Đức Mẹ đã được vinh danh tại Thế Vận Hội Luân Đôn 2012



London, England, 10/08/ 2012. - Những ai có dịp theo dõi chương trình truyền hình của hệ thống NBC tại Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 8 năm 2012 đều thấy cảnh nữ lực sĩ người Ethiopia, Meseret Defar, đã biểu lộ đức tin của mình ngay sau giây phút vượt qua lằn ranh cuối để chiếm huy chương vàng trong cuộc thi chạy 5000m tại Thế Vận Hội Mùa Hè 2012 tại Luân Đôn.

Khi được biết mình thắng huy chương vàng trong cuộc tranh tài Thế Vận Hội, các lực sĩ thường biểu lộ xúc động của mình bằng cách ôm mặt khóc.Nhưng nữ lực sĩ Meseret Defar đã biểu lộ cách khác. Nàng lấy hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để sẵn trong áo chạy đua, úp lên mặt mình, hôn hình Đức Mẹ. Nàng khóc với Đức Mẹ và thành khẩn cảm ơn Mẹ. Nàng đã đưa hình Đức Mẹ cho các ống kính truyền hình ghi hình Đức Mẹ như một cử chỉ vinh danh Mẹ Hằng Cứu Giúp

Nữ lực sĩ Meseret Defar là người Kitô Giáo, nàng đã phó thác cuộc tranh tài của mình vào quyền năng của Chúa. Khi Uỷ Ban Thế Vận Hội giới thiệu về nàng, ống kính truyền hình cho thấy nàng đeo ảnh Thánh Giá và trước khi chạy đua, nàng đã làm dấu Thánh Giá và thầm thĩ cầu nguyện.

Trước khi cuộc đua, nhà bình luận thể thao của hệ thống truyền hình NBC cho biết 3 vận động viên người Kenya và 2 tay đua khác người Ethiopia, nhất là cô Tirunesh Dibaba là đối thủ sừng sỏ nhất có nhiều cơ hội thắng huy chương vàng.Tuy nhiên, Cô Defar đã đoạt huy chương vàng trong cuộc chay đua 5000m với thành tích 15 phút 04 giây 24 sao (15:04:24). Huy chương Bạc về tay cô Vivian Cheruiyot người Kenya và huy chương đồng về tay cô Dibaba, người Ethiopia.

Tưởng cũng nên nói thêm về thành tích chạy đua của cô Defar: Cô đã hai lần vô địch thế giới trong môn chay đua 3000m. Ở cự ly 5000m, tại Hy Lạp năm 2004 cô đoạt huy chương vàng và ở Bắc Kinh năm 2008 cô đoạt huy chương đồng. 

Vào năm 2006, ở cự ly 5000m, cô đã phá kỷ lục thế giới với thời lượng 14 phút 24 giây 53 sao

Nguyễn Long Thao
Nguon: http://vietcatholic.net/News/Html/99485.htm

SỨC SỐNG KỲ DIỆU CỦA CẶP SONG SINH 2 ĐẦU 1 THÂN


Cặp song sinh 2 đầu 1 thân Abby và Brittany Hensel ở Mỹ mới đây cho biết họ sẽ xuất hiện trên một chương trình truyền hình để chia sẻ những sự thật về cuộc sống kỳ diệu của 2 người suốt những năm qua.

Abby và Brittany
Abby và Brittany
Năm 1996, Abby và Brittany đã được mọi người biết đến khi cả 2 cùng xuất hiện trên chương trình Oprah Winfrey và trang bìa tạp chí The Life của Mỹ, lúc này cả hai đều chỉ mới 6 tuổi.
Khi Abby và Brittany bước qua tuổi 16, cặp đôi này lại thu hút nhiều sự quan tâm hơn nữa khi xuất hiện trở lại trong một chương trình phim tài liệu có tên “Joined For Life”.
Cho đến nay, trải qua 22 năm đã có nhiều biến cố trong cuộc đời của cặp đôi song sinh này. Cả 2 đều bắt đầu bước sang một trang mới, cùng tốt nghiệp đại học, cùng tìm việc và đi du lịch vòng quanh châu Âu cùng với bạn bè.
Abby và Brittany
Abby và Brittany chia sẻ, cả hai đều có 2 quả tim, 2 dạ dày, 4 lá phổi, nhưng chung một hệ thống tuần hoàn và các bộ phận từ rốn trở xuống. Được biết khi sinh ra, Abby và Brittany có đến 3 tay, nhưng sau đó đã được phẫu thuật cắt bỏ bớt một tay.
Trong mọi hoạt động hàng ngày của cơ thể, mặc dù chung một thân nhưng mỗi người đều đảm nhận một chức năng riêng. Abby phụ trách kiểm soát phần bên phải của cơ thể trong khi Brittany điều khiển phần bên trái.
Sự sống của
Sự sống của Abby và Brittany cho đến nay vẫn được xem là một điều kỳ diệu vì thông thường những cặp song sinh dính liền nhau có chung các bộ phận nội tạng rất khó có thể sống được cả 2 người. Với Abby và Brittany thì hoàn toàn khác, cả 2 vẫn sống và phát triển bình thường, sức khỏe tốt, không có dấu hiệu xấu của bệnh tật hay từ các cơ quan nội tạng.
Dự kiến Abby và Brittany sẽ xuất hiện trên chương trình truyền hình nổi tiếng TLC vào tháng 8 này.
Video về Abby và Brittany khi 16 tuổi:
Lê Kiên

BÀN VỀ THẦN QUYỀN CHÍNH TRỊ


Dựa theo chiếu chỉ Milan năm 313, Giáo hội không những được thu nhận lại tất cả của cải của mình bị tịch thu trong thời gian bị bách hại, nhưng còn thêm đặc quyền thu nhận gia sản. Bắt đầu từ đó, Giáo hội được xem như có uy tín trên tất cả các hoàng đế và tất cả các nước, quyền giáo hoàng được gia tăng. Giáo hoàng trở thành tôn sư trong khắp Nước Kitô. Nghĩa là quyền lãnh đạo của ngài ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong thời Trung Cổ. Thế nhưng, trong sự hùng mạnh đó không chỉ làm cho Kitô giáo ngày càng lan rộng và ảnh hưởng trên tất cả cuộc sống của mọi tầng lớp và giai cấp thời bấy giờ, song bên cạnh đó còn có những ảnh hưởng không tốt mang đến cho Giáo hội khi các chức sắc quá lạm quyền trong việc cai trị.
Với đề tài “Lợi và hại của thần quyền chính trị”, người viết xin đề cập đến những vấn đề sau: Thứ nhất, cần nói đến “Mặt hại của thần quyền chính trị”; thứ đến, xin đề cập đến “Mặt lợi của thần quyền chính trị”; và sau cùng, người viết xin đóng góp vài “Nhận định”.
1.    Mặt hại của thần quyền chính trị
Khi Nước Kitô được lan rộng và có ảnh hưởng trên toàn thể Tây Âu, và được xem như một đại gia đình con cùng một Cha trên trời. “Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một giai đoạn lịch sử của Giáo hội lữ hành. Không nên lý tưởng hóa quá độ. Như chúng ta sẽ thấy, không phải lúc nào các tín hữu Trung Cổ cũng sống và cư xử theo Tin Mừng.”[1] Vì thế, khi thần quyền được gia tăng thì việc lạm quyền cũng được thi thố, và có những lúc xem ra không còn sống theo Phúc Âm nữa. Đó chính là những cuộc triệt hạ và thi hành án tuyệt thông lẫn nhau. Những cuộc tuyệt thông như thế không giải cứu được tình thế, thậm chí lại mang đến những hậu quả không tốt. Ví dụ, như cuộc chiến đầy căm go giữu vua Henri IV và đức Grêgôriô VII. “Đức Grêgôriô VII phạt vạ tuyệt thông vua Henri IV, và vua phải nhẫn nhục giữa đêm đông giá rét đến xin giáo hoàng giải vạ tại Canossa (1077). Nhưng sự nhẫn nhục đó không phải là một sự tuân phục đức giáo hoàng thực sự. Vì năm 1080, vua Henri vận động các giám mục Đức Ý bầu giáo hoàng giả Clêmente III, vây hãm thành Rôma suốt ba năm rồi chiếm đống. Đức Grêgôriô VII phải ẩn náu trong đồn Thiên Thần, rồi lưu lạc và qua đời tại Salermo năm 1085.”[2] Những cuộc Thập Tự Chinh tàn sát nhóm Albigeois làm điêu đứng cả miền Nam nước Pháp (1209-1229). Những giàn hỏa thiêu được dựng lên như nấm, bắt đầu từ năm 1017. Pháp đình tôn giáo (Inquisition) được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX (1227-1241) thiết lập. Đầu thế kỷ XIII cả miền nam nước Pháp bị tàn sát vì tội đồ lạc giáo: Albigeois, Catharer, Waldenser... Một bầu khí sống trong lạm quyền đã dẫn đưa các chức sắc trong Giáo hội đi đến một ảo vọng quyền lực. Họ nghĩ đó là con đường ngắn nhất để đưa Giáo hội phát triển và phồn thịnh, mà quên sống theo Tin Mừng. Thế nhưng, đó lại là một mối nguy hại cho việc lãnh đạo của họ, vì Đức Kitô đã nói “Nước Ta không thuộc thế gian này” (Mt 20,25).
Những sự kiện đó cho chúng ta thấy rằng, vì quá lạm dụng vào chức vị và danh vọng nên đã biến quyền cai quản Giáo hội thành thần quyền chính trị để thay vì hướng dẫn Giáo hội sống theo Tin Mừng của Đức Kitô thì lại lo tranh dành quyền bính và loại trừ nhau.
2.    Mặt lợi của thần quyền chính trị
Trong lúc thế mạnh thần quyền ảnh hưởng khắp cả vùng Châu âu, đó cũng lúc vương quốc Kitô giáo được lan rộng. Đồng thời Kitô giáo cũng được tự do sinh hoạt. Khi ưu thế thần quyền được gia tăng, nhân danh ưu thế thiêng liêng, Giáo hoàng can thiệp vào các vấn đề chính trị khi ơn cứu đội của các Kitô hữu bị nguy hiểm vì tội lỗi. Ngài cũng can thiệp vào các trường hợp khẩn cấp khi các vua chúa không có cấp trên theo cấp bậc phong kiến.
Hãy đổ rượu mới vào bầu da mới (Lc 5,38). Trong bối cảnh lịch sử thời Trung Cổ, niềm tin các tín hữu không chỉ chịu tác động từ bên ngoài. Tin Mừng vẫn không ngừng thúc bách những người thời đại, khởi từ những cảm hứng Tin Mừng, góp phần xây dựng tòa nhà văn minh Trung Cổ đặc biệt về văn hóa nghệ thuật.[3] Trong khi các vị Giáo hoàng chỉ lo tranh giành quyền lực, các giám mục chạy theo các vua chúa: tất cả chỉ tìm sự xa hoa hơn là phục vụ theo tinh thần Tin Mừng. Trong hoàn cảnh sa đọa như thế, Thiên Chúa đã không bỏ rơi đàn chiên. Chính vì thế, Ngài đã cho Giáo hội sinh những hoa trái tốt lành, để không những cũng cố và đưa Giáo hội trở về với cuộc sống theo Tin Mừng đích thật, mà còn nới rộng Nước Chúa bằng những gương lành. Những hoa trái đó phải kể đến những Dòng Hành Khất, như: Đa Minh, Phanxicô, Carmelô, Ẩn sĩ Augustin đã xuất hiện đúng lúc, và đã đáp ứng nhu cầu thời đại của Giáo hội. Những dòng ra đời cùng chung một nỗi khát khao là: Hội Thánh quay về với đức khó nghèo của Chúa Kitô. Là những thành phần nòng cốt cho Giáo hội, họ đảm nhận nhiều công việc khác nhau, như văn hóa, tri thức và truyền giáo. Đến thế kỷ XIII, người ta bắt đầu suy nghĩ về nền tảng đức tin (Thánh Kinh và Thánh Truyền) để có thể hiểu sâu các lý luận. Từ đó phát sinh thuật ngữ “Kinh Viện”, tức là người ta cố gắng tạo một cái nhìn thống nhất trong đó khoa học và đức tin, lý trí và mặc khải gặp nhau một cách hòa hợp. Về sau có nhiều đại học và đảm nhiều nhiều lĩnh vực chuyên khoa, hầu giúp mở mang kiến thức cho giáo dân thời bấy giờ.
Nói chung,
những hoa trái ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh giữa những tu sĩ dòng Phanxicô (Bônaventura) và tu sĩ dòng Đa Minh với những gương mặt lớn như Albertô và học trò của ngài là thánh Tôma. Kinh viện là điểm căn bản nền tảng cho triết và thần học Kitô giáo kéo dài cho đến ngày hôm nay. Đây là thành quả lớn, và là kho tàng quí báu để lại cho Giáo hội và cho các thế hệ mai hậu.
3.   Nhận định
Qua việc trình bày lợi và hại của thần quyền chính trị, người viết nhìn thấy một số vấn đề cần phải đào sâu thêm rằng: Binh Thánh giá có cần thiết hay không? Trấn áp lạc giáo như thế có đi đúng Tin Mừng hay chưa? Và tại sao các Dòng Hành Khất có vai trò quan trọng trong Giáo hội Trung Cổ? Có thể nói được rằng, mọi sự kiện nó tùy thuộc vào thời cuộc và hoàn cảnh lúc đó. Nếu không có các cuộc Binh Thánh giá và những cuộc trấn áp lạc giáo thì sao biết được những sai lệch trong Giáo hội. Nếu thời đó các Giáo hoàng không hành xử như thế thì các ngài đã thi hành đúng chức vì của mình hay chưa và Giáo hội sẻ như thế nào.[4] Đồng thời, nếu không có những cuộc xem ra không thực thi đúng Tin Mừng thì chắc gì Giáo hội đã có những hoa trái lớn (các Dòng Hành Khất) như thế. Bởi thế, cuộc sống lữ hành là cùng giúp nhau tiến về Vương Quốc Thiên Chúa. Nhưng trên con đường tiến về, nhiều lúc lại có những khúc ngoặt hay đêm đen đã làm nhiễu và ngăn trở hành trình của chúng ta. Thế nhưng, Thiên Chúa không bao giờ thất bại trước những mưu mô và khôn ngoan của trần gian. Chính vì vậy, những thời kỳ xem ra rất đen tối đối với Giáo hội, thì lúc chính Thiên Chúa lại dùng những khuôn mặt lỗi lạc, những tư tưởng lớn hay những lối sống thánh thiện để bày tỏ vinh quang của Ngài, biểu hiện sự chiến thắng và sự thật của Ngài được lan rộng khắp Châu âu.
Tóm lại, nếu quá lạm quyền thì thần quyền chính trị sẽ làm cho con người xa lia Tin Mừng. “Tuy nhiên, thời bị coi là đen tối và nhiễu loạn đó lại chính là thời uy quyền của Thiên Chúa được sáng tỏ hơn hết trong Giáo hội: hàng giáo phẩm, giáo sĩ có uy tín và can đảm bảo vệ đức tin; giáo dân nhiệt thành sống đạo; hàng tu sĩ dấn thân phục vụ Dân Chúa. Đó là kết quả tinh thần Kitô giáo đã ảnh hưởng thâm sâu vào đời sống xã hội thời Trung cổ.”[5]



[1] Đào Trung Hiệu O.P, Cuộc Lữ Hành Đức Tin I, 2008, tr 80
[2] Ibid, tr 82
[3] Đào Trung Hiệu O.P, Cuộc Lữ Hành Đức Tin I, 2008, tr 100
[4] Xc.Bùi Đức Sinh O.P, Lịch sử Giáo hội Công giáo, Phần I, Chân Lý, Saigon, 1972, tr 288
[5] Ibid, tr 329 

HÃY YÊU CUỘC SỐNG NÀY


Rất ít cha mẹ phải trải qua nỗi đau mất tới 3 người con. Và chị Mary Manachi ở West Paterson, New Jersey, Mỹ, sẽ chia sẻ về cội nguồn sức mạnh để chị vượt qua điều đó.
Mary Manachi, West Paterson, New Jersey

Chúng tôi đã cắt xong mấy miếng dưa hấu trong buổi picnic hôm chủ nhật ở trường và tôi phá lên cười vì trò tếu táo của lũ trẻ. Chúng làm như đang thổi kèn ác-mô-ni-ca khi cắn miếng dưa đỏ ngọt lịm. Chúng dùng vỏ dưa làm thành những nụ cười rộng ngoác và xem ai là người nhằn hạt nhanh nhất. Khi tôi cảm thấy có một bàn tay phụ nữ đặt lên cánh tay mình, nhìn vào đôi mắt đồng cảm nhưng cũng đầy băn khoăn của chị, tôi hiểu chị định nói gì ngay cả khi chị chưa kịp mở lời.

“Trông chị thật hạnh phúc. Thực sự hạnh phúc. Làm sao chị có thể như vậy sau… sau tất cả những chuyện đã xảy ra?”

Lúc nào cũng có những người hỏi tôi câu hỏi đó - những người đã biết chuyện Louis và tôi đã từng có 3 đưa con bị mắc chứng rối loạn máu có tên bệnh thiếu máu Cooley. Đầu tiên là Mary Lou, kế đó là Rosemary và tiếp theo là George. Cứ đứa này nối tiếp đứa kia, chúng bị bệnh bẩm sinh, phải chung sống với bệnh và cuối cùng ra đi vì nó.

Làm sao tôi có thể sống hạnh phúc sau chừng ấy chuyện đã xảy ra ư? Ồ…

Mary Lou sinh năm 1955. Đó là đứa thứ hai của chúng tôi. Cháu sinh ra sau 2 năm chúng tôi có một bé gái đầu khỏe mạnh là Ann. Thoạt tiên tôi cứ nghĩ nước da xanh xao của cháu giống với nước da bên nhà tôi. Cả Louis và tôi đều là người gốc Địa Trung Hải, nhưng anh ấy có nước da màu xanh ô liu. Khi tôi đưa cháu tới phòng khám nhi kiểm tra sức khỏe sau 3 tháng, chồng tôi đã nhắc tôi đặt lịch xét nghiệm. “Có vẻ như con bị thiếu máu đấy”, anh bảo.

Chuyện đó cũng không có gì đáng ngại lắm; rất nhiều người mắc chứng này. Nhưng sau khi Mary Lou được làm xét nghiệm tại Trung tâm y tế Cornell ở thành phố New York, bác sĩ đã mời vợ chồng tôi đến để trao đổi.

“Tôi rất tiếc phải thông báo với anh chị điều này,” bác sĩ nói. “Cháu bé nhà anh chị đã bị chứng hoại huyết nặng”. Ông giải thích đây là bệnh vẫn thường được gọi là chứng thiếu máu Cooley, chứng bệnh được đặt theo tên người bác sĩ tìm ra nó. Đó là chứng rối loạn máu do gene khá hiếm gặp. Hệ quả là nó ngăn không cho cơ thể sản sinh ra hemoglobin, chất giúp đưa oxy từ phổi tới các mô cơ thể và cơ bắp.

“Căn bệnh này chủ yếu xảy ra với những người gốc Địa Trung Hải”, bác sĩ nói. Ông cũng bảo rằng Trung tâm y tế Cornell là trụ sở chính của bệnh xá Harold Weill, đơn vị chuyên trách trong việc điều trị trẻ em bị các bệnh về máu. Cứ 2 tuần một lần, Mary Lou sẽ phải tới đó để thay máu.

Từ đó trở đi, tôi thường xuyên phải lái xe chở con gái từ New Jersey vào thành phố New York. Sau vài tháng con bé có vẻ như đã quen với việc này. Nó có thêm những người bạn; 19 đứa trẻ khác cũng đang được điều trị tại đó với cùng chứng bệnh.

Louis và tôi từng muốn có thêm con, nhưng giờ chúng tôi băn khoăn quá.

“Đừng lo”, bác sĩ trấn an chúng tôi, “rất hiếm khi tình trạng này tái diễn lần thứ 2 trong một gia đình”.

Năm 1959 Rosemary chào đời. Trông con bé thật xin xắn, mắt xanh sáng và mái tóc màu nâu sáng hệt như Mary Lou. Nhưng để chắc chắn, tôi vẫn đưa con tới bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ không nói gì. Nhiều tuần trôi qua.

Một ngày nọ, con bé có vẻ như rất đỗi bình thường, nhưng hôm sau đó, đầu nó bắt đầu đổ mồ hôi. Triệu chứng hệt như Mary Lou. Khi đó, cháu mới 6 tháng tuổi, bác sỹ nhẹ nhàng bảo tôi, Rosemary cũng cần phải được thay máu định kỳ.

Vậy là giờ đây tôi phải lái xe đưa 2 cô con gái nhỏ vào thành phố. Thật dễ thấy việc Mary Lou và Rosemary phải sống phụ thuộc vào việc thay máu như thế nào. Khi gần tới thời điểm phải điều trị, chúng rất dễ mệt mỏi và trở nên nóng nảy. Nhưng sau khi từ viện trở về, mặc dù thật khổ sở, nhưng chúng dường như dễ chịu hơn. Trong lúc đó, Louis và tôi cố gắng tạo cho 3 con một cuộc sống bình thường, với những bài bài học nhạc, những trò chơi cờ tỷ phú và rất nhiều chuyến đi chơi của gia đình.

Năm 1961, con trai chúng tôi, George, ra đời. Chúng tôi đã khao khát có một mụn con trai và người ta cũng khẳng định với chúng tôi rằng, nguy cơ mắc bệnh tương tự ở đứa trẻ này là không có. Nhưng ngày từ khoảnh khắc đầu tiên khi ôm ấp đứa con bé bỏng trong tay, tôi đã biết. Tôi cảm nhận rất rõ. Tôi đã biết. Và rồi rất mau chóng, tôi lại phải đưa George cùng với 2 chị nó là Rosemary 2 tuổi và Mary Lou 6 tuổi vào New York.

Dù vậy thì cả Louis và tôi đều rất hạnh phúc vì 4 đứa trẻ thật đáng yêu. Việc thay máu đã trở thành một phần thường nhật trong đời sống chúng tôi, và chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng về một phát hiện đột phá trong y học sẽ làm cho điều đó trở nên không cần thiết nữa. Trong lúc đó, chúng tôi bận rộn với những công việc thường nhật, các hoạt động và kỳ nghỉ ở trường. Nhiều năm trôi qua. Nhưng rồi một phát hiện gây sốc đã xảy đến.

Một buổi sáng, khi tôi đang ngồi chờ ở bệnh viên, người mẹ của một đứa trẻ khác lặng lẽ đưa tôi mẩu báo cắt trên tờ The New York Times có tiêu đề “Chứng rối loạn máu chết người”. Nó viết về chính những đứa trẻ phải điều trị tại bệnh viện đó. Có một câu làm tôi chết đứng: “chúng thường sẽ chết trước năm 20 tuổi”.

Tôi không thể tin nổi. Bác sĩ chưa bao giờ nói cụ thể với tôi điều này. Tôi mang mẩu báo đó tới gặp ông. “Điều này có thật không?” tôi hỏi.

“Phải,” ông đáp và thở dài. “Tôi e là như thế”.

Vẫn chưa có thuốc, chưa có phương pháp điều trị, chưa có những hỗ trợ y tế nào có thể ngăn ngừa cái chết của những đứa trẻ đó.

Trong suốt nhiều tuần Louis và tôi sống trong tình trạng tê liệt đầu óc. Anh nói rất ít và chúi đầu vào công việc của nhà thiết kế vải. Còn tôi, tôi khóc bất cứ khi nào ở một mình.

Còn lũ trẻ ư? Tôi không thể trực tiếp nói chuyện đó với chúng, dù tôi biết, chúng đã hiểu về sự căn bệnh nghiêm trọng của mình qua việc nói chuyện với những bệnh nhân khác trong những lần tới viện điều trị. Và rồi một trong những khoảnh khắc nhỏ xảy đến đã làm thay đổi cách chúng nhìn nhận mọi việc.

Một buổi tối, tôi đi vào phòng của Rosemary, lúc đó đã 11 tuổi, và thấy con bé đang làm chiếc ghim cài trang sức hình bướm. Con bé đã bán được những sản phẩm của mình tại các hội chợ hàng thủ công.

“Đẹp quá”, tôi nói, khi tôi nhìn con bé đính những viên đá.

“Cảm ơn mẹ”, nó nói. “Con sẽ kiếm đủ tiền để có thể đi học đại học”.

Con bé đang dự tính cho việc học đại học ư? Tôi hắng giọng. “Ừ… nhưng con định học gì thế?” Con bé ngẩng đầu, đôi mắt sáng bừng.

“Học làm y tá mẹ ạ. Con muốn mình giống những người phụ nữ xinh đẹp đã làm ở bệnh viện và giúp đỡ con”.

Con bé tiếp tục với công việc của mình còn tôi thì chậm rãi ra khỏi phòng, cố gắng hiểu tất cả những điều con vừa nói. Rosemary không nghĩ về cái chết, con bé chỉ đang nghĩ về cuộc sống mà thôi.

Vào dịp lễ Tạ ơn, một trong những giáo viên của Rosemary gọi điện cho tôi. Cô ấy đã yêu cầu cả lớp viết về điều gì mà chúng cảm thấy biết ơn nhất. Các câu trả lời phổ biến là về gia đình, cha mẹ và đồ ăn. Giọng của người giáo viên bỗng thoáng run lên, “Tôi nghĩ là chị muốn nghe câu trả lời của Rosemary: “Cảm ơn Chúa vì đã ban cho con một sức khỏe tốt”.

Sức khỏe tốt ư? Sao con bé có thể viết thế chứ? Và rồi tôi nhớ tới những đứa trẻ khác mà Rosemary từng gặp trong những lần tới điều trị tại viện, những đứa trẻ phải phẫu thuật cắt bỏ chân tay hay bị ung thư. Còn Rosemary vẫn có thể đi được… vẫn tới trường… vẫn nhảy dây.

Rosemary đã trang hoàng khắp nhà những khung gỗ trang trí do chính con bé làm. Ngay trong phòng riêng, nó cũng treo một khung gỗ có dòng chữ, “đây là ngày mà Chúa đã tạo ra, chúng ta hãy hân hoang và vui vẻ trong nó”.

Vào buổi lễ Tạ ơn đó, tôi quan sát quanh mình. Tôi thấy ngôi nhà của chúng tôi không còn là nơi của những nỗi buồn và đau khổ nữa; các con tôi đã vượt qua điều đó bằng sự hứng khởi và những hoạt động sôi nổi. Bản đàn piano của Mary Lou vang lên khắp các phòng khi con bé luyện tập cho buổi biểu diễn. Rosemary thì bận rộn với việc làm đồ trang sức và các khung gỗ trang trí.
Còn George bé nhỏ lại có một bộ sưu tập đá khổng lồ; nó đã nói về việc muốn trở thành một nhà địa lý. Dần dần tôi bắt đầu nhận ra, các con tôi, tất cả đang tận hưởng cuộc sống của chúng.

Vào ngày 4-7-1969, khi đó Rosemary 12 tuổi, con bé phải nằm viện vì sự cố nhỏ ở tim, một tác dụng phụ của chứng bệnh Cooley. “Con có vẻ khá hơn rồi đó con yêu”, tôi nói khi cúi xuống hôn tạm biệt con. “Buổi sáng mẹ sẽ trở lại”.

Sau khi tôi trở về nhà, điện thoại đổ chuông. Rosemary đã qua đời. “Con bé đi thanh thản”, người y tá nói.

Mary Lou và George đã hiểu cuộc sống của chúng rồi cũng sẽ ngắn ngủi, nhưng khi Rosemary qua đời, chúng buộc phải đối mặt với thực tế trước mắt. Mary Lou, lớn hơn Rosemary 4 tuổi, đã chăm sóc rất cẩn thận nấm mồ của chị nó. Tôi biết hẳn là con bé đang lặng lẽ suy ngẫm về cái chết của chính mình. Dù vậy thì tôi vẫn thấy con bé đảm nhiệm các công việc trong cuộc sống với một năng lượng tràn đầy. Con bé bắt đầu được ghi vào bảng danh dự ở trường phổ thông và trở nên nổi tiếng. Nó cũng đề nghị sẽ tạo ra một xu hướng mới trong cuộc sống của chúng tôi.

“Mẹ,” nó nói, “khi con kể với các em nhỏ ở bệnh viện về chuyến đi của chúng ta tới Poconos, hầu như tất cả các em đều bảo rằng chúng chưa bao giờ được đến một nơi như thế. Liệu chúng ta có cách nào để đưa các em ấy theo cùng trong lần tới được không?”

“Tất nhiên là được rồi con”, tôi đáp và ôm con thật chặt. Bỗng nhiên chúng tôi có một dự án. Tôi bắt đầu tổ chức một nhóm tình nguyện đưa những đứa trẻ đó đi du lịch. Tôi tổ chức việc bán bánh, bán kẹo và quyên góp đủ tiền để tổ chức chuyến đi tới đỉnh Airy Lodge ở Poconos.

Hầu hết những đứa trẻ ấy chưa từng ở bên nhau ngoài bệnh viện. Thật tuyệt vời khi thấy chúng cười đùa vui vẻ, thoát khỏi những mũi kim tiêm, những đợt truyền máu và những lần chọc dò tủy sống. Chúng tôi còn tìm nhiều cách gây quỹ để xem kịch Broadway và thậm chí là tới công viên Disney World.

Năm 1973, Mary Lou tốt nghiệp phổ thông trung học và là thành viên của Hội danh dự quốc gia. Con bé cũng đã phải phẫu thuật để loại bỏ lá lách, vậy nên con bé làm thêm nhiều hơn nữa vì những vinh dự đó. Tới mùa thu, con bé nhập học trường cao đẳng William Paterson và trở thành sinh viên ngành mỹ thuật.

Chẳng bao lâu sau con bé đã được đứng trong danh sách những sinh viên đạt điểm số cao nhất. Con bé làm thêm ở một cửa hàng sửa chữa ti vi và tham gia các hoạt động trong thành phố - nó làm bất cứ việc gì để quyên góp cho hoạt động từ thiện và những công việc tình nguyện. Tất cả những việc đó khiến con bé có mối liên hệ với gần như tất cả mọi người trong thị trấn.

Năm sau đó, con bé tình nguyện tham gia chương trình thử nghiệm thuốc điều trị cho bệnh thiếu máu Cooley. Việc này làm con bé kiệt sức và phải nằm viện trong suốt 3 tuần. Nó nói: “Nhưng nếu điều này giúp được gì cho những đứa trẻ khác thì cũng thật đáng”.

Vào lễ Giáng sinh năm 1974 Mary đã 19 tuổi. Cho tới tháng giêng, cây thông Noel của chúng tôi vẫn đặt trong phòng khách. Vì lý do nào đó tôi không thể gỡ bỏ nó đi. Hôm 20 tháng 1, tuyết rơi rất nặng nên tất cả chúng tôi đều ở nhà. Mary Lou tập đàn piano vào buổi sáng nhưng tỏ ra mệt mỏi. “Con nghĩ con nên nghỉ một lát”, nó nói rồi leo lên giường. Sau đó tôi mua bữa trưa cho con.

“Ồ, món súp này ngon quá!” nó thốt lên. Rồi ánh sáng bất ngờ vụt tắt khỏi đôi mắt, con bé ngã xuống gối.

Đám tang của Mary Lou là một trong những đám tang lớn nhất ở West Paterson. Louis và tôi không hề biết con bé có rất nhiều bạn. Ngay cả ông thị trưởng và toàn bộ hội đồng thành phố cũng có mặt.

Trong những lời tưởng niệm mà thành viên nhóm tình nguyện Cooley dành tặng con bé, Mary Lou đã là “một cô gái rất đặc biệt, người đã sống và hiểu về cuộc sống trong suốt 19 năm qua sâu sắc hơn gần như tất thảy chúng ta có thể hy vọng nếu chúng ta sống được tới trăm tuổi”.

Sau đó, khi cơn mưa lạnh liên tục phả vào cửa sổ phòng khách của chúng tôi, tôi ngồi một mình, nghĩ về cô con gái rất đáng yêu của mình. Tôi thở dài, ngả người, nhìn chăm chắm vào bức tường. Trước mắt tôi là ba tấm khung gỗ Rosemary đã làm. “Tôi sẽ chẳng bao giờ rời bỏ mọi người, chẳng bao giờ rời bỏ”. “Hãy dành mọi quan tâm của bạn cho người ấy, vì người ấy quan tâm tới bạn”; “Đừng lo lắng về ngày mai”.

Những từ ngữ mờ đi trong mắt tôi rồi lại rõ dần. Tôi đứng dậy ngay và bắt đầu chuẩn bị bữa tối cho gia đình.

Con gái lớn của chúng tôi, Ann, vẫn làm công việc của nó, còn George, đã là một thiếu niên thực thụ, đã khiến cho ngôi nhà của chúng tôi vui vẻ. Bạn bè George vẫn tới chơi và điện thoại nhà liên tục đổ chuông.

Thằng bé đã bắt đầu hò hẹn và có công việc ngoài giờ học tại một cửa hàng ăn địa phương. Chúng tôi tiếp tục đưa những đứa trẻ ở trung tâm Cooley đi du lịch và tổ chức những cuộc tụ tập vui vẻ.

George tốt nghiệp phổ thông và tiếp tục học ở William Paterson, ở đây, nó đã nhiệt tình tham gia tất cả những hoạt động ngoại khóa. Nó tiếp tục làm thêm ở cửa hàng ăn và vào mùa hè năm nó 19 tuổi, nó mua được chiếc ô tô thể thao, một chiếc đen bóng với hai bên sườn xe màu đỏ. Đó quả là giấc mơ của mọi chàng trai trẻ, và nó luôn đầy ắp bạn bè của George. Nó luôn giữ chiếc xe mới như để ở phòng trưng bày.

Đó là lý do vì sao vào đêm 20 tháng 9, tôi biết đã có chuyện gì bất ổn xảy ra. George về nhà sau cuộc hẹn và sau đó leo lên giường ngủ. Tôi để ý thấy chiếc ô tô của nó đã được kéo vào ga ra theo một góc cẩu thả. Trước đây nó luôn đỗ xe rất ngay ngắn.

Sáng hôm sau, nó không đi học. “Mẹ”, nó nói, “con không chịu nổi nữa rồi. Con mệt quá”.

Đêm hôm đó, Louis và tôi đã đưa con đi một chặng đường dài, biết rằng tiếng động khe khẽ và nhịp di chuyển của ô tô sẽ giúp con tỉnh táo. Khi chúng tôi quay về nhà, thằng bé nằm dài trên ghế. “Con biết con sẽ chết mẹ ạ”, nó yếu ớt nói. Nó ngẩng lên lo lắng nhìn tôi.

“Hứa với con là mẹ sẽ không khóc nhé? Mẹ biết là con sẽ ở đâu mà”.

“Không, Georgie, mẹ sẽ không khóc đâu”.

Con trai tôi mỉm cười, lắc đầu và nằm xuống, hai mắt nhắm nghiền. Rồi nó thở ra một hơi và đi.

Mary Lou.

Rosemary.

George.

Vậy đó, hết lần này đến lần khác, mọi người thường hỏi tôi câu đó: “Sao chị có thể hạnh phúc sau tất cả những chuyện đã xảy ra?” Tôi sẽ nói với bạn tại sao.

Các con tôi đã hiểu cuộc sống là món quà quý giá từ Đấng sáng thế. Chúng yêu thương mỗi ngày được ban tặng, niềm vui và sự trân trọng đó của chúng như ánh sáng mặt trời, nó sưởi ấm và làm rạng rỡ thời gian chúng tôi ở bên nhau. Khi phải đối mặt với cái chết quá sớm, chúng càng thiết tha với cuộc đời. Nếu chúng đã yêu cuộc sống nhiều như thế, đã trân trọng nó, đã cố gắng xoa dịu nỗi đau trong những người bạn mang trọng bệnh của chúng, sử dụng những ngày tháng của chúng thật sáng tạo thì liệu tôi có thể bớt yêu cuộc sống được không?

Không, tôi sẽ không bất kính với Chúa – hay các con tôi cũng thế – với đầy khổ đau và bất hạnh. Tôi đồng cảm với cuộc đời như thể các con đã đồng cảm với nó, và tôi sẽ tận hưởng niềm vui ở trong đó. 
Dương Kim Thoa (Theo http://dantri.com.vn)

THIÊN CHÚA DUY NHấT TRONG MộT BảN THể VÀ PHÂN BIệT TRONG BA NGÔI Vị


III. Những đặc tính duy nhất của Thiên Chúa (tt)
          1. Thiên Chúa là chân lý      
Theo niềm tin Kitô giáo, uyên nguyên của mọi thực tại là chính Thiên Chúa, Đấng Duy Nhất Chân Thật và là sự Hữu Tự Tại, là Hữu Thể Tuyệt Đối. Người là Sự Thực Vĩnh Cửu, Bất Biến và Tòan Diện.
Chân lý tiên vàn là thực tại, và sự thực tuyệt đối là thực tại tuyệt đối. Dĩ nhiên Thiên Chúa không là một thực tại trong số các thực tại, nhưng Người là thực tại của các thực tại, là thực tại siêu thực, là thực tại đơn thuần.
Tôn thờ, nhận biết Thiên Chúa chân thật là nhận biết nguồn gốc, uyên nguyên của đời mình, là tìm ra lẽ hiện hữu, lẽ sống cho cuộc đời. Hướng về Thiên Chúa chân thật hay sự hữu tuyệt đối là hành trình từ hư vô đến sự hữu theo lời mời gọi của Thiên Chúa hằng có.
Thiên Chúa là chân lý, là ánh sáng, là tuệ trí. Người là Đấng thấu suốt mọi sự, không gì có thể che giấu được Người. Người là tri thức thần diệu theo như lời Thánh Vịnh (139,1-6). Người dò thấu tâm hồn, ý nghĩ của từng người. Người biết đường đi nước bước của con người. Trí tuệ Người là ánh sáng chiếu giãi trên tòan thể thực tại, và mọi sự nhờ Người mà được sáng tỏ. Mọi sự đều có ý nghĩa và khả tri trong áng sáng phát xuất từ Người.
Ngài là Đấng không thể sai lầm. Ngài hiểu con người hơn chính con người. Minh Trí của Ngài là nguồn gốc của mọi trí tuệ. Ngài không nhận thức thay cho trí tuệ con người, nhưng không có tri thức chân thực nào mà không bắt nguồn từ Ngài và xây dựng trên Ngài.
Thiên Chúa là chân lý, vì Ngài không hề nói dối, không lừa gạt ai bao giờ. Sự dối trá hoàn toàn đối ngược với bản tính của Ngài (Ga 8,26). Ngài là Đấng đáng tin tưởng và phó thác trọn vẹn. Ngài luôn luôn trung thành thực thi những điều đã hứa (Tv 145,13). Trời đất qua đi, nhưng Lời Ngài phán không bao giờ mai mọt.
Chân Lý Tuyệt đối chỉ được biểu lộ trọn vẹn trong ngày sau hết cũng là ngày nhân loại có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Trong thân phận lữ thứ hiện nay, con người không bao giờ được an nghỉ, vì chưa khám phá hết thực tự tại, cho đến ngày nghỉ yên trong Chúa là chân lý hiện thân.
Hơn thế nữa, ý tưởng vén mở hay mạc khải không hoàn toàn vắng bóng trong Kinh Thánh. Mạc khải là hành vi cứu độ, nhưng cũng là sự biểu lộ, vén mở chính mình, hay nói theo ngôn từ của Karl Barth, Mạc Khải là Tự Khải. Các cuộc thần hiển được mô tả thường xuyên trong Cựu Ước là những bằng chứng rõ rệt. Hiện diện và cứu độ luôn đi đôi. Thiên Chúa cứu độ khi Ngài hiện diện, và ngược lại, sự hiện diện của Ngài luôn thông ban sự sống, vì Ngài là Thiên Chúa hằng sống. Trong Tân Ước, Phaolô nói tới mầu nhiệm giấu ẩn từ đời đời được vén mở vào ngày sau hết trong Đức Giêsu Kitô. Gioan thích dùng hình ảnh Ánh sáng áp dụng cho Thiên Chúa, đặc biệt là cho Chúa Kitô, Đấng đã phá tan bóng tối, để con người có thể nhận biết Thiên Chúa chân thật và Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Ý niệm chân lý cụ thể trong Kinh Thánh có khả năng biến đổi ý tưởng chân lý có màu sắc duy trí của triết học Hy lạp. Ngược lại, từ ngữ và tư tưởng triết học Hy lạp giúp triển khai hết các chiều kích thâm sâu của quan niệm chân lý trong Kinh Thánh. Mặc dù Thiên Chúa đã dùng một ngôn từ cố định của con người để diễn tả ý của Ngài, thực tại của Ngài vẫn vượt lên trên mọi ngôn ngữ: thần học cố gắng đạt tới “ý nhgĩa tròn đầy” nhờ đức tin sống động hôm nay, nhờ nỗ lực khám phá của trí tuệ và nhờ sự soi sáng của Thánh Thần trong Giáo hội.
Ngày nay, khi hát lên lời tuyên xưng “Thiên Chúa là Chân Lý”, người Kitô hữu cảm thấy sung sướng, vì được nương tựa vào Thiên Chúa, hãnh diện vì có Thiên Chúa là nền tảng, nguồn suối mọi thực tại, là Đấng đáng cho con người kiếm tìm, nhưng đồng thời cũng tràn ngập ước mơ được siêu thăng về Tuyệt Đối[1].
          2. Thiên Chúa là sự thiện và là tình yêu
Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo và là Đấng thông ban sự thiện. Ngài là sự thiện hữu thể, sự thiện tự thân, sự thiện tuyệt đối. Sự thiện tuyệt đối là thực tại tuyệt đối có sức lôi cuốn con người và vũ trụ. Sự thiện là động lực, là cùng đích của mọi thực tại hữu hình và vô hình.
Mở đầu lời nguyện hiến tế Chúa Giê-su khẩn cầu Thiên Chúa: “Lạy Cha Chí Thánh”. Cũng như quyền năng, thánh thiện là ưu phẩm thuộc bản chất Thiên Chúa. Sự thánh thiện của Thiên Chúa không chỉ là một đặc tính luân lý hay là tổng hợp các nhân đức, nhưng là sự viên mãn của hữu thể, của sự sống và sức mạnh. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ lộ sự thánh thiện của Ngài qua những công trình kỳ diệu Ngài thực hiện trong trời đất (Is 6,3). Trong Tân Ước, Đức Giê-su chính là hình ảnh Thiên Chúa thánh thiện nơi trần gian. Ngài được gọi là Con Thiên Chúa và cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,39).
Cựu Ước diễn tả sự thánh thiện Thiên Chúa bằng cách tách biệt Ngài khỏi thế giới phàm nhân. Ngược lại, nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa thánh thiện tỏ mình ra không phải bằng cách khép mình trong sự siêu việt của mình, nhưng bằng cách vượt ra ngoài sự siêu việt theo quan niệm của con người. Thiên Chúa chí thánh cũng là Cha của Đức Giê-su, Ngài là Thánh vì Ngài là Cha; và Ngài là Cha vì Ngài thánh thiện. Sự thánh thiện của Thiên Chúa là chính Thánh Thần. Thiên Chúa là Cha tự bản chất. Sự thánh thiện của Ngài ở trong hành vi sinh hạ, và sự siêu việt của Ngài ở trong việc ra khỏi mình để tự hiến cách trọn vẹn. Sự thánh thiện không cô lập Thiên Chúa, nhưng đặt Ngài trong một thực tại tương quan: với Con và với con người.
Vì sự thánh thiện của Thiên Chúa là ra khỏi mình, nên nó bộc lộ nhất khi tìm đến với điều hoàn toàn trái ngược là các tội nhân. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa chí thánh trở nên người bầu bạn với những kẻ tội lỗi (Lc 15,2). Ra khỏi mình để đến với thế giới tội lỗi là thể hiện cách triệt để nhất. Thiên Chúa bày tỏ sự thánh thiện của Ngài khi thánh hoá những kẻ tội lỗi và tái lập tình con thảo nơi họ. Cuộc thần hiển trên núi Xinai là mạc khải lớn lao về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nhưng thiên Chúa chỉ thực sự tỏ mình là Đấng chí thánh, tức là Đấng hoàn toàn khác biệt nơi Đức Giê-su Kitô. Thập giá thật sự là một thách đố đối với quan niệm về siêu việt của con người.
Thiên Chúa còn là sự thiện tuyệt đối, vì là tình yêu tuyệt đối, là ý muốn tự do tuyệt đối. Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Ai không ở trong tình yêu, thì không ở trong Thiên Chúa. Tất cả Lịch sử cứu độ mạc khải tình yêu bao la của Thiên Chúa, mà chóp đỉnh là việc Ngài ban Con Một để chịu chết cho chúng ta.
Khi tiếp nhận trọn vẹn huyền nhiệm cao cả của Tình Yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ hết bị quấy rầy bởi những câu hỏi vụn vặt trong cuộc sống. Chúng ta biết Thiên Chúa còn yêu chúng ta hơn chính chúng ta. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta còn là kẻ có tội. Ngài yêu chúng ta như chúng ta là. Tình yêu của Ngài tác tạo và tái tạo chúng ta trong Chúa Kitô.
Không thể suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa như suy nghĩ về tình yêu của con người. chỉ có thể nhìn vào hành động của Ngài trong lịch sử cứu độ và đáp trả với tâm tình cảm tạ và tiếng nói "xin vâng".
Sự phân biệt cần để khỏi đồng hóa Thiên Chúa với con người và phê phán Thiện Chúa theo kiểu con người. Nhưng nếu tuyệt đối hóa sự phân biệt, chúng ta có thể xa rời Kinh Thánh, vì theo như Kinh Thánh, chính Thiên Chúa cũng say mê, theo đuổi và dụ dỗ con người. Dĩ nhiên, đó chỉ là những hình ảnh nhân cách hóa, nhưng chúng cũng nói lên một khía cạnh sống động và thực tiễn của tình yêu Thiên Chúa.
Khi tin tưởng rằng sự thiện tuyệt đối là Thiên Chúa, và tình yêu tuyệt đối cũng là Thiên Chúa, chúng ta sẽ “chủ vị hóa” những thực tại cao quý nhất của đời người. Sự thiện, giá trị, tình yêu… không phải là những ý tưởng trừu tượng, nhưng nhập thể trong chủ vị con người mà không đồng hóa với con người, thuộc về hữu thể con người mà không chấm dứt nơi con người, nhưng mời gọi con người đi tìm nguồn suối cũng là chủ nhân đích thực[2].
3. Thiên Chúa là vẻ đẹp tuyệt đối
Khi cảm nghiệm được Thiên Chúa, con người sẽ thấy Thiên Chúa hấp dẫn lạ thường. Vẻ kiều diễm của Thiên Chúa sẽ làm cho con người say sưa ngây ngất; so với tác dụng của các vẻ đẹp thiên nhiên và nghệ thuật, tác dụng của vẻ đẹp của Thiên Chúa còn mạnh mẽ và bền bỉ hơn gấp muôn ngàn lần.
Sách Khôn ngoan, sau khi mô tả các vẻ đẹp của tạo vật, đã kết luận rằng Thiên Chúa còn đẹp hơn gấp mấy, vì Ngài là tị tổ cái đẹp đã dựng nên chúng (Kn 13,3).
Thiên Chúa là vẻ đẹp hữu thể, vẻ đẹp tự tại, là cái đẹp hiện thân. Nói theo kiểu Pseudo - Denys, Ngài chứa đựng mọi vẻ đẹp, đồng thời vượt trên mọi vẻ đẹp, Ngài là mùa xuân bất diệt và luôn luôn tươi trẻ. Vẻ đẹp của Ngài không chớm nở cũng không phai tàn, không tăng và không giảm. Ngài đẹp tòan diện, không thay đổi tùy theo khía cạnh hay góc nhìn.
Vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa thông ban cho tạo vật muôn vàn hồng ân là những nét duyên dáng tươi xinh, phù hợp với mỗi lòai.
Vẻ kiều diễm của Thiên Chúa không phải là một vẻ đẹp lý tưởng hay trừu tượng. Kinh Thánh mô tả vẻ huy hoàng của Ngài bằng những hình ảnh sống động: "Ngài mặc oai phong lẫm liệt, Ngài choàng long bào sự sáng” (Tv 104,1-2…).
Vẻ đẹp của Thiên Chúa là “vinh quang, uy vũ, sức hùng của Ngài, khi Ngài xuất hiện. Ngài cư ngụ cõi ánh sáng vô biên và xuất hiện trong ánh sáng chói lòa. Không có tạo vật nào sánh được với Ngài.
Kinh thánh còn mô tả những cuộc thần hiển uy nghi của Gia-vê Thiên Chúa trên núi Xinai, trong Đền thờ. Và ngoài ra, Kinh thánh cũng chứa đầy những hình ảnh sống động và biểu tượng huyền bí.
Khi nhìn vào thần học của phúc âm Gioan, chúng ta càng xác tín hơn rằng chủ trương đối lập văn hóa Hy lạp và văn minh Do thái là một chủ trương quá khích và không có căn bản vững chắc. Theo Gioan, Lời đã làm người và trở thành "xác thể", do đó không những chúng ta nghe được, mà chúng ta còn thấy được và chiêm ngắm vinh quang của Ngài. Thánh Phaolô cũng khẳng định rằng hạnh phúc là được nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện[3].
           IV. Những đặc tính phân biệt của Thiên Chúa[4]
          1. Chúa Cha là nguồn suối tình yêu
          Thiên Chúa là tình yêu, là nguồn suối mọi tình yêu. Thánh Gioan dùng những cách nói rất cụ thể để diễn tả Thiên Chúa là nguồn suối tình yêu: “Lòng mến phát xuất từ Thiên Chúa; ai yêu mến thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa; ai không yêu mến thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 7-8).
          Thánh Gioan nhấn mạnh nhiều hơn đến lịch sử cứu độ, cũng là lịch sử mạc khải tình yêu Thiên Chúa, mà trọng tâm là việc “Thiên Chúa sai Con Một Người đến trần gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống, làm của lễ đền tội cho chúng ta, làm Đấng cứu độ thế gian” (1Ga 9-14).
          Nhìn vào nguồn gốc lịch sử cứu độ, Thiên Chúa tự bản chất là yêu thương và là nguồn gốc của mọi tình yêu. Và đó là nền tảng của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa ở đây chắc chắn phải hiểu là Chúa Cha.
          Các giáo phụ và huấn quyền còn nói rõ hơn, khi trình bày mầu nhiệm tình yêu nơi Thiên Chúa: Chúa Cha là tình yêu khởi nguồn, tình yêu sinh hạ và là lòng mến phong nhiêu. Để phân biệt Chúa Cha với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cũng tự bản chất là tình yêu, các giáo phụ và huấn quyền dùng những từ ngữ nhấn mạnh đặc biệt tư cách nguồn gốc tuyệt đối của Thiên Chúa Cha: Cha là khởi nguyên không có khởi nguyên, Chúa Cha là nguồn khởi nguồn, Chúa Cha là nguồn mạch. Như vậy, dựa trên mạc khải huấn quyền còn lập đi lập lại Chúa Cha là nguồn suối thần tính, là nguồn sinh. Và cũng chính đặc tính ấy nên có sự phân biệt với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
2. Chúa Con đón nhận sự sống từ Chúa Cha
Sự sống của Chúa Con là sự sống của Chúa Cha, sự sống đón nhận từ Cha là sự sống bởi sự sống và sự sống được sinh ra. Sự sống của Chúa Con là đón nhận Chúa Cha. Đối với Chúa Con, yêu thương là không ngừng đón nhận Cha, đón nhận Cha cách trọn vẹn. Chính sự đón nhận này làm nên cuộc sống của Chúa Con, là niềm vui và hạnh phúc của Chúa Con.
Thánh Gioan đã đưa ra những đặc điểm của Chúa Con là đón nhận, Chúa con đón nhận tình yêu và sự sống từ nơi Cha, đón nhận tư tưởng và ý muốn của Cha, đón nhận giáo lý và Lời của Cha, công việc và chương trình của Cha. Chúa Con không có gì cả, tất cả là của Cha. Nhưng tất cả những gì của Cha là của Con, vì Cha đã ban cho Con mọi sự trong tay. Như thế, cuộc sống của Chúa Con như luôn qui hướng về Cha để lãnh nhận sự sống.
Nhờ lãnh nhận tất cả từ nơi Chúa Cha, nên Chúa Con sẵn sàng dâng hiến trở lại cho Chúa Cha. Sự dâng hiến là biểu hiện sâu xa của tình yêu. Chúa Con không ngừng dâng hiến sự sống mình cho Chúa Cha. Đối với Chúa Giê-su, dâng hiến mạng sống mình cho Thiên Chúa cũng là trao ban sự sống mình cho nhân loại: Người sẵn sàng trở thành hồng ân trong tay Thiên Chúa.
3. Chúa Thần làm cho Chúa Cha thuộc về Chúa Con và Chúa Con thuộc về Chúa Cha
          Chúa Thánh Thần làm gắn chặt Chúa Cha và Chúa Con với nhau và tạo thành sự duy nhất bất khả phân, mà không một mãnh lực nào có thể tách rời Chúa Cha và Chúa Con. Sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần là do Chúa Cha và Chúa Con vì Chúa Thánh Thần là sức mạnh tình yêu của Cha và Con. Sức mạnh tình yêu ấy bởi Cha và Con, nối kết Cha và Con, và tuỳ thuộc vào Cha và Con.
          Trên bình diện lịch sử, Chúa Thánh Thần tuỳ thuộc vào Chúa Giê-su như Chúa Giê-su tuỳ thuộc vào Chúa Cha. Công việc của Chúa Thánh Thần là gắn bó chúng ta với Chúa Giê-su, như Người đã gắn bó Chúa Giê-su với Chúa Cha mà thánh Gioan đã diễn tả: “Người (Chúa Thánh Thần) sẽ làm chứng cho Ta (Chúa Giê-su)” (Ga 15,26) và “Người sẽ làm cho Ta được vinh hiển, sẽ lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi” (Ga 16,14).
           V. Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc
          Thiên Chúa trao cho con người mầu nhiệm về tính duy nhất của Ngài, là sự bền vững thực sự của chủ thể vô hình và cụ thể, trái ngược mọi chư thần: đối tượng hữu hình và trừu tượng; cũng trái ngược tính cô đơn của con người, cái cô đơn vì yêu mình quá đáng, cái cô đơn vừa đa phức vừa đối nghịch với những người khác, cái cô đơn bỡ ngỡ và câm nín của con người trước thế giới. Thiên Chúa duy nhất không cô đơn, vì Ngài tồn tại vì con người và con người tồn tại vì Ngài. Tính duy nhất không cô đơn của Thiên Chúa là mầu nhiệm thứ nhất của thiên tính, theo hình ảnh này tất cả chúng ta cũng là những chủ thể tự do mà không cô đơn.
          Thiên Chúa trao cho con người mầu nhiệm về tính Ba Ngôi của Ngài, là sự bền vững thật sự của một đồng minh tích cực và chuyển hoá, trái ngược với mọi kẻ tuyệt đối có thể có, tức là những điểm danh dự bất biến của một thế giới được kẻ tuyệt đối ấy viếng thăm; cũng trái ngược với điều tuyệt đối của tương đối, được tự mình đặt làm thần tượng cuối cùng của tính không có thần của con người. Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn muôn đời là tình yêu tác động chính nơi Ngài và cho ta, trước khi thế giới được sáng tạo, trước khi có tội lỗi và độc lập với tội lỗi nơi con người, trước khi mở ngoặc và đóng ngoặc cái điều ác và đau khổ. Tính Ba Ngôi tác động ở nơi Thiên Chúa là mầu nhiệm thứ hai của thần tính Ngài, theo hình ảnh đó tất cả chúng ta cũng là đối tác của một tình yêu khó khăn nhưng chiến thắng[5].
            Kết luận
          Khi suy tư và chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta chỉ biết được những gì về Chúa Ba Ngôi nhờ mạc khải của Thiên Chúa, chứ chúng ta không thể dùng lý trí để khám phá hết những gì bí ẩn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi Thiên Chúa siêu việt vượt lên trên sự suy biết của lý trí con người. Do đó, chúng ta chỉ dùng đức tin để chấp nhận và nhờ ơn Chúa để đón nhận mầu nhiệm này.
          Tuy nhiên, Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi để chúng ta dễ dàng cầu nguyện và đến với Người hơn. Chẳng hạn, nếu cầu nguyện với Thiên Chúa cách chung chung, không phân biệt, chúng ta sẽ đánh mất vị trí trung gian tối cần thiết của Đức Giê-su và sẽ tạo ra mối nguy là không tin đủ vào Đấng Trung gian trong đời sống tôn giáo. Khi xác tín chúng ta là con của Chúa Cha, Cha của Đức Giê-su Kitô, Ngôi Thứ Nhất, chúng ta dễ dàng vượt thắng cảm dỗ hiểu việc làm con Thiên Chúa của chúng ta chỉ thuần tuý là đạo đức hay tự nhiên. Như thế, cấu trúc Ba Ngôi sẽ nổi bật trong đời sống tôn giáo, chúng ta sẽ có ý niệm rõ hơn về vai trò trung gian của Đức Kitô và ý thức nhiều hơn về khuôn mặt của Thiên Chúa là Cha và sự hiện diện không thể thiếu của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.




[1] Tham khảo Gm. Bùi Văn Đọc, Mầu Nhiệm Thiên Chúa , tr 100 – 109.
[2] Tham Khảo Gm. Bùi Văn Đọc, Mầu Nhiệm Thiên Chúa , tr 107-110.
[3] Tham khảo Gm. Bùi Văn Đọc, Mầu Nhiệm Thiên Chúa , tr 112-115.
[4] Tham khảo, Gm. Bui Văn Đọc, Suy Niệm Thần Học và Tu Đức về Mầu Nhiệm Ba Ngôi.
[5] Tham khảo Bernard Lauret và Francois Refoulé, do Lm. Gioakim Nguyễn Đức Việt – Châu, S.S.S và Ban Dịch Thuật Dân Chúa Chuyển Ngữ, Đường Vào Thần Học, Thần Học Tín Lý Tập III, tr 615-616.