạ với thế giới vật chất, mà soi sáng cho nó, tin tưởng trật tự nội tại của nó, theo lời mời gọi của nó bước vào 1 con đường mỗi ngày một tốt hơn. Nó đem lợi ích cho khoa học: khuyến khích khoa học gia cởi mở với thực tại, tiếp tục tìm kiếm, luôn bỡ ngỡ trước mầu nhiệm thiên nhiên [số 34].

C. [35]. Đức tin và việc tìm kiếm Thiên Chúa: ai thành thực tìm kiếm TC đều có thể tìm thấy Người: a) trong kinh nghiệm sống hàng ngày; b) trong chu kỳ bốn mùa; c) trong sự mầu mỡ của trái đất; d) trong chuyển vần của vũ trụ; e) nhất là trong Chúa Kitô. Nhưng a) phải lên đường như Ba Vua; b) bắt đầu làm việc thiện cho người khác [số 35]. 

D. [36]. Đức Tin và thần học: Không có đức tin, không có thần học, vì thần học là tìm hiểu sâu xa việc TC từ từ tỏ mình Người ra. Nó không phải là suy diễn của ta mà là chấp nhận để hiểu sâu xa hơn lời TC tỏ với ta về chính Người. Ngoài ra, thần học phải phục vụ đức tin tín hữu và tôn trọng huấn quyền [số 36]. 

Chương Ba [37-49]: Phúc âm hóa: Chương này tập trung vào việc phúc âm hóa, trình bày chi tiết qua các tiểu mục sau

A. [37-39]: Giáo Hội, mẹ đức tin ta: Nhận được lời, không giữ cho riêng mình, phải chuyển giao [số 37]. Ta nhận được mọi sự nhờ người khác, trong đó có đức tin: ta khám phá ra tình yêu Chúa Kitô nhờ ký ức Giáo Hội. Chính Mẹ Giáo Hội duy trì ký ức về tình yêu ấy và dạy dỗ ta về nó [số 38]. Không ai tự mình tin. Nó luôn diễn ra trong hiệp thông GH. Điều này thấy rõ trong hình thức hỏi thưa của kinh tin kính trong Phép Rửa: đức tin là đáp trả một một lời mời [số 39]. 

B. [40-45]: Được thông truyền bằng các bí tích: Giáo Hội dùng các bí tích cử hành trong phụng vụ để thông truyền đức tin, vì bí tích vận dụng được cả tâm trí, ý chí và mọi xúc cảm ta; chúng thông truyền ký ức nhập thể, nối kết với mọi thời điểm và địa điểm đời ta, biến các thực tại hữu hình đời ta vượt quá chúng để hướng về mầu nhiệm trường cửu [số 40]. Nhờ Phép Rửa, ta có sự sống mới, thành tạo vật mới, trong hiệp thông mới là Giáo Hội [số 41]. 

TĐ sau đó nói tới các yếu tố trong Phép Rửa: a) kêu cầu thánh danh Ba Ngôi trên dự tòng, biến họ thành con thảo; b) dìm trong nước vừa chỉ chết cho mình vừa chỉ sống vào sự sống mới. Phép này vì thế cho ta thấy cấu trúc nhập thể của đức tin: nó vào sâu hữu thể ta và biến đổi hữu thể này, cho nó tham dự vào bản thể TC [số 42]. Còn Phép Rửa trẻ em thì nhấn mạnh tới chiều kích cộng đoàn của đức tin, vì các em không tự mình tuyên xưng đức tin được [số 43].

Tiếp nối, TĐ nói đến Phép Thánh Thể, biểu thức cao nhất của đức tin, vì ở đây, 2 chiều kích của Đức Tin gặp nhau: a) chiều lịch sử: hành vi tưởng niệm nhưng lại làm thành hiện tại một quá khứ có khả năng mở ra 1 tương lai, tiên báo một thành tựu tối hậu; b) chiều từ hữu hình bước vào vô hình: bánh rượu thành Mình Máu Chúa [số 44].

Trong cử hành BT, GH luôn tuyên xưng Đức Tin qua kinh tin kính: mọi chân lý của kinh chỉ về mầu nhiệm sự sống mới, hiểu như cuộc hành trình hiệp thông với TC hằng sống [số 45].

C. [46]: Thông truyền bằng cầu nguyện và Mười Giới Răn: Ngoài ra, GH còn dựa vào Kinh Lạy Cha và Mười Điều Răn để thông truyền đức tin: kinh Lạy Cha dạy ta biết nhìn mọi sự bằng con mắt Chúa Giêsu; Mười Giới Răn dạy ta ra khỏi cái tôi vị kỷ để bước vào cuộc đối thoại với TC và người khác (số 46].

D. [47-49]: Tính hợp nhất và nguyên tuyền của đức tin: Phải thông truyền đức tin cách trọn vẹn vì đức tin là một. Không là một, không phải là đức tin (Lêô Cả). Tại sao là một? a) TC là duy nhất; b) đức tin nào cũng hướng về TC duy nhất (ngộ đạo tin có 2 đức tin); c) được toàn thể GH chia sẻ [số 47]. Phải thông truyền nguyên vẹn, vì Đức Tin được ví như 1 cơ thể, hay 1 trinh nữ trung trinh với phu quân [số 48]. Chúa ban Tông Truyền để phục vụ tính hợp nhất và tính nguyên tuyền của Đức Tin. Huấn quyền đáng tin vì a) luôn vâng lời TC; b) tin tưởng lời ấy, duy trì và trình bày nó [số 49].

Chương Bốn: [50-60]: Đức tin trong thế giới: Chương này giải thích sự liên kết giữa đức tin và công ích, dẫn tới việc tạo ra môi trường để con người sống với người khác. 

A. [50-51]: Đức tin và thiện ích chung: Các tổ phụ vừa tin vừa xây dựng. Kinh thành con người vững chắc nhờ xây trên niềm tin vào TC tín trung. Đức tin cũng rọi sáng mọi liên hệ nhân bản nữa [số 50]. Đức tin đặc biệt phục vụ công lý, luật pháp và hòa bình [số 51]. 

B. [52-53]: Đức tin và gia đình: Khung cảnh đầu tiên để đức tin soi sáng cho xã hội con người là gia đình, xây dựng trên hôn nhân, hiểu như sự kết hợp 1 người nam và 1 người nữ trong yêu thương vĩnh viễn. Mà tình yêu chỉ vĩnh viễn khi ta nhận ra 1 kế hoạch lớn hơn ta; kế hoạch này nâng đỡ ta và giúp ta có khả năng trao phó trọn tương lai cho người yêu [số 52].

Đức tin đi theo mọi tuổi sống trong gia đình; vì thế, gia đình cần cùng nhau phát biểu đức tin; gần gũi và nâng đỡ đức tin con cái, giúp chúng biết biểu lộ niềm vui của Đức Tin, gặp gỡ Chúa Kitô, khám phá ra lời mời gọi yêu thương [số 53]. 

C. [54-55]: Cuộc sống xã hội cần ánh sáng đức tin: Đức tin cổ vũ tình huynh đệ. Huynh đệ bình đẳng? Đúng, nhưng 1 huynh đệ qui chiếu TC như cha chung tối hậu. Đức tin giúp ta hiểu phẩm giá độc đáo của mỗi người, khiến ta phải tôn trọng mọi sự sống [số 54].

Đức tin giúp ta tôn trọng thiên nhiên, phát triển hợp lý, tạo ra các hình thức cai trị biết phục vụ ích chung, khả thể tha thứ nhằm hợp nhất. Hệ luận: phải nhìn nhận TC cách công khai [số 55].

D. [56-57]: Đức tin và đau khổ: Trong đau khổ, ta công bố Tin Mừng cách thuyết phục hơn cả, vì khám phá ra: sức mạnh TC giúp ta chiến thắng mọi yếu đuối của ta. Đau khổ giúp ta lớn lên trong đức tin, phó thác hơn trong tay TC [số 56].

Đức tin không làm ta sao lãng đau khổ của thế giới. Nó giúp ta thấy Chúa nơi người đau khổ, như Thánh Phanxicô và Mẹ Têrêxa. TC không giải đáp mọi đau khổ nhưng đồng hành với người đau khổ. Đau khổ hướng ta về hy vọng: đời này tan đi, đời sau sẽ rực sáng [số 57].

E. [58-60]: Phúc cho người tin: Đức Mẹ=mẫu mực hoàn hảo của đức tin: nghe, trân giữ, suy niệm trong lòng... theo chân Chúa tận thánh giá [số 58]. Đức Mẹ cũng cho thấy: người tin được hoàn toàn thấm nhập vào điều họ tuyên xưng [số 59]. 

Và cuối cùng TĐ ngỏ lời xin Đức Mẹ phù giúp đức tin ta, để nghe, bước theo, tín thác, hân hoan, không thấy cô đơn, biết nhìn bằng con mắt Chúa Giêsu, luôn gia tăng đức tin [số 60]
Vũ Văn An8/16/2013

Giáo hội học của Đức Phanxicô


Trong cuộc viếng thăm Ba Tây vừa qua, các bài giảng lễ và các diễn văn của Đức Phanxicô đều có cái nét đơn giản và trực tiếp giúp tín hữu cảm hứng được niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, hy vọng vào canh tân và thương yêu người lân cận, nhất là người nghèo. Nhưng có hai bài diễn văn của ngài vượt quá tính cách khuyên bảo mục vụ để trình bày viễn kiến cũng như nghị trình của ngài dành cho Giáo Hội. Đó là diễn văn ngày 27 tháng Bẩy nói với các giám mục Ba Tây và bài diễn văn vào ngày hôm sau nói với CELAM, tức hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh. 

Thử hỏi: Đức Phanxicô muốn dẫn dắt Giáo Hội tới đâu? Ngài muốn các giám mục làm gì? 

Giáo Hội như người hòa giải: Trong diễn văn ngỏ với các giám mục Ba Tây, Đức Phanxicô thuật lại câu truyện Đức Bà Aparecida như một dụ ngôn của Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh. Những ngư phủ mỏi mệt, sau khi thấm thía sự thất bại ê chề trên chiếc thuyền cũ kỹ với tấm lưới rách nát, bỗng tìm được một bức tượng. Nhưng bức tượng này cần được sửa chữa. Đức Thánh Cha nói rằng “Tại Aparecida, sứ điệp của Thiên Chúa, ngay từ đầu, đã là một sứ điệp phải phục hồi lại những gì tan nát, thống nhất lại những gì bị phân chia... Các bức tường, các ngăn cách, các dị biệt hiện tồn cần phải biến đi. Giáo Hội không thể sao lãng bài học này: Giáo Hội vốn được kêu gọi trở thành phương tiện của hòa giải”. 

Giáo Hội của trái tim: Đối với Đức Phanxicô, đức tin bước vào Giáo Hội qua trái tim người nghèo, chứ không qua đầu óc người trí thức. Ngài thú thực rằng “ có lẽ ta đã giản lược cách nói năng của ta về mầu nhiệm vào các giải thích duy lý, nhưng đối với người tầm thường, mầu nhiệm bước vào họ qua ngả trái tim”. Điều này khiến ngài hiểu được vai trò truyền giáo của Giáo Hội không phải để thắng một luận điểm mà là để cung hiến một điều gì đẹp đẽ. Ngài nói với các giám mục “Chỉ có vẻ đẹp của Thiên Chúa mới lôi cuốn người ta thôi. Phương thức của Thiên Chúa là phương thức lôi kéo, quyến rũ... Người làm sống lại trong ta ước muốn mời gọi người lân cận, ngõ hầu làm họ nhận ra vẻ đẹp của Người. Truyền giáo đã phát sinh từ chính sự quyến rũ thần linh đó, một quyến rũ phát sinh từ gặp gỡ”.

Một Giáo Hội với một sứ điệp đơn giản: Đức Phanxicô kết luận: “Thành quả công việc mục vụ của ta không hệ ở việc giầu tài nguyên, mà hệ ở tính sáng tạo của tình yêu”. Ngài biện luận rằng phải giữ cho sứ điệp luôn luôn đơn giản. “Đôi khi ta mất dân vì dân không hiểu ta nói gì, vì ta quên khuấy cả ngôn ngữ đơn giản để đưa vào chủ nghĩa duy trí, một chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ đối với dân”. Giáo Hội này không nên ám ảnh với việc liệu Chúa Giêsu có “đồng bản tính” với Đức Chúa Cha hay không. Đúng hơn, Giáo Hội phải trình bày Người như lòng xót thương của Thiên Chúa. 

Một Giáo Hội của Emmau: Dùng trình thuật Emmau của Tin Mừng, Đức Phanxicô nói với các giám mục về những người rời bỏ Giáo Hội vì “nay họ nghĩ rằng Giáo Hội, thành Giêrusalem của họ, không còn đem lại cho họ bất cứ điều gì có ý nghĩa và quan trọng cả”. Ngài không đổ lỗi cho văn hóa, ngài không lớn tiếng hô hào chống lại thuyết duy tương đối, thuyết duy tiêu thụ và đủ mọi thuyết “duy” khác; thay vào đó, ngài mời gọi các giám mục tự xét mình. 

Có lẽ Giáo Hội tỏ ra quá yếu ớt, quá xa cách đối với các nhu cầu của họ, quá nghèo nàn trong đáp ứng đối với các quan tâm của họ, quá lạnh lùng, quá lẩn quẩn với chính mình, quá giam mình vào chính các công thức cứng ngắc của mình, có lẽ thế giới tỏ ra muốn biến Giáo Hội thành tàn dư của quá khứ, không thích đáng đối với vấn nạn nới nữa; có lẽ Giáo Hội chỉ còn có thể nói với người ở tuổi ấu thơ, chứ không nói được với những người đã lớn khôn.

Đứng trước tình thế Emmau này, Đức Phanxicô đề xuất những gì?

Ta cần một Giáo Hội không sợ phải ra ngoài lúc đêm khuya. Ta cần một Giáo Hội có khả năng gặp gỡ người ta ngay trên đường đi của họ. Ta cần một Giáo Hội có khả năng bước vào cuộc trò chuyện với họ. Ta cần một Giáo Hội có khả năng đối thoại với các môn đệ, sau khi bỏ Giêrusalem, đã lang thang vô định, cô đơn một mình, với nỗi thất vọng riêng, vỡ mộng bởi một Kitô Giáo bị coi là khô cằn, là đất vô sinh, thiếu khả năng tạo ra ý nghĩa...

Liệu ta có còn là một Giáo Hội có khả năng sưởi ấm lòng người? Một Giáo Hội có khả năng dẫn người ta trở lại Giêrusalem? Đem họ về quê hương? Giêrusalem vốn là gốc rễ của họ: Thánh Kinh, giáo lý, bí tích, cộng đồng, tình bạn với Chúa, với Đức Maria và các tông đồ... Liệu ta có còn khả năng nói về các gốc rễ này một cách làm sống dậy cảm thức thán phục trước vẻ đẹp của chúng không?

Sau đó, Đức Phanxicô trình bày các thách đố thực tiễn đối với các giám mục Ba Tây và các giám mục khác. Các thách thức này rút ra từ nền Giáo Hội học nói trên:

a. “Nếu không huấn luyện được các thừa tác viên có khả năng sưởi ấm lòng người, cùng đi với họ trong đêm thâu, biết đối thoại với các hy vọng lẫn thất vọng của họ, biết vá lành các đổ vỡ của họ, thì nào còn hy vọng gì cho cuộc hành trình hiện nay và mai sau của ta nữa?”

b. “Như thế, cần phải biết đánh giá nhiều hơn các yếu tố địa phương và miền. Nền hành chánh trung ương không đủ; cũng cần gia tăng tính hiệp đoàn và liên đới nữa”. Điều cần “không phải là sự nhất trí, nhưng là sự hợp nhất thực sự trong cái phong phú của đa dạng tính”.

c. Gia tài của Giáo Hội được lưu truyền nhờ chứng tá, và “ta cần đích thân chuyển giao nó, cần chạm tới người ta muốn trao lại, ta muốn chuyển giao gia bảo này”. 

d. “Ta cần một Giáo Hội có khả năng tái khám phá dạ xót thương của người mẹ. Ngày nay, không có xót thương, ta ít có cơ may trở nên thành phần của thế giới ‘những con người bị thương tổn cần được hiểu biết, tha thứ và yêu thương’”. 

e. “Ta đừng thu nhỏ phần đóng góp của nữ giới trong Giáo Hội, nhưng phải cổ vũ vai trò tích cực của họ trong cộng đồng Giáo Hội. Mất nữ giới, Giáo Hội có nguy cơ trở thành vô sinh”. 

Nói với ủy ban điều hợp của CELAM, Đức Phanxicô tiếp tục lên xương thịt cho nghị trình của ngài dành cho các giám mục:

a. “Chúng ta có lo liệu để việc làm của ta và của các linh mục có tính mục vụ nhiều hơn là tính hành chánh không?”

b. “Chúng ta có đang tạo ra một tâm thức biết tiên liệu (proactive) hay không? Chúng ta có cổ vũ các cơ hội và các khả thể để biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa hay không?

c. “Chúng ta có làm cho tín hữu giáo dân trở thành người chia sẻ sứ vụ hay không?”

d. Các hội đồng giáo phận và giáo xứ “bất kể là mục vụ hay tài chánh, có đem lại cho tín hữu giáo dân các cơ hội thực sự để họ tham gia vào diễn trình tham khảo, tổ chức và đặt kế hoạch mục vụ không?”

e. Chúng ta có dành cho tín hữu giáo dân “sự tự do được tiếp tục biện phân sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho họ một cách xứng hợp với sự lớn mạnh trong tư cách môn đệ của họ hay không?” 

Trung tâm là Chúa Giêsu Kitô. Tư cách môn đệ truyền giáo không cho phép ta tập chú vào mình, lấy mình làm trung tâm. Đức Phanxicô nói rằng “nó phải hoặc là hướng về Chúa Giêsu Kitô hay là hướng về những người ta phải công bố Chúa Kitô cho”. Cả nhà truyền giáo lẫn Giáo Hội đều không phải là trung tâm. “Trung tâm là Chúa Giêsu Kitô, Đấng kêu gọi ta và sai ta đi”. Khi “tự biến mình thành trung tâm, Giáo Hội sẽ trở thành viên chức và từ từ sẽ biến thành một loại cơ quan phi chính phủ (NGO)”. 

Với lòng khiêm nhường cố hữu, Đức Phanxicô nhìn nhận rằng ngài và các giám mục đang không theo kịp điều ngài gọi là “hồi tâm mục vụ” (pastoral conversion) và còn có thể làm tốt hơn nữa. Ngài nêu ra một tiêu chuẩn cao để ngài và các giám mục cùng vươn tới. 

Các giám mục phải là các mục tử, gần gũi dân, là cha anh, hiền hậu, kiên nhẫn và nhân từ. Là người yêu khó nghèo, cả khó nghèo bên trong hiểu như tự do trước mặt Chúa, lẫn khó nghèo bên ngoài hiểu như sống đơn giản và khắc khổ. Là người không suy nghĩ và hành xử như “ông hoàng”. Là người không tham vọng, chỉ kết hôn với một Giáo Hội duy nhất chứ không để mắt tới bất cứ ai khác nữa. Là người có khả năng trông chừng đoàn chiên được ủy thác cho mình và bảo vệ tất cả những gì giữ cho đoàn chiên tụ lại với nhau, biết giữ gìn để người của mình khỏi phải lo lắng trước các nguy cơ đe dọa họ, nhưng trên hết, phải tạo hy vọng, để ánh sáng luôn rạng chiếu trong tâm hồn người ta. Là người có khả năng yểm trợ, một cách đầy yêu thương và nhẫn nại, các việc làm của Thiên Chúa giữa dân Người. Giám mục phải hiện diện giữa dân của mình bằng ba cách: đi trước họ để chỉ đường; ở giữa họ để giữ họ lại với nhau và ngăn không để họ tán loạn; và đi sau họ để bảo đảm không ai bị bỏ rơi, nhưng còn điều này nữa và là điều chủ yếu: làm thế nào để đoàn chiên ngửi ra những nẻo đường mới của họ. 

Qua mô tả trên, ta thấy rõ: Đức Phanxicô sẽ ưu tiên xem sét các đức tính mục vụ khi bổ nhiệm các giám mục mới. Nếu ngài thành công trong việc chọn được các giám mục như trên, thì một lối lãnh đạo mới sẽ từ Rôma lan tỏa ra khắp thế giới Công Giáo.
Vũ Văn An8/18/2013

Tìm hiểu về những nhân vật mới trong giáo triều : Một Linh Mục Khiêm Tốn


Vị 'Quan Phát Chẩn' tương lai cuả Toà Thánh (Papal Almoner, chuyên lo việc bố thí) đã luôn luôn là một linh mục khiêm tốn và đầy lòng bác ái. Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phát Chẩn, ngài đã 'lén lút' đi thu thức ăn thừa của Đức Giáo Hoàng và cuả các nhân viên cận vệ để bố thí cho những người vô gia cư thường tụ tập xung quanh bờ tường Vatican.

Nguyên Đức ông Konrad Krajewski, là một trong 2 'Quản Lễ cuả Giáo Hoàng' (papal master of ceremonies) vừa được Đức Phanxicô bổ nhiệm chức vụ mới là Quan Phát Chẩn cuả Toà Thánh, đồng thời nâng phẩm trật cuả ngài lên hàng Tổng Giám Mục. Vị quản lễ khác là đức ông Guido Marini. 

Mặc dù đây chỉ là một chức vụ nhỏ trong Giáo Triều và không được báo chí chú ý đến nhiều, nhưng việc bổ nhiệm đã trở thành một dấu chỉ cho thấy chiều hướng nhân sự tương lai cuả ĐGH. Đó là những nhân vật khiêm nhường có một quá trình hoạt động cụ thể.

Một cách cụ thể hơn, người ta thấy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn Đức ông (bây giờ là TGM) Konrad Krajewski vì nhân cách cuả ngài, một nhân cách nổi tiếng ở Giáo Triều Rôma là một linh mục tốt lành, thường xuyên mang lương thực đi bố thí cho những người nghèo trên đường phố.

Ngài sinh năm 1963 ở Lodz, Ba Lan, chiụ chức Linh Mục năm 1988, được du học tại Roma năm 1990 về môn Phụng Vụ Thánh và không lâu sau, vào năm 1998, được gọi vào làm việc ở 'Văn phòng các buổi Cử hành Phụng vụ của Đức Thánh Cha' (Office for Liturgical Celebrations of the Supreme Pontiff). Năm 1999, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Quản Lễ.

Trong một phỏng vấn ngày 4 tháng 8 với tờ nhật báo Công Giáo Nasz Dziennik ở Ba Lan, Đức Cha Krajewski đã tiết lộ một số chi tiết rất thú vị về sự bổ nhiệm này.

Ngài tiết lộ rằng trên chuyến bay đi Rio với Đức Giáo Hoàng, ngài cứ nghĩ lẩn quẩn mãi về sự bổ nhiệm. Như vậy chứng tỏ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo quyết định cho ngài biết trước từ lâu rồi, từ trước khi rời Roma đi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Đức Cha Krajewski cũng cho biết ngài đã "noi theo gương Mẹ Têrêsa," mà ngài là một trong những người cổ động cho việc phong chân phước cho mẹ. Ngài đã không thực hiện công việc giúp những người nghèo khó một mình, nhưng với sự trợ giúp cuả các nữ tu dòng Thánh Albert (Albertine) đang lo việc nội trợ cho đội binh Thụy Sĩ, và các nữ tu dòng ĐM Dâng Mình vào Đền Thánh (Presentation) đang lo việc giữ kho cho Vatican.

"Chúng tôi thu thập các thực phẩm còn dư lại từ các nhà ăn và các văn phòng của Vệ binh Thụy Sĩ (hơn 100 phần), thực phẩm từ phần ăn của Đức Giáo Hoàng, và mang nó đến cho những người nghèo trên đường phố tiếp giáp với Vatican, " ngài cho biết.

"Chúng tôi không phải là những nhân viên xã hội. Họ làm việc tốt hơn chúng tôi nhiều vì họ là những chuyên gia, " ngài nói. "Chúng tôi làm điều này là chỉ để được chạm vào Chúa Kitô, đang hiện thân trên đường phố." Ngài nhắc lại "Mẹ Têrêsa đã nói rằng ai chạm vào người nghèo là chạm vào Chúa Kitô." Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói y như thế.

Đức Cha Krajewski thú nhận rằng ngài không biết ai đã mách cho Đức Giáo Hoàng về công việc này, nhưng có một điều ngài chắc chắn là "Sự đề cử của tôi vẫn hoàn toàn là một bí ẩn!".

Khi Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài, Đức Thánh Cha đã nói: "Có rất nhiều người có khả năng và kinh nghiệm để tổ chức các công việc từ thiện, vì vậy Đức Cha nên học hỏi từ họ, và làm công việc này với thật nhiều sáng tạo! "

Với phẩm trật là Tổng Giám Mục, Đức Cha Krajewski đã chọn châm ngôn "Thương Xót" (Mercy) cho huy hiệu Giám mục "bởi vì tiếng này bao gồm tất cả mọi việc. "

Chức vụ Quan Phát Chẩn là một chức vụ được hình thành qua kết quả cuả nhiều thế kỷ. Truyền thống cuả Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu đã là làm việc từ thiện cho những người cần giúp đỡ. Lúc đó trách nhiệm bố thí là một phận sự trực tiếp của các phó tế. Sau này, trách nhiệm đó được trao cho một nhân viên trong hàng ngũ quản gia của cung điện Giáo Hoàng, là một trách nhiệm thêm thắt vào trách nhiêm chính chứ chưa phải là một chức vụ riêng biệt rõ ràng.

Người ta không biết đích xác lúc nào thì Toà Thánh lập ra chức vụ Phát Chẩn, nhưng một Sắc Lệnh cuả ĐGH Innocent III (1198-1216) đã có đề cập đến chức vụ này rồi, làm như thể đó là một chức vụ đã có từ trước. 

Thời Chân Phước Giáo Hoàng Gregory X (1271-1276), ngài thành lập Văn Phòng Từ Thiện và liệt kê các nhiệm vụ của Quan Phát Chẩn. Sắc lệnh năm 1409 cuả ĐGH Alexander V lại bổ sung thêm nhiều quy định và nguyên tắc chỉ đạo cho văn phòng này. 

Như vậy thì các triều đại giáo hoàng cuả Giáo Hội đã luôn luôn biểu lộ sự quan tâm về công việc từ thiện. Ngày nay, Quan Phát Chẩn có phẩm trật là một Tổng Giám Mục, là một thành viên trong Nội Thất cuả Giáo hoàng và như thế, chính thức giữ một vai trò trong các việc cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha.

Cũng trong bài phỏng vấn với tờ nhật báo Nasz Dziennik, Đức Cha Krajewski kể lại một giai thoại về Đức Giáo Hoàng Phanxicô như sau: Trong khi về quê nghỉ hè ở vùng núi Ba Lan tuần trước, Đức Cha Krajewski đã nhận được điện thoại cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ĐGH hỏi: "Đức Cha có cảm tưởng gì khi nhận sự đề cử mới?" Đức Cha Krajewski trả lời, "Con đã quì đầu gối xuống chứ. Có thể nào mà làm khác được đâu!" Sau đó, Đức Giáo Hoàng lại hỏi," Đức Cha có đi với ai không?" Ngài trả lời cho biết có một số bạn hữu đi cùng. Thế là Đức Giáo Hoàng yêu cầu Ngài vặn âm lượng điện thoại cho to lên, rồi sau đó đọc lời ban phước lành cho Đức Cha và các bạn bè của ngài.
Têrêsa Thu Lan8/20/2013