1. Thiên Chúa là chân lý
Theo niềm tin Kitô
giáo, uyên nguyên của mọi thực tại là chính Thiên Chúa, Đấng Duy Nhất Chân Thật
và là sự Hữu Tự Tại, là Hữu Thể Tuyệt Đối. Người là Sự Thực Vĩnh Cửu, Bất Biến
và Tòan Diện.
Chân lý tiên vàn là thực tại, và sự thực tuyệt đối là thực tại tuyệt đối.
Dĩ nhiên Thiên Chúa không là một thực tại trong số các thực tại, nhưng Người là
thực tại của các thực tại, là thực tại siêu thực, là thực tại đơn thuần.
Tôn thờ, nhận biết
Thiên Chúa chân thật là nhận biết nguồn gốc, uyên nguyên của đời mình, là tìm
ra lẽ hiện hữu, lẽ sống cho cuộc đời. Hướng về Thiên Chúa chân thật hay sự hữu
tuyệt đối là hành trình từ hư vô đến sự hữu theo lời mời gọi của Thiên Chúa
hằng có.
Thiên Chúa là chân
lý, là ánh sáng, là tuệ trí. Người là Đấng thấu suốt mọi sự, không gì có thể
che giấu được Người. Người là tri thức thần diệu theo như lời Thánh Vịnh
(139,1-6). Người dò thấu tâm hồn, ý nghĩ của từng người. Người biết đường đi nước bước của con người. Trí tuệ Người là ánh
sáng chiếu giãi trên tòan thể thực tại, và mọi sự nhờ Người mà được sáng tỏ.
Mọi sự đều có ý nghĩa và khả tri trong áng sáng phát xuất từ Người.
Ngài là Đấng không
thể sai lầm. Ngài hiểu con người hơn chính con người. Minh Trí của Ngài là
nguồn gốc của mọi trí tuệ. Ngài không nhận thức thay cho trí tuệ con người,
nhưng không có tri thức chân thực nào mà không bắt nguồn từ Ngài và xây dựng
trên Ngài.
Thiên Chúa là chân
lý, vì Ngài không hề nói dối, không lừa gạt ai bao giờ. Sự dối trá hoàn toàn
đối ngược với bản tính của Ngài (Ga 8,26). Ngài là Đấng đáng tin tưởng và phó
thác trọn vẹn. Ngài luôn luôn trung thành thực thi những điều đã hứa (Tv
145,13). Trời đất qua đi, nhưng Lời Ngài phán không bao giờ mai mọt.
Chân Lý Tuyệt đối chỉ
được biểu lộ trọn vẹn trong ngày sau hết cũng là ngày nhân loại có thể nhìn thấy
Thiên Chúa. Trong thân phận lữ thứ hiện nay, con người không bao giờ được an
nghỉ, vì chưa khám phá hết thực tự tại, cho đến ngày nghỉ yên trong Chúa là
chân lý hiện thân.
Hơn thế nữa, ý tưởng “vén
mở” hay “mạc khải” không hoàn
toàn vắng bóng trong Kinh Thánh. Mạc khải là hành vi cứu độ, nhưng cũng là sự
biểu lộ, vén mở chính mình, hay nói theo ngôn từ của Karl Barth, Mạc Khải là “Tự Khải”. Các cuộc thần hiển được mô tả thường xuyên trong Cựu Ước là
những bằng chứng rõ rệt. Hiện diện và cứu độ luôn đi đôi. Thiên Chúa cứu độ khi
Ngài hiện diện, và ngược lại, sự hiện diện của Ngài luôn thông ban sự sống, vì
Ngài là Thiên Chúa hằng sống. Trong Tân Ước, Phaolô nói tới mầu nhiệm giấu ẩn
từ đời đời được vén mở vào ngày sau hết trong Đức Giêsu Kitô. Gioan thích dùng
hình ảnh “Ánh sáng” áp dụng cho Thiên Chúa, đặc biệt là
cho Chúa Kitô, Đấng đã phá tan bóng tối, để con người có thể nhận biết Thiên
Chúa chân thật và Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Ý niệm chân lý cụ thể
trong Kinh Thánh có khả năng biến đổi ý tưởng chân lý có màu sắc duy trí của
triết học Hy lạp. Ngược lại, từ ngữ và tư tưởng triết học Hy lạp giúp triển
khai hết các chiều kích thâm sâu của quan niệm chân lý trong Kinh Thánh. Mặc dù
Thiên Chúa đã dùng một ngôn từ cố định của con người để diễn tả ý của Ngài,
thực tại của Ngài vẫn vượt lên trên mọi ngôn ngữ: thần học cố gắng đạt tới “ý
nhgĩa tròn đầy” nhờ đức tin sống động hôm nay, nhờ nỗ lực khám phá của trí tuệ
và nhờ sự soi sáng của Thánh Thần trong Giáo hội.
Ngày nay, khi hát lên
lời tuyên xưng “Thiên Chúa là Chân Lý”, người Kitô hữu cảm thấy sung sướng, vì
được nương tựa vào Thiên Chúa, hãnh diện vì có Thiên Chúa là nền tảng, nguồn
suối mọi thực tại, là Đấng đáng cho con người kiếm tìm, nhưng đồng thời cũng
tràn ngập ước mơ được siêu thăng về Tuyệt Đối[1].
2. Thiên Chúa là sự thiện và là tình yêu
Thiên Chúa là Đấng
hoàn hảo và là Đấng thông ban sự thiện. Ngài là sự thiện hữu thể, sự thiện tự
thân, sự thiện tuyệt đối. Sự thiện tuyệt đối là thực tại tuyệt đối có sức lôi
cuốn con người và vũ trụ. Sự thiện là động lực, là cùng đích của mọi thực tại
hữu hình và vô hình.
Mở đầu lời nguyện
hiến tế Chúa Giê-su khẩn cầu Thiên Chúa: “Lạy Cha Chí Thánh”. Cũng như quyền
năng, thánh thiện là ưu phẩm thuộc bản chất Thiên Chúa. Sự thánh thiện của
Thiên Chúa không chỉ là một đặc tính luân lý hay là tổng hợp các nhân đức,
nhưng là sự viên mãn của hữu thể, của sự sống và sức mạnh. Trong Cựu Ước, Thiên
Chúa tỏ lộ sự thánh thiện của Ngài qua những công trình kỳ diệu Ngài thực hiện
trong trời đất (Is 6,3). Trong Tân Ước, Đức Giê-su chính là hình ảnh Thiên Chúa
thánh thiện nơi trần gian. Ngài được gọi là Con Thiên Chúa và cũng được gọi là
Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,39).
Cựu Ước diễn tả sự
thánh thiện Thiên Chúa bằng cách tách biệt Ngài khỏi thế giới phàm nhân. Ngược
lại, nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa thánh thiện tỏ mình ra không phải bằng cách
khép mình trong sự siêu việt của mình, nhưng bằng cách vượt ra ngoài sự siêu
việt theo quan niệm của con người. Thiên Chúa chí thánh cũng là Cha của Đức
Giê-su, Ngài là Thánh vì Ngài là Cha; và Ngài là Cha vì Ngài thánh thiện. Sự
thánh thiện của Thiên Chúa là chính Thánh Thần. Thiên Chúa là Cha tự bản chất.
Sự thánh thiện của Ngài ở trong hành vi sinh hạ, và sự siêu việt của Ngài ở
trong việc ra khỏi mình để tự hiến cách trọn vẹn. Sự thánh thiện không cô lập
Thiên Chúa, nhưng đặt Ngài trong một thực tại tương quan: với Con và với con
người.
Vì sự thánh thiện của
Thiên Chúa là ra khỏi mình, nên nó bộc lộ nhất khi tìm đến với điều hoàn toàn
trái ngược là các tội nhân. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa chí thánh trở nên người
bầu bạn với những kẻ tội lỗi (Lc 15,2). Ra khỏi mình để đến với thế giới tội
lỗi là thể hiện cách triệt để nhất. Thiên Chúa bày tỏ sự thánh thiện của Ngài
khi thánh hoá những kẻ tội lỗi và tái lập tình con thảo nơi họ. Cuộc thần hiển
trên núi Xinai là mạc khải lớn lao về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nhưng
thiên Chúa chỉ thực sự tỏ mình là Đấng chí thánh, tức là Đấng hoàn toàn khác
biệt nơi Đức Giê-su Kitô. Thập giá thật sự là một thách đố đối với quan niệm về
siêu việt của con người.
Thiên Chúa còn là sự
thiện tuyệt đối, vì là tình yêu tuyệt đối, là ý muốn tự do tuyệt đối. Thánh
Gioan định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Ai không ở trong tình yêu, thì không ở
trong Thiên Chúa. Tất cả Lịch sử cứu độ mạc khải tình yêu bao la của Thiên
Chúa, mà chóp đỉnh là việc Ngài ban Con Một để chịu chết cho chúng ta.
Khi tiếp nhận trọn
vẹn huyền nhiệm cao cả của Tình Yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ hết bị quấy rầy bởi
những câu hỏi vụn vặt trong cuộc sống. Chúng ta biết Thiên Chúa còn yêu chúng
ta hơn chính chúng ta. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta còn là kẻ có tội. Ngài
yêu chúng ta như chúng ta là. Tình yêu của Ngài tác tạo và tái tạo chúng ta
trong Chúa Kitô.
Không thể suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa như suy nghĩ về tình yêu của
con người. chỉ có thể nhìn vào hành động của Ngài trong lịch sử cứu độ và đáp
trả với tâm tình cảm tạ và tiếng nói "xin
vâng".
Sự phân biệt cần để khỏi đồng hóa
Thiên Chúa với con người và phê phán Thiện Chúa theo kiểu con người. Nhưng nếu
tuyệt đối hóa sự phân biệt, chúng ta có thể xa rời Kinh Thánh, vì theo như Kinh
Thánh, chính Thiên Chúa cũng say mê, theo đuổi và dụ dỗ con người. Dĩ nhiên, đó
chỉ là những hình ảnh nhân cách hóa, nhưng chúng cũng nói lên một khía cạnh
sống động và thực tiễn của tình yêu Thiên Chúa.
Khi tin tưởng rằng sự
thiện tuyệt đối là Thiên Chúa, và tình yêu tuyệt đối cũng là Thiên Chúa, chúng
ta sẽ “chủ vị hóa” những thực tại cao quý nhất của đời người. Sự thiện, giá
trị, tình yêu… không phải là những ý tưởng trừu tượng, nhưng nhập thể trong chủ vị con người mà không đồng hóa với con
người, thuộc về hữu thể con người mà không chấm dứt nơi con người, nhưng mời
gọi con người đi tìm nguồn suối cũng là chủ nhân đích thực[2].
3. Thiên
Chúa là vẻ đẹp tuyệt đối
Khi cảm nghiệm được
Thiên Chúa, con người sẽ thấy Thiên Chúa hấp dẫn lạ thường. Vẻ kiều diễm của
Thiên Chúa sẽ làm cho con người say sưa ngây ngất; so với tác dụng của các vẻ
đẹp thiên nhiên và nghệ thuật, tác dụng của vẻ đẹp của Thiên Chúa còn mạnh mẽ
và bền bỉ hơn gấp muôn ngàn lần.
Sách Khôn ngoan, sau
khi mô tả các vẻ đẹp của tạo vật, đã kết luận rằng Thiên Chúa còn đẹp hơn gấp
mấy, vì Ngài là tị tổ cái đẹp đã dựng nên chúng (Kn 13,3).
Thiên Chúa là vẻ đẹp
hữu thể, vẻ đẹp tự tại, là cái đẹp hiện thân. Nói theo kiểu Pseudo - Denys,
Ngài chứa đựng mọi vẻ đẹp, đồng thời vượt trên mọi vẻ đẹp, Ngài là mùa xuân bất
diệt và luôn luôn tươi trẻ. Vẻ đẹp của Ngài không chớm nở cũng không phai tàn,
không tăng và không giảm. Ngài đẹp tòan diện, không thay đổi tùy theo khía cạnh
hay góc nhìn.
Vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa thông
ban cho tạo vật muôn vàn hồng ân là những nét duyên dáng tươi xinh, phù hợp với
mỗi lòai.
Vẻ kiều diễm của Thiên
Chúa không phải là một vẻ đẹp lý tưởng hay trừu tượng. Kinh Thánh mô tả vẻ huy
hoàng của Ngài bằng những hình ảnh sống động: "Ngài mặc oai phong lẫm
liệt, Ngài choàng long bào sự sáng” (Tv 104,1-2…).
Vẻ đẹp của Thiên Chúa
là “vinh quang”, uy vũ, sức hùng của
Ngài, khi Ngài xuất hiện. Ngài cư ngụ cõi ánh sáng vô biên và xuất hiện trong
ánh sáng chói lòa. Không có tạo vật nào sánh được với Ngài.
Kinh thánh còn mô tả
những cuộc thần hiển uy nghi của Gia-vê Thiên Chúa trên núi Xinai, trong Đền
thờ. Và ngoài ra, Kinh thánh cũng chứa đầy những hình ảnh sống động và biểu
tượng huyền bí.
Khi nhìn vào thần học
của phúc âm Gioan, chúng ta càng xác tín hơn rằng chủ trương đối lập văn hóa Hy
lạp và văn minh Do thái là một chủ trương quá khích và không có căn bản vững
chắc. Theo Gioan, Lời đã làm người và trở thành "xác thể", do
đó không những chúng ta nghe được, mà chúng ta còn thấy được và chiêm ngắm vinh
quang của Ngài. Thánh Phaolô cũng khẳng định rằng hạnh phúc là được nhìn thấy
Thiên Chúa diện đối diện[3].
1. Chúa Cha là nguồn suối tình yêu
Thiên Chúa là
tình yêu, là nguồn suối mọi tình yêu. Thánh Gioan dùng những cách nói rất cụ
thể để diễn tả Thiên Chúa là nguồn suối tình yêu: “Lòng mến phát xuất từ Thiên
Chúa; ai yêu mến thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa; ai không yêu mến
thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 7-8).
Thánh Gioan
nhấn mạnh nhiều hơn đến lịch sử cứu độ, cũng là lịch sử mạc khải tình yêu Thiên
Chúa, mà trọng tâm là việc “Thiên Chúa sai Con Một Người đến trần gian, để nhờ
Con Một của Người mà chúng ta được sống, làm của lễ đền tội cho chúng ta, làm
Đấng cứu độ thế gian” (1Ga 9-14).
Nhìn vào nguồn
gốc lịch sử cứu độ, Thiên Chúa tự bản chất là yêu thương và là nguồn gốc của
mọi tình yêu. Và đó là nền tảng của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa ở đây chắc chắn
phải hiểu là Chúa Cha.
Các giáo phụ
và huấn quyền còn nói rõ hơn, khi trình bày mầu nhiệm tình yêu nơi Thiên Chúa:
Chúa Cha là tình yêu khởi nguồn, tình yêu sinh hạ và là lòng mến phong nhiêu.
Để phân biệt Chúa Cha với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cũng tự bản chất là tình
yêu, các giáo phụ và huấn quyền dùng những từ ngữ nhấn mạnh đặc biệt tư cách
nguồn gốc tuyệt đối của Thiên Chúa Cha: Cha là khởi nguyên không có khởi
nguyên, Chúa Cha là nguồn khởi nguồn, Chúa Cha là nguồn mạch. Như vậy, dựa trên
mạc khải huấn quyền còn lập đi lập lại Chúa Cha là nguồn suối thần tính, là
nguồn sinh. Và cũng chính đặc tính ấy nên có sự phân biệt với Chúa Con và Chúa
Thánh Thần.
2. Chúa Con đón nhận sự sống từ Chúa Cha
Sự sống của Chúa Con là sự sống của Chúa
Cha, sự sống đón nhận từ Cha là sự sống bởi sự sống và sự sống được sinh ra. Sự
sống của Chúa Con là đón nhận Chúa Cha. Đối với Chúa Con, yêu thương là không
ngừng đón nhận Cha, đón nhận Cha cách trọn vẹn. Chính sự đón nhận này làm nên
cuộc sống của Chúa Con, là niềm vui và hạnh phúc của Chúa Con.
Thánh Gioan đã đưa ra những đặc điểm của
Chúa Con là đón nhận, Chúa con đón nhận tình yêu và sự sống từ nơi Cha, đón
nhận tư tưởng và ý muốn của Cha, đón nhận giáo lý và Lời của Cha, công việc và
chương trình của Cha. Chúa Con không có gì cả, tất cả là của Cha. Nhưng tất cả
những gì của Cha là của Con, vì Cha đã ban cho Con mọi sự trong tay. Như thế,
cuộc sống của Chúa Con như luôn qui hướng về Cha để lãnh nhận sự sống.
Nhờ lãnh nhận tất cả từ nơi Chúa Cha, nên
Chúa Con sẵn sàng dâng hiến trở lại cho Chúa Cha. Sự dâng hiến là biểu hiện sâu
xa của tình yêu. Chúa Con không ngừng dâng hiến sự sống mình cho Chúa Cha. Đối
với Chúa Giê-su, dâng hiến mạng sống mình cho Thiên Chúa cũng là trao ban sự
sống mình cho nhân loại: Người sẵn sàng trở thành hồng ân trong tay Thiên Chúa.
3. Chúa Thần làm cho Chúa Cha thuộc về Chúa Con và Chúa Con thuộc về Chúa
Cha
Chúa Thánh
Thần làm gắn chặt Chúa Cha và Chúa Con với nhau và tạo thành sự duy nhất bất
khả phân, mà không một mãnh lực nào có thể tách rời Chúa Cha và Chúa Con. Sự hiện
hữu của Chúa Thánh Thần là do Chúa Cha và Chúa Con vì Chúa Thánh Thần là sức
mạnh tình yêu của Cha và Con. Sức mạnh tình yêu ấy bởi Cha và Con, nối kết Cha
và Con, và tuỳ thuộc vào Cha và Con.
Trên bình diện
lịch sử, Chúa Thánh Thần tuỳ thuộc vào Chúa Giê-su như Chúa Giê-su tuỳ thuộc
vào Chúa Cha. Công việc của Chúa Thánh Thần là gắn bó chúng ta với Chúa Giê-su,
như Người đã gắn bó Chúa Giê-su với Chúa Cha mà thánh Gioan đã diễn tả: “Người
(Chúa Thánh Thần) sẽ làm chứng cho Ta (Chúa Giê-su)” (Ga 15,26) và “Người sẽ
làm cho Ta được vinh hiển, sẽ lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi” (Ga
16,14).
V. Thiên Chúa duy
nhất nhưng không đơn độc
Thiên Chúa
trao cho con người mầu nhiệm về tính duy nhất của Ngài, là sự bền vững thực sự
của chủ thể vô hình và cụ thể, trái ngược mọi chư thần: đối tượng hữu hình và
trừu tượng; cũng trái ngược tính cô đơn của con người, cái cô đơn vì yêu mình
quá đáng, cái cô đơn vừa đa phức vừa đối nghịch với những người khác, cái cô
đơn bỡ ngỡ và câm nín của con người trước thế giới. Thiên Chúa duy nhất không
cô đơn, vì Ngài tồn tại vì con người và con người tồn tại vì Ngài. Tính duy
nhất không cô đơn của Thiên Chúa là mầu nhiệm thứ nhất của thiên tính, theo
hình ảnh này tất cả chúng ta cũng là những chủ thể tự do mà không cô đơn.
Thiên Chúa
trao cho con người mầu nhiệm về tính Ba Ngôi của Ngài, là sự bền vững thật sự
của một đồng minh tích cực và chuyển hoá, trái ngược với mọi kẻ tuyệt đối có
thể có, tức là những điểm danh dự bất biến của một thế giới được kẻ tuyệt đối
ấy viếng thăm; cũng trái ngược với điều tuyệt đối của tương đối, được tự mình
đặt làm thần tượng cuối cùng của tính không có thần của con người. Thiên Chúa
Ba Ngôi vẫn muôn đời là tình yêu tác động chính nơi Ngài và cho ta, trước khi
thế giới được sáng tạo, trước khi có tội lỗi và độc lập với tội lỗi nơi con
người, trước khi mở ngoặc và đóng ngoặc cái điều ác và đau khổ. Tính Ba Ngôi
tác động ở nơi Thiên Chúa là mầu nhiệm thứ hai của thần tính Ngài, theo hình
ảnh đó tất cả chúng ta cũng là đối tác của một tình yêu khó khăn nhưng chiến
thắng[5].
Kết luận
Khi suy tư và
chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta chỉ biết được những gì về
Chúa Ba Ngôi nhờ mạc khải của Thiên Chúa, chứ chúng ta không thể dùng lý trí để
khám phá hết những gì bí ẩn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi Thiên Chúa siêu việt
vượt lên trên sự suy biết của lý trí con người. Do đó, chúng ta chỉ dùng đức
tin để chấp nhận và nhờ ơn Chúa để đón nhận mầu nhiệm này.
Tuy nhiên,
Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi để chúng ta dễ dàng cầu nguyện và đến với
Người hơn. Chẳng hạn, nếu cầu nguyện với Thiên Chúa cách chung chung, không
phân biệt, chúng ta sẽ đánh mất vị trí trung gian tối cần thiết của Đức Giê-su
và sẽ tạo ra mối nguy là không tin đủ vào Đấng Trung gian trong đời sống tôn
giáo. Khi xác tín chúng ta là con của Chúa Cha, Cha của Đức Giê-su Kitô, Ngôi
Thứ Nhất, chúng ta dễ dàng vượt thắng cảm dỗ hiểu việc làm con Thiên Chúa của
chúng ta chỉ thuần tuý là đạo đức hay tự nhiên. Như thế, cấu trúc Ba Ngôi sẽ
nổi bật trong đời sống tôn giáo, chúng ta sẽ có ý niệm rõ hơn về vai trò trung
gian của Đức Kitô và ý thức nhiều hơn về khuôn mặt của Thiên Chúa là Cha và sự
hiện diện không thể thiếu của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.
[1]
Tham khảo Gm. Bùi Văn Đọc, Mầu Nhiệm Thiên Chúa , tr 100 – 109.
[2]
Tham Khảo Gm. Bùi Văn Đọc, Mầu Nhiệm Thiên Chúa , tr 107-110.
[3]
Tham khảo Gm. Bùi Văn Đọc, Mầu Nhiệm Thiên Chúa , tr 112-115.
[4]
Tham khảo, Gm. Bui Văn Đọc, Suy Niệm Thần Học và Tu Đức về Mầu Nhiệm Ba Ngôi.
[5]
Tham khảo Bernard Lauret và Francois Refoulé, do Lm. Gioakim Nguyễn Đức Việt –
Châu, S.S.S và Ban Dịch Thuật Dân Chúa Chuyển Ngữ, Đường Vào Thần Học, Thần Học
Tín Lý Tập III, tr 615-616.