Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo CN 29 TN (Mt 28,16-20)


1.      Cuộc sống hiện tại
Thế kỷ 21 được mệnh danh là thế kỷ của truyền thông, thế kỷ của công nghệ thông tin. Sự phát triển đó làm cho nhân loại ca tụng những thành công của con người hơn là nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự bùng nổ của toàn cầu hóa và hiện đại hóa làm cho con người kết nối cách dễ dàng, trao đổi mua bán hay đi lại không còn là vấn đề lớn, cuộc sống con người đã được đáp ứng hầu như đầy đủ, điều đó đã làm cho họ không còn nghĩ đến cuộc sống tâm linh. Chính trong cuộc sống của người Công giáo chúng ta đã cho thấy điều đó. Cách đây khoảng 15-20 năm về trước, đức tin sống đạo của người Công giáo thể hiện khác hẵn so với thời đại hôm nay. Việc đi lễ, đọc kinh hay các việc lành phúc đức thời xưa rất là sốt sắng đông đúc, ngược lại thời nay rất thờ ơ và sao lãng. Giới trẻ thời xưa rất tích cực tham gia sinh hoạt và tham dự các bí tích, ngược lại thời nay rất thưa thớt, hời hợt, thậm chí không muốn nói là bỏ bê. Cuộc sống hiện tại đã bị chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất và lòng tham - sân - si như một ma lực đã lôi cuốn con người ngày ngày quay cuồng trong vòng vây hưởng thụ để đáp ứng cho thể xác, mà quyên đi rằng con người còn có đời sống tâm linh nữa. Vì thế, Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy để ý và thấy được giá trị đó.
2.      Lời mời gọi của Tin Mừng
Hơn hai ngàn năm đã qua đi, nhưng mệnh lệnh truyền giáo của Chúa dường như vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu và thậm chí rất xa lạ đối với chúng ta. Giữa lý tưởng truyền giáo và đời sống thực tế vẫn còn có một khoảng cách rất xa. Hơn nữa, đối với người Công giáo VN, hai chữ truyền giáo có lẽ chỉ được gắn cho các đức giám mục, linh mục và các tu sĩ mà thôi. Nhưng thực tế, lời mời gọi: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20) trong Tin Mừng ngày hôm nay là dành cho tất cả mọi người chúng ta, cho những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều có bổn phận rao giảng Lời Chúa và làm cho Tin Mừng được thấm nhập vào mọi văn hóa của địa phương cũng như mọi sinh hoạt xã hội mà mình đang sống. Vì thế, trong ngày Khánh nhật Truyền giáo hôm nay, Giáo hội là mẹ chúng ta, vâng theo lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô muốn gửi đến con cái mình một sứ điệp khẩn thiết về sứ mạng cao cả này.
3.      Ý nghĩa của lời mời gọi
Tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô, ngoài việc tôn thờ Thiên Chúa bằng cách cử hành phụng vụ, cử hành các bí tích cũng như các việc lành phúc đức, Giáo hội còn có sứ vụ là truyền giáo, nghĩa là làm cho mọi người biết đến Tin Mừng Cứu độ của Chúa Giêsu. Giáo hội được Chúa Giêsu thiết lập và quan phòng không chỉ vì Giáo hội là Dân Thiên Chúa, nhưng còn vì thế giới và nhân loại nữa. Giáo hội hiện diện là vì con người, với con người và cho con người. Do đó, mệnh lệnh truyền giáo không chỉ là một nghĩa vụ, nhưng còn là bản chất, là căn tính của Giáo hội. Công đồng Vatiacan II, trong Hiến chế tín lý về Giáo hội đã khẳng định: Giáo hội là Dân Thiên Chúa. Như thế, Giáo hội là toàn thể mọi người Kitô hữu chúng ta. Vì vậy, lời mời gọi khẩn thiết này dành cho mọi thành phần Dân Chúa là hãy làm cho mọi người trở nên môn đệ của Chúa Kitô. Vì thế, trong Giáo hội và cùng với Giáo hội, mọi Kitô hữu cũng như mọi gia đình Kitô hữu đều có trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm gieo rắc Tin Mừng của Chúa, chúng ta hãy dùng mọi cách, mọi hoàn cảnh để Tin Mừng thấm nhuần môi trường và hoàn cảnh mà chúng ta đang sống.
4.      Thi hành lời mời gọi của Đức Giêsu
Trước tiên chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì chúng ta được làm con cái Chúa, được Chúa giao cho nhiệm vụ cao quí là loan báo Tin Mừng Cứu độ cho muôn dân. Nhưng làm sao để rao giảng? Rao giảng bằng cách nào? Chuyện kể rằng:
Một số Kitô hữu tham dự trại hè quốc tế.  Một trong những chủ đề đưa ra bàn thảo tại trại hè là tranh luận và thăm dò những cách truyền bá tin mừng mới. Cuộc tranh luận kéo dài với nhiều ý kiến khác nhau gồm cả ý kiến dùng truyền thanh, truyền hình báo chí để phổ biến tin mừng.  Cuối cùng có một bé gái Phi Châu đứng dậy phát biểu: Ở nước tôi, khi muốn truyền bá tin mừng cho một làng ngoại đạo, người ta không gửi sách đạo hoặc các nhà truyền giáo mà người ta gửi một gia đình Kitô Hữu tốt sống giữa họ vì gương sáng của gia đình đó là lời rao giảng hùng hồn về tin mừng hơn tất cả những cuốn sách trên thế giới.
Khi muốn giúp ai điều gì, hoặc cho ai cái gì thì trước tiên mình cần có khả năng và cần có điều đó. Chứ không ai giúp người khác điều mình không có khă năng, cho ai cái mình không có. Rao giảng Tin Mừng của Chúa cũng thế, mình phải tin điều mình rao giảng, và rao giảng điều mình sống, mình trao ban tình yêu vì mình đã sống và cảm nhận được tình yêu đó. Và mình phải hãnh diện về đức tin của mình. Có nhiều cách để rao giảng Tin Mừng, đồng thời việc rao giảng Tin Mừng có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Là một gia đình Công giáo thì rao giảng bằng việc thực hiện giới răn mến Chúa yêu người ngay trong gia đình, trong lối xom. Người ta nhận thấy tại sao gia đình ông bà B sống hòa thuận yêu thương, biết tha thứ và sống quảng đại với nhau, dạy dỗ con cái nên người vì ông bà B là người Công giáo. Là một công nhân viên, là một thầy cô giáo, hay một người buôn bán ngoài chợ mình sống trung thành, liêm chính, không gian dối, không hối lộ, biết giúp đỡ và sống yêu thương vì mình là người Kitô hữu.  
Thực vậy, có nhiều cách để truyền giáo, ngoài việc chuyên cần cầu nguyện, sốt sắng tham dự thánh lễ thì cách tốt nhất và hiệu quả nhất là sống biết tôn trọng nhau, biết chia sẻ, biết quan tâm đến người nghèo, người đau ốm bệnh tật, những người bị xã hội bỏ rời, vì đó là những việc làm mà Đức Giêsu đã sống cách đây hơn 2000 qua. Thực tế, trong cuộc sống người ta không muốn nghe chúng ta nói, nhưng họ chỉ muốn thấy và cảm nhận qua những việc chúng ta làm, chúng ta sống. Do đó, nếu chúng ta không sống đúng danh nghĩa người Kitô, nếu chúng ta không sống đạo đàng hoàng, thì làm sao chúng ta có thể truyền giáo, làm sao chúng ta có thể gây ảnh hưởng tốt cho người khác được? Bởi vậy, đời sống của người Kitô phải thấm nhuần Tin Mừng và thể hiện Tin Mừng thật sự trong đời sống của mình thì mới có khả năng thuyết phục người khác, và từ đó họ mới thấy được Tin Mừng Cứu độ của Đức Giêsu.
5.      Li nguyện
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: Thế giới hôm nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy! Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn cho mỗi người chúng ta ý thức và dám hy sinh để tận dụng mọi cơ hội, mọi hoàn cảnh mà làm cho Danh Chúa được thể hiện hầu cho mọi người nhìn thấy tình yêu cứu độ của Chúa. Amen.