Tự bản
chất, đời sống hôn nhân gia đình nhằm để giúp đỡ lẫn nhau và lưu truyền sự sống,
đây là sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa trao phó cho các bậc làm cha làm mẹ. Thế
nhưng, để hoàn thành sứ mạng cao cả này không phải là chuyện dễ, bởi nó xẩy ra
những khó khăn và phức tạp trong đời sống hôn nhân cũng như lương tâm của họ phải
đối diện. Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội cũng như công nghệ kỷ thuật y học
đã làm thay đổi và đưa ra những vấn nạn mới cho đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi
vậy, đứng trước hoàn cảnh và tình trạng đó, Giáo hội không thể làm ngơ, nhưng
phải xem là có bổn phận và trách nhiệm hơn, vì nó liên quan đến sự sống và hạnh
phúc của con người. Trong tinh thần đó, người viết xin tìm hiểu và suy tư đôi
điều liên quan đến “Giáo huấn của Giáo hội
về ngừa thai nhân tạo”. Trong phạm vi đề tài này, người viết xin nêu lên: Lập
trường của Giáo hội; đồng thời cũng giải thích vấn đề: Tại
sao Giáo hội lại đưa ra lập trường như thế?
1. Lập trường của Giáo hội
Qua thời
gian học môn “Luân Lý Y – Sinh Học”, tôi có dịp tìm hiểu và đọc những văn kiện
của Giáo hội liên quan đến sự sống con người. Bên cạnh đó, tôi được Sơ giáo sư
giải thích những gì liên quan đến Giáo huấn của Giáo hội, cũng như đưa ra những
vấn đề thực tiễn đang xẩy ra đối với con người, cách riêng đối với đời sống hôn
nhân gia đình. Những điều đó giúp tôi có cái nhìn tổng quát hơn về môn học, và thấy
được lập trường của Giáo hội đối với những vấn nạn liên quan đến việc ngừa thai
nhân tạo.
Sau khi
đọc và tìm hiểu những văn kiện của Giáo hội[1]
liên quan đến việc ngừa thai nhân tạo, tôi nhìn thấy rằng: lập trường của Giáo
hội không chấp nhận việc thụ thai nhân tạo bất kỳ dưới mọi hình thức nào. Vì nó
trái với tự nhiên và đi ngược lại với bản chất của đời sống hôn nhân và gia
đình.
2. Tại sao Giáo hội đưa ra lập trường như
thế?
Giáo hội
là mẹ của chúng ta, bởi thế, Giáo hội luôn thao thức và quan tâm đến những gì
con cái mình đang đối diện, đang gặp những khó khăn, đặc biệt liên quan đến đời
sống hôn nhân. Do đó, vấn đề đời sống hôn nhân đã được Công đồng Vaticanô II
quan tâm và có một chỗ đứng quan trọng trong Hiến chế Gaudium et Spes. Phần nói
về hôn nhân, Hiến chế đưa ra và nhấn
mạnh đến lập trường riêng của mình về vấn đề này. Hiến chế cho thấy căn tính
đặc biệt của tình yêu hôn nhân là: tình yêu phu phụ. Đây là một tình yêu trao
hiến cách trọn vẹn, duy chỉ có nơi đời sống hôn nhân. Nó khác biệt với mọi hình
thức khác của tình bạn ở điểm nó được biểu lộ và được hoàn hảo bằng hành vi thể
lý của vợ chồng, một hành vi vừa biểu tượng vừa phát huy việc vợ chồng hiến
thân cho nhau.[2] Tình yêu
phu phụ này phát xuất từ nguồn suối tình yêu Thiên Chúa, và được xây dựng theo
gương mẫu tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội thánh. Hơn nữa, tình yêu phu phụ
được nối kết với tình yêu Thiên Chúa và dẫn đưa họ tới Thiên Chúa. Đồng thời,
tình yêu hôn nhân dẫn tới một mục đích là giúp đỡ, phục vụ lẫn nhau và sinh sản
con cái.
Dù không tuyên bố liệu có được phép
ngừa thai nhân tạo hay không, nhưng Hiến chế đã suy tư và thảo luận vấn đề này.
Theo Hiến chế, cha mẹ phải sinh sản con cái một cách có trách nhiệm, lưu tâm
tới chính phúc lợi của mình và phúc lợi của con cái. Cha mẹ nên xem xét hoàn
cảnh vật chất và tâm linh của thời đại, quyền lợi của gia đình, của xã hội trần
thế và của Giáo hội. Trong một số tình huống, còn có sự đối nghịch giữa các yếu
tố khác nhau. Có thể có những lý do nghiêm chỉnh khiến người ta phải hạn chế số
con cái. Đồng thời, việc hạn chế tính dục có thể tạo ra nhiều vấn đề. Thí dụ,
nó có thể khiến cho việc duy trì lòng chung thủy trong tình yêu và sự thân mật
vợ chồng trở thành khó khăn. Việc phán đoán nên có con hay không là việc của
cha mẹ, nhưng họ không nên quyết định một cách võ đoán. Bổn phận luân lý không
chỉ bao gồm động cơ mà thôi, mà còn đòi phải tuân giữ các tiêu chuẩn khách quan
nữa. Trong phạm vi tác phong tính dục, các tiêu chuẩn này là các tiêu chuẩn
biết dựa vào bản chất con người nhân bản và các hành vi của họ, để duy trì trọn
vẹn ý hướng tự hiến cho nhau và sinh sản con cái trong khung cảnh một tình yêu
chân chính. Cha mẹ có bổn phận phải khước từ phá thai. Họ phải có một lương tâm
hiểu biết, một lương tâm phù hợp với thiên luật và vâng phục Giáo huấn của Giáo
hội là người giải thích thiên luật ấy.
Tiếp sau Hiến chế Gaudium et Spes,
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ban bố Thông điệp Humanae Vitae, nhằm hướng dẫn
cách thích nghi về bản chất hôn nhân, cũng như sử dụng chính đáng các quyền lợi
của vợ chồng và trách nhiệm của họ. Thông điệp hướng dẫn rằng: “Nhờ việc tự
hiến cho nhau, một sự tự hiến riêng biệt và có tính độc hữu đối với họ, hai vợ chồng
cùng hướng về sự hiệp thông con người của họ nhằm để hoàn thiện nhau, cộng tác
với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục sự sống mới”.[3]
Tình yêu phu phụ hoàn toàn có tính nhân bản, vừa có tính giác quan vừa có tính
tâm linh cùng một lúc. Không chỉ là một bản năng hay cảm xúc mà thôi, nhưng còn
là một hành vi của ý chí nhằm sinh tồn và phát triển đến chỗ chồng và vợ trở
nên một tâm hồn duy nhất. Tình yêu này không chỉ giới hạn trong sự hiệp thông
giữa chồng và vợ, nó còn được sắp đặt để tiếp tục qua việc dưỡng dục các sự
sống mới.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI, sau đó
tuyên bố lại việc không được phép ngừa thai nhân tạo, và nhắc lại giáo huấn
truyền thống là giáo huấn vốn dạy rằng mỗi một và mọi hành vi vợ chồng phải sẵn
sàng cho việc truyền sinh. Ngài viết tiếp: “Giáo huấn ấy, một giáo huấn đã được
huấn quyền đưa ra, được xây dựng trên mối liên kết bất khả phân do Chúa ấn định
và con người không thể dùng sáng kiến riêng để phá bỏ giữa hai mục đích (ý
nghĩa) của hành vi vợ chồng: mục đích kết hợp và mục đích sinh sản. Quả thực,
do cơ cấu thâm sâu của nó, hành vi vợ chồng, trong khi mật thiết kết hợp chồng
và vợ nên một với nhau, đã giúp họ có khả năng sinh ra sự sống mới, phù hợp với
các định luật được khắc ghi trong chính hữu thể của họ. Nhờ bảo vệ cả hai khía
cạnh chủ yếu này, tức khía cạnh kết hợp và khía cạnh sinh sản, hành vi vợ chồng
duy trì trọn vẹn được ý hướng của tình yêu hỗ tương chân thực và sự xếp đặt của
nó hướng tới ơn gọi cao cả nhất của con người là làm cha mẹ. Chúng tôi tin rằng
con người thời nay đặc biệt có khả năng nắm được đặc điểm hết sức hợp lý và đầy
nhân bản của nguyên tắc nền tảng này”.[4]
Tóm lại, qua tìm hiểu Giáo huấn của
Giáo hội, tôi nhận thấy rằng, Giáo hội luôn ý thức về sứ mệnh của mình là phải
bênh vực con người và ý thức về bảo vệ toàn thể nhân loại trước những khó khăn
và thách đố. Sứ mệnh đó là hầu để mang lại hạnh phúc cho con người và giúp con
người sống bình an. Vì thế, với sứ mạng mình, Giáo hội tuyệt đối không chấp
nhận bất cứ mọi hình thức ngừa thai nhân tạo nào. Tự bản chất, việc ngừa thai
nhân tạo nó đã làm tách rời mục đích và ý nghĩa của tình yêu và đời sống hôn
nhân. Chính các mục đích và ý nghĩa này đã được luật tự nhiên là luật vốn được
khắc ghi trong trái tim con người nhận biết. Một số qui luật luân lý, trong đó,
có các qui luật luân lý về tính dục, là các đòi hỏi bất di bất dịch của bản
chất con người, chứ không phải chỉ là sản phẩm của văn hóa sẽ thay đổi khi văn
hóa thay đổi. Chính vì thế, Giáo hội có đường hướng và lập trường riêng để
hướng dẫn cho con cái của mình, hầu mọi người được sống hạnh phúc và hưởng trọn
vẹn tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa trong ơn gọi sống đời sống hôn nhân của
mình.