ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ


Trong ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư. Cha mẹ là những đấng sinh thành nên chúng ta, nên các ngài biết được tính nết, sở thích hoặc thói quen của con cái mình. Vì vậy, những lời cha mẹ dạy bảo, hướng dẫn cho con cái là điều hay điều đẹp để mong sao con mình ngày cành khôn lớn và thành người hơn. Vì thế, tục ngữ lại có câu: Con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha. Đối với Thiên Chúa, thì hình hài, tạng phủ chúng ta Ngài đều thấu suốt. Do vậy, Ngài thấu suốt tâm can từng con người, và biết được con cái của Ngài ngày đêm đang mong đợi điều gì, đang khát khao tìm kiếm điều gì. Do đó, hôm nay Đức Giêsu đã chỉ dẫn cho các môn đệ của Ngài, cũng như anh em chúng ta cách thức để trở nên người con tốt, người anh em tốt trong vương quốc của Ngài.
Nhân dịp Đức Maria và các chị em của Đức Giêsu đến thăm Ngài, các môn đệ vội vàng đến báo cho ĐGS. Nhưng Ngài lại nói: Ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi? Những ai nghe lời tôi và đem ra thực hành, đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi.
Đức GS nói như thế không có nghĩa là Ngài lãnh đạm với thân mẫu của Ngài, cũng chẳng phải coi nhẹ mối giây liên hệ gia đình tự nhiên, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh đến sứ mạng thi hành thánh ý của Thiên Chúa để trở nên những anh chị em tốt trong Nước Trời. Đồng thời, Ngài cũng muốn xây dựng một gia đình thiêng liêng ngay ở trần gian. Và gia đình đó, những người đầu tiên chính là Đức Maria và các môn đệ của Ngài. Có thể nói rằng, chính Đức Maria là người đầu tiên lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ kính nhớ việc Đức Mẹ Dâng Mình trong đền thờ. Nhìn lại trong Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy chỗ nào nói rõ về việc Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng, suốt cuộc đời, Đức Mẹ đã dâng mình cho Thiên Chúa. Việc xác định Đức Mẹ dâng mình không chỉ qua việc cử hành thánh lễ hằng năm, nhưng còn thấy được qua cuộc sống của Mẹ.
Vì Mẹ đã dâng môi miệng của Mẹ, để rồi miệng Mẹ thốt lên lời xin vâng. Lời xin vâng đó đã mở ra cho nhân loại một niềm hy vọng tràn đầy ân sủng, đó là Ngôi Hai xuống thế làm người và ở cùng nhân loại. Mẹ đã dâng tấm lòng của Mẹ, để rồi Mẹ không chỉ suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng, mà còn để Ngôi Lời được ngự trong cung lòng của Mẹ. Mẹ đã dâng đôi tay của Mẹ, để rồi khi sinh hạ Hài Nhi, Mẹ dùng đôi tay để nâng niu và lấy tả mà bọc Hài nhi trong đêm đông giá lạnh. Mẹ đã dâng đôi chân của Mẹ, để rồi cùng với Giuse đưa Hài Nhi trốn chạy sang Aicập. Mẹ dâng đôi mắt của Mẹ, để dùng đôi mắt chiêm ngắm cảnh con mình phải chịu biết bao nhục hình, rồi chết trên thập giá. Như thế, toàn thân của Mẹ đã dâng cho Thiên Chúa và suốt đời hy sinh phục vụ Thiên Chúa.
Như thế, việc Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa là một điều hiển nhiên, và là người dâng mình tiên phong trong nhân loại. Hành trình cuộc sống của Mẹ đã thuộc trọn về Chúa qua việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa.
Mẹ là người đầu tiên trong nhân loại dâng mình cho Thiên Chúa nên Mẹ thấy giá trị và ân phúc lớn lao của việc dâng mình. Do đó, Đức Mẹ có một vai trò rất lớn trong đời dâng hiến của anh em chúng ta. Anh em chúng ta đang sống cuộc đời dâng hiến, thiết nghĩ rằng chúng ta hãy khám phá hồng ân hiến dâng của chúng ta từng ngày. Đời dâng hiến không chỉ dừng lại ở việc bố mẹ dâng con cho Đức Mẹ, cũng không dừng lại nơi những lần chúng ta tuyên khấn. Nhưng đời sống ơn gọi theo Chúa cần được dâng hiến trong từng giây, từng phút, trong từng lời nói và trong từng việc làm.
Chính Đức Mẹ là mẫu gương của đời dâng hiến. Cả cuộc đời, trong từng biến cố, trong những lúc vui buồn Mẹ đã hiến dâng cho Thiên Chúa. Vì Mẹ đã xin vâng và để cho Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài. Cuộc đời dâng hiến của Mẹ đã nói lên được rằng, Mẹ không chỉ là Mẹ của Đức Giêsu Kito về mặt nhân tính, mà còn là Mẹ về mặt Thiên Tính, cho nên Mẹ đã xứng đáng lãnh nhận danh hiệu Theotokos (Mẹ Thiên Chúa). Vì thế, Mẹ trở nên món quà tốt đẹp và giá trị để dâng cho Thiên Chúa. 
Nhân ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ Dâng Mình trong đền thờ, mỗi người chúng ta nên nhìn nhận lại, suy xét xem đời dâng hiến của chúng ta đã thực sự trở nên của lễ tốt đẹp cho Thiên Chúa chưa? Nếu chưa, chúng ta hãy xin Mẹ hướng dẫn và gìn giữ chúng ta, đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta đưa ra quyết tâm mới hầu sống xứng đáng là của lễ đẹp trước mặt Thiên Chúa. Amen.

Phát hiện bức tượng có nguồn gốc từ vũ trụ


Một bức tượng mà chính quyền Đức Quốc xã lấy từ Tây Tạng trong thập niên 30 của thế kỷ trước được tạc từ khối thiên thạch bên ngoài trái đất.
Vào năm 1938, chính quyền phát xít Đức cử Ernst Schafer, một nhà nghiên cứu động vật và dân tộc, tới vùng Tây Tạng để tìm kiếm nguồn gốc của người “thuần chủng” Aryan. Hồi đó Adolf Hitler, trùm phát xít Đức, tin rằng người Aryan có huyết thống cao quý nhất, có sức khỏe sung mãn và trí tuệ siêu việt nên sẽ có khả năng thống trị thế giới. Khi trở về Đức vào năm 1939, Schafer mang theo một bức tượng.
Được tạc từ khoảng thế kỷ 8 tới thế kỷ 10, bức tượng có hình dạng giống một người đàn ông ở tư thế ngồi khoanh chân và tay trái cầm một thứ gì đó. Biểu tượng thập ngoặc (chữ Vạn hay swastika) nằm ở trên ngực của nó. Sau khi chế độ của Hitler sụp đổ, bức tượng lọt vào tay một nhà sưu tầm, Livescience đưa tin.
Elmar Bucher, một nhà khoa học của Đại học Stuttgart tại Đức, cùng các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu bức tượng từ năm 2007. Họ gọi nó là "Người Sắt".
Họ phát hiện bức tượng được tạc từ thiên thạch ataxite – một loại vật chất hiếm trong vũ trụ. Thiên thạch ataxite có hàm lượng nickel lớn. Hoba, tên của thiên thạch lớn nhất mà con người từng phát hiện, có khối lượng hơn 60 tấn. Nó rơi xuống Namibia.

Kết quả phân tích hóa học cho thấy thành phần hóa học trong bức tượng khá giống những mẩu đá trong bãi thiên thạch Chinga ở khu vực giữa vùng Siberia của Nga và Mông Cổ. Các nhà khoa học thống kê được ít nhất 250 thiên thạch trong bãi Chinga. Phần lớn chúng có kích thước tương đối nhỏ và rơi xuống địa cầu từ 10.000 tới 20.000 năm trước. Hai viên đá to nhất trong bãi có khối lượng chừng 10 kg.
“Người ta phát hiện bãi thiên thạch Chinga từ năm 1913, song sự tồn tại của bức tượng Phật cho thấy các nghệ nhân xưa đã tới đây và lấy đá để tạc tượng từ trước đó rất lâu”, Buchner nhận định.
Nhóm nghiên cứu cũng đoán rằng “Người Sắt” là Vaisravana (hay Jambhala), vị thần của cải trong tín ngưỡng Phật giáo. Người xưa mô tả rằng thần Vaisravana thường cầm một quả chanh (biểu tượng của sự giàu có) hoặc túi tiền. Chữ Vạn trên ngực bức tượng gần giống biểu tượng thập ngoặc của Đức Quốc xã dưới thời Hitler.
“Chúng ta có thể suy đoán rằng biểu tượng hình chữ Vạn trên bức tượng là niềm cảm hứng để người Đức đem nó về nước”, nhóm nghiên cứu phát biểu trên tạp chí Meteoritics & Planetary Science.
Minh Long (Theo http://vnexpress.net)

Lời cảnh báo đáng suy tư: Tâm sự của một cựu Linh Mục


Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.
Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.
Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.
Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì ? ”.
Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.
Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.
Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.
Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” :
Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.
Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.



Lời bàn: Những lời cảnh báo này thật đáng suy nghĩ. Bao nhiêu lần tôi đi dự lễ ngày Chúa Nhật mà chỉ mong cha làm cho nhanh nhanh để tôi về còn lo làm chuyện khác. Tôi có chuyện gì đáng lo hơn là phần rỗi linh hồn của tôi.
Tôi có một công việc rồi, còn muốn kiếm thêm một công việc nữa đến nỗi không còn có giờ cầu nguyện nữa. Sống như điên, cày như điên như thế có phải là cuộc sống được chúc phúc không.

Đặng Tự Do 11/1/2012
nguon: http://vietcatholic.org/News/Html/100870.htm

CÁC THÁNH NAM NỮ CỦA CHÚA

Hôm nay Hội thánh là mẹ chúng ta hoan hỉ vui mừng các người con của mình đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến ở trần gian và nay đã được vinh hiển trên thiên đàng. Hội Thánh dành một ngày trọng đại này để mừng tất cả các thánh nam và nữ, xưa và nay, nổi tiếng và âm thầm. Các thánh nổi tiếng có rất nhiều. Các thánh âm thầm, không tên tuổi (vô danh) còn nhiều hơn. Tất cả các ngài đang ở trong hạnh phúc và vinh quang vĩnh cửu với Thiên Chúa. Các ngài đã đi trên con đường mang tên các mối phúc và nay Nước Trời đã hoàn toàn thuộc về các ngài. Nước Trời ấy vốn đã có mặt và đang được xây dựng ngay trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Vậy, các thánh là ai? Các ngài đã làm gì? Và mỗi người chúng ta nên thánh bằng cách nào?
1.      Các thánh là ai ?
Thánh Gioan tông đồ đã cho chúng ta thấy cuộc sống của các thánh rằng: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế”(Kh 7.9). Họ là những người đã được ơn nghĩa của Thiên Chúa, gồm đủ mọi dân nước trên thế giới, đủ mọi hạng người già trẻ lớn bé, mầu da, sang hèn, trong đó có cả những người thân yêu trong gia đình, trong họ hàng chúng ta. Các ngài cũng có thể là những người xưa kia đã sống như chúng ta ngày hôm nay. Họ có thể là những kỹ sư, bác sỹ, là những người đang cắp sách đến trường hay đang gập lưng trên mặt ruộng, là những người chạy xe ôm hay đang bán hàng rong, đang làm phụ hồ ở công trường hay đang bốc xếp ngoài bến cảng. Tóm lại, ở những nơi ta không ngờ nhất thì lại có rất nhiều thánh đang có mặt. Cuộc sống của các ngài luôn làm chứng và làm vinh danh Thiên Chúa.
2.      Các thánh đã làm gì ?
Các thánh không phải là những con người hoàn hảo, toàn thiện, không vướng mắc lầm lỗi, thiếu sót hay tật xấu nào. Các ngài cũng không phải là những siêu nhân, nhưng các ngài chỉ là những con người bình thường như mọi người, nhưng nhờ ơn Chúa trợ lực, các ngài cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Đức Kitô, mỗi người sống làm vinh danh Chúa theo những điều kiện và hoàn cảnh riêng của mình. Các ngài đã trải qua những cuộc chiến đấu nội tâm trường kỳ, những bước đi đầy cam go và thử thách. Các ngài có những thành công rực rỡ, nhưng cũng có những thất bại ê chề. Các thánh đã cố gắng sống tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Cuối cùng các ngài đã đạt tới đích là nhờ cố gắng liên lỉ và đã biết hợp tác với ơn Chúa một cách kiên cường. Các thánh là những người đã trung thành tuân giữ và bước theo con đường Hiến Chương Nước Trời là tám mối phúc thật mà bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến. Đồng thời, các ngài cũng là những người khi còn sống ở trần thế đã sống lời mời gọi của Đức Giêsu cách triệt để, đó là: sống khó nghèo, sống hiền hòa với mọi người, biết thương người, có lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa và sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin hoặc vì lẽ công chính. Do đó, ngày nay trên thiên quốc, các ngài xứng đáng là những công dân Nước Trời, được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban là sống trong vinh quang của Thiên Chúa. Do đó, là người Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi trở nên như các ngài.
3.      Chúng ta nên thánh bằng cách nào?
Nên thánh là việc rất dễ nhưng cũng rất khó, vì nó đòi hỏi chúng ta phải cố gắng liên tục, giống như con thuyền lội ngược dòng nước, buông tay chèo thì con thuyền sẽ lui. Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ trên dòng đời, các ngài có một ước muốn mãnh liệt và một ý chí cao. Ngạn ngữ có câu: muốn là được. Do đó, trong việc nên thánh cũng thế, với ơn Chúa giúp nếu chúng ta muốn là chúng ta có thể nên thánh. Chúng ta phải ước muốn mãnh liệt chứ không phải chỉ là mơ ước. Muốn nghĩa là phải tiến tới hành động, mà hành động thì phải thành công mới thôi. Thánh Phanxicô de Salê nghe tin phong thánh cho Phanxicô Xaviê, liền nói:”Đó là thánh Phanxicô thứ ba, tôi sẽ là Phanxicô thứ bốn”. Quả vậy, bây giờ trong danh sách các hiển thánh, ngài là thánh Phanxicô thứ bốn.
Muốn nên thánh thì phải thắng chính con người mình, phải làm chủ được nó, bắt nó phải theo một kỷ luật và hướng nó vào một mục đích cao đẹp. Như vậy, muốn nên thánh là phải làm chủ được mình. Muốn làm chủ được mình là phải thắng bản thân mình với tất cả những khuyết điểm, những thiếu sót của nó. Nên thánh thì phải biết những nết xấu để sửa, biết những cái hay, cái tốt để tập luyện và phấn đấu. Thánh Phaolô thúc giục tín hữu Êphêsô nên thánh bằng cách làm một cuộc cách mạng bản thân. Ngài nói: “Anh em hãy lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới. Hãy để Thánh Thần Thiên Chúa canh tân đến tận tâm linh của anh em”(Ep 4,22-24). Theo ý thánh Phaolô, chúng ta cần lột bỏ con người cũ tội lỗi mang đầy những tính hư nết xấu đang chi phối chúng ta, làm cản bước tiến của ta, bắt ta làm nô lệ chúng, để chúng ta có thể tiến tới con người mới thánh thiện hơn.
Xưa kia các thánh cũng sống dưới trần gian như chúng ta. Các ngài cũng gặp thử thách, bị bách hại, sống vất vả thiếu thốn, nhưng các ngài đã sống một lòng son sắt trước mặt Chúa. Con đường mà các thánh đã đi và đã tới, đó là con đường Tám Mối Phúc, con đường của thập giá, con đường yêu thương đến cùng mà chính Chúa Giêsu là người tiên phong. Chúng ta nhìn lại xem con đường mình đang đi có phải là con đường thập giá và yêu thương không? Hay con đường chúng ta đang đi là con đường tự do vô kỷ luật của thể xác, con đường thiếu sự nghèo khó và yêu thương? Bởi thế, chúng ta chỉ mừng các thánh thực sự khi chúng ta lấy con đường của các thánh đã sống làm con đường của đời mình.
Chúng ta hãy mừng lễ các Thánh Nam nữ với lòng hân hoan vui sướng, vì chúng ta tin rằng các ngài luôn sống bên Chúa và hằng cầu bầu cho chúng ta. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ và củng cố đức tin cho chúng ta, để chúng ta luôn can đảm bước đi trên con đường ĐG đã đi. Xin các thánh cầu bầu cũng Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức và dám sống can đảm để làm chứng cho sự thật trong thế giới hôm nay. Amen.