Đời độc thân và chức Linh mục

John Flynn, LC

Tại sao các linh mục không thể kết hôn? Đó là một câu hỏi mà người ta thường đặt ra, và sự đòi buộc sống đời độc thân cũng bị đổ lỗi là một trong các nguyên nhân cho việc linh mục lạm dụng tình dục.

Một bản dịch mới, từ tiếng Ý qua tiếng Anh, được xuất bản mới đây đề cập đến chủ đề trên dưới dạng hỏi-đáp, với nhan đề “Linh Mục kết hôn không? Ba mươi câu hỏi quan trọng về sự độc thân" (nxb Ignatius). Sách được Arturo Cattaneo biên tập, với sự đóng góp của nhiều học giả khác nữa.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ, nhìn nhận: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một thách thức giáo dục lớn, trong việc giải thích giáo huấn của Giáo Hội về đời sống độc thân linh mục”.

Ngài so sánh tình trạng độc thân với hôn nhân: "Luận lý cơ bản của đời sống độc thân linh mục thì cũng giống như luận lý chúng ta gặp trong hôn nhân Kitô giáo: đó là hiến dâng mọi sự luôn mãi trong tình yêu”.

Từ khía cạnh lịch sử, cuốn sách ghi nhận rằng Chúa Kitô đã chọn đời sống độc thân cho bản thân Người, mặc dù đối với người Do Thái, bậc sống này bị xem là một sự sỉ nhục. Chúa Giêsu không là cha của con cái về thể lý, nhưng Người yêu thương các môn đệ như anh em, và chia sẻ một cuộc sống chung với các vị.

Cách thức giao tiếp sự sống của Chúa Giêsu là không phải thông qua sự sinh sản thể lý, nhưng là sinh sản tinh thần. Do đó, đời sống độc thân của những người theo Chúa Giêsu trong chức linh mục phải được hiểu trong viễn tượng của việc chuyển thông sự sống đời đời trong tinh thần.

Một trong các câu hỏi liên quan sự khẳng định rằng đời sống độc thân đã không trở thành bắt buộc cho đến thời Trung Cổ. Theo câu đáp, từ ban đầu đã có chứng cớ rõ ràng trong Kinh Thánh, cả trong Tin Mừng lẫn các thư của Thánh Phaolô, về việc ủng hộ tình trạng độc thân như một dấu chỉ của chứng tá.

Trong khi đúng là trong các thế kỷ đầu các người nam kết hôn đã được truyền chức linh mục, và sau khi chịu chức rồi, họ tập thực hành sự tiết dục, và những người đang độc thân lúc được truyền chức hoặc đàn ông góa vợ sau khi truyền chức, không được phép kết hôn khi họ đã là linh mục.

Tất cả các thầy phó tế, linh mục và Giám mục, - câu đáp nói tiếp - phải kiêng khem hoạt động tình dục từ ngày được truyền chức. "Không nơi nào trong Giáo Hội có thể chứng minh rằng một giáo sĩ đã kết hôn có thể có con một cách hợp pháp sau ngày truyền chức".

Theo dòng thời gian, Giáo Hội nhận ra rằng sự tiết dục cho các giáo sĩ kết hôn là vấn đề liên quan đến bí tích hôn nhân và do đó, trong thời Trung Cổ, điều này đã dẫn đến quyết định đòi buộc các linh mục phải sống độc thân.

Ơn gọi

Tại sao không cho phép linh mục kết hôn để thu hút nhiều ơn gọi hơn? Theo cuốn sách, điều này là một trong các lập luận thường có nhất liên quan đến đời sống độc thân. Tuy nhiên, không có bằng chứng "rằng việc ít đòi buộc đối với các ứng viên linh mục dẫn đến số lượng gia tăng ứng viên nhiều hơn", - câu đáp cho biết.

"Kinh nghiệm chứng minh điều ngược lại: ơn gọi làm linh mục phát triển và gia tăng, khi sứ điệp Tin Mừng cơ bản được hoan nghênh một cách kiên định và không biện giải".

Một lời đáp khác nhìn nhận: Sự đòi hỏi tình trạng độc thân không phải là một tín điều, nhưng cũng không có nghĩa là một biện pháp kỷ luật thuần túy. Sống độc thân có nghĩa rằng linh mục nên giống như Chúa Kitô và sống như Chúa đã sống.

Chúa Giêsu tự xem mình như là "Tân lang" của cả cộng đoàn các tín hữu. Lời giải thích nhắc đến thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (5, 21-33), khi thư sử dụng hình ảnh của hôn nhân cho sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

Liệu đời sống độc thân là không tự nhiên chăng, và là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nơi các linh mục chăng? Trong lời đáp cho câu hỏi này, tác giả là Manfred Lutz, một bác sĩ y khoa ngành tâm thần học, giải thích rằng câu hỏi dựa trên một tiền đề sai lầm. Điều gì xảy ra cho tất cả những người không lập gia đình - tất cả họ đều là không tự nhiên chăng?

Bác sĩ Lutz nói tiếp, đời sống độc thân chỉ trở nên không tự nhiên, khi người độc thân sống trong tính ích kỷ cô độc hoặc sự ái kỷ quá đáng.

Đời sống thiêng liêng

Từ kinh nghiệm của mình như là một bác sĩ trị liệu, ông Lutz nói rằng các khủng hoảng nơi các giáo sĩ không đến từ cuộc sống độc thân, nhưng đúng hơn là từ sự khô cạn đời sống thiêng liêng.

Một câu hỏi tiếp theo cũng bàn về chủ đề của sự cân bằng tâm lý. Câu này được André-Marie Jerumanis, một linh mục bác sĩ, trả lời.

Cha giải thích rằng cuộc sống độc thân không có hại cho trạng thái cân bằng hoặc sự trưởng thành, nếu chúng ta nhìn nhận rằng nó là một sự lựa chọn tự do của một người trưởng thành tâm lý.

Con người không chỉ là một bó các bản năng. Con người còn có một trí thông minh, ý chí và sự lựa chọn tự do, vốn giúp chúng ta tự kiểm soát bản thân.

Cha Jerumanis giải thích: "Một con người càng trưởng thành về nhân bản và tinh thần hơn, người ấy càng thực thi sự tiết dục cách hoàn hảo hơn ở bình diện tâm lý, không có sự thất vọng nhưng có tự do hoàn toàn được thực thi trong việc tự kiểm soát bản thân, và trong sự sẵn sàng hoàn thành sứ mệnh cá nhân của mình",

Trong một câu hỏi khác, cha Jerumanis trả lời về lời cáo buộc rằng sự độc thân là một yếu tố nguyên nhân của việc lạm dụng tình dục. Cha khẳng định rằng thật là vội vàng khi đi đến một kết luận như thế, cũng giống như là quá vội vàng để kết luận rằng cuộc khủng hoảng hôn nhân là do sự đòi buộc rằng hôn nhân phải là bất khả phân ly.

Một cộng tác viên khác cho biết rằng không ai có thể đổ lỗi cho định chế hôn nhân là phải chịu trách nhiệm cho một người cha người mẹ lạm dụng tình dục con cái của người ấy. Cộng tác viên này cũng nhận xét rằng việc lạm dụng tình dục xảy ra nhièu hơn trong các Giáo hội có hàng giáo sĩ kết hôn, và đại đa số các trường hợp lạm dụng tình dục xảy ra trong gia đình gần gũi.

Các giải thích trên đây và các câu hỏi-đáp khác làm cho cuốn sách trở thành một nguồn giá trị, trong một thời kỳ có cuộc tranh luận liên tục về đời sống độc thân như hiện nay. (Zenit.org 25-1-2013)

Nguyễn Trọng Đa
http://vietcatholic.org/News/Html/102391.htm

Cần những mục tử khiêm nhường thật sự



Tháng 12 vừa rồi, một tuần báo Công giáo có bài viết về một cha xứ phục vụ giáo dân bằng tinh thần khiêm nhường. Bài báo thu hút nhiều phản hồi sôi nổi từ các tín hữu địa phương.
Stephen Hong từ Seoul, Hàn Quốc 
Tác giả bài báo cho biết kể từ khi câu chuyện cảm động đó được xuất bản, mỗi ngày anh ta nhận vài cuộc điện thoại từ những người Công giáo muốn được gặp vị linh mục. “Các tín hữu địa phương thật sự mong ước có được những linh mục yêu thương họ như vậy” – anh nói.
Tuy nhiên, vị ký giả đã không thể giúp họ vì cha xứ đó không muốn tiết lộ danh tánh và giáo xứ.
Câu chuyện đó làm tôi suy nghĩ về một lời than phiền của một thành viên trong giáo xứ của tôi, người gần đây tham dự Thánh lễ ở một nhà thờ gần bên.
Anh ta không vui bởi vì cha xứ xem giáo dân như đối tượng cần phải sửa trị, la mắng trong bài giảng, cản trở các hoạt động của giáo dân và đưa ra những quyết định độc đoán mà không lắng nghe họ.
Thực tế, tôi có thể thấy số lượng người tham dự Lễ Chúa nhật trong giáo xứ của tôi giảm đi rõ rệt.
Vị linh mục khiêm nhường trong câu chuyện trên mang dép, không mang vớ ngay cả khi thời thiết lạnh buốt của mùa đông, khi mà nhiệt độ xuống dưới 0oC. Trước đó ngài đã từng sống và làm mục vụ tại Trung Quốc trong khoảng một thập niên.
Cách đây hai năm, cha trở về Hàn Quốc. Ngài thường xúc động đến rơi lệ khi dâng lễ bởi ở Trung Quốc, ngài không được phép cử hành Thánh lễ với giáo dân mà phải dâng lễ trong tư thế quay mặt vô tường.
Ở Hàn Quốc, ngài thường xuyên thăm viếng giáo dân và rửa chân cho họ bất cứ khi nào ngài đến nhà thăm họ.
“Khi giáo dân cảm thấy được tôn trọng, họ có thể được khích lệ chỉ đơn thuần bằng một nụ cười của linh mục” - ngài chia sẻ.
Ngài hoàn toàn đúng. Mặc dù cách phục vụ của ngài không phải là độc nhất, nhưng sao ngài lại phục vụ tận tâm như vậy?
Tôi có một vài suy nghĩ sau khi nói chuyện với phóng viên, tác giả của bài báo.
“Các tín hữu địa phương thật sự mong ước có được những linh mục yêu thương họ” - theo phóng viên.
Tôi nghĩ có nhiều giáo dân cảm thấy bị cha xứ của họ bỏ bê hoặc bị loại ra ngoài bởi những cách cư xử quá độc tài.
Một vài cuộc thăm dò trong Giáo hội cho thấy việc tham dự các Bí tích – cốt lõi của đời sống đức tin – đã suy giảm vì cách hành xử như thế và lý do chính mà người ta rời bỏ Giáo hội là kết quả của “sự thất vọng về cung cách hách dịch và lộng quyền của các linh mục và tu sĩ”.
Theo cuộc khảo sát do giáo phận Suwon thực hiện năm 2007, câu trả lời phổ biến thứ nhì cho lý do người ta bỏ đạo là vì thái độ độc đoán của cha xứ, đứng đầu là câu trả lời vì “cảm thấy nặng nề do buộc phải xưng tội”.
Các con số của Giáo hội cũng cho thấy số lượng người Công giáo thường xuyên tham dự Thánh lễ đã liên tục giảm trong thập niên qua.
Từ những thông tin trên, chúng ta có thể nói được rằng các tín hữu muốn cha xứ của họ là mục tử chăm sóc họ bằng sự khiêm nhường chứ không phải bằng quyền lực.
Từ “humility” có nghĩa là thấp bé hoặc tùng phục. Nó bắt nguồn từ chữ humilitas trong tiếng Latinh với gốc là humus mang ý nghĩa mặt đất phía dưới chúng ta, theo từ điển Công giáo Bách khoa toàn thư.
Mặt đất ôm lấy tất cả, cả những thứ dơ bẩn, rác rưởi. Nhưng mỉa mai thay, đất càng đón nhận những thứ như vậy, thì càng trở nên màu mỡ.
Trong cuốn Đạo Đức Kinh của mình, Lão Tử, triết gia Trung Hoa cổ đại, đã nói: “Dạng thức cao nhất của sự tốt lành giống như nước. Nó nằm ở những nơi thấp mà mọi người đều không ưa thích. Vì vậy, nó gần gũi với Đạo (con đường, sự thật)”.
Điều đó làm cho tôi nhớ đến Đức cố hồng y Stêphanô Kim Sou-hwan, người nổi danh vì sống yêu thương giữa những người nghèo.
“Mất 70 năm để tình yêu đó đi từ đầu đến trái tim tôi” do “tôi từng được đối xử ưu đãi như một quý tộc chỉ vì tôi là linh mục” - ngài nói.
Điều này giải thích tại sao nhiều người Hàn Quốc xem Đức hồng y Kim là nhân vật xã hội được kính trọng nhất nước này ngay cả khi ngài đã qua đời.
Khiêm nhu bắt đầu từ việc tự nhận xét – khả năng nhận thấy được chính mình phản chiếu qua tấm gương lương tâm.
Tôi cho rằng sự khiêm nhường mà các tín hữu muốn thấy nơi các linh mục không phải là cái gì to tát.
Trong cuộc khảo sát của giáo phận Suwon, 91,9% số người được hỏi trả lời rằng “những linh mục hiểu và quan tâm đến hoàn cảnh của giáo dân là được mong đợi nhất”.
Giáo dân muốn linh mục chỉ cần chào hoặc mỉm cười với họ, dễ dàng gặp gỡ và sẵn sàng lắng nghe những khó khăn của họ.
Tương tự như vậy, những độc giả muốn gặp vị linh mục được nói đến ở trên có thể đã mong ước một linh mục hiền lành như đất và dịu dàng như nước.
“Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta học theo gương khiêm nhường của Ngài.




(Nguồn: UCAN)
http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=8997

Quán cơm 2000đ - cổ tích ngay giữa Sài Gòn


Thực khách rất đa dạng, từ học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đến những người lao động có thu nhập thấp như bán vé số, mua ve chai, bán hàng rong, người già có gia cảnh neo đơn không nơi nương tựa, người vô gia cư...

Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, một quán cơm từ thiện với giá tiền tượng trưng 2000 đồng/ suất ở đất Sài Gòn có ý nghĩa nhân văn rất lớn, làm ấm lòng bao người lao động nghèo hằng ngày mưu sinh nhọc nhằn và hỗ trợ phần nào cho bao bạn sinh viên nghèo có gia cảnh khó khăn đang trọ học chốn thị thành.
 
Quán cơm từ thiện ở số 14/1, đường Ngô Quyền, P.5, Q.10, TP HCM mở đầu năm 2010. Sau gần 3 năm, mỗi ngày quán cơm đón hơn 500 lượt khách là các bạn học sinh - sinh viên nghèo và hàng trăm người lao động có thu nhập thấp, người vô gia cư ở TP HCM. Quán cơm bán từ 11h-13h nhưng từ 10h30, trong nhà bếp, cơm đã đầy các khay. Mỗi ngày quán cơm có giá 2000 đồng/phần cung cấp cho hơn 500 phần ăn cho thực khách.
 
Quán cơm 2.000 đồng ở TP HCM

Từ 10h sáng, khách đã xếp hàng dài cả trăm mét để chờ đến lượt mua cơm 2000 đồng/phần. Thực khách rất đa dạng, từ học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đến những người lao động có thu nhập thấp như bán vé số, mua ve chai, bán hàng rong, người già có gia cảnh neo đơn không nơi nương tựa, người vô gia cư...

Quán cơm 2.000 đồng ở TP HCM
Quán cơm bán vào 3 ngày trong tuần là thứ 3-5-7. Thực đơn thay đổi mỗi ngày, món chính có hôm là gà kho gừng, đậu hũ dồn thịt, xíu mại, thịt kho tàu hũ, thịt kho củ cải... Còn canh thì có canh bí, canh rau các loại...

Quán cơm 2.000 đồng ở TP HCM
Để phục vụ nhu cầu đa dạng của thực khách, cơm được chia làm 3 loại: cơm nhiều, cơm vừa, cơm ít... tùy khách lựa chọn. Theo các bạn tình nguyện viên ở đây, đa số thực khách chọn phần cơm vừa và cơm nhiều. Vì sau một buổi lao động vất vả thì một phần cơm vừa là đủ để tiếp tục làm việc vào buổi chiều.

Quán cơm 2.000 đồng ở TP HCM
Đúng 11h trưa, từng người mua phiếu cơm 2000 đồng vào quán thưởng thức. Mọi người xếp hàng rất trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Nơi đây, văn hóa nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau thể hiện rất rõ nét; nếu có một người khuyết tật đi lại khó khăn thì mọi người sẵn sàng nhường cho đứng trước.
 
Thứ năm (ngày 15/11), thực đơn gồm cơm trắng, thịt gà kho gừng, rau muống xào, canh bí đao và tráng miệng là chuối. So với thời giá bây giờ, 2000 đồng/phần cơm như thế này là một cái giá thật sự có ý nghĩa dành cho các bạn học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người lao động có thu nhập thấp, người khuyết tật, người lang thang - cơ nhỡ...

Quán cơm 2.000 đồng ở TP HCM
 
Từ 11h đến 13h là giờ cao điểm của quán, hết lượt người này đến lượt người khác vào quán chọn thức ăn và thưởng thức bữa trưa. Phía trên tường là bảng hướng dẫn chi tiết quy trình mua cơm dành cho thực khách: Khách mua phiếu cơm 2000 đồng tại quầy. Sau đó, khách trao phiếu cơm cho người phục vụ tại nhà bếp để nhận khay cơm và thức ăn. Sau khi ăn xong, khách tự đem khau cơm đến bộ phận rửa.

Quán cơm 2.000 đồng ở TP HCM
Với một lượng khách đông như vậy nên mỗi ngày phải có ít nhất 15 tình nguyện viên làm việc ở quán cơm. Chị Bích Thủy, người chia phần thức ăn, chia sẻ: dù đã có gia đình và gần 40 tuổi nhưng khi tham gia tình nguyện ở đây, góp phần giúp đỡ cho cộng đồng nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, chị thấy niềm vui - hạnh phúc nhân lên rất nhiều.

Quán cơm 2.000 đồng ở TP HCM
Quán cơm 2000 đồng/phần là nơi tìm đến của nhiều người lao động có thu nhập thấp, trong đó có không ít người đã lớn tuổi. Có nhiều người ở các quận xa quận 10 như Tân Bình, Phú Nhận... cũng tìm đến đây thưởng thức.

Đã hơn 12 giờ trưa nhưng khách vẫn còn rất đông. Qua đó cho thấy nhu cầu cần trợ giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn là rất lớn.

"Mỗi ngày, bộ phận phục vụ nấu từ 70 đến 80 kg gạo. Số gạo dùng hàng ngày là do các Mạnh Thường Quân hỗ trợ", chị Nga - phụ bếp - cho biết.

Quán cơm 2.000 đồng ở TP HCM
Tình nguyện viên Lê Bảo Luân là sinh viên ĐH Y Dược có hoàn cảnh khó khăn, Luân từng ăn cơm ở đây nhiều lần và thấy rằng mình cần làm một việc nhỏ để giúp cộng đồng. Em cho rằng, tham gia tình nguyện tại quán để mình trưởng thành hơn, hằng ngày Luân phụ mọi người rửa khay thức ăn.

Trao đổi với tôi, anh Nguyễn Hồng Ánh, người trực tiếp quản lý quán tâm sự: "Thực ra “2000 đồng” ở đây có giá trị nhân văn rất lớn. Cơm từ thiện nhưng thu tiền là giúp cho người mua xóa mặc cảm được ban phát, không có cảm giác mắc nợ người khác. Còn đối với chúng tôi, là những người bán, dù chỉ thu 2000 đồng/suất nhưng luôn ý thức được rằng mình đang phục vụ khách và phải phục vụ cho tốt, tận tụy, trân trọng từng người khách chứ không đơn thuần là làm từ thiện theo cách ban ơn hay bố thí". Quả là "của cho không bằng cách cho".

Theo Thiên Thanh
Petrotimes
http://dantri.com.vn/xa-hoi/quan-com-2000-dong-o-tp-hcm-663352.htm

TÌM HIỂU Ý NGHĨA VÀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ


(Thời Tân Ước và Bốn Thế kỷ đầu của Giáo hội)

Dẫn nhập
Là một người Công giáo, phải khẳng định rằng: Phép Thánh Thể là mầu nhiệm chính của đức tin, nhưng đồng thời cũng là mầu nhiệm phải tin. Bởi thế, hơn hai ngàn năm nay Bí tích Thánh Thể luôn được cử hành liên tục và ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới, hầu đáp ứng nhu cầu đức tin cho người Kitô hữu. Chính điều đó đã nói lên được giá trị cao quí và thiết yếu của việc cử hành phụng vụ Thánh Lễ.
Hơn nữa, xét dưới một khía cạnh khác, phụng vụ Thánh Lễ là một việc cử hành nhằm hiện tại hóa chân lý đức tin giữa những chân lý khác. Người Kitô hữu phải tin rằng phụng vụ Thánh Lễ là việc tưởng niệm cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, qua đó và qua Giáo hội dâng lên hy tế thập giá. Bởi thế, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy ràng: “Bí tích Thánh Thể tưởng niệm cuộc vượt qua của Đức Kitô, hiện tại hóa cách Bí tích và dâng hiến hy tế duy nhất của Người trong Phụng vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người” (GLHTCG 1362). Từ giá trị và ý nghĩa của mầu nhiệm chính yếu này, người viết xin được phép trình bày một vài suy tư về mầu nhiệm cao trọng này.
1.    Ý nghĩa Lễ Vượt Qua trong Tin Mừng
Trong các Tin Mừng, chúng ta thấy có bốn trình thuật về Bí tích Thánh Thể. Trình thuật thứ nhất được Đức Giêsu hứa ban bánh hằng sống cho chúng ta ăn, bánh đó chính là Thịt và Máu của Người (Ga 6,53-57). Ba trình thuật còn lại trong Tin Mừng Nhất Lãm, kể lại việc Đức Giêsu thực hiện lời hứa (Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20). Nhìn lại trong thời Cựu Ước đã manh nha về Bí tích Thánh Thể, cụ thể là qua các buổi cử hành lễ bẻ bánh của người Do-thái. Trong thời gian này, việc cử hành Thánh Lễ được cử hành hoàn toàn do người chủ tọa, nên việc cử hành rất tự phát. Đến thời Đức Giêsu Kitô, việc cử hành cũng được diễn ra theo tập tục này. Thánh Lễ đầu tiên được Đức Giêsu cử hành trong Nhà Tiệc Ly khi Người thiết lập Bí tích Thánh Thể, hay còn gọi là Bữa An Cuối Cùng của Chúa. Những hành động này nói lên việc các cộng đoàn tiên khởi đã tôn thờ, yêu mến và cử hành Thánh Thể. Việc làm cao quý đó vẫn giữ và duy trì mãi cho đến ngày hôm nay, và đó chính là nguồn sống của Giáo hội. Trong thời kỳ này, Đức Giêsu Kitô đóng nhiều vai trò khác nhau, như: vị thượng tế hoặc làm trung gian trong các nghi lễ tạ ơn hay lễ bẻ bánh. Bởi thế, qua mọi thời vai trò của Đức Giêsu Kitô trong phụng vụ Thánh Thể luôn là chính yếu, các tác viên cũng như các tín hữu chỉ đóng vai trò thứ yếu mà thôi.
Có thể nói rằng, Bí tích Thánh Thể của Kitô giáo được bắt nguồn từ bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu Kitô với các môn đệ trước khi Người chịu chết. Bữa ăn này cũng thể hiện theo tập tục các bữa ăn của người Do-thái. Tập tục đó họ đã giữ từ ngàn xưa, thế nhưng theo thời gian cũng đã có nhiều thay đổi. “Vào thời Đức Giêsu Kitô, Lễ Vượt Qua cũng phải có con chiên nướng, nhưng ngoài ra vẫn có những món ăn khác. Người ta ăn Lễ Vượt Qua vào ngày 14 Nisan, tức là rằm tháng Giêng âm lịch theo thời gian của Do-thái. Người ta ăn lễ từ lúc mặt trời lặn, tức là khoảng 6 giờ chiều và chỉ được kết thúc vào lúc nữa đêm. Bữa ăn có thể chia ra làm bốn phần một cách uyển chuyển, căn cứ vào chén rượu chung, được gọi tên khác nhau. Mỗi thực khách đều có chén rượu riêng và muốn uống bao nhiêu tùy thích; thế nhưng vẫn có một chén chung theo nghi lễ mà chủ nhà sẽ đọc kinh, sẽ uống trước và chuyển cho mỗi thực khách cùng uống”[1]. Chính trong tập tục đó mà Lễ Vượt Qua của Chúa được cử hành có cách mới mẻ hơn. Sự mới mẻ đó được Đức Giêsu Kitô thể hiện trong Lễ Vượt Qua với các môn đệ rằng: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Đức Giêsu Kitô thiết lập Giao Ước mới với toàn thể nhân loại, và nhóm mười hai là đại diện. Và Giao Ước mới chỉ được được khai mở bằng cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Theo tập tục của người Do-thái, mỗi khi cử hành phụng vụ việc tưởng niệm còn đi xa hơn việc gợi nhớ lại quá khứ. Nghi thức tưởng niệm này là việc ghi nhớ hành vi cứu độ loài người và cũng là việc tôn vinh Chúa Cha. Đây là điểm cốt yếu và ý nghĩa trong mỗi lần cử hành Lễ Vượt Qua. Mỗi khi cử hành Lễ Vượt Qua là làm cho một biến cố đã qua mà được hiện tại hóa đối vơi người tín hữu cũng như đối với Thiên Chúa, và hướng đến niềm hy vọng vĩnh cửu. Việc cử hành Thánh Lễ là nhắc đến Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô với các Tông đồ xưa kia, nhưng cũng làm cụ thể hóa giao ước hỗ tương giữa Thiên Chúa và con người, cũng là một chứng từ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Người nĩi với cc ơng: "Thầy những khát khao mong mỏi ăn Lễ Vượt Qua nầy với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua nầy nữa, cho đến khi lễ nầy được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa" (Lc 22,15-16). Khi nói xong, theo tập tục nghi lễ, Người cầm lấy bánh và rượu mà nói: "Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nó: "Đy là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. "Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén nầy là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em. (Lc 22,17-19; Mt 26,27-28; Mc 14,22-23).
Tiếp nối theo lệnh truyền của Chúa, các cộng đoàn thường xuyên qui tụ lại cử hành Lễ Tạ Ơn để tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại. Hình thức cử hành được vị chủ tọa chủ sự theo như Đức Giêsu Kitô đã dạy. Trong thánh lễ, họ ăn uống thoải mái vui vẻ, ngoài thịt chiên ra, còn có trứng, cá … Bữa tiệc được kéo dài hằng giờ. Sau khi tan tiệc, tan tiệc thường lúc 12 giờ khuya, tất cả những ai có mặt đều hát các Thánh Vịnh (Tv 114-118) mà tạ ơn Thiên Chúa. Từ đó về sau, việc cử hành nghi Lễ Tạ Ơn (Eucharistia) trở thành một nghi thức Phụng vụ trong các cộng đoàn. Mọi Kitô hữu ý thức rằng, mỗi khi cử hành Lễ Vượt Qua thì chính Đức Kitô đang ở với họ và nuôi dưỡng họ bằng chính Máu và Thịt của Người, vì Người đã sống lại từ cõi chết và hiện diện với họ luôn mãi.
2.    Phụng vụ Thánh Thể trong sách Tông đồ Công vụ   
Sách Tông đồ Công vụ được xem như là một cuốn sách nói về những sinh hoạt của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cách rõ ràng và sống động nhất. Vì thế, trong Tông đồ Công vụ đã tường thuật lại khá chi tiết về những buổi hội họp hoặc sinh hoạt trong cộng đoàn của Giáo hội sơ khai. Trong các sinh hoạt, việc cùng nhau qui tụ lại để tham dự Lễ Bẻ Bánh là một hành động khá đặc biệt của các cộng đoàn trong thời sơ khai của Giáo hội. Sau khi Đức Giêsu Kitô về trời, các tín hữu thường xuyên tập trung lại để tham dự Lễ Bẻ Bánh: Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện không ngừng (Cv 2,42).
Thời xưa, theo văn hóa của người Trung Đông, việc qui tụ lại với nhau để nghe giảng dạy và tham dự Lễ Bẻ Bánh là một việc thông thường theo văn hóa của họ. Mặc dù sách thánh không nói rõ về việc bẻ bánh như thế nào, nhưng có lẽ mọi người cùng nhau họp lại, có thể mang một số thức ăn tới để chia sẻ với nhau và họ thực hiện những gì mà Đức Giêsu đã dạy qua các Tông đồ. Hành động cùng nhau ngồi lại để cầu nguyện và tham dự một bữa tiệc đối với họ rất là quan trọng. Hành động đó nói lên sự hiệp nhất, tình bằng hữu và lòng tin tưởng nhau giữa anh em trong cộng đoàn. Họ qui tụ nhau lại để cùng nhau nâng đỡ, chia sẻ vật chất lẫn tinh thần, bởi thế hành động này được gọi là chia sẻ tình yêu, tình huynh đệ (Agape). Bởi vậy, “tiệc Agape” làm cho mọi người cùng hiệp thông, cùng chia sẻ và cũng được chia sẻ. Mọi người đều mang lương thực của mình đến chia sẻ chung với nhau, nhất là chia sẻ cho người nghèo cùng ăn. Việc làm này thật giá trị và nói lên được sự hiệp nhất yêu thương trong Giáo hội thời sơ khai. Một tập tục bẻ bánh tại tư gia rất là đơn sơ và vui vẻ, tạo nên một bầu khí thân tình, làm cho mọi người cảm thấy được sự gần gũi, đặc biệt càng ngày làm cho nhiều người được ơn cứu độ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày càng thêm những người được cứu độ (Cv 2,46). Thời đó, lễ bẻ bánh còn mang tính cách gia đình, vì lúc ấy các cộng đoàn tụ họp theo tùng nhóm nhỏ trong mỗi gia đình và sinh hoạt thường xuyên.
Cũng nên biết rằng, các cộng đoàn tiên khởi trong Giáo hội sơ khai cũng như các Tông đồ, họ đều xuất thân từ Do-thái, bởi thế việc cử hành phụng vụ Lễ Bẻ Bánh này có phần ảnh hưởng kinh nguyện của Do-thái. Mặc dù nguồn gốc từ Do-thái, sau đó họ được ngụp lặn trong ân sủng của Đức Giêsu Kitô phục sinh, nhưng họ đã cùng nhau đồng tâm và cùng một ý hướng để cử hành Lễ Bẻ Bánh theo một tinh thần mới mẻ hơn. Mỗi lần qui tụ lại nơi một gia đình, họ cùng nhau cầu nguyện, hiệp nhất với nhau để ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa: Họ cùng nhau nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp nhất với nhau (Cv 2, 42). Phụng vụ Thánh Lễ thời các cộng đoàn tiên khởi trong Tông đồ Công vụ nói lên được mối giây liên kết giữa họ với nhau trong tình yêu mến, đến nỗi họ đồng tâm nhất trí sống với nhau như anh em, và mọi sự đều trở nên là của chung: Các tín hữu bấy giờ đông đảo, chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi cái gì là của mình có làm của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung (Cv 4,32). Dần dần sau đó, họ họp nhau lại với nhau trong ngày Chúa nhật để cùng nhau cử hành Lễ Bẻ Bánh: Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau lại để cử hành bẻ bánh (Cv 20,1). Trong bối cảnh đó, mỗi lúc họ họp nhau cử hành lễ bẻ bánh hay là bữa tiệc đều mang tính chất mừng Lễ Vượt Qua. Họ cùng nhau họp lại là để Ta Ơn Thiên Chúa và Đấng tác tành vạn vật và họ là những con người nhận lãnh ân sủng sáng tạo để nuôi dưỡng họ. Họ qui tụ nhau lại để cử hành Lễ Tạ Ơn như thế không chỉ là để tạ ơn Thiên Chúa ban phát lương thực và nuôi sống họ, nhưng còn có một ý nghĩa lớn lao lơn, vì họ đã nhận lãnh nguồn lương thực trường sinh từ Đức Giêsu Kitô, đó chính là Mình và Máu của Người. 
3.    Phụng vụ Thánh Thể trong bốn thế kỷ đầu của Giáo hội
Trong thế kỷ đầu của Giáo hội, cộng đoàn tụ họp nhau để cử hành các nghi thức phụng vụ, đặc biệt là cử hành Thánh Thể. Đây là việc làm có tính hiệp thông cách chặt chẽ giữa cộng đoàn Kitô hữu và Thánh Thể. Họ họp nhau lại để bẻ bánh tại tư gia, vì lúc đó chưa có nơi để gặp gỡ riêng hoặc chưa có nhà thờ. Có lúc chỉ hai hay ba người cùng nhau tụ họp lại cầu nguyện và cử hành lễ bẻ bánh, và lúc ấy họ tin có Đức Giêsu Kitô ở giữa họ: Ở đâu có hai ba người tụ họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ (Mt 18,20). Như thế, việc cử hành Lễ Vượt Qua cùng với toàn thể cộng đoàn đó là việc chính yếu của Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai. Hội Thánh biết mình là mẹ của những người con cùng một Cha, của những người tin vào Đức Kitô phục sinh hầu để cứu độ nhân loại. 
Việc chuyên cần tụ họp lại đcử hành Lễ Vượt Qua những năm sau đó mang những ý nghĩa phong phú và được hướng dẫn cách rõ ràng hơn. Bởi thế, mỗi lần qui tụ là nhằm để chúc tụng Thn Chúa, thể hiện sự hiệp nhất và xua đuổi những sự dữ của Satan. Điều này được thánh Giáo phụ Inhaxiô thành Antiochia nhắc nhủ trong thư gửi Êphêsô 13,1 như sau: Anh em hãy năng hội họp để dâng Thánh Lễ và nhiều lời chúc tụng lên Thiên Chúa. Bởi vì, càng hội họp nhiều, anh em càng tiêu diệt được sức lực của Satan, bằng chính sự hiệp thông đức tin của anh em. Sự hiệp nhất trong đức tin được hướng dẫn là chỉ có tham dự vào một Tiệc Thánh Thể mà thôi. Vì lúc ấy các Giáo phụ đã khai triển thần học về sự hiệp nhất trong cùng một đức tin qua việc tham dự Thánh Thể. Nghĩa là sự hiệp nhất đó được thể hiện qua việc xác tín là chỉ có một xác thịt của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và chỉ có một Chén duy nhất để hiệp thông họ với nhau trong Máu Thánh của Người. Đức tin đó cũng được thể hiện xung quanh một bàn thờ, chỉ có một giám mục với trưởng lão và phó tế. Vì thế, vào những năm đầu của thế kỷ thứ II, việc chủ sự để cử hành Thánh Thể được dành riêng cho đức giám mục, vì ngài chính là vị đại diện của Đức Giêsu và là người đứng đầu của Hội Thánh. Những ai tham dự Tiệc Thánh Thể đều được lãnh nhận bánh và rượu đã dâng lời tạ ơn. Nếu những ai không tham dự được thì họ cử phó tế mang đến để chung phần vào tiệc thánh đã tạ ơn.
Đến cuối những năm của thế kỷ thứ II, thánh Giáo phụ Irênê có tư tưởng thần học về việc cử hành Thánh Thể rất là sâu sắc. Ngài nói: Lễ vật mà Hội Thánh dâng lên khắp địa cầu theo lệnh truyền của Chúa để tôn vinh Thiên Chúa, là lễ vật tinh tuyền, đẹp lòng Thiên Chúa; không phải Thiên Chúa cần đến lễ vật của chúng ta, nhưng là vì người dâng được tôn vinh trước nhan thánh Ngài, khi Ngài được đẹp lòng (Adv. Haer. 4.18.1). Đầu thế kỷ thứ III, việc cử hành Thánh Thể được cử hành cách trọng thể. Thánh Lễ được cử hành thường có đầy đủ các thành phần trong Hội Thánh: giám mục, linh mục, phó tế và cộng đồng, đặc biệt là có thưa đáp với nhau giống như trong khi cử hành Thánh Lễ ngày nay.      
Vào năm 313, theo chiếu chỉ Milan, hoàng đế Constantinô ban cho Giáo hội một nền tự do Kitô giáo. Khi ấy việc qui tụ và họp nhau trở nên dễ dàng hơn, và dần dần các Kitô hữu tăng nhanh. Trong bầu khí như thế, các cộng đoàn trở nên khá đông và không thể họp nhau tại tư gia được. Họ đã sử dụng những căn nhà thuộc hoàng đế, rồi họ dựng những căn nhà đặc biệt dành riêng cho những lần họp mặt để cử hành Thánh Thể. Đó là những căn nhà đầu tiên của Giáo hội sơ khai để cộng đoàn họp nhau cử hành Lễ Bẻ Bánh.
Việc họp nhau để cử hành Thánh Thể thời Giáo hội sơ khai được mang nhiều ý nghĩa. Ngoài những ý nghĩa như mừng Lễ Vượt Qua, Lễ Tạ Ơn, cử hành Lễ Bẻ Bánh, Bí tích Tình Yêu… còn mang một ý nghĩa quan trọng là chúc tụng công trình Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi cử hành phụng vụ Thánh Thể không những diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, mà cả giữa Ba Ngôi Thiên Chúa nữa. Vì Thiên Chúa đã quá yêu thương nhân loại nên đã Ban Con Một của Ngài xuống thế gian. “Chính Đức Kitô đã tự nguyện chấp nhận ý định của Thiên Chúa, việc chấp nhận đó không những yêu thương nhân loại, nhưng trước hết là yêu thương Chúa Cha. Đức Kitô đã tự ý thi hành kế hoạch cứu độ bởi vì muốn bày tỏ lòng mến Chúa Cha, hoàn toàn kết hiệp ý chí với Chúa Cha cho đến nỗi hy sinh mạng sống của mình (Ga 10,17-18). Chúa Cha đón nhận tình yêu hiếu thảo của Đức Kitô và đáp lại bằng việc ban hồng ân sự sống mới khi cho Người được phục sinh. Cuộc đối thoại tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Kitô mang tính cách hằng cửu bởi vì nơi Thiên Chúa, tình yêu là một Ngôi vị, tức là Thánh Linh. Chính biến cố phục sinh của Đức Kitô chứng thực tình yêu ấy, kéo dài cho đến muôn đời”.[2]
Tóm lại, từ khi Đức Giêsu cử hành Lễ Vượt Qua với các môn đệ cho đến những năm đầu của thế kỷ thứ IV, chúng ta khó mà biết được việc cử hành phụng vụ Kitô giáo thuở ban đầu như thế nào. Điều này chỉ có thể dựa trên các bản văn Kinh Thánh và các bài viết của các Giáo phụ mà thôi. Nhưng mọi hành vi trong việc cử hành Thánh Thể đã nói lên được lòng Tôn kính, Chúc tụng, Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời nói lên tính hiệp nhất trong đức tin của các cộng đoàn tiên khởi thời Giáo hội sơ khai, rồi được tiếp nối cho tới ngày nay và mãi mãi. Vì thế, “trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng cứu chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Lễ thập giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho hiền thê yêu quí của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Giêsu Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai (SC 47).
Kết Luận
Bí tích Thánh Thể là một “mầu nhiệm đức tin”: là sự tổng hợp và tóm kết đức tin của chúng ta. Đức tin của Giáo hội tự nền tảng là tin vào Thánh Thể, và đức tin đó được nuôi dưỡng một cách đặc biệt tại bàn tiệc Thánh Thể.[3] Do đó, Thánh Thể là trung tâm và là nguồn mạch ân sủng của đời sống Hội Thánh. Người Công giáo nhận biết điều này, vì họ được hình thành và nuôi dưỡng trong sự hiệp thông với Hội Thánh, qua việc Chúa Giêsu phục sinh, đặc biệt qua việc qui tụ với nhau trong việc bẻ bánh và chia sẻ chén thánh để tưởng niệm cái chết và phục sinh của Người.
Ngay từ những ngày đầu, cộng đoàn Hội Thánh đã ý thức cử hành Thánh Lễ theo như lệnh truyền của Đức Kitô, bao lâu còn lữ hành trên dương thế. Vì thế, trong khi cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Bởi vậy, Hội Thánh cử hành Thánh Lễ là nhằm để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô và của Hội Thánh. Đồng thời mỗi khi cử hành Thánh Lễ cũng cầu cho các tín hữu và toàn thể nhân loại được nên một trong tình yêu của Thiên Chúa.



[1] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh Lễ, NXB Tôn Giáo, 2008, tr 11.
[2] Phan Tấn Thành, Bí Tích Tình Yêu, ĐSTL IX, HVĐM, 2011, tr 65
[3] Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 6

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG


Thứ Tư, ngày 02/01/2013 (Ga 1,19-28)
Suốt cả mùa vọng, phụng vụ cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của Gioan trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Rồi đến trong mùa Giáng sinh này, nhân vật Gioan lại khá nỗi bật với vai trò người làm chứng về Đấng Mêssia. Hôm nay, chúng ta nghe bài Tin Mừng nói đến lời chứng của ông Gioan. Gioan làm chứng về Đấng Cứu Thế trong nhiều vai trò và tước hiệu khác nhau, như: kẻ dọn đường, làm chứng về ánh sáng, không đáng cởi quai dép cho Người. Đặc hôm nay, Tin Mừng cho thấy một tước hiệu rất đặc biệt, đó là: «Tiếng người hô trong hoang địa». Danh hiệu này nói lên một sự khiêm nhường của ngài trước mặt Thiên Chúa và nhân loại. «Tiếng người hô trong hoang địa» có ý nghĩa rất đặc biệt, nên chúng ta cần tìm hiểu dưới hai khía cạnh sau.
Thứ nhất, trước mặt người đời, tiếng hô trong hoang địa nói lên sự khiêm nhường của Gioan. Sau thế chiến lần thứ hai (1939–1945), Đức hồng y Roncalli, (sau này là Đức Thánh Cha Gioan XXIII) được cử làm sứ thần toà thánh tại Pháp. Một hôm, ngài đi công tác, khi ngài định bước vào một thang máy ở Paris, tình cờ gặp một vị Giáo trưởng Do Thái, vị này lại là đại diện của tất cả các giáo trưởng trông coi các hội đường của Do Thái giáo tại Pháp. Với sự khiêm nhường sẵn có, nên hai đấng đã nhường nhau, không ai chịu vào thang máy trước. Cuối cùng, Đức hồng y Roncalli, với sự khiêm nhường và bông đùa từng có nơi ngài, ngài đã vỗ trán và nói: Tôi nhớ ra rồi, Cựu Ước phải đi trước Tân Ước, xin mời ngài vào thang máy trước. Vị Giáo trưởng kia đành cười và bước vào.
Chúng ta nghĩ xem, đã là tiếng người hô mà còn ở trong hoang địa thì đâu có công dụng hay ích lợi gì. Tiếng người hô thì phải ở một nơi nào đó, nếu tiếng hô không ở thành phố thì cũng ở một nơi thôn bản nào đó, ít ra cũng có vài người nghe thấy chứ? Nhưng đây lại tiếng người hô trong hoang địa thì có ai nghe thấy gì, nên đâu có tác dụng hay hiệu lực gì. Gioan đã sống một cuộc đời khiêm nhường thế đó.
Thứ hai, trước mặt Thiên Chúa, tiếng người hô của Gioan có một vai trò lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tiếng hô của Gioan là tiếng hô của Lời. Trước khi Lời Nhập Thể thì đã có tiếng vang vọng trước, nhằm báo hiệu và kêu gọi nhân loại sám hối để đón Lời Nhập Thể. Tiếng người hô trong hoang địa sẽ là một tiếng hô rất trong thanh và vang vọng kéo dài. Điều đó đã chứng thực cho ta thấy rằng, tiếng hô của Gioan cách đây hơn hai ngàn năm, nay vẫn đang vang vọng trong nhân loại, đặc biệt đang vang vọng trong tâm hồn anh em tu sĩ truyền giáo chúng ta đây.
  Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn, nhưng lại có giá trị và ảnh hưởng như thế. Người Kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện: không những giơ ngón tay để chỉ Chúa Giêsu cho người khác như Đức Phật chỉ lên mặt trăng, mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa. Đó là sứ mạng cao cả mà chúng ta cần nhiều ơn Chúa để có thể chu toàn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
            Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp sức và thêm nghị lực cho anh em chúng ta là những sứ giả của Lời ở hiện tại và trong tương lai. Xin ân sủng và tình yêu của Chúa Hài Đồng xuống trên anh em chúng ta, hầu chúng ta trở nên những tiếng hô trong thanh và vang vọng mãi trong đời dâng hiến, cũng như trong hành trình phục vụ Lời.