Đức Thánh Phanxicô gặp các gia đình hành hương Rôma trong Năm Đức Tin: “Hãy đến với Chúa Giêsu”

Các gia đình thân mến,
Chào mừng anh chị em đến Rôma!
Anh chị em từ nhiều nơi trên thế giới đã hành hương đến Rôma, để tuyên xưng đức Tin trước mộ thánh Phêrô. Quảng trường này giang tay đón anh chị em: chúng ta là một dân tộc duy nhất, một tâm hồn duy nhất, được Chúa là Đấng yêu thương và phù trợ chúng ta, kêu gọi. Tôi cũng gửi lời chào mọi gia đình đang hiệp thông với cuộc hành hương này qua truyền hình và Internet: đó là một quảng trường rộng mở, không giới hạn.
Lúc này anh chị em muốn nhắc đến khẩu hiệu “Gia đình sống niềm vui đức Tin”. Tôi thích tên gọi này. Tôi đã nghe anh chị kể những kinh nghiệm, những câu chuyện. Tôi thấy có nhiều trẻ em, nhiều bậc ông bà… Tôi đã nghe các gia đình kể về nỗi đau thương khi lâm cảnh nghèo khốn và chiến tranh. Tôi đã nghe những người trẻ muốn được kết hôn với nhau bất chấp muôn ngàn khó khăn. Còn bây giờ chúng ta đang tự hỏi: làm thế nào có thể sống niềm vui đức Tin, ngay hôm nay, trong gia đình?
1. Có một câu Chúa Giêsu nói trong Phúc âm Matthêu soi sáng cho chúng ta: “Hỡi anh em là những người đang mang gánh nặng, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho anh em được nghỉ ngơi” (Mt 11, 28). Cuộc sống vốn nhọc nhằn khổ sở. Nhưng khổ nhất vẫn là thiếu tình yêu thương. Đó là khi chẳng nhận được một nụ cười, không được đón nhận. Là những khi sống lặng lẽ, trong gia đình chẳng ai nói với ai một câu, giữa chồng với vợ, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau. Không có tình yêu thương, gánh nặng thêm nặng hơn. Tôi nghĩ đến những người già sống cô độc, đến những gia đình gặp khó khăn mà chẳng được trợ giúp để nâng đỡ những người trong gia đình đang cần được quan tâm, chăm sóc. Chúa Giêsu nói: “Hỡi những người đang mang gánh nặng, hãy đến với Tôi”.
Các gia đình thân mến, Chúa biết những mệt mỏi và gánh nặng cuộc sống của chúng ta. Chúa cũng biết rõ mong muốn sâu xa của chúng ta là tìm được niềm vui nghỉ ngơi! Anh chị em có nhớ chăng? Chúa Giêsu đã nói: “Chớ gì niềm vui của các con được nên trọn” (Ga 15, 11). Chúa đã nói với các tông đồ và Người nhắc lại điều đó với chúng ta hôm nay. Vậy, chiều hôm nay, tôi muốn chia sẻ điều thứ nhất với anh chị em, chính là lời Chúa Giêsu nói: Hãy đến với Cha, hỡi các gia đình trên khắp thế giới, Cha sẽ cho các con được nghỉ ngơi, để niềm vui của các con được nên trọn.
2. Điều thứ hai là lời tôi lấy trong Nghi thức Hôn nhân. Ai kết hôn trong Bí tích Hôn nhân đều đọc: “Anh/em hứa giữ lòng chung thủy với em/anh khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em/anh mọi ngày suốt đời anh/em”. Giây phút đó, đôi tân hôn không biết được những niềm vui, nỗi khổ nào đang đợi mình. Như Abraham, họ ra đi, cùng nhau lên đường. Điều đó chính là hôn nhân! Ra đi và cùng tiến bước, nắm tay nhau và cùng đặt vào bàn tay Chúa.
Một khi tín thác vào Thiên Chúa trung tín, ta có thể đương đầu với tất cả, không hề sợ hãi, một cách có trách nhiệm. Những đôi vợ chồng Kitô hữu không ngây thơ, họ biết các vấn đề và những mối hiểm nguy trong cuộc sống. Họ không sợ gánh vác trách nhiệm của mình, trước mặt Thiên Chúa và xã hội; không trốn chạy, không tự cô lập, không thoái thác sứ mạng gầy dựng một gia đình và sinh con. – Nhưng thưa Cha, thời nay thật là khó khăn… – Quả thật, cả là một khó khăn. Vì thế cần phải có ân sủng của bí tích! Các bí tích không dùng để tô điểm cho cuộc sống; bí tích Hôn nhân không phải là một nghi lễ đẹp mắt! Các Kitô hữu kết hôn trong bí tích vì ý thức mình cần đến bí tích! Họ cần lãnh bí tích để nên một với nhau và để chu toàn nhiệm vụ làm cha làm mẹ. “Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe”Rồi khi cử hành Hôn lễ, họ cùng nhau cầu nguyện và cầu nguyện với cộng đoàn. Vì sao vậy? Chỉ vì xưa nay người ta vẫn quen làm thế? Không! Vì người ta cần cầu nguyện cho một chuyến hành trình dài cùng đi với nhau, cần được Chúa Giêsu giúp sức để cùng tiến bước bên nhau với niềm tín thác, để người này biết đón nhận người kia mỗi ngày, và tha thứ cho nhau mỗi ngày!
Trong cuộc sống của mình, gia đình có những giây phút đẹp: được nghỉ ngơi, ăn uống với nhau, đi công viên hoặc đi cắm trại, đi thăm ông bà, thăm một người bệnh… Nhưng nếu thiếu tình yêu, sẽ không có niềm vui, chẳng có lễ hội, và tình yêu được chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta: đó là nguồn không hề vơi cạn được Người tự hiến cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Nơi đó Người ban cho chúng ta Lời của Người và Bánh hằng sống, để niềm vui chúng ta được nên trọn.
3. Trước mặt chúng ta là bức tranh icôn “Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ”. Đây là một bức icôn đẹp và quan trọng. Chúng ta hãy ngắm và nhờ bức tranh này giúp chúng ta. Giống như tất cả anh chị em, mỗi nhân vật trong tranh là một câu chuyện: Đức Mẹ và Thánh Giuse lên đường, làm người hành hương về Giêrusalem, tuân giữ Luật của Chúa; cũng vậy, cụ già Simêon và nữ tiên tri Anna, cũng là một cụ già, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cũng đi đến Đền thờ. Bức tranh cho chúng ta thấy có sự hòa quyện của ba thế hệ: cụ Simêon bồng trên tay Hài nhi Giêsu mà cụ biết đó chính là Đấng Cứu Thế, còn bà Anna thì cho thấy bà đang thể hiện cử chỉ chúc tụng Thiên Chúa và loan báo ơn Cứu độ cho những ai đã mong chờ Israel được cứu thoát. Đức Mẹ và Thánh Giuse là một gia đình được thánh hóa nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng hoàn tất mọi lời hứa. Mọi gia đình, cũng giống như gia đình Nadarét, đều gắn với lịch sử của một dân tộc và không thể tồn tại nếu không có các thế hệ tiền bối.
Các gia đình thân mến, anh chị em chính là những thành phần của dân Thiên Chúa. Anh chị em hãy bước đi trong niềm vui cùng với dân Chúa. Hãy luôn kết hiệp với Chúa Giêsu và mang Chúa đến cho mọi người qua đời sống chứng nhân của anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã đến Rôma. Chúng ta hãy cùng đón nhận lời thánh Phêrô dạy làm của mình, những lời mang lại sức mạnh cho chúng ta, giúp chúng ta mạnh mẽ lúc gặp khó khăn: “Lạy Thầy, chúng con còn đến với ai nữa? Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Với ơn Đức Kitô ban cho, anh chị em hãy sống niềm vui đức Tin! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, và xin Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đồng hành với anh chị em”.
(Theo Zenit - bản tiếng Pháp)
 

Thành Thi

Bộ Giáo Lý Đức Tin lên tiếng về việc rước lễ của người ly dị tái hôn


Ngày 24 Tháng Mười vừa qua, Đức TGM Gerhard Ludwig Muller, Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã cho phổ biến một bài viết của ngài trên tờ L'Osservatore Romano về việc rước lễ của các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự. Sau đây là nguyên văn bài báo đó dựa vào bản tiếng Anh do Đài Phát Thanh Vatican phổ biến. 

Chứng từ sức mạnh ơn thánh

Vấn đề liên quan tới các tín hữu đã bước vào cuộc kết hợp dân sự mới sau khi ly dị là vấn đề không mới lạ gì. Giáo Hội luôn nghiêm túc xem sét vấn đề này với quan điểm muốn giúp đỡ những người thấy mình rơi vào trạng huống này. Hôn nhân là một bí tích ảnh hưởng hết sức sâu xa tới con người trong các hoàn cảnh bản thân, xã hội và lịch sử của họ. Vì con số những người bị ảnh hưởng trong các quốc gia có truyền thống Kitô Giáo cổ xưa càng ngày càng gia tăng, nên vấn đề mục vụ này đã mang lấy nhiều chiều kích có ý nghĩa. Hiện nay, cả các tín hữu vững chắc cũng nghiêm túc tự hỏi: há Giáo Hội lại không thể cho phép người ly dị và tái hôn được chịu các bí tích dưới một số điều kiện nào đó hay sao? Bàn tay Giáo Hội bị trói cứng vĩnh viễn hay sao trong vấn đề này? Các thần học gia có chịu thực sự thăm dò mọi hệ luận và hậu quả chăng?
Các câu hỏi trên cần được khảo sát một cách nhất quán với tín lý Công Giáo về hôn nhân. Một phương thức mục vụ có trách nhiệm luôn tiền giả định một nền thần học biết dâng “lý trí và ý chí hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa mạc khải, tự do chấp nhận chân lý do Người mạc khải” (Dei Verbum, 5). Muốn làm cho tín lý chân chính của Giáo Hội được khả niệm, ta phải bắt đầu với lời Chúa trong Sách Thánh, được trình bày trong Truyền Thống Giáo Hội và được giải thích một cách trói buộc bởi huấn quyền.

Chứng từ Sách Thánh

Trực tiếp tìm nơi Cựu Ước các câu trả lời cho vấn nạn của ta không phải là không có khó khăn, vì vào thời đó, hôn nhân chưa được coi là một bí tích. Ấy thế nhưng lời Chúa trong Cựu Ước cũng quan trọng đối với ta vì Chúa Giêsu vốn thuộc truyền thống này và từng dựa vào nó để biện luận. Trong Mười Giới Răn, ta thấy giới răn này “ngươi không được phạm tội ngoại tình” (Xh 20:14), nhưng ở chỗ khác, ly dị lại được trình bày như một khả hữu. Theo Đệ Nhị Luật 24:1-4, Môsê dạy rằng người đàn ông có thể trao cho vợ mình một giấy ly hôn và đuổi nàng ra khỏi nhà mình, nếu nàng không được chàng sủng ái nữa. Sau đó, cả vợ lẫn chồng có thể tái hôn. Song song với việc chấp nhận ly dị này, Cựu Ước cũng đã nói lên một số dè dặt về phương diện này. Việc so sánh của các tiên tri giữa giao ước Thiên Chúa với Israel và sợi dây hôn phối bao hàm không những lý tưởng đơn hôn, mà còn cả lý tưởng bất khả tiêu nữa. Tiên tri Malaki nói về điều này rất rõ: “Đừng bất trung với người vợ tuổi thanh xuân của ngươi... là người ngươi vốn ký giao ước với” (Mk 2:14-15). 
Trước hết, chính cuộc tranh luận với người Biệt Phái đã giúp Chúa Giêsu cơ hội bàn về chủ đề này. Người minh nhiên tách mình ra khỏi thói quen ly dị của Cựu Ước, một thói quen mà Môsê đã cho phép chỉ vì con người “có tâm hồn chai đá”, còn Người, Người nhấn mạnh tới ý chí nguyên thủy của Thiên Chúa: “từ nguyên thủy tạo thành, Thiên Chúa đã dựng nên họ có nam có nữ. Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình và. .. cả hai sẽ nên một thân xác. Cho nên, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (Mc 10:5-9; xem Mt 19:4-9; Lc 16:18). Giáo Hội Công Giáo luôn đặt tín lý và thực hành của mình trên căn bản các lời vừa kể của Chúa Giêsu liên quan đến tính bất khả tiêu của hôn nhân. Sợi dây nội tại liên kết hai người phối ngẫu lại với nhau do chính Thiên Chúa bện nên. Nó chỉ một thực tại phát xuất từ Thiên Chúa và do đó không còn tùy thuộc xử lý của con người nữa. 
Ngày nay, một số nhà chú giải chấp nhận quan điểm cho rằng vào thời đại các Tông Đồ, những lời của Chúa Giêsu trên đây đã được áp dụng một cách mềm dẻo nào đó: nổi tiếng nhất là trường hợp porneia/dâm bôn (unchastity) (xem Mt 5:32; 19:9) và trường hợp phân ly giữa một người phối ngẫu Kitô Giáo và một người phối ngẫu không Kitô Giáo (xem 1Cor 7:12-15). Câu dâm bôn này từng là đầu đề cho một cuộc tranh luận gắt gao giữa các nhà chú giải ngay từ buổi đầu. Nhiều người cho rằng nó không chỉ bất cứ trường hợp ngoại lệ nào đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân, mà chỉ có ý nói tới những kết hợp hôn nhân bất thành. Tuy nhiên, điều rõ ràng là Giáo Hội không thể xây dựng tín lý và thực hành của mình trên các giả thuyết vẫn còn bị khoa chú giải tranh cãi. Giáo Hội phải bám lấy giáo huấn rõ ràng của Chúa Kitô. 
Thánh Phaolô trình bày việc cấm ly dị như là ý muốn minh nhiên của Chúa Kitô: “Với người đã kết hôn, tôi truyền, không phải tôi mà là Chúa, rằng người vợ không được lìa khỏi chồng (mà nếu lìa khỏi chồng, thì phải ở độc thân hoặc nếu không phải hòa giải với chồng) và người chồng cũng không được ly dị vợ” (1Cor 7:10-11). Đồng thời, ngài lại cho phép, bằng chính thẩm quyền của ngài, rằng một người không phải là Kitô hữu được phép phân ly với người phối ngẫu đã trở lại Kitô hữu. Trong trường hợp này, người Kitô hữu “không bị trói buộc” phải ở độc thân (1Cor 7:12-16). Dựa trên đoạn văn này, Giáo Hội đã hiểu ra rằng chỉ cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông đã rửa tội và một người đàn bà đã rửa tội mới là một bí tích đúng nghĩa, và chỉ trong trường hợp này, tính bất khả tiêu vô điều kiện mới được áp dụng. Hôn nhân của những người không rửa tội quả cũng có định hướng bất khả tiêu, nhưng dưới một số hoàn cảnh, như vì một lợi ích cao hơn chẳng hạn, nó có thể bị hủy tiêu (đặc ân Thánh Phaolô). Như thế, ở đây, ta không xử lý với một ngoại lệ đối với giáo huấn của Chúa. Tính bất khả tiêu của hôn nhân bí tích, nghĩa là cuộc hôn nhân diễn ra bên trong mầu nhiệm Chúa Kitô, vẫn luôn được bảo đảm. 
Đối với cái nhìn bí tích về hôn nhân, căn bản Thánh Kinh có tầm quan trọng hơn chính là Thư gửi tín hữu Êphêsô, trong đó, ta đọc rằng “Các ông chồng, các ông hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25). Và ngay sau đó, Thánh Tông Đồ viết thêm: “chính vì lý do này, người đàn ông sẽ rời cha mẹ mình và gắn bó với vợ và cả hai sẽ nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật sâu xa, và tôi nói thế để ám chỉ Chúa Kitô và Giáo Hội” (Eph 5:31-32). Hôn nhân Kitô Giáo là dấu chỉ hữu hiệu giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Vì nó chỉ và thông truyền ơn thánh của giao ước này, nên hôn nhân giữa những ngưởi đã chịu phép rửa là một bí tích. 

Chứng từ Thánh Truyền

Các Giáo Phụ và các Công Đồng cho ta nhiều chứng từ quan trọng liên quan tới cung cách diễn biến của chủ trương Giáo Hội. Đối với các Giáo Phụ, các huấn chỉ của Thánh Kinh về chủ đề này đều có tính trói buộc. Chúng bác bỏ luật ly dị của nhà nước, coi như không đi đôi với giáo huấn của Chúa Kitô. Giáo Hội thời các Giáo Phụ bác bỏ ly dị và tái hôn, và Giáo Hội làm thế vì vâng phục Tin Mừng. Về vấn đề này, các Giáo Phụ đều đồng thanh nhất trí. 
Thời các Giáo Phụ, các phần tử ly dị trong cộng đồng Kitô Giáo nếu tái hôn dân sự sẽ không được chịu các bí tích nữa dù đã đền tội một thời gian. Tuy nhiên, một số bản văn giáo phụ dường như muốn ngụ ý rằng các lạm dụng không luôn luôn bị sửa trị cách nghiêm ngặt vì đôi khi vẫn có những giải pháp mục vụ cho các trường hợp tranh tối tranh sáng rất hiếm hoi. 
Sau này, tại nhiều vùng, còn có những thoả hiệp lớn hơn, nhất là vì có sự liên lập mỗi ngày mỗi gia tăng giữa Giáo Hội và nhà nước. Ở Phương Đông, sự khai triển này tiếp tục xẩy ra, và đặc biệt từ lúc có sự phân ly với Tòa Phêrô, khai triển này càng ngày càng tiến tới một thực hành cởi mở hơn. Trong các Giáo Hội Chính Thống ngày nay, có rất nhiều cơ sở để ly dị, mà phần lớn được biện minh bởi nguyên tắc nhiệm cục (oikonomia), hay khoan dung mục vụ đối với các vụ khó khăn cá thể; các cơ sở này mở đường cho những cuộc hôn nhân thứ hai hay thứ ba sau một việc đền tội nào đó. Người ta không thể hòa giải tập tục này với thánh ý Thiên Chúa, nếu dựa vào lời minh nhiên của Chúa Giêsu nói về tính bất khả tiêu của hôn nhân. Nhưng nó đại biểu cho một vấn nạn đại kết mà ta không nên coi thường. 
Ở Phương Tây, cuộc cải tổ của Đức GH Grêgôriô chống lại các khuynh hướng lỏng lẻo này và đưa ra một thúc đẩy mới mẻ nhằm hướng ta trở về với lối hiểu nguyên thủy của Thánh Kinh và của các Giáo Phụ. Giáo Hội Công Giáo bảo vệ tính bất khả tiêu tuyệt đối của hôn nhân dù với hy sinh và đau khổ lớn lao. Cuộc ly giáo của “Giáo Hội Nước Anh” đối với Người Kế Vị Thánh Phêrô đã diễn ra không phải vì khác biệt tín lý, mà do Đức Giáo Hoàng, vì vâng nghe lời dạy của Chúa Giêsu, đã không thể chấp nhận lời yêu cầu của Vua Henry VIII xin tiêu hủy cuộc hôn nhân của ông ta. 
Công Đồng Trent củng cố tín lý bất khả tiêu của hôn nhân bí tích và đưa ra giải thích sau: tính bất khả tiêu này phù hợp với giáo huấn của Tin Mừng (xem DH 1807). Đôi khi có người cho rằng trên thực tế Giáo Hội khoan dung đối với tập tục của Phương Đông. Nhưng nghĩ như vậy là sai. Các nhà giáo luật học luôn luôn nhắc đến nó như một lạm dụng. Và có đủ bằng chứng cho thấy các nhóm Kitô hữu Chính Thống khi trở thành người Công Giáo luôn phải minh nhiên nhìn nhận sự bất khả hữu của các cuộc hôn nhân thứ hai hay thứ ba. 
Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes về “Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay” đã trình bày một tín lý thần học và linh đạo rất sâu sắc về hôn nhân. Nó đề cao tính bất khả tiêu của hôn nhân, một cách rõ ràng và tách biệt. Hôn nhân được hiểu là một hiệp thông toàn diện sự sống và tình yêu, thân xác và tinh thần, giữa một người đàn ông và một người đàn bà tự hiến mình cho nhau và tiếp nhận nhau như những con người. Qua hành vi đích thân tự ý ưng thuận hỗ tương, một định chế lâu bền, do Thiên Chúa xếp đặt đã được tạo ra, nhằm thiện ích của các người phối ngẫu và con cái họ, chứ không còn tùy thuộc ý muốn thất thường có tính nhân bản nữa: “Là một trao hiến hỗ tương giữa hai con người, sự kết hợp thân mật này và thiện ích của con cái đặt để một lòng trung thành toàn diện lên các người phối ngẫu và biện hộ cho sự nên một không thể nào phá vỡ giữa họ với nhau” (số 48). Qua bí tích, Thiên Chúa ban ơn đặc biệt cho các người phối ngẫu: “Vì như Thiên Chúa thuở xưa tự làm cho mình hiện diện với dân Người qua một giao ước yêu thương và trung thành thế nào, thì nay Đấng Cứu Rỗi con người và Phu Quân của Giáo Hội cũng đi vào cuộc sống vợ chồng Kitô hữu qua bí tích hôn phối như thế. Người ở với họ mãi mãi sau đó để như Người yêu thương Giáo Hội và phó mình vì Giáo Hội thế nào, vợ chồng cũng yêu thương nhau với một lòng trung thành vĩnh viễn qua việc hiến mình cho nhau như vậy”. Qua bí tích hôn phối, tính bất khả tiêu của hôn nhân nhận được ý nghĩa mới và sâu sắc hơn: nó trở thành hình ảnh tình yêu bền vững của Thiên Chúa dành cho dân Người và lòng trung thành bất phản hồi của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội của Người. 
Chỉ có thể hiểu và sống hôn nhân trong bối cảnh mầu nhiệm Chúa Kitô. Nếu hôn nhân bị thế tục hóa hay bị coi như một thực tại chỉ có tính tự nhiên, đặc tính bí tích của nó sẽ bị che mờ. Hôn nhân bí tích thuộc trật tự ơn thánh, nó được sát nhập vào hiệp thông yêu thương dứt khoát giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Các Kitô hữu được mời gọi sống hôn nhân của họ trong chân trời cánh chung, chờ mong nước Thiên Chúa đến nơi Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa. 

Chứng từ huấn quyền hiện nay

Tông Huấn Familiaris Consortio, do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 22 tháng Mười Một năm 1981 sau Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay, và có tầm quan trọng rất căn để từ ngày đó, đã củng cố giáo huấn tín lý của Giáo Hội về hôn nhân một cách đầy nhấn mạnh. Nhưng nó cũng tỏ nhiều quan tâm mục vụ đối với các tín hữu ly dị và tái hôn dân sự là những người vẫn còn bị trói buộc bởi cuộc hôn nhân thành sự trong Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng biểu lộ một quan tâm và thông cảm cao độ. Đoạn 84 về “những người ly dị đã tái hôn” có những qui định chủ yếu như sau: 1. Vì lòng yêu sự thật, các mục tử buộc “phải thực thi một biện phân cẩn trọng về hoàn cảnh”. Không phải điều gì và ai ai cũng phải được lượng giá cùng một cách như nhau. 2. Các mục tử và các cộng đồng giáo xứ buộc phải hỗ trợ các tín hữu bị vướng vào các hoàn cảnh này, bằng một “tình yêu chăm chú”. Họ vẫn thuộc về Giáo Hội, họ vẫn có quyền được chăm sóc mục vụ và họ nên tham dự vào đời sống của Giáo Hội. 3. Ấy thế nhưng, họ không thể được tiếp nhận Thánh Thể. Có hai lý do cho việc này: a) “tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan đối với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, một kết hợp vốn được Thánh Thể biểu hiệu và làm cho hữu hiệu” b) “nếu những người này được tiếp nhận Thánh Thể, các tín hữu sẽ bị hướng dẫn sai lầm và lẫn lộn về giáo huấn của Giáo Hội đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân”. Việc hòa giải qua bí tích xưng tội, một việc mở đường cho việc tiếp nhận Thánh Thể, chỉ có thể ban cấp trong trường hợp có sự ăn năn hối tiếc việc đã xẩy ra và sự “sẵn sàng tiếp nhận một lối sống không còn mâu thuẫn với tính bất khả tiêu của hôn nhân nữa”. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa: nếu vì các lý do nghiêm túc, như để dưỡng dục con cái, mà cuộc kết hợp mới không thể nào tiêu hủy được, thì hai người kết ước này phải “cam kết sống tiết dục hoàn toàn”. 4. Vì các lý do bí tích và thần học nội tại chứ không do các áp lực luật lệ, các giáo sĩ minh nhiên bị cấm không được “cử hành các nghi lễ bất cứ thuộc loại nào” cho người ly dị tái hôn dân sự, bao lâu cuộc hôn nhân thứ nhất thành sự theo bí tích vẫn tồn tại. 
Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 14 tháng Chín năm 1994 về việc rước lễ của các tín hữu ly dị và tái hôn nhấn mạnh rằng thực hành của Giáo Hội trong vấn đề này “không thể bị thay đổi vì các tình thế khác nhau” (số 5). Tuyên bố cũng minh xác rằng các tín hữu liên hệ không thể tự ý lên rước lễ dựa trên chính lương tâm họ: “Nếu họ phán đoán họ có thể làm như thế, thì các mục tử và các cha giải tội... có nhiệm vụ nghiêm trọng phải khuyên nhủ họ rằng một phán đoán lương tâm như thế mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội một cách công khai” (số 6). Nếu vẫn còn hoài nghi về tính thành sự của cuộc hôn nhân thất bại, thì các hoài nghi này phải được các tòa án hôn phối có năng quyền xem sét (xem số 9). Điều hết sức quan trọng vẫn là “vì đức ái phải làm mọi sự có thể làm được để củng cố trong tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội các tín hữu trong các hoàn cảnh hôn nhân bất bình thường. Chỉ có thế họ mới có khả năng tiếp nhận được trọn vẹn sứ điệp của hôn nhân Kitô Giáo và với đức tin, chịu đựng được các khốn khó do hoàn cảnh họ gây ra. Trong hành động mục vụ, ta phải làm mọi sự có thể làm được để bảo đảm rằng điều này được hiểu không phải là vấn đề kỳ thị mà chỉ là vấn đề tuyệt đối trung thành với ý muốn của Chúa Kitô, Đấng đã tái lập và ủy thác cho ta một lần nữa tính bất khả tiêu của hôn nhân như là một tặng phẩm của Đấng Hóa Công” (số 10). 
Trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng, tựa là Sacramentum Caritatis, ban hành ngày 22 tháng Hai năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI tóm lược công trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục về chủ đề Thánh Thể và sau đó khai triển thêm. Ở số 29, ngài nói tới tình thế của các tín hữu ly dị và tái hôn. Đối với cả Đức Bênêđíctô XVI, đây là một “vấn đề mục vụ phức tạp và làm người ta bối rối”. Ngài xác nhận rằng “Dựa trên Thánh Kinh (xem Mc 10:2-12), tập tục của Giáo Hội là không cho người ly dị và tái hôn được chịu các bí tích”, tuy nhiên, cùng một lúc, ngài thúc giục các mục tử dành “quan tâm đặc biệt” cho những người liên hệ: với uớc mong họ được “sống cuộc sống Kitô hữu càng trọn vẹn bao nhiêu càng hay, qua việc thường xuyên tham dự Thánh Lễ, dù không được rước lễ, lắng nghe Lời Chúa, thờ lạy Mình Thánh Chúa, cầu nguyện, tham dự sinh hoạt cộng đoàn, làm việc đền tội, và cam kết giáo dục con cái”. Nếu vẫn còn hoài nghi tính thành sự của cuộc hôn nhân thất bại, thì những hoài nghi này cần được các tòa án có năng quyền xem sét. Não trạng thời nay phần đông chống lại cái hiểu Kitô Giáo về hôn nhân, về tính bất khả tiêu và việc sẵn sàng đón nhận con cái. Vì nhiều Kitô hữu bị ảnh hưởng bởi não trạng này, nên các cuộc hôn nhân hiện nay rất có thể bất thành nhiều hơn trước đây, vì thiếu ý muốn kết hôn theo giáo huấn Công Giáo, và vì ít được xã hội hóa trong môi trường đức tin. Bởi thế, việc lượng định tính thành sự của hôn nhân là điều quan trọng và có khả năng giúp giải quyết nhiều vấn nạn. Khi việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu không thể chứng minh được, thì, theo tập tục đã có và đã được chấp thuận trong Giáo Hội, điều kiện để được giải tội và rước lễ là cặp này phải sống với nhau như “bạn bè, như anh chị em”. Cần phải tránh việc chúc lành cho các cuộc kết hợp bất bình thường, “kẻo lẫn lộn sẽ phát sinh nơi các tín hữu liên quan tới giá trị của hôn nhân”. Chúc lành cho một liên hệ vốn mâu thuẫn với thánh ý Thiên Chúa tự nó đã là một mâu thuẫn ngay trong ngôn từ rồi (bene-dictio có nghĩa được Chúa thừa nhận). 
Trong bài giảng lễ tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Trên Thế Giới Lần Thứ Bẩy ở Milan ngày 3 tháng Sáu năm 2012, một lần nữa, Đức Bênêđíctô XVI lại có dịp nói tới vấn đề đau lòng này: “Tôi cũng muốn ngỏ mấy lời với các tín hữu, dù nhất trí với các giáo huấn của Giáo Hội về gia đình, nhưng từng đau đớn phải trải nghiệm sự tan vỡ và phân ly. Tôi muốn anh chị em biết rằng Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hỗ trợ anh chị em trong cuộc chiến đấu của anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục hợp nhất với cộng đoàn của anh chị em, và tôi tha thiết hy vọng rằng các giáo phận của anh chị em sẽ khai triển nhiều sáng kiến thích đáng để chào đón và đồng hành với anh chị em”. 
Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây nhất về chủ đề “Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô Giáo” (7-28 tháng Mười, 2012) một lần nữa cũng đã đề cập tới hoàn cảnh các tín hữu sau một thất bại trong mối liên hệ hôn nhân (không phải hôn nhân thất bại, vì như một bí tích, hôn nhân vẫn còn đấy) đã bước vào một kết hợp mới và sống với nhau không có sợi dây hôn phối bí tích. Trong thông điệp kết thúc, các nghị phụ ngỏ lời với những người này như sau: “Với mọi người họ, chúng tôi muốn nói rằng tình yêu Thiên Chúa không bỏ rơi bất cứ ai, Giáo Hội cũng vẫn yêu thương họ, Giáo Hội là căn nhà chào đón mọi người, họ vẫn là các chi thể của Giáo Hội cho dù họ không thể lãnh nhận bí tích giải tội và Thánh Thể. Ước mong các cộng đoàn Công Giáo chào đón mọi người hiện đang sống trong các hoàn cảnh như thế và hỗ trợ những người hiện đang trên đường hồi tâm và hoà giải”. 

Các quan sát dựa trên nhân học và thần học bí tích

Tín lý bất khả tiêu hôn nhân thường bị môi trường thế tục hóa tỏ ra không hiểu. Nơi nào mất đi những tầm nhìn thông suốt của đức tin Kitô Giáo, nơi ấy việc chỉ làm con cái Giáo Hội cho có lệ theo qui ước sẽ không đủ để nâng đỡ các quyết định chính yếu trong đời sống nữa; nó cũng không thể cung cấp cho ta một thế đứng vững chắc lúc gặp khủng hoảng hôn nhân, cũng như lúc gặp khủng hoảng linh mục và tu dòng. Nhiều người đặt câu hỏi: làm thế nào tôi có thể gắn bó với một người đàn bà hay một người đàn ông suốt cả đời được? Ai có thể nói cho hay trong mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm sau, cuộc hôn nhân của tôi sẽ ra sao không? Liệu có thể có một sợi dây vĩnh viễn cột tôi với một người nào khác chăng? Rất nhiều liên hệ hôn nhân đang lung lay hiện nay càng tăng cường não trạng hoài nghi của giới trẻ liên quan tới các chọn lựa dứt khoát trong đời. 
Mặt khác, lý tưởng trung thành giữa một người đàn ông và một người đàn bà, vốn xây dựng trên trật tự tạo thế, chưa hề mất đi tính hấp dẫn của nó chút nào, như thấy rõ qua các cuộc thăm dò ý kiến giới trẻ gần đây. Phần lớn những người trẻ này mong muốn một liên hệ ổn định và bền vững, phù hợp với bản chất thiêng liêng và luân lý của con người nhân bản. Hơn nữa, ta đừng quên giá trị nhân học của hôn nhân bất khả tiêu: nó kéo các người phối ngẫu ra khỏi tính tùy hứng và ách bạo chúa của xúc cảm và tính khí thất thường. Nó giúp họ sống thoát các khó khăn bản thân và vượt qua các trải nghiệm đau đớn. Trên hết, nó bảo vệ con cái, là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong các tan vỡ hôn nhân. 
Tình yêu không phải chỉ là xúc cảm hay bản năng. Tự bản chất, nó là tự hiến. Trong tình yêu phu phụ, hai con người nói với nhau một cách đầy ý thức và cố ý rằng: chỉ có anh hay chỉ có em mãi mãi mà thôi. Lời của Chúa Giêsu: “Điều Thiên Chúa đã kết hợp” tương xứng với lời hai người phối ngẫu đoan hứa: “Em nhận anh làm chồng... Anh nhận em làm vợ... Em (anh) sẽ yêu thương, quí mến và tôn trọng anh (em) bao lâu em (anh) còn sống, cho tới lúc cái chết phân rẽ chúng ta”. 
Linh mục chúc lành cho giao ước mà hai người phối ngẫu vừa đóng ấn với nhau trước mặt Thiên Chúa. Nếu ai đó hoài nghi không biết dây hôn phối có tính hữu thể (ontological) hay không, họ hãy học biết từ lời Thiên Chúa sau đây: “Người là Đấng, từ khởi thủy, đã dựng nên họ có nam có nữ, rồi phán: vì lý do này, người đàn ông sẽ rời cha mẹ mình mà kết hợp với vợ, và cả hai sẽ trở nên một thân xác. Do đó, họ không còn là hai mà là một thân xác” (Mt 19:4-6). 
Đối với các Kitô hữu, hôn nhân của những người đã rửa tội, nghĩa là được sáp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, đều có đặc điểm bí tích và do đó tượng trưng cho một thực tại siêu nhiên. Một vấn nạn mục vụ trầm trọng đang phát sinh từ sự kiện này: nhiều người ngày nay phán đoán hôn nhân Kitô Giáo hoàn toàn bằng tiêu chuẩn trần thế và thực dụng. Những người suy nghĩ theo “tinh thần thế gian” (1Cor 2:12) không thể nào hiểu nổi tính bí tích của hôn nhân. Giáo Hội không thể đáp ứng việc người ta càng ngày càng không hiểu tính thánh thiện của hôn nhân bằng cách thay đổi một cách thực dụng điều giả thiết vốn không thể nào tránh được, mà chỉ bằng cách tín thác nơi “Thần Khí vốn phát xuất từ Thiên Chúa để có thể hiểu được những ơn phúc do Thiên Chúa ban cho ta” (1 Cor 2:12). Hôn nhân bí tích là một chứng từ về sức mạnh của ơn thánh; nó biến đổi con người và chuẩn bị cho toàn thể Giáo Hội bước vào thành thánh, thành Giêrusalem mới, một Giáo Hội được chuẩn bị “như nàng dâu được trang điểm cho phu quân” (Kh 21:2). Tin Mừng về sự thánh thiện của hôn nhân phải được công bố với một sự trung thực có tính tiên tri. Khi đã thích ứng với tinh thần thời đại, vị tiên tri rã rời sẽ chỉ đi tìm sự cứu rỗi cho riêng mình chứ không phải sự cứu rỗi cho thế giới nơi Chúa Giêsu Kitô. Trung thành với lời ưng thuận khi kết hôn là dấu chỉ tiên tri của ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa muốn ban cho thế giới. “Ai có khả năng lãnh hội điều này, hãy lãnh hội nó” (Mt 19:12). Qua ơn thánh bí tích, tình yêu phu phụ được thanh tẩy, tăng cường và thăng hoa. “Được đóng ấn bằng lòng trung thành hỗ tương và được thánh hóa trước hết bằng bí tích của Chúa Kitô, tình yêu này sẽ mãi mãi chân thực một cách bền bỉ trong thân xác và trong tâm trí, trong những ngày sáng sủa và trong những ngày đen tối. Nó sẽ không bao giờ bị xúc phạm bởi ngoại tình hay ly dị” (Gaudium et Spes, 49). Nhờ sức mạnh của bí tích hôn nhân, hai người phối ngẫu dự phần vào tình yêu dứt khoát và bất phản hồi của Thiên Chúa. Do đó, họ có thể trở thành chứng nhân cho tình yêu trung thành của Thiên Chúa, nhưng họ phải không ngừng nuôi dưỡng tình yêu của họ qua việc sống cuộc sống của mình bằng đức tin và bằng tình yêu. 
Như mọi mục tử đều biết, ai cũng nhìn nhận rằng sẽ có những tình thế trong đó việc chung sống của vợ chồng, trên thực tế, không còn khả hữu nữa vì nhiều lý do thôi thúc, như bạo lực thể lý hay tâm lý. Trong những trường hợp khó khăn như thế, Giáo Hội luôn cho phép các người phối ngẫu được ly thân và không còn phải sống với nhau nữa. Tuy nhiên, điều cần phải nhớ là: dây hôn phối của một cuộc hôn nhân thành sự vẫn nguyên vẹn trước mặt Thiên Chúa, và các bên cá thể không được tự do kết ước một hôn nhân mới, bao lâu người phối ngẫu kia còn sống. Do đó, các mục tử và các cộng đoàn phải cố gắng cổ vũ con đường hòa giải cả trong các trường hợp này nữa hay nếu không thể làm được điều này, thì giúp các người liên hệ đối diện với tình thế khó khăn của họ bằng đức tin. 

Các quan sát dựa trên thần học luân lý

Người ta thường gợi ý cho rằng những người ly dị tái hôn nên được phép quyết định cho chính họ, theo lương tâm họ, liệu có nên bước lên rước lễ hay không. Luận điểm này, đặt căn bản trên ý niệm còn đang tranh cãi về “lương tâm”, đã bị văn kiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 1994 bác bỏ. Lẽ dĩ nhiên, mỗi lần tham dự Thánh Lễ, các tín hữu đều phải xét xem liệu mình có thể rước lễ được không, hay một tội trọng chưa xưng có thể gây trở ngại. Đồng thời, họ có bổn phận phải huấn luyện lương tâm và giúp nó phù hợp với chân lý. Khi làm như thế, họ cũng lắng nghe Huấn Quyền Giáo Hội, là thẩm quyền giúp họ “khỏi đi chệch ra ngoài sự thật về thiện ích của con người, nhưng thay vào đó, nhất là trong các vấn đề khó khăn hơn, giúp họ biết đạt tới sự thật một cách chắc chắn và sống trong sự thật ấy” (Veritatis Splendor, 64). Nếu người ly dị tái hôn xác tín một cách chủ quan trong lương tâm họ rằng cuộc hôn nhân trước bất thành, thì điều này phải được chứng minh một cách khách quan bởi các tòa án hôn phối có năng quyền. Hôn nhân không phải chỉ là mối liên hệ của hai người với Thiên Chúa, nó còn là một thực tại của Giáo Hội nữa, một bí tích, và các cá nhân liên hệ không có quyền quyết định tính thành sự của nó, mà đúng hơn quyền ấy dành cho Giáo Hội, định chế mà các cá nhân được sáp nhập vào nhờ đức tin và phép rửa. “Nếu cuộc hôn nhân trước của hai tín hữu ly dị và tái hôn đã thành sự, thì cuộc kết hợp mới của họ, dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không thể được coi là hợp pháp, và do đó, việc lãnh nhận các bí tích là bất khả hữu một cách nội tại. Lương tâm cá nhân bị trói buộc vào qui định này không có ngoại lệ nào cả” (Đức HY Joseph Ratzinger, “The Pastoral approach to marriage must be founded on truth” L’Osservatore Romano, Bản Tiếng Anh, 7 tháng Mười Một năm 2011, p. 4). 
Giáo huấn về epikeia, theo đó, một luật lệ rất có thể có giá trị phổ quát, nhưng không luôn luôn được áp dụng vào một số tình huống cụ thể nào đó của con người, cũng không thể được nại tới ở đây vì trong trường hợp bất khả tiêu của hôn nhân bí tích, ta đương đầu với thiên luật là luật nằm ngoài quyền xử lý của Giáo Hội. Tuy nhiên, như đã thấy trong trường hợp đặc ân Thánh Phaolô, Giáo Hội quả có thẩm quyền minh xác các điều kiện cần được thỏa mãn để một hôn nhân bất khả tiêu có thể xẩy ra, như Chúa Giêsu truyền dạy. Dựa trên căn bản này, Giáo Hội đã thiết lập ra các ngăn trở đối với hôn nhân, nhìn nhận các cơ sở để tuyên bố vô hiệu và khai triển ra diễn trình chi tiết để xem sét các cơ sở này. 
Một lý lẽ nữa đã được đưa ta để biện hộ việc cho phép các người ly dị tái hôn được chịu các bí tích là lòng thương xót. Xét vì chính Chúa Giêsu từng tỏ tình liên đới với những người đau khổ và từng tuôn tràn tình yêu thương xót trên họ, nên lòng thương xót được kể là một phẩm tính biệt loại của người môn đệ đích thực. Điều này đúng, nhưng trệch đích nhắm khi được sử dụng như một luận chứng trong lãnh vực thần học bí tích. Trọn nhiệm cục bí tích là công trình của lòng thương xót Chúa; nó không thể giản đơn bị gạt qua một bên bằng một việc nại tới chính lòng thương xót ấy. Việc nại tới lòng thương xót nào lầm lẫn một cách khách quan cũng đều có nguy cơ tầm thường hóa hình ảnh Thiên Chúa, qua việc ngụ ý cho rằng Thiên Chúa không thể làm gì khác ngoài việc tha thứ. Mầu nhiệm Thiên Chúa bao gồm không những lòng thương xót của Người mà còn cả sự thánh thiện và công lý của Người nữa. Nếu ta dám dẹp bỏ các đặc điểm vừa kể của Thiên Chúa và từ khước không coi tội là việc nghiêm trọng, thì nhiên hậu ngay cả việc đem lòng thương xót của Chúa tới con người cũng là điều không thể có. Chúa Giêsu tỏ lòng cảm thương vô bờ đối với người đàn bà ngoại tình, nhưng Người vẫn nói với chị: “Con hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8:11). Lòng thương xót của Thiên Chúa không miễn chước ta khỏi tuân theo các giới răn của Người hay các giới luật của Giáo Hội. Đúng hơn, nó ban cho ta ơn thánh và sức mạnh cần thiết để chu toàn các giới răn và các giới luật này, để ta vực ta dậy sau mỗi lần té ngã, và để ta sống cuộc sống viên mãn theo đúng hình ảnh Cha ta ở trên trời.

Chăm sóc mục vụ

Cho dù không thể cho phép các người ly dị tái hôn được chịu các bí tích, vì bản chất nội tại của họ, nhưng chính vì thế ta càng có nhiệm vụ phải tỏ quan tâm mục vụ đối với các thành viên tín hữu này, để hướng dẫn họ cách rõ ràng tới những điều dạy bảo của thần học mặc khải và huấn quyền. Con đường được Giáo Hội chỉ vẽ không dễ dàng chút nào đối với những người liên hệ. Ấy thế nhưng họ nên biết và cảm nhận điều này: như một cộng đồng cứu rỗi, Giáo Hội luôn sánh bước với họ trong hành trình của họ. Bao lâu các bên cố gắng hiểu biết tập tục của Giáo Hội và hạn chế không rước lễ, họ đã làm chứng cách riêng cho tính bất khả tiêu của hôn nhân vậy. 
Điều rõ ràng là không nên rút gọn việc chăm sóc các người ly dị tái hôn vào việc rước lễ mà thôi. Nó bao hàm một phương thức mục vụ có phạm vi bao quát hơn nhiều; phương thức này cố gắng đánh giá đúng các tình huống khác nhau. Điều quan trọng là phải hiểu ra rằng ngoài việc chịu lễ ra, còn có những phương cách khác để hiệp thông với Chúa. Người ta có thể tiến gần Thiên Chúa bằng cách hướng về Người bằng đức tin, đức cậy và đức mến, bằng việc thống hối và cầu nguyện. Thiên Chúa có thể ban sự gần gũi và ơn cứu rỗi cho những người đang đi trên những nẻo đường khác, thậm chí cả lúc họ rơi vào những tình huống sống mâu thuẫn nữa. Như các văn kiện gần đây của huấn quyền vốn nhấn mạnh, các mục tử và các cộng đoàn Kitô Giáo được kêu gọi chào đón một cách cởi mở và thành thực những người đang sống trong các tình huống bất bình thường, hỗ trợ họ một cách thiện cảm và đầy giúp đỡ, và giúp họ ý thức được tình yêu của Đấng Chăn Chiên Lành. Nếu chăm sóc mục vụ bắt nguồn từ sự thật và tình yêu, chắc chắn nó sẽ khám phá được nhiều nẻo đường và phương thức đúng đắn một cách không ngừng mới mẻ.
Vũ Văn An10/27/2013

Tiến tới sự hiệp thông giữa người Tin lành Luther và người Công giáo


“Tôi tạ ơn Chúa vì những bước tiến đã thực hiện được giữa người Tin Lành Luther và người Công giáo trong các thập niên vừa qua, không chỉ trong cuộc đối thọai thần học, mà qua sự hợp tác huynh đệ trong nhiều lĩnh vực mục vụ và nhất là trong việc chúng ta cam kết tiếp tục đi tới trong phong trào đại kết về mặt tinh thần”, đó là lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc tiếp đón các đại biểu của Liên đoàn Tin Lành Luther thế giới và các đại diện của Uỷ ban hiệp nhất Tin Lành Luther - Công giáo.
Phong trào đại kết này một cách nào đó là “linh hồn của con đường chúng ta tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn và cho phép chúng ta thưởng thức hoa trái của sự hiệp thông dù chưa trọn vẹn: Một khi chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể chắc chắn mình đang xích lại gần nhau, và nếu chúng ta kêu cầu Chúa ban ơn hiệp nhất, chúng ta đoan chắc Người sẽ cầm tay chúng ta và sẽ là người dẫn đường chúng ta đi”.
Năm nay, cuộc đối thoại thần học mừng sinh nhật lần thứ năm mươi của mình và cũng gần tới năm trăm năm sinh nhật của cuộc Cải cách. Vào dịp này, Uỷ ban hiệp nhất Tin Lành Luther-Công giáo sẽ công bố một văn kiện có tựa đề: Từ xung khắc tới hiệp thôngCái nhìn của Tin Lành Luther-Công giáo về cuộc Cải cách năm 2017. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc mọi người cùng nỗ lực bàn luận về thực tại lịch sử của cuộc Cải cách, về những hậu quả của cuộc Cải cách này và những phản ứng đã được đưa ra. Công giáo và Tin Lành Luther có thể xin lỗi nhau về những nỗi đau hai bên đã gây nên cho nhau và về những lỗi lầm đã phạm trước mặt Chúa, và cùng nhau hân hoan về nỗi tiếc nuối sự hiệp nhất Chúa đã khơi dậy trong tim can chúng ta và cho phép chúng ta nhìn về phía trước với niềm trông cậy…
Dưới ánh sáng của con đường đã trải qua trong những thập niên này và của tất cả những tấm gương về sự hiệp thông huynh đệ giữa người Tin Lành Luther và người Công giáo mà chúng ta đã chứng kiến, được tăng sức mạnh bởi niềm tin tưởng trong ân sủng Đức Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta, tôi đoan chắc rằng, –Đức Thánh Cha kết luận–, chúng ta sẽ tiếp tục đi con đường đối thoại và hiệp thông của chúng ta, và suy nghĩ về những vấn đề căn bản, cũng như về những điểm khác biệt xuất hiện trong các lĩnh vực nhân học và đạo đức. Dĩ nhiên, không thiếu những khó khăn, hiện tại và trong tương lai; những khó khăn ấy đòi chúng ta còn phải kiên nhẫn, đối thoại và thấu hiểu nhau hơn, nhưng đừng sợ. Chúng ta biết rõ, như Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta, rằng sự hiệp nhất không phải là kết quả của nỗ lực của chúng ta trước tiên, mà là của Chúa Thánh Thần. Và chúng ta phải mở lòng mình ra với Người trong niềm tin tưởng để Người dẫn dắt chúng ta trên con đường hoà giải và hiệp thông.


Mai Tâm

(Nguồn: VIS / WHĐ)

10 từ khóa để hiểu Đức Thánh Cha Phanxicô


WHĐ (24.10.2013) – “Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là một nhà chính trị đúng nghĩa nhưng là người con trung thành của Giáo hội”, ông Greg Burke, đã nhận xét như thế. Ông Burke giải thích thêm rằng: Đức Thánh Cha luôn mời gọi mọi người sống chân lý của Phúc Âm và ngài có khả năng trình bày những sự thật nan giải với lòng xót thương sâu nặng.
Greg Burke là một cựu ký giả của giới truyền thông Hoa Kỳ, suốt 25 năm qua ông đã cư ngụ và làm việc tại Roma và trở thành một nhà cố vấn truyền thông kinh nghiệm của Phủ Quốc vụ khanh. Vốn là một người hâm mộ bóng đá, cũng như Đức Thánh Cha, ông Burke đã ví von về ‘ngôi sao truyền thông’ Phanxicô như thế này: “Chúng tôi chuyền bóng cho Đức Thánh Cha và ngài ghi bàn”! Dí dỏm hơn, ông Burke còn đề nghị một khẩu hiệu, như vẫn thường thấy trên các bao thuốc lá, để in trên các tấm ảnh của của Đức Thánh Cha và cảnh báo mọi người: “Nguy hiểm: Người này có thể thay đổi cuộc đời của bạn!”
Ngày 18 tháng 10 vừa qua, trong một bài nói chuyện với các ân nhân của một quỹ bảo trợ tài chính cho Bảo tàng Vatican nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, ông Burke đã ca ngợi khả năng thu hút truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxicô: Đó không phải là sự mê hoặc. Nó phát xuất từ đức ái Kitô giáo, vốn có sức thu hút mạnh mẽ hơn sự mê hoặc. Đức Thánh Cha muốn vượt qua giới hạn chính trị của phe cánh bằng cách định hướng con người chú tâm vào Tin Mừng và Thiên Chúa, cũng như chân lý và lòng thương xót của Ngài. Tin Mừng không phải là khí cụ làm cho chúng ta dễ chịu nhưng, trái lại, Tin Mừng thách đố chúng ta rất cụ thể: hãy loan báo chân lý và đồng hành với con người tìm gặp Thiên Chúa.
Ông Burke cũng bình luận về âm hưởng từ những giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô: Ngài không xoa dịu con người bằng một lối diễn tả Tin Mừng hời hợt mưu tìm sự đón nhận một cách dễ chịu nhưng là giới thiệu sự thật của Tin Mừng vốn diễn tả chân lý của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và tha thứ. Ông Burke đề cập đến hình ảnh Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến” mà Đức Thánh Cha đã đề cập, trong bài phỏng vấn lịch sử, để ghi nhận lập trường của Đức Thánh Cha về sứ vụ của Giáo hội: một Giáo hội chữa lành.
Với thâm niên và trải nghiệm trong giới truyền thông, ông Burke đã liệt kê 10 từ khóa để tìm hiểu về giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô và để giải thích về phong thái của ngài:
1. Lòng thương xót – Trình thuật về người con hoang đàng [của Tin Mừng] là một chủ đề được Đức Thánh Cha trích dẫn nhiều lần và xác quyết rằng Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt để ban ơn tha thứ và chờ đón sự trở về của con người; và vì thế “Giáo hội luôn luôn mong đợi con người với cánh tay rộng mở”.
2. Can đảm hoặc dũng cảm – Bạn hãy chuẩn bị vì Đức Thánh Cha sẽ thách đố mọi người! Những ai sống trong tiện nghi hoặc sống trong những nước phát triển sẽ được Đức Thánh Cha chiếu cố và thách đố một cách đặc biệt. Đúng thôi, vì đó là thách đố của Tin Mừng.
3. Vùng ven và Sứ vụ – Đức Thánh Cha tiếp nối các đấng tiền nhiệm phê phán mạnh mẽ một thế giới chia rẽ giữa giàu và nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô “không phải là người của ân sủng rẻ tiền và thứ tôn giáo dễ chịu. Ngài muốn nhìn thấy các Kitô hữu dám làm”.
4. Cầu nguyện – Người không có niềm tin thường không hiểu được tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống đức tin. Chẳng hạn như Chân phước Têrêsa Calcutta đã từng bị truyền thông thế tục xem như một “nhà hoạt động xã hội trong chiếc áo dòng”. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngừng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cầu nguyện và thúc đẩy mọi người cầu nguyện.
5. Gặp gỡ – Đức Thánh Cha đề nghị mọi người đón nhận nền “văn hóa gặp gỡ” để cảm nhận Thiên Chúa và gặp gỡ mọi người, kể cả những người không có đức tin. Cách thế gặp gỡ và giao tiếp này bắt đầu từ trong gia đình.
6. Niềm vui – Đức Thánh Cha nhận được nhiều khen ngợi về điều này, đơn giản là vì ngài thể hiện niềm vui một cách thật giản dị. Đối với Đức Thánh Cha, nguy hiểm và cám dỗ lớn nhất của đời người là “sự ngã lòng, sự bất hòa, sự chán nản và sự dữ”.
7. Phục vụ – Đức Thánh Cha đã nêu gương phục vụ qua việc tự thanh toán tiền trọ ở Roma sau khi được bầu làm giáo hoàng, tự gọi điện thoại cho những người viết thư cho mình, hay làm những việc mà lẽ ra ngài có thể để các phụ tá thực hiện. Thông điệp của ngài là: “Đó không phải là quyền lực hay đặc ân, chúng ta hiện diện để phục vụ”.
8. Đơn sơ và khiêm nhường – Việc Đức Thánh Cha quyết định lưu trú trong nhà khách thay vì ở trong Dinh Tông Toà hoặc việc ngài tự xách cặp khi công du phần nào nói lên tính cách của Đức Thánh Cha Phanxicô và mọi người cần làm quen với sự bình dị ấy.
9. Cảm thương – Thương cảm và đồng cảm với người khác là sở trường của Đức Thánh Cha. Điều đó thể hiện rõ nét khi ngài ôm tất cả mọi người vào lòng và ngay cả khi ở giữa đám đông ngài vẫn có thể hiện diện một cách trọn vẹn với từng người.
10. Năng lượng – Với tuổi 76, Đức Thánh Cha quả thật là một người đầy tràn năng lượng và chúng ta sẽ được tham gia vào một hành trình thú vị!
 (Theo CNS)


Thiên Phúc
Nguon:giaophanvinh.net

Nơi cử hành Hôn phối

Hỏi (chi tiết): 
Thưa cha, vừa qua có một cha nói với chúng con là: “Ai cư ngụ (trong trường hợp tạm trú) ở giáo xứ mình một tháng là thuộc quyền của giáo xứ” nên cha xứ có quyền lo hồ sơ hôn phối,… Nhưng theo Giáo luật thì con thấy phải cư trú từ 3 tháng trở lên (bán cư sở). Vậy theo cha vấn đề này như thế nào? Xin cha cũng cho chúng con biết về các trường hợp cư sở, bán cư sở và trách nhiệm của cha xứ đối với các trường hợp này như thế nào?
Đáp: 
I. Giáo Luật chung
Điều 1115 của Bộ Giáo Luật 1983 quy định: “hôn nhân phải được cử hành trong giáo xứ nơi một trong hai bên kết ước có gia cư hay chuẩn cư hay đã cư ngụ một tháng...”.
1- Gia Cư (domicilium): Giáo Luật quy định “ai cư ngụ trong địa hạt của giáo xứ nào, với ý định sẽ ở vĩnh viễn nếu không có gì thay đổi, hoặc đã ở trọn 05 năm, thì thủ đắc gia cư” (GL 102,1).
Nơi cư ngụ, hiểu theo nghĩa thông thường, là nơi nghỉ đêm, không phải nơi lao động hay học tập...
“Ai đi khỏi nơi cư ngụ với ý định không trở lại, thì mất gia cư hay chuẩn cư” (GL 106). Nếu một người bán nhà dời đi nơi khác hay đã chuyển hộ khẩu thường trú, đương nhiên mất quyền về gia cư hay chuẩn cư.
Nếu một người đi lao động nơi khác hơn 05 năm, vẫn còn nhà cửa và hộ khẩu thường trú ở quê quán, thì không mất quyền hạn về gia cư hay chuẩn cư. Điều luật 102 và 106 không ngăn cản người này nhận là mình có 02 gia cư, nơi quê quán và nơi đã thực sự cư ngụ trên 05 năm. Như thế một người từ Hà Nội vào Sài Gòn lao động đã trên 05 năm, vẫn còn nhà cửa và hộ khẩu thường trú ở quê quán, người này có gia cư theo Giáo Luật cả hai nơi, tại Hà Nội và Sài Gòn.
2- Chuẩn cư (quasi domicilium): “ai cư ngụ trong địa hạt của giáo xứ nào, với ý định sẽ ở lại ít là 03 tháng nếu không có gì thay đổi, hoặc thực sự đã ở trọn 03 tháng, thì thủ đắc chuẩn cư” (GL 102,2). Căn cứ theo điều 106 nói trên, một người có thể có nhiều chuẩn cư.
Gia cư hay chuẩn cư là một khái niệm thuần túy Giáo Luật, không có trong cổ luật Roma và Tây Phương trước đây. Khái niệm “tạm trú” của luật dân sự, dù ở Việt Nam hay ngoại quốc, không đồng nghĩa với “chuẩn cư”.
“Cứ theo gia cư và chuẩn cư, mỗi người biết được ai là linh mục chính xứ hay vị Thường Quyền của mình” (GL 107). Bản dịch tiếng Việt hơi tối nghĩa; nguyên bản là “tum per domicilium tum per quasi – domicilium quisque parochum et Ordinarium sortitur”. Như vậy, dù chỉ có chuẩn cư ở TPHCM, người tín hữu vẫn là người thuộc trách nhiệm mục vụ của linh mục chính xứ và vị Thường Quyền sở tại.
Linh mục chính xứ và vị Thường Quyền sở tại có trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho họ theo các quyền: Giáo huấn, Thánh hóa và quản trị. Linh mục chính xứ có trách nhiệm trong việc cử hành hôn phối và nghi thức an táng cho họ (GL 1115; 1177).
Thông thường, hiệu quả pháp lý của gia cư và chuẩn cư tương tự như nhau đối với người giáo dân; chỉ có khác biệt khi xét thẩm quyền của Vị Thường Quyền và tòa án giáo phận (GL 1673). Những trường hợp Giáo Luật phân biệt gia cư và chuẩn cư rõ rệt, phần nhiều liên quan đến giáo sĩ và tu sĩ: phong chức phó tế (GL 1016); trao năng quyền Giải Tội (GL 967)...
3- Gia cư pháp định (domicilium legalis): có một số người không có gia cư hay chuẩn cư theo nơi mình hiện cư ngụ, nhưng phải theo quy định của Giáo Luật; đặc biệt đối với các vị Giám mục, linh mục và tu sĩ (GL 103). Chẳng hạn, dù cư ngụ thực tế tại ĐCV Thánh Giuse, Đức GM phụ tá giáo phận Sài Gòn vẫn có gia cư theo Giáo Luật là Tòa GM và một nơi nào đó ở Phi Châu (nơi mà ngài làm GM hiệu tòa).
Người vị thành niên (dưới 18 tuổi) phải theo gia cư và chuẩn cư của cha mẹ hay người giám hộ (GL 105).
4- “Đã cư ngụ một tháng” (menstrua commoratio):
Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIV đã cho phép nơi các xứ truyền giáo: linh mục chính xứ được quyền cử hành hôn phối nếu một trong hai người kết hôn đã cư ngụ trong giáo xứ hơn 01 tháng (Litteris die 19 Martii 1758 ad Archiep. Goanum datis; COLLECTANEA S. CONGREGATIONIS DE PROPAGANDA FIDE Vol. II, n. 1305, Romae 1907, p. 2).
Năm 1916, Thánh Bộ Bí Tích ra Chỉ Thị (instructio), như luật chung cho toàn Giáo Hội, cho phép linh mục chính xứ cử hành hôn phối cho người đã cư ngụ trong giáo xứ được 01 tháng. Quy định này được giữ lại trong bộ Giáo Luật 1983 điều 1115.
Chỉ Thị nói trên quy định: phải là sự cư ngụ thể lý, liên tục trong vòng một tháng (physica, moralmenter continuata); nếu bị gián đoạn nhiều ngày, dù có ý định trở lại, vẫn phải tính thời gian lại từ đầu (ex novo).
Việc cư ngụ này phải diễn ra ngay trước khi tiến hành hôn phối.
Không bắt buộc phải là cư ngụ với ý định thủ đắc gia cư hay chuẩn cư; có thể đây chỉ là tạm trú để học tập, du lịch .... (Instr. S. C. Sacramenti, 28 genn. 1916, AAS 1916, p. 64).
II. Luật riêng của Giáo phận
Trong Tổng Giáo phận Sài Gòn, quy định này có hiệu lực từ lâu đời: “Linh mục chính xứ chỉ tiến hành hôn phối cho những người có gia cư hay chuẩn cư hay đã cư ngụ một tháng trong giáo xứ. Nếu không có gia cư hay chuẩn cư hay đã cư ngụ một tháng trong giáo xứ, linh mục chính xứ vẫn còn một phương cách để chứng hôn hợp pháp là xin phép của linh mục chính xứ hay vị Thường Quyền của một trong hai người định kết hôn (thường là bên nhà gái)" (dịch từ bản tiếng Pháp trongDirectoire pour les Missions de la Cochinchine Occidentale et du Cambodge, Saigon 1922, p. 161).
Đối với các giáo phận Miền Bắc cũng thế: "Cho khỏi lỗi khi làm phép Hôn phối, thì Đấng có quyền ấy (đừng kể sự đã tra cho đắc thật kẻ toan kết bạn không mắc ngăn trở gì) chỉ nên làm cho kẻ (ít là một bên) có gia cư hay là nửa gia cư, hay là đến ở nơi kết bạn đã được một tháng tròn; chẳng vậy thì phải có phép Bề Trên địa phận hay là thày cả chính xứ một bên có gia cư hay là nửa gia cư, hay là đang ở đấy đã được một tháng" (Luật Riêng địa phận Hà Nội, Hanoi 1941, p. 281).
III. Một vài nhận định
1- Một linh mục chính xứ chứng hôn thành sự cho đôi hôn phối trong địa giới của mình. Và ngài chứng hôn hợp pháp nếu một trong hai người đã cư ngụ trong giáo xứ liên tục được một tháng, không cần phải xin phép hay được uỷ quyền của linh mục chính xứ bên nhà trai hay nhà gái.
2- Với quy định "đã cư ngụ một tháng", Thánh Bộ Bí Tích dành cho đôi bạn quyền tự do chọn lựa nơi cử hành hôn phối thoải mái hơn, nhưng quy định này không hề buộc linh mục chính xứ, nơi họ đã cư ngụ một tháng, phải nhận lời cử hành hôn phối cho họ.
3- Với quy định "đã cư ngụ một tháng", Thánh Bộ Bí Tích vẫn tôn trọng thông lệ "ba tuần" để điều tra và Rao Hôn Phối. Nếu linh mục chính xứ giữ đúng quy định, sau khi điều tra tối thiểu ba tuần, mới nhận lời cử hành hôn phối, đôi bạn khó có thể thu xếp xong việc cử hành chỉ trong "một tháng".
4- Chiếu theo giáo luật hiện hành, linh mục chính xứ có thể chứng hôn cho người "đã cư ngụ một tháng" trong giáo xứ của mình. Nhưng khi soạn văn bản của điều 1115, Ủy Ban soạn thảo bộ Giáo Luật 1983 nói rõ ý định là để “khuyến khích tối đa việc hôn nhân được cử hành trong cộng đoàn giáo xứ của chính họ” (Communicationes 1978, p. 91, can. 317). Theo tinh thần của truyền thống Giáo Luật và mục vụ từ trước tới nay trong Giáo Hội, cũng như của chính điều 1115, thông thường linh mục chính xứ phải khuyến khích đôi bạn, "đã cư ngụ một tháng" trong giáo xứ của mình, tốt nhất nên cử hành hôn phối tại giáo xứ gốc của họ.
5- Trên bình diện mục vụ, quy định "đã cư ngụ một tháng" có vẻ "lỗi thời".
Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến mục vụ hôn phối hơn là các chú giải chi ly về giới hạn chiếu luật. Các văn kiện mục vụ gần đây của Hội Thánh đều có khuynh hướng đòi hỏi một sự chuẩn bị lâu dài và chu đáo trước khi cử hành hôn phối:Gaudium et Spes 52; Familiaris consortio 63-69; Thượng Hội đồng Giám mục 1980, đề nghị 16a; Giáo Luật 1063 - 1067. Thời gian chuẩn bị gồm có: chuẩn bị chung, chuẩn bị cá nhân và trực tiếp (gần và xa), chuẩn bị cho việc cử hành (GL 1063).
Do đó, hiện nay, luật riêng của các HĐGM hay giáo phận đều quy định một thời gian chuẩn bị kéo dài. Khuynh hướng mục vụ hiện nay khuyến khích các linh mục chính xứ: không cử hành hôn phối gấp rút.
Giáo phận Galveston – Houston – USA nhắc nhở đôi bạn phải tiếp xúc với linh mục chính xứ trước khi có một quyết định nào về tổ chức đám cưới (chụp hình, nơi đặt tiệc...); “trong điều kiện bình thường, cuộc tiếp xúc sơ khởi này phải bắt đầu ít nhất 6-9 tháng trước ngày cưới” (ARCHDIOCESE OF GALVESTON – HOUSTON, Diocesan Marriages Preparation, Guidelines and Resources, 25 March 2001, p. 5; DIOCESE OF BEAUMONT, Marriage Guidelines, sectio I, p 9).
HĐGM Italia: "thời gian chuẩn bị trực tiếp thông thường không duới ba tháng" (Decreto generale della C.E.I., 5 nov. 1990, n. 3).
Theo thông báo của Toà Tổng Giám mục TPHCM ngày 30/03/1994, đôi hôn phối phải liên hệ với cha xứ từ 03 tháng trước ngày dự định cử hành hôn phối.
Kết luận: Chiếu theo Giáo Luật hiện hành, linh mục chính xứ có thể chứng hôn cho người "đã cư ngụ một tháng" trong giáo xứ của mình. Trong thực tế, đây là trường hợp rất hoạ hiếm, nếu linh mục chứng hôn giữ đúng các hướng dẫn mục vụ của Giáo Hội.
Người phụ trách: 
 Cha Gioan Bùi Thái Sơn

Những ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân?

Những ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân?
Đáp: 
Dẫn nhập
Mỗi năm vào dịp Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân, đồng thời cũng là ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11.02, tại một số giáo xứ, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân thường được cử hành đồng thời cho nhiều anh chị em bệnh nhân. Việc cử hành cách tập thể như vậy thật có ý nghĩa không chỉ về phương diện tâm lý nhưng nhất là về phương diện phụng vụ. Về phương diện tâm lý, sự gặp gỡ với những anh chị em khác trong cùng hoàn cảnh sẽ giúp mỗi bệnh nhân được nâng đỡ rất nhiều về mặt tinh thần, vì thấy mình không lẻ loi trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Về mặt phụng vụ, việc cử hành mang tính tập thể diễn tả thật đẹp chiều kích Hội Thánh, sự hiệp thông, sự liên đới với nhau trong việc kết hợp với cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Và do đó Hội Thánh khuyến khích cách cử hành này khi có thể (NT 83) [1].
Tuy nhiên, trong những truờng hợp này, việc cử hành cũng cần phải hết sức cẩn trọng để Bí tích này không đuợc ban cho những người khỏe mạnh và nhất là những bệnh nhân ngoài Kitô giáo. Tại sao phải như thế? Nói cách khác, theo giáo huấn của Hội Thánh, những ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân? Hơn nữa, giáo lý của Hội Thánh cũng dạy: “các Bí tích mang lại hoa trái nơi những người lãnh nhận có sự chuẩn bị nội tâm cần thiết” (GLTC 1131) [2]. Như vậy, đâu là sự chuẩn bị nội tâm cần thiết cho việc lãnh nhận Bí tích này?
Đối diện với vấn đề này, chúng ta xin mạn phép góp một vài suy nghĩ liên quan đến người lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, với ước mong để việc cử hành và việc sống Bí tích này đạt được nhiều hoa trái thiêng liêng. Chúng ta sẽ khởi đi từ giáo huấn của Thánh Kinh, đến Thánh Truyền và sẽ dừng lại với giáo huấn hôm nay của Hội Thánh.
I. Giáo huấn của Thánh Kinh
Nền tảng đầu tiên của các Bí tích hệ tại nơi mặc khải Thánh Kinh. Với Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, một trong những mặc khải ấy thể hiện nơi thư thánh Giacôbê: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,13c-15).
Chúng ta chỉ đề cập đến câu đầu tiên của bức thư này. Theo văn mạch, thánh Giacôbê đang viết đoạn thư này cho cộng đoàn Kitô giáo. Do vậy cụm từ ai trong anh em muốn nói đến một người Kitô hữu. Từ ngữ đau yếu được hiểu thế nào? Theo đa số các nhà chú giải, từ đau yếu được dùng ở đây để chỉ sự đau yếu về mặt thể lý; từ ngữ ấy được dùng để chỉ những người bệnh nặng, bệnh liệt giường. Thánh Kinh Tân Ước cũng đã sử dụng từ đau yếu này tổng cộng 35 lần để chỉ những trường hợp bệnh nhân được khiêng đến với Đức Giêsu [3].
Như vậy, theo mặc khải của Thánh Kinh, người lãnh nhận Bí tích này cần có hai điều kiện: 1/người Kitô hữu; 2/vì hiệu quả của Bí tích này là để bệnh nhân được Chúa nâng dậy, nên người lãnh nhận phải là người bệnh nặng về mặt thể lý.
II. Giáo huấn của Thánh Truyền
Nếu các Bí tích có nền tảng đầu tiên là mặc khải của Thánh Kinh; thì nền tảng thứ hai không thể thiếu của các Bí tích là mặc khải của Thiên Chúa được thể hiện qua Thánh Truyền. Với Thánh Truyền của Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, chúng ta tạm chia ba giai đoạn sau:
2.2. Giai đoạn I: từ thế kỷ II đến thế kỷ VII
Vào thế kỷ III (khoảng năm 215), tác phẩm Truyền Thống Tông Đồ được coi là của thánh Hyppôlytô vẫn xác định người lãnh nhận Bí tích này phải là người đau yếu về mặt thể lý, vì hiệu quả chính yếu của Bí tích này là để “mang đến sức mạnh cho những ai lãnh nhận và mang đến sức khỏe cho những ai sử dụng” [4]. Hai trăm năm sau, tư tưởng ấy được lập lại bởi Đức Giáo Hoàng Innocent I trong thư gởi cho Decentius de Gubbio vào ngày 19.03.416. Trong bức thư này, Đức Giáo Hoàng vẫn xác định Bí tích này chỉ được ban cho những ai đau yếu về mặt thể lý, nhưng Ngài thêm vào một qui định mới: những người đang trong thời kỳ thống hối thì không thể lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (DS 216) [5]. Trong giai đoạn này còn có tác phẩm Những Bài Giảng Của Giám Mục Césaire d’Arles (năm 470-543). Tác giả vẫn xác định người lãnh nhận Bí tích này là người đau yếu về thể lý, nhưng cũng xuất hiện ý tưởng mới: “các bạn thấy rằng ai trong cơn đau bệnh đến nhà thờ sẽ xứng đáng lãnh nhận sức khỏe thân xác và ơn tha thứ tội lỗi” [6]. Nói cách khác, đối với tác giả, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân vừa có hiệu quả về mặt thể lý, vừa có hiệu quả thiêng liêng là tha thứ tội lỗi.
Như vậy, đến thế kỷ VII, giáo huấn của thánh Giacôbê vẫn được Hội Thánh duy trì: Bí tích Xức Dầu chỉ được ban cho các bệnh nhân Kitô hữu, vì hiệu quả chính yếu của Bí tích này là ban sức mạnh cho những ai lãnh nhận. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cũng bắt đầu xuất hiện khó khăn: làm sao dung hòa quan điểm của Đức Giáo Hoàng Innocent I (không thể ban Bí tích Xức Dầu cho các tội nhân) và quan điểm của Đức Giám Mục Césaire d’Arles (Bí tích này cũng ban ơn tha tội). Cần một giai đoạn mới ra đời để giải quyết vấn đề này.
2.2. Giai đoạn II: từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII
Bước sang thế kỷ VIII, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được Hội Thánh qui định: chỉ được cử hành bởi Linh Mục (và Giám Mục) [7]. Do đó, các sách Phụng Vụ bắt đầu ghép nghi thức Bí tích Xức Dầu với nghi thức trao Của Ăn Đàng và với nghi thức Bí tích Thống Hối, vì cả ba nghi thức đều do Linh Mục cử hành cho cùng bệnh nhân. Thứ tự cử hành gồm bốn bước: 1/ Linh mục nghe hối nhân xưng tội; 2/ ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân; 3/ ban ơn giao hòa của Bí tích Thống Hối; 4/ trao Của Ăn Đàng. Sở dĩ phải theo thứ tự này vì phải đảm bảo ý nghĩa của việc sám hối vào thời ấy: hối nhân sau khi xưng tội phải trải qua thời gian thống hối, trước khi lãnh ơn giao hòa, quãng thời gian biểu trưng ấy được tận dụng để ban Bí tích Xức Dầu [8].
Việc thực hành với thứ tự như vậy bắt đầu gặp khó khăn với Công Đồng Pavie năm 850. Dựa vào bức thư của Đức Giáo Hoàng Innocent I ngày 19.03.416 (DS 216), Công Đồng Pavie quyết định không ban Bí tích Xức Dầu cho những ai chưa lãnh nhận ơn giao hòa (DS 620). Do đó, người ta đã phải thay đổi thứ tự cử hành hiện thời. Từ nay, bốn bước cử hành sẽ theo thứ tự mới: 1/ Linh mục nghe hối nhân xưng tội; 2/ ban ơn giao hòa; 3/ trao Của Ăn Đàng; 4/ ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Vì được cử hành sau cùng, trước khi Bệnh nhân qua đời, nên Bí tích Xức Dầu dần dần bị coi như Bí tích chuẩn bị cho sự chết. Do đó, người lãnh nhận Bí tích này cũng dần dần được hiểu là người hấp hối chứ không chỉ bệnh nặng.
Như vậy, cho đến thế kỷ XII, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân vẫn chỉ được dành cho người bệnh về mặt thể lý vì hiệu quả của Bí tích này vẫn là ban sức mạnh phần xác. Tuy nhiên, bắt đầu có sự thay đổi: người lãnh nhận Bí tích Xức Dầu không còn thuần túy là người bệnh nặng về thể lý, nhưng phải là người đang hấp hối. Các Công Đồng chung có chuẩn nhận không?
2.3. Giai đoạn III: từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX
Trong giai đoạn này, có hai Công Đồng chung đề cập đến người lãnh nhận Bí tích:
1/ Công Đồng Florence (năm 1439) trong Décret pour les Arméniens đã định tín: “Bí tích thứ năm là Bí tích Xức Dầu Cuối Cùng (l’extrême – onction) với chất thể là dầu Oliu được Đức Giám Mục làm phép. Bí tích này chỉ được ban cho những bệnh nhân sắp lìa cõi thế. […] Về hiệu quả, Bí tích này là sự chữa trị cho tâm hồn. Tuy nhiên, nếu hữu ích cho linh hồn, Bí tích này cũng chữa trị phần xác” (DS 1324-1325). Như vậy, Công Đồng Florence đã chuẩn nhận tư tưởng đương thời: Bí tích này chỉ được ban cho những ai sắp lìa cõi thế. Hiệu quả chính của Bí tích là chữa trị tâm hồn, còn việc chữa lành phần xác chỉ tùy thuộc.
2/ Công Đồng Tridentinô (năm 1545-1563) định tín: “Bí tích này được trao ban cho những bệnh nhân, nhất là những ai lâm vào tình trạng nguy tử; vì thế Bí tích này cũng được gọi tên là Bí tích của những người sắp ra đi” (DS 1698). Như vậy, có một khác biệt nhỏ với Công Đồng Florence, Công Đồng Tridentinô phân biệt giữa người bệnh và người nguy tử, cả hai đều có thể lãnh nhận Bí tích này.
Nhận định: dù có thay đổi về cách gọi tên Bí tích, hai Công Đồng chung trong giai đoạn này vẫn luôn trung thành với truyền thống và đã định tín: vì hiệu quả của Bí tích là sự chữa lành phần hồn và phần xác, nên người lãnh nhận Bí tích này phải là người bệnh nhân Kitô hữu và thậm chí phải là người hấp hối. Giáo Huấn hôm nay có theo sát giáo huấn này không?
III. Giáo huấn hôm nay của Hội Thánh
Từ Công Đồng Vatican II, có hai mảng giáo huấn quan trọng sau đây:
A/ Hiến Chế Phụng Vụ của Công Đồng Vatican II dạy: “Bí tích Xức Dầu Cuối Cùng hay đúng hơn còn có thể gọi là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân không phải chỉ là Bí tích dành riêng cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thuận tiện để nhận Bí tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu” (PV 73) [9]. Như vậy, Công Đồng Vatican II đang canh tân điều Công Đồng Florence đã nói trước đó: từ nay sẽ là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, vì người lãnh nhận là người bệnh (hoặc già yếu) chứ không hẳn là người hấp hối.
B/ Theo định hướng của Công Đồng Vatican II, Bộ Phụng Tự khi ban hành Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ, vào ngày 07.12.1972, và đã qui định 6 trường hợp như sau về người lãnh nhận Bí tích này (NT 8-15):
1/ Bí tích này có thể ban lại nếu sau khi lãnh nhận Bí tích, bệnh nhân bình phục và sau đó lại bệnh trở lại; hay nếu trong cùng một căn bệnh kéo dài lâu, tình trạng nguy cập trở nên trầm trọng hơn.
2/ Bí tích này có thể ban cho bệnh nhân trước khi giải phẫu vì căn bệnh nguy hiểm.
3/ Bí tích này có thể ban cho người già cả khi sức lực đã yếu nhiều, dù không có bệnh nguy ngập.
4/ Bí tích này có thể ban cho trẻ em đến thời kỳ biết sử dụng trí khôn.
5/ Bí tích này có thể ban cho những bệnh nhân tuy dù đã bất tỉnh hoặc mất trí, miễn là khi họ còn tỉnh táo, với tư cách là những người có đức tin, có thể họ xin chịu Bí tích này.
6/ Đối với bệnh nhân đã chết, Linh Mục chỉ cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho họ; và Linh Mục không ban Bí tích Xức Dầu cho họ. Còn nếu hồ nghi không biết bệnh nhân chết thật chưa, thì có thể ban Bí tích này với điều kiện.
Nhận định: giáo huấn ngày hôm nay của Hội Thánh về Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân không phải tự nhiên mà có. Giáo Huấn ấy được dệt nên từ nền tảng Thánh Kinh, Thánh Truyền. Đó là điều Hội Thánh đã sống và đã cử hành dưới tác động của Chúa Thánh Thần trong suốt hai ngàn năm qua.
Kết luận
Suốt hai ngàn năm qua điều kiện của người lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân vẫn luôn thể hiện tính Duy Nhất trong giáo huấn của Hội Thánh. Điều kiện để Bí tích thành sự : 1/người lãnh nhận phải là người Kitô hữu (nghĩa là đã được Rửa Tội, vì Bí tích Rửa Tội là cửa ngõ của tất cả các Bí tích khác); 2/phải là người bệnh nặng về mặt thể lý (hoặc là người già yếu). Và để việc lãnh nhận được hợp pháp, người lãnh nhận cần: 1/ đến tuổi khôn; 2/ ở trong tình trạng ân sủng (xưng tội trước khi lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân).
Như thế, vì mục đích và ý nghĩa riêng của mình, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân không thể ban cho những bệnh nhân ngoài Kitô giáo, không thể ban cho những ai còn khoẻ mạnh. Thậm chí Bí tích này cũng không thể ban cho những ai sắp lâm vào cơn nguy tử nhưng không phải vì bệnh tật, ví dụ các người lính sắp ra trận hoặc những người sắp phải ra pháp trường… (trong những trường hợp này chỉ cần giải tội và ban Mình Thánh Chúa).
Để kết thúc, chúng ta mượn lời giáo huấn của Hội Thánh để tóm kết ý nghĩa của Bí tích này: “Qua việc xức dầu bệnh nhân và lời cầu nguyện của các Linh Mục, toàn thể Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa chịu nạn và vinh hiển để Người nâng đỡ và cứu chữa họ; hơn nữa, Hội Thánh còn khuyên bảo họ tự nguyện kết hợp với cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Kitô, để mưu ích cho dân Thiên Chúa” (GLTC 1499).
20.03.2012
Linh Mục Giuse Đỗ Xuân Vinh
Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Saigon

------------------------------------------
[1] Bộ Phụng Tự, Nghi thức xức dầu Bệnh nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ, 07.12.1972. Bản dịch của Ủy Ban Giám Mục về Phụng Vụ, Saigon, 1974, chúng ta viết tắt NT.
[2] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, ban hành ngày 11.10.1992, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Bản dịch của Hội Đồng giám mục Việt Nam, Ủy ban giáo lý đức tin, nxb Tôn Giáo, 2010, viết tắt GLTC.
[3] Hai trong số các tác giả mà chúng ta dựa vào: 1/B. Sesboüé, “L’onction des malades, tendresse de Dieu envers l’humanité souffrante”, in Invitation à croire. Des sacrements crédibles et désirables, Paris, Cerf, 2009, tr. 231-232 ; 2/ C. Ortemann,Le sacrement des malades. Histoire et signification, Paris, Ed. du Chalet, 1971, tr. 14-19.
[4] Hippolyte de Rome, La Tradition Apostolique, Paris, Cerf, 1946, coll. “Source Chrétienne”, n°11bis, Introduction, traduction et notes par B. Botte, tr. 34.
[5] Denzinger, Symboles et définitions de la foi catholique, Paris, Cerf, 1996, viết tắt DS.
[6] Césaire d’Arles, Sermons au peuple, Paris, Cerf, 1971, coll. “Source Chrétienne”, n° 175, Introduction, traduction par M-J. Delage, tr. 423.
[7] Cho đến thế kỷ VII, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có thể được cử hành bởi Giám Mục, bởi Linh Mục, bởi Phó Tế và thậm chí có thể bởi giáo dân. Nhưng từ thế kỷ VIII, nhất là do ảnh hưởng bởi cuộc canh tân của Hoàng Đế Charlemagne (768-814), hàng loạt Công Đồng qui định chỉ có Linh Mục (lẽ tất nhiên bao hàm Giám Mục) mới được cử hành Bí tích này: Capitulaire de Charlemagne (năm 769, canon 10); Concile de Chalon-sur-Saône (năm 813, canon 48); Concile d’Aix-la-Chapelle (năm 836, canon 5); Concile de Mayence (năm 847, canon 26).
[8] Chúng ta tham khảo J-P. Revel, Traité des sacrements. VI. L’onction des malades. Rédemption de la chair et par la chair. Paris, Cerf, 2009, tr. 77-88.
[9] Hiến Chế Phụng Vụ của Công Đồng Vatican II: Sacrosanctum Concilium, chúng ta viết tắt PV.