Năm năm đầu đời linh mục


Thỉnh thoảng lại có dư luận cho rằng các linh mục trẻ ngày nay không được hạnh phúc. Người ta cho rằng các ngài mất tinh thần và rời bỏ hàng ngũ linh mục khá đông. Năm 1999, dư luận này mạnh đến nỗi nhà xã hội học Công Giáo là Dean Hodge đã hướng dẫn một dự án nghiên cứu để tìm hiểu vấn đề. Trong bài nghiên cứu của ông tựa là The First Five Years of the Priesthood (Năm năm đầu đời linh mục), công bố năm 2002, ông kết luận rằng không thể xác định tỷ lệ chính xác các linh mục từ chức trong năm năm đầu đời linh mục của họ, nhưng ông ước đoán vào khoảng từ 10 tới 12 phần trăm, ít hơn người ta nghĩ. 

Trong thời buổi càng ngày con số các linh mục càng giảm này, bất cứ sự mất mát nào cũng khiến ta đau lòng. Nhưng theo Đức Ông Stephen J. Rossetti, thuộc Giáo Phận Syracuse, Hoa Kỳ, một giáo sư lâm sàng tại Đại Học America và là chủ tịch Viện Saint Luke, một trung tâm giáo dục và điều trị Công Giáo dành cho các giáo sĩ và nam nữ tu sĩ, trong tuyển tập Why Priests are Happy: A Study of the Psychological and Spiritual Health of Priests (Tại sao các linh mục hạnh phúc: Cuộc nghiên cứu về sức khỏe tâm lý và tâm linh của các linh mục) do Nhà XB Ave Maria Press ấn hành, thì các linh mục ngày nay hạnh phúc hơn, lạc quan hơn đối với chức linh mục, chấp nhận giáo huấn Công Giáo và cam kết bản thân đối với việc độc thân linh mục hơn những đồng nghiệp trước đây của các ngài. 

Bởi thế, câu hỏi đầu tiên, theo Đức Ông, là hãy tự hỏi không phải “điều gì đang bất ổn trong việc đào tạo và nâng đỡ các tân linh mục của ta ngày nay?” mà là “Chúng ta đang đúng ở những điểm nào?” Tại sao phần lớn các linh mục trẻ hạnh phúc và triển nở trong chức linh mục của các ngài? Thực vậy, có nhiều điều đáng ca ngợi trong phẩm chất giáo dục tại đại chủng viện hiện nay. Các phân khoa tại chủng viện được đào tạo rất tốt, hết sức tận tụy và trung thành với Giáo Hội, dù họ đang đối diện với nhiều thách đố. Tất cả các phân khoa này đều nhấn mạnh nhiều hơn tới phương thức mục vụ, trong đó, có các chương trình huấn luyện mạnh hơn về nhân bản. 

Tuy nhiên, các phát kiến trên không nên làm ta tự mãn. Năm năm đầu đời linh mục đem lại nhiều thách đố độc đáo đối với những người đang phải thích ứng với cuộc sống sau lúc được thụ phong. Quan trọng hơn nữa, còn có hậu cảnh này: thừa tác vụ ngày nay đang thay đổi một cách nhanh chóng và sâu sắc. Các thách thức này rất khác với các thách thức cách nay vài thập niên. Việc đào tạo và nâng đỡ các linh mục trong thừa tác vụ phải chú trọng nhiều hơn tới các thay đổi về hậu cảnh này và phải thích ứng đáng kể đối với chúng. 

Các thách đố mới

Hai trong số những thay đổi sâu sắc nói trên là việc tục hóa và con số suy giảm. Dù rất quen thuộc với những thay đổi này, ta vẫn tin ta chưa hiểu được hết tầm quan trọng và tác động của chúng đối với việc đào tạo và nâng đỡ các linh mục. Và dù chức linh mục không thay đổi, nhưng kinh nghiệm về nó thì đang thay đổi tận gốc. 

Đức HY Donald Wuerl của tổng giáo phận Washington thường hay nói tới “trận sóng thần tục hóa” đang càn quét các xã hội Tây Phương. Không thể nào nhấn mạnh cho đủ việc làn sóng thần này đang thay đổi kinh nghiệm của người ta về chức linh mục ra sao. Các hình ảnh hạnh phúc về chức linh mục, dù được lý tưởng hóa hơi cao như trong các phim “The Bells of St. Mary’s” (Tiếng Chuông Nhà Thờ St Mary) và “Going My Way” (Đi Theo Ta) trong thập niên 1940, đã bị thay thế bằng các hình ảnh linh mục xấu xa, bất hạnh, thành viên của một thời đại đức tin lỗi thời, một hình ảnh xấu còn bị làm cho xấu hơn bởi cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy nhiên, người ta tin rằng những hình ảnh méo mó này phần lớn phát sinh từ khoảng trống phân cách mỗi ngày một sâu rộng hơn giữa đức tin Kitô Giáo và nền văn hóa thế tục. 

Toàn bộ bầu khí bao quanh một người chọn chức linh mục Công Giáo và hiện thừa tác trong Giáo Hội ngày nay đang thay đổi. Cách nay chưa đầy 50 năm, nếu một thanh niên đứng lên và tuyên bố ý định trở thành linh mục, thì phản ứng của người nghe phần lớn là ca ngợi và ủng hộ, ngay trong nền văn hóa rộng lớn hơn. Ngày nay, phản ứng thông thường thay đổi từ không tin tới tích cực khuyên người thanh niên đừng làm chuyện buồn cười ấy. 

Nếu người thanh niên vẫn nhất định chọn con đường làm linh mục, thì các năm đầu tiên quả là một thách thức lớn. Đi phố mà mặc cổ cồn Rôma mà thôi cũng khiến khách qua đường xầm xì xôn xao rồi. Đối với nhiều người khác, những người đã từ lâu ngưng không hỏi những câu hỏi thiêng liêng nữa, thì linh mục là điều kỳ quặc hay bị làm ngơ thẳng thừng. Mặt khác, đọc các truyện kể về các giáo sĩ thoái hóa, cơn sóng thần dửng dưng đối họ càng ngày càng có nguy cơ đem lại những tàn phá khủng khiếp. 

Thay đổi thứ hai đang tác động mạnh tới đời sống các linh mục ngày nay là việc con số giáo sĩ mỗi ngày một giảm sút. Hiện nay, nhiều linh mục phải coi sóc tới hai, ba hay nhiều giáo xứ hơn nữa. Nhưng tác động trọn vẹn của việc suy giảm con số linh mục nay mai mới xẩy tới. Một trong các điều khiến ta chưa cảm thấy hết cái tác động ghê gớm của việc có ít linh mục hơn đó là sự tận tụy hy sinh của các linh mục có tuổi hơn. Tại giáo phận Syracuse chẳng hạn, hiện có tới 30 linh mục quá tuổi về hưu nhưng vẫn tự nguyện ở lại phục vụ toàn thời gian. Lắm vị quá cả tuổi 80 nữa. Khi những vị có tinh thần đại độ này về hưu thực sự, người ta sẽ thấm thía trọn tác động của việc thiếu linh mục. 

Ngay các linh mục trẻ cũng đang bắt đầu vác lấy gánh nặng. Cách nay 30 năm, một linh mục chỉ trở thành cha xứ ít là 10, 15 năm sau khi chịu chức. Ngày nay, nhiều linh mục làm cha xứ chỉ 2,3 năm sau khi thụ phong. Các linh mục mới thụ phong không những phải thích ứng với đời linh mục, với việc độc thân và với thừa tác vụ, họ còn phải thích ứng với việc trở thành nhà lãnh đạo của giáo xứ, với đủ mọi thách thức về hành chánh, lãnh đạo và quản trị. 

Cần được nâng đỡ

Dù các cuộc nghiên cứu cho thấy tỷ lệ linh mục “bị cháy” khá thấp và đại đa số các linh mục có cuộc sống hạnh phúc, nhưng các linh mục trẻ vẫn dễ bị tràn ngập hơn và do đó, cần được nâng đỡ. Với các đòi hỏi áp đặt lên các ngài nói trên, việc huấn luyện và nâng đỡ các linh mục cần đạt được một số điều cần kíp. Thiển nghĩ, 3 điều sau đây không thể thiếu: một đức tin bản thân sâu sắc, một linh đạo nam giới và một hệ thống nâng đỡ có tính bản vị.

Một đức tin bản thân sâu sắc. Có lẽ điều cần hơn cả để có thể thừa tác trong thời đại tục hóa này là một đức tin bản thân sâu sắc. Các cuộc tấn công hàng ngày vào đức tin của một linh mục luôn luôn vũ bão. Một linh mục trẻ phải đương đầu với chủ nghĩa duy tục một cách trực diện và luôn phải giữ vững thế đứng của mình. Các niềm tin của ngài không đơn thuần chỉ là việc nhai lại các mệnh đề thần học ngài đọc trong sách vở. Ngài phải biết đức tin và nội tâm hóa nó trong chính đời sống mình, bằng ngôn ngữ và nền văn hóa ngày nay. 

Thí dụ, khi nói rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa Cứu Thế của ta, thì người duy tục thường trả lời bằng cách hỏi vặn: “Người cứu ta khỏi cái gì?”. Nếu linh mục bảo họ: “Người cứu ta khỏi tội lỗi”, họ sẽ bảo: “Tội gì? Tôi có làm điều gì sai đâu”. Chỉ khi đó, cuộc thảo luận đích thực, hay đúng hơn, cuộc phúc âm hóa đích thực, mới bắt đầu.

Phần lớn người Tây Phương vẫn còn tin Thiên Chúa, nhưng nhiều người, kể cả Công Giáo, đã dật dờ trôi dạt vào một thế giới tạp nham các ý niệm chẳng ăn có gì với đức tin và truyền thống của ta hoặc chỉ nói lên những sự thật nửa chừng. Ta thường nghe được những tuyên bố đại loại như “Tôi là người tâm linh, chứ không phải người tôn giáo”. “Tôi không thực hành ngày lễ thánh”. “Tại sao tôi phải đi xưng tội? Tôi xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa”. “Tại sao tôi phải đi lễ hàng tuần khi thấy Thiên Chúa ngay trong thiên nhiên?”. “Chúa Giêsu là ông thánh, nhưng Gandhi cũng là ông thánh vậy”. Linh mục trẻ nào không trả lời một cách thuyết phục, thành thực và đầy cảm thương đối với những nhận định như thế không những thấy mình không phải là một thầy dạy đức tin hữu hiệu, mà chính đức tin của mình cũng bị lung lay. Cho nên Giáo Hội như một toàn thể phải giúp các chủng sinh và các linh mục trẻ biết tích hợp đức tin của họ và cung cấp cho họ các khí cụ phúc âm hóa trong nền văn hóa mỗi ngày một bị tục hóa hơn của ta.

Một linh đạo nam giới. Linh đạo nam giới ở đây không có ý nói tới một điều gì đó chỉ dành cho nam giới mà thôi. Mà đúng hơn, các nhà tâm lý học như Sandra Bem muốn nói tới các đặc điểm nam tính và nữ tính mà cả đàn ông lẫn đàn bà đều tiềm tàng sở hữu được. Trong số các đặc điểm nữ, Bác Sĩ Bem liệt kê các đức tính như cảm thương, nồng nàn và nhạy cảm. Các đức tính này hiển nhiên là điều không một linh mục nào có thể thiếu được.

Trong cuộc nghiên cứu riêng của Đức Ông Rossetti về 115 linh mục, các đối tượng thăm dò được trao cho một bảng liệt kê các đặc điểm nam tính và nữ tính rồi được yêu cầu xếp hạng các đặc điểm này theo thứ tự quan trọng. Chín đặc điểm đầu được các đối tượng này chọn đều là các đặc điểm thuộc nữ tính; rõ ràng các linh mục không ưa các đặc điểm thuộc nam tính. Nhưng trong thời đại mỗi lúc mỗi duy tục hơn này, phần lớn các đặc điểm thuộc nam tính của Bem mỗi ngày mỗi trở nên chủ yếu hơn, như “sẵn sàng đứng lên”, “bảo vệ niềm tin riêng của mình”, “sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, “quả quyết” và “hành động như một nhà lãnh đạo”. 

Dĩ nhiên, các giáo dân nam nữ trong Giáo Hội cần phải cho thấy các đặc điểm trên, nhưng đối với sứ vụ phúc âm hóa, điều cực kỳ quan trọng là các linh mục trẻ phải có được những đặc điểm này. Thiếu chúng, các linh mục trẻ liều mình sẽ tự co vào chính mình, chỉ ráng duy trì đức tin của những người còn lại trong cộng đoàn mà thôi. Thái độ thụ động và cố thủ này chắc chắn chỉ đem lại sói mòn từ từ và cuối cùng là thất bại. 

Điều cần ở đây, vì thế, là một công bố đức tin đầy bạo dạn và mới lạ, nghĩa là một tân phúc âm hóa. Đức Phanxicô, bằng những lời nay đã trở thành nổi tiếng trong bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, từng thúc giục ta “ra ngoài… tới những khu ngoại biên”, mang “mùi chiên” vào người. Không hề thụ động, lời kêu gọi của ngài đòi ta phải có một đức tin mạnh bạo, đầy quả quyết, nhưng không mang tính phê phán hay thiếu tôn trọng đối với người khác. Muốn thế, Giáo Hội như một toàn thể phải giúp các tân linh mục không những có được các đức tính thuộc nữ tính, mà còn phải nội tâm hóa một nền linh đạo thuộc nam tính nữa. Để các ngài trở thành những người mạnh bạo công bố đức tin, chứ không im lìm ngồi trong các xứ đường nhìn cộng đoàn mình càng ngày càng thu nhỏ lại. 

Một hệ thống nâng đỡ có tính bản vị. Một thách thức có tính bản thân đối với tất cả những ai thừa tác trong môi trường duy tục là cơn cám dỗ thấy mình không được ước muốn, bị làm ngơ hay không được hỗ trợ. Các linh mục giáo phận (triều) đang mỗi ngày mỗi giống như các nhà truyền giáo, nghĩa là được phái tới những môi trường phần lớn chưa được dạy giáo lý và đôi lúc thiếu hỗ trợ. Muốn giúp các linh mục của chúng ta triển nở, ta phải là một cộng đoàn đức tin sẵn sàng hỗ trợ. Đây là thành phần chủ yếu trong chính nền linh đạo của các ngài. 

Hiện nay, các linh mục càng ngày càng ít đi, mỗi ngày mỗi bị cô lập đối với nhau hơn, và càng ngày càng gánh thêm gánh nặng. Trước đây, tại một nhà xứ, thường có tới ba, bốn linh mục. Nay, một linh mục nhiều khi phụ trách tới hai, ba nhà xứ cùng một lúc, nên phải thay phiên nay nhà xứ này mai nhà xứ khác. Khuynh hướng chung là thêm việc và thêm cô lập. Pha trộn cô lập với thêm việc và thiếu hỗ trợ quả là một công thức tạo nên thảm họa bản thân. Tình thế này khiến các linh mục dễ trở thành nạn nhân của cô đơn và phân cách và rất dễ rơi vào cơn cám dỗ mà một xã hội ghiền tình dục của chúng ta vốn là môi trường rất “thuận lợi”. Tình thế lại càng tệ hơn, khi cam kết sống độc thân của linh mục bị xã hội ngày nay càng ngày càng nhìn một cách ngờ vực, vô tình đã lấy mất đi sự hỗ trợ bên ngoài đối với lối sống độc thân này. Hơn bao giờ hết, tình huynh đệ giữa các linh mục phải được cổ vũ. Hơn bao giờ hết, các cộng đồng đức tin phải hỗ trợ các linh mục của mình. Linh mục được phái tới một giáo xứ để yêu thương và nuôi dưỡng đức tin của giáo dân. Nhưng tình yêu và đức tin của giáo dân cũng cần phải nâng đỡ ngài. 

Bất kể kích thước các cộng đồng đức tin của ta lớn nhỏ ra sao, tầm quan trọng của chúng trong xã hội vẫn như xưa. Mỗi giáo xứ sẽ trở nên một ốc đảo trong một xã hội khô cứng về linh đạo. Ta phải giúp các tân linh mục của ta phát triển các khí cụ và cơ hội để xây dựng cho bằng được tình huynh đệ của hàng linh mục. Các tân linh mục của ta cũng phải học cách xây dựng và tìm được sự hỗ trợ từ các giáo dân và tu sĩ dấn thân của các cộng đồng đức tin này.

Kinh nghiệm sống của hàng linh mục đang thay đổi rất nhiều trước mắt ta. Hàng linh mục mà ta đang chuẩn bị người cho không còn là hàng linh mục của quá khứ nữa. Như một Giáo Hội, ta phải đào tạo và nâng đỡ một đoàn ngũ mới để các ngài triển nở trong một môi trường hoàn toàn mới và đầy thách thức. Những người từng đào tạo các linh mục và chứng kiến sức mạnh của họ tin rằng với sự hỗ trợ của ta, các tân linh mục sẽ chu toàn được trách vụ của các ngài.

Vũ Văn An12/29/2013

Thần đồng Hy Lạp sáng chế mạng xã hội mới

Thần đồng tin học Hy Lạp Nikos Adam (lefigaro.fr)

Phụ trang kinh tế báo Le Figaro hôm nay có một bài viết đáng chú ý : Một thần đồng người Hy Lạp 12 tuổi tung ra phiên bản Facebook mới ». Phiên bản có tên « Tech is social » sẽ ra mắt vào ngày 1/1/2014 và đang được Google tập đoàn rất chú ý theo dõi.
Tờ báo kể lại, sự việc bắt đầu từ hồi tháng 9, tại Thessalonique, một thành phố phía bắc Hy Lạp, nơi đang diễn ra hội chợ công nghiệp quốc tế. Các nhà lập trình của Google đang ở trong gian hàng của mình thì được một cậu bé 12 tuổi đến gặp.

Bằng một thứ tiếng Anh thông thạo, cậu bé có tên Nikos Adam này đã nói chuyện với các chuyên gia về dự án tung ra một phiên bản Facebook của Hy Lạp, lấy tên là ‘‘Tech is social’’. Những người đối thoại với em ngay lập tức đã rất ấn tượng không chỉ là tuổi của cậu bé mà cả về dự án của cậu vừa trình bày.
Hai tháng sau, cậu bé Nikos Adam cùng dự án có mặt như khách mời danh dự trong một liên hoan công nghệ của Google. 600 khách mời tại đó đã thực sự bị lôi cuốn bởi dự án phiên bản Facebook Hy Lạp của thần đồng tin học. Phiên bản này ngoài ngoài nút ‘‘Like’’ (Thích), còn có thêm nút ‘‘Dislike’’ (Không thích), chất lượng âm thanh và hình ảnh cũng sẽ tốt hơn nhiều trong ứng dụng ‘‘đối thoại trực tiếp’’.
Đây không phải sáng kiến đầu tiên của cậu bé 12 tuổi. Em đã từng sáng tạo « Tech is game », một địa chỉ trên đó những em nhỏ cùng lứa tuổi có thể chơi trò chơi trên mạng không bị các hacker quấy rầy.
Điều đáng ngạc nhiên là em bé Nikos Adam không hề theo học lớp tin học nào, chỉ tò mò tự tìm kiếm tự mày mò làm lấy. Mới lên 9 tuổi Nikos đã biết tấn công vào cải tiến môi trường của trò chơi trên mạng, tạo ra được chương trình chống tin tặc DTD (Down the DDOS) để cô lập và loại trừ những kẻ sử dụng trò chơi vì dụng ý xấu.
Để tung ra mạng xã hội mới của mình, em đã được sự ủng hộ của nhiều giáo sư, chuyên gia của trường đại học Thessalonique. Nhiều tờ báo đã dự báo đây sẽ là sự kiện lớn đầu tiên của năm 2014.

Năm 2013 qua các sự kiện tiêu biểu

WHĐ (28.12.2013) – Kết thúc năm 2013, theo thông lệ, Ban biên tập Trang tin điện tử Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện đáng chú ý nhất trong sinh hoạt của Giáo hội toàn cầu và Giáo hội Việt Nam.
Trong các sự kiện này, chắc chắn việc Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm và việc Giáo hội Công giáo có Tân giáo hoàng phải là sự kiện nổi bật nhất.
– Giáo hội toàn cầu:
1. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm và Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng
“Kể từ ngày 28-2-2013, vào lúc 8 giờ tối, Toà Thánh Rôma, Toà Thánh Phêrô, sẽ trở thành trống ngôi, và Mật tuyển viện sẽ được triệu tập để các vị có thẩm quyền tuyển chọn vị Tân Giáo hoàng”. Đó là lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các vị hồng y tham dự cuộc họp tại Roma vào buổi sáng ngày 11-02.
Sau gần 2 tuần trống toà, vào lúc 19g07 ngày 13-03 giờ Roma (1 giờ 7 phút sáng thứ Năm 14-03, theo giờ Việt Nam), Toà Thánh Roma đã có chủ chăn mới, chúng ta đã có Giáo hoàng! Qua 5 vòng bỏ phiếu, các hồng y đã trao cho Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires (Argentina), sứ vụ Giám mục Roma, kế vị Thánh Phêrô. Vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo 76 tuổi đã chọn tông hiệu Phanxicô và khai mạc thừa tác vụ Phêrô vào ngày 19-03.
2. Đức Thánh Cha thành lập một Hội đồng Hồng y để trợ giúp ngài cai quản Giáo hội
Ngày 28-09Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký Văn bản thành lập một Hội đồng Hồng y để trợgiúp ngài trong việc cai quản Giáo hội hoàn vũ và soạn thảo kế hoạch duyệt lại Tông hiến Pastor bonus về Giáo triều Roma. Trước đó, vào ngày 13-04, Đức Thánh Cha đã loan báo việc thành lập Nhóm nói trên, đồng thời nêu tên những người được mời tham gia. Hội đồng này gồm 8 hồng y. Tất cả các thành viên của Hội đồng, ngoại trừ vị Thư ký và Đức hồng y Bertello (thuộc Giáo triều), đều là Tổng giám mục đang coi sóc các giáo phận lớn và có nhiều kinh nghiệm mục vụHội đồng Hồng y này không thuộc Giáo triều Romanhưng chỉ có chức năng tư vấn cho Đức giáohoàng.
3. Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin
Lúc 10g30 sáng Chúa nhật 24-11, ngày lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin – đượcĐức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI khai mạc vào ngày 11-10 năm ngoáiKết thúc Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã trao Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc âm), văn kiện hậu Thượng Hội đồng về Tân Phúc-âm-hoá và Thông truyền đức Tin (2012), cho các đại diện từng đời sống ơn gọi trong cộng đồng dân Chúa.
4. Ban hành Thông điệp Lumen Fidei
Thứ Sáu 05-07, Thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha PhanxicôLumen fidei (Ánh sáng đức tin), đã được công bố trong một cuộc họp báo tại Vatican. Văn kiện này hoàn tất bộ ba giáo huấn giáo hoàng về ba nhân đức đối thần, bắt đầu với thông điệp Deus caritas est về Đức ái ban hành năm 2005, tiếp theo là Thông điệp Spe salvi về Đức cậy ban hành năm 2007; cả hai Thông điệp này do Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI viết. Khi loan báo Thông điệp đầu tiên sẽ được ban hành, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đây là một công trình “đồng soạn”: vị tiền nhiệm của ngài là Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã khởi sự viếtrồi trao lại bản thảo cho ngài hoàn tất.
5. Chân phước Gioan XXIII  Chân phước Gioan Phaolô II sẽ được tuyên thánh
Cùng ngày thứ Sáu 05-07, cha Federico Lombardi S.J. Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánhthông báoĐức giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn án tuyên thánh cho hai vị tiền nhiệm đáng kínhmà ngài rất yêu quý là Chân phước Gioan XXIII  Chân phước Gioan Phaolô II. Sau đó, vào ngày 30-09, trong Công nghị Hồng y thông thường và công khai về việc tuyên thánh cho hai vịChân phước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định hai vị tiền nhiệm của ngài sẽ được nâng lênhàng Hiển thánh vào ngày 27-04-2014tức Chúa Nhật II Phục Sinh, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.
6. Chầu Thánh Thể trên toàn thế giới
Vào lúc 5 giờ chiều (giờ Roma) Chúa nhật 02-06, ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ chầu Thánh Thể long trọng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma với hai ý chỉ: xin cho Hội Thánh Chúa trở nên dấu hiệu của sự hiệp nhất và cầu cho những người đau khổ dưới mọi hình thức. Cùng thời điểm này trên toàn thế giới, hàng triệu tín hữu Công giáo ở khắp nơi đã hiệp thông với Đức Thánh Cha trong giờ chầu Thánh Thể được tổ chức tại các Nhà thờ chính toà và rất nhiều nhà thờ khác trên khắp thế giới. Đây là sự kiện chưa từng có của Giáo hội trên toàn thế giới, được phổ biến trực tiếp qua các kênh truyền hình, truyền thanh của Toà Thánh và trực tuyến trên mạng internet.
7. Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, Brazil
Thứ Hai 22-07, Đức Thánh Cha Phanxicô lên đường đến Brazil, chủ toạ Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, đồng thời thăm chính thức nước Cộng hoà Liên bang Brazil. Đây là chuyến tông du đầu tiên bên ngoài Italia của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau hơn 4 tháng đảm nhận thừa tác vụ Phêrô.
8. Tân Quốc vụ khanh Toà Thánh
Ngày 31-08, Phòng báo chí Toà Thánh công bố quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Tân Quốc vụ khanh Toà Thánh: Đức Thánh Cha đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Đứchồng Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh và bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Pietro Parolin, sứ thần Toà Thánh ti Venezuela, làm Tân Quốc vụ khanh Toà Thánh. Đức Thánh Cha cũng ấn định ngày 15-10-2013 là ngày Đức hồng y Bertone chính thức rời chức vụ và Đức Tổnggiám mục Parolin chính thức nhận chức vụ Quốc vụ khanh Toà Thánh.
9. Thượng Hội đồng Giám mục
Thứ Ba 08-10, Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập Đại hội chung ngoại lệ lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican từ ngày 05 đến ngày 19-10-2014, v chủ đề “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”.
10. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Nhân vật của năm” năm 2013
Ngày 11-12, tuần báo Time của Hoa kỳ công bố bình chọn Đức giáo hoàng Phanxicô là “Nhân vật của năm” năm 2013. Trước đó, hai vị tiền nhiệm của ngài cũng đã nhận vinh dự này: Đức Gioan XXIII vào năm 1962 và Đức Gioan Phaolô II vào năm 1994.
– Giáo hội Việt Nam:
1. Đại hội lần thứ XII Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ngày 07-10, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khai mạc Đại hội lần thứ XII tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM. Đại hội kéo dài đến trưa thứ Sáu 11-10. Tại Đại hội, các giám mục đã bầu ra Ban Thường vụ và Chủ tịch của các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016. Tân Ban Thường vụ gồm có: Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng thư ký: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt và Phó Tổng thư ký: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm.
2. Tân Tổng Giám mục Phó Tổng giáo phận Tp. HCM
Ngày 28-09, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc –hiện đang là giám mục giáo phận Mỹ Tho– làm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc cũng được bổ nhiệm làm Giám quản Tông toà giáo phận Mỹ Tho.
3. Tân giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc
Ngày 28-02, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức ông Giuse Đinh Đức Đạohiện là Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse giáo phận Xuân Lộclàm Giám mục phụ tá giáo phậnXuân Lộc, hiệu toà Gadiaufala.
4. Tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá và giáo phận Vinh
Ngày 15-06, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cha An-phong Nguyễn Hữu Long, thuộc Hội Linh mục Xuân Bích, Giám đốc Đại chủng viện Huế, làm giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá, hiệu toà Gummi di Bizacena và cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Tổng đại diện giáo phận Vinh, làm giám mục phụ tá giáo phận Vinh, hiệu toà Megalopoli di Proconsolare.
5. Giáo phận Vĩnh Long mừng 75 năm thành lập
Ngày 08-01, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân chủ sự Thánh lễ mừng kỷ niệm 75 năm thành lập giáo phận Vĩnh Long tại Nhà thờ chính toà.
6. Giáo phận Đà Nẵng: Khai mạc Năm Thánh kép
Kỷ niệm Kim Khánh Giáo phận và 400 năm đón nhận Tin Mừng, giáo phận Đà Nẵng mở Năm Thánh kép từ ngày 18-01-2013 đến 18-01-2015. Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh được tổ chức tại Nhà thờ Trà Kiệu vào ngày 18-01-2013.
7. Giáo phận Bắc Ninh kỷ niệm 130 năm thành lập
Ngày 29-05, giáo phận Bắc Ninh vui mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 130. Thánh lễ tạ ơn mừng sinh nhật giáo phận tại Nhà thờ chính toà do Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli chủ sự.
8. Giáo phận Lạng Sơn mừng kỷ niệm 100 năm thành lập
Ngày 21-11, giáo phận Lạng Sơn cử hành đại lễ mừng kỷ niệm 100 năm thành lập. Thánh lễ tạ ơn mừng ngày thành lập giáo phận được cử hành tại Nhà thờ chính toà do Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli chủ sự.
9. Kết thúc điều tra án phong chân phước cho Đức hồng y Thuận (cấp giáo phận)
Thứ Sáu 05-07, vào lúc 9g30 (giờ Roma), Đức hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, chủ sự Thánh lễ tạ ơn nhân bế mạc cuộc điều tra ở cấp giáo phận án phong chân phước cho Người Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tại Vương cung thánh đường thánh Antôn Pađua, gần Toà Giám quản Roma.
10. Hội nghị các Đại chủng viện Việt Nam
Hội nghị các Đại chủng viện Việt Nam nhóm họp từ ngày 05 đến 10-08 tại Toà giám mục Đà Lạt. Tham dự Hội nghị có 42 đại diện của các Đại chủng viện; ngoài ra còn có 3 linh mục Hàn quốc được mời tới chia sẻ về tình hình ơn gọi tại Hàn quốc, về việc đào tạo tại Chủng viện và về việc đào tạo các nhà đào tạo mới được bổ nhiệm về Chủng viện.
* Qua đời
Trong năm vừa qua, Giáo hội Công giáo trên thế giới có có hai sự ra đi đáng chú ý:
– Đức hồng y Josef Glemp, một tiếng nói quan trọng của Công giáo Ba Lan, Giáo chủ Giáo hội Công giáo Ba Lan từ 1981 đến 2009, qua đời ngày 23-01, hưởng thọ 83 tuổi.
– Đức giám mục Aloysius Kim Lỗ Hiền, người đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, đặc biệt trong 30 năm qua, qua đời ngày 27-04 trong sự hiệp thông với Đức giáo hoàng. Đức giám mục Kim thọ 97 tuổi.
Riêng Giáo hội tại Việt Nam có 4 vị giám mục đã an nghỉ trong Chúa:
– Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, nguyên Giám mục giáo phận Vĩnh Long, qua đời ngày 31-01, hưởng thọ 99 tuổi (73 năm linh mục và 45 năm giám mục).
– Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, nguyên Giám mục giáo phận Đà Nẵng qua đời ngày 07-07, hưởng thọ 88 tuổi (57 năm linh mục và 38 năm giám mục).
– Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục giáo phận Bùi Chu, qua đời ngày 17-08, hưởng thọ 75 tuổi tuổi (40 năm linh mục và 12 năm giám mục).
– Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục giáo phận Vĩnh Long, qua đời ngày 17-08, hưởng thọ 73 tuổi (44 năm linh mục và 13 năm giám mục).
Hiện nay Giáo hội Việt Nam có 47 giám mục, gồm có: 25 giám mục chính toà, 5 giám mục hiệu toà (giám mục phụ tá), 13 giám mục nguyên chính toà, Đức Tổng giám mục Sứ thần Toà Thánh tại Costa Rica và 3 vị giám mục hiệu toà đang phục vụ tại các giáo phận ở Hoa Kỳ, Canada và Australia.
* Tài liệu
Trong năm vừa qua, Bộ Giáo sĩ đã phát hành ấn bản mới của Sách Hướng dẫn về đời sống và thừa tác vụ linh mục”. Lý do của ấn bản mới này được Bộ giải thích ngay trong Lời nói đầu:Khuynh hướng thế tục hoá phát triển rất mạnh trong những thập kỷ gần đây đã buộc Huấn quyềnphải đưa ra quan điểm rõ ràng. Sách Hướng dẫn đề cập đến việc đào tạo  đời sống thiêng liêngcủa các linh mụcnhắc lại “ý định kiên quyết của Giáo hội là duy trì luật buộc sống độc thân vĩnh viễn do tự do lựa chọn đối với các ứng viên linh mục thuộc nghi lễ Latinh”, nhưng cũng nói đến những khía cạnh rất thực tế, chẳng hạn như đức vâng lời hoặc tầm quan trọng của tu phục.
Riêng tại Việt Nam:
– Sau gần 2 năm với nhiều giai đoạn nỗ lực làm việc, Tổ Giáo lý thuộc Ủy ban Giáo lý đức tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho ra mắt “Bản Hỏi Thưa – Giáo lý Hội Thánh Công giáo”. Đây là Bản Hỏi Thưa ngắn gọn, súc tích, gồm những vấn đề liên quan đến Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho những ai muốn tìm hiểu về Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, về Giáo Hội và dân Thiên Chúa.
– Trong khuôn khổ Năm Đức Tin, YOUCAT Việt Nam, ấn bản tiếng Việt của YOUCAT, đã ra mắt tại Việt Nam vào trung tuần tháng 10-2013. Đây là công trình của cha Antôn Nguyễn Mạnh Đồng (giáo phận Cần Thơ) và nhóm Youvica.


Ban biên tập WHĐ