SỐNG KHIÊM NHƯỜNG


Thứ Tư, ngày 02/01/2013 (Ga 1,19-28)
Suốt cả mùa vọng, phụng vụ cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của Gioan trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Rồi đến trong mùa Giáng sinh này, nhân vật Gioan lại khá nỗi bật với vai trò người làm chứng về Đấng Mêssia. Hôm nay, chúng ta nghe bài Tin Mừng nói đến lời chứng của ông Gioan. Gioan làm chứng về Đấng Cứu Thế trong nhiều vai trò và tước hiệu khác nhau, như: kẻ dọn đường, làm chứng về ánh sáng, không đáng cởi quai dép cho Người. Đặc hôm nay, Tin Mừng cho thấy một tước hiệu rất đặc biệt, đó là: «Tiếng người hô trong hoang địa». Danh hiệu này nói lên một sự khiêm nhường của ngài trước mặt Thiên Chúa và nhân loại. «Tiếng người hô trong hoang địa» có ý nghĩa rất đặc biệt, nên chúng ta cần tìm hiểu dưới hai khía cạnh sau.
Thứ nhất, trước mặt người đời, tiếng hô trong hoang địa nói lên sự khiêm nhường của Gioan. Sau thế chiến lần thứ hai (1939–1945), Đức hồng y Roncalli, (sau này là Đức Thánh Cha Gioan XXIII) được cử làm sứ thần toà thánh tại Pháp. Một hôm, ngài đi công tác, khi ngài định bước vào một thang máy ở Paris, tình cờ gặp một vị Giáo trưởng Do Thái, vị này lại là đại diện của tất cả các giáo trưởng trông coi các hội đường của Do Thái giáo tại Pháp. Với sự khiêm nhường sẵn có, nên hai đấng đã nhường nhau, không ai chịu vào thang máy trước. Cuối cùng, Đức hồng y Roncalli, với sự khiêm nhường và bông đùa từng có nơi ngài, ngài đã vỗ trán và nói: Tôi nhớ ra rồi, Cựu Ước phải đi trước Tân Ước, xin mời ngài vào thang máy trước. Vị Giáo trưởng kia đành cười và bước vào.
Chúng ta nghĩ xem, đã là tiếng người hô mà còn ở trong hoang địa thì đâu có công dụng hay ích lợi gì. Tiếng người hô thì phải ở một nơi nào đó, nếu tiếng hô không ở thành phố thì cũng ở một nơi thôn bản nào đó, ít ra cũng có vài người nghe thấy chứ? Nhưng đây lại tiếng người hô trong hoang địa thì có ai nghe thấy gì, nên đâu có tác dụng hay hiệu lực gì. Gioan đã sống một cuộc đời khiêm nhường thế đó.
Thứ hai, trước mặt Thiên Chúa, tiếng người hô của Gioan có một vai trò lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tiếng hô của Gioan là tiếng hô của Lời. Trước khi Lời Nhập Thể thì đã có tiếng vang vọng trước, nhằm báo hiệu và kêu gọi nhân loại sám hối để đón Lời Nhập Thể. Tiếng người hô trong hoang địa sẽ là một tiếng hô rất trong thanh và vang vọng kéo dài. Điều đó đã chứng thực cho ta thấy rằng, tiếng hô của Gioan cách đây hơn hai ngàn năm, nay vẫn đang vang vọng trong nhân loại, đặc biệt đang vang vọng trong tâm hồn anh em tu sĩ truyền giáo chúng ta đây.
  Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn, nhưng lại có giá trị và ảnh hưởng như thế. Người Kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện: không những giơ ngón tay để chỉ Chúa Giêsu cho người khác như Đức Phật chỉ lên mặt trăng, mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa. Đó là sứ mạng cao cả mà chúng ta cần nhiều ơn Chúa để có thể chu toàn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
            Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp sức và thêm nghị lực cho anh em chúng ta là những sứ giả của Lời ở hiện tại và trong tương lai. Xin ân sủng và tình yêu của Chúa Hài Đồng xuống trên anh em chúng ta, hầu chúng ta trở nên những tiếng hô trong thanh và vang vọng mãi trong đời dâng hiến, cũng như trong hành trình phục vụ Lời.