Phải Chăng Tính Dục Có Tội Hay Không Có Tội?

Dẫn nhập
Tự bản chất, tính dục là một hồng ân mà Thiên Chúa trao tặng cho con người. Bởi thế, con người luôn hướng đến một phần của mình, vì Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, đánh dấu trong thân thể của mình sự khác biệt (St 1,27). Sự khác biệt giữa người nam và người nữ là yếu tố làm nên hai bản tính con người. “Đây là một yếu tố để con người nhìn nhận mình bị giới hạn, khi phái tính của họ được nhìn nhận trọn vẹn, có điều kiện của một tương quan tình yêu, nhìn nhận người khác như là đối tác của một giao ước. Giao ước giữa người nam và người nữ có thể là hình ảnh của Thiên Chúa ký kết với con người, không phải là không có khác biệt, lẫn lộn, nhưng là một tương quan giữa hai phía khác nhau và phân biệt nhau”.[1]
Thế nhưng, trong cuộc sống con người của mọi thời đại hay ở mọi quốc gia, tính dục được xem như một một vấn đề thời sự, đang thay đổi cách sâu xa và có nhiều vấn nạn được đặt ra. Một trong những vấn nạn được đặt ra đó là: “Phải chăng tính dục có tội hay không có tội?”. Đây là vấn nạn không chỉ đưa ra câu trả lời một cách theo cảm tính hay vì lòng ích kỷ hẹp hòi của con người, nhưng nó còn liên quan đến truyền thống luân lý và ý định của Thiên Chúa. Như thế cần phải thận trọng và tìm hiểu cách đầy đủ để giải quyết vấn nạn trên.
Do đó, trong phạm vi đề tài trên, người viết xin suy tư cũng như tìm hiểu một vài khía cạnh liên quan đến tính dục dựa trên nền tảng truyền thống luân lý cũng như Giáo huấn của Giáo hội. Thứ nhất, thử xem Xã hội ngày nay quan niệm như thế nào về tính dục; thứ đến Giáo huấn của Giáo hội nói gì về tính dục?; cuối cùng người viết xin đưa ra vài Nhận định cá nhân về vấn đề trên.
1.  Xã hội quan niệm như thế nào về tính dục
Khi nói đến đời sống của con người trong một xã hội, hay trong một quốc gia, chúng ta không thể không nghĩ đến vấn đề tính dục được. Tính dục là một phần không những quan trọng, mà còn rất đặc biệt, phức tạp đối với con người qua mọi thời. Bởi thế, “người ta thấy tính dục luôn được xã hội hóa, và bị kiểm soát rất chặt. Nào là qui định những nghi thức, nơi chốn dành riêng, những cấm kỵ… nhất là giới luật căn bản nhất mà các nhà xã hội học nhận thấy trong mọi thể chế con người, đó là điều cấm loạn luân. Tính dục con người có đặc tính thường xuyên là tách rời việc thỏa mãn dục vọng khỏi chức năng sinh sản. Đây là điểm gây nguy cơ không ít cho xã hội con người”.[2]
Nhưng trong thực tế, cụ thể ở Việt Nam, quan niệm tính dục ngày nay thường bị coi nhẹ, không muốn nói là rất tự do. Ngày nay, trong tầng lớp các bạn trẻ từ những thành phần thuộc lứa tuổi học sinh cấp II lên đến bậc đại học, họ quan niệm tính dục là một điều bình thường như những nhu cầu khác. Nghĩa là muốn là được, cũng như đói thì ăn và khát thì uống. Họ không còn nghĩ đến tính dục là một điều thầm kín, tốt đẹp và thiêng liêng. Bởi thế, từ quan niệm sai lạc đó đã dẫn họ đi đến những hành động không những bất chấp những qui tắc về luân lý, mà còn đi đến những chuyện động trời và rất bất thường trong tính dục.
Từ một học sinh ngoan hiền của tuổi mười bốn, đáng lẽ ra tuổi này chỉ biết học tập và vui chơi với một tâm hồn trong sáng. Nhưng thực sự có nhiều bạn đã đánh mất sự ngoan hiền trong sáng đó để dành chỗ cho những vấn đề của người lớn hoành hành và thống trị họ. “Tuổi đó mà họ đã có bầu, chuẩn bị cho một đám cưới khi chưa tốt nghiệp cấp hai”[3]. Một điều đáng quan tâm nữa đó là, hiện nay có nhiều bạn nam với nam, nữ với nữ đã đến với nhau và đáp ứng lẫn nhau hầu thỏa mãn dục vọng.[4] Họ xem đó là chuyện thường! Hiện tượng này cũng không hẵn là do đồng tính, nhưng đôi lúc họ xem đó là mốt thời thượng của tuổi trẻ thời nay. Một hiện tượng lạ khác nữa đó là, trao đổi vợ với nhau.[5] Thú chơi này thật là khủng khiếp. Họ dám đưa vợ mình cho người khác “sử dụng”, vui chơi và thỏa mãn. Thật là những trò chơi tính dục tai quái và vô luân. Một nước Việt Nam ngàn năm Văn Hiến mà có những thú chơi động trời thế đó. Họ đã biến vấn đề tính dục tự bản chất là chỉ dành riêng cho vợ chồng và nhắm đến việc sinh sản thành những đồ chơi và giải trí nhằm để đáp ứng thỏa mãn dục vọng và lòng ích kỷ của họ.
Từ những chứng cớ trên, chúng ta có thể biết và nhận định về quan niệm tính dục trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Do quan niệm sai trái, lệch lạc cũng như sống buông thả về tính dục nên đã đưa đến những hậu quả không mấy tốt đẹp về tính dục. Tự bản chất, tính dục không là xấu. Nhưng xã hội và con người đã biến tính dục thành những công cụ, phương tiện giải trí, thậm chí như là món hàng để trao đổi giữa người với người. Đây là điều chúng ta cần xem xét lại và nên đưa ra những phương hướng giải quyết để giáo dục cũng như hướng dẫn các tầng lớp trẻ hiểu đúng và sống đúng về tính dục. Đặc biệt, phải đưa nó về đúng với vẻ đẹp nguyên thủy và sống đúng với những qui tắc luân lý tự nhiên cũng như của xã hội đã đề ra.
Xã hội ngày nay quan niệm và đang sống tính dục như thế, vậy Giáo hội có quan niệm hay hướng dẫn như thế nào về vấn đề tính dục?
2.  Giáo huấn của Giáo hội nói gì về tính dục
Một vấn đề mà Giáo hội luôn quan tâm và chú trọng trong chương trình mục vụ đó là hôn nhân và gia đình. Khi nói đến hôn nhân, chúng ta không thể tránh khỏi đề cập đến đời sống tính dục. Bởi thế, Giáo hội đã đưa ra nhiều giáo huấn cũng như cách thức để hướng dẫn cho con cái của mình sống đời sống tính dục sao cho phù hợp và đẹp lòng Thiên Chúa. Phần này, người viết xin trình bày và đưa ra những hướng dẫn của Giáo hội từ Công đồng Vatican II cho tới nay liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình. Công đồng Vatican II đã dành một chỗ quan trọng cho mục vụ hôn nhân và gia đình trong Hiến chế Gaudium et Spes, từ các số 46 – 52. “Đây được coi như vấn đề thuộc ý chí con người, tình yêu này có nghĩa hơn thèm muốn thể lý, dù bao gồm biểu thức thể lý. Nó khác biệt với mọi hình thức khác của tình bạn ở điểm nó được biểu lộ và được hoàn hảo bằng hành vi thể lý của vợ chồng, một hành vi vừa biểu tượng vừa phát huy việc vợ chồng hiến dâng cho nhau”.[6]
Tình yêu phu phụ này được bắt đầu từ nguồn suối tình yêu của Thiên Chúa và được noi theo khuôn mẫu tình yêu của Đức Kitô với Hội thánh. Một tình yêu sắt son và chung thủy đến muôn đời. Chính tình vợ chồng đã đưa họ đi đến sự tương trợ và phục vụ lẫn nhau trong đời sống hôn nhân và gia đình. Vì trong giao ước hôn nhân, người nam và người nữ trở nên một một xương một thịt, họ không còn là hai, nhưng trở nên một (Mt 19,6). “Chính vì thế, họ sống phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau nhờ sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ bằng cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày. Từ sự tự hiến và liên kết với nhau trong trách nhiệm và tự do, cũng như ích lợi của con cái nên vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi chung thủy với nhau suốt đời”.[7]
Mục đích của hôn nhân là nhắm đến việc giúp đỡ lẫn nhau và sinh sản con cái, cũng như giáo dục chúng nên người. Do đó, Công đồng đã khẳng đinh: “Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân”.[8] Như thế, chính Giáo hội đã khẳng định rằng, bản chất của tình yêu hôn nhân là hướng đến việc sinh sản. Nhưng có vấn nạn đặt ra rằng: liệu vợ chồng có thể dùng những phương pháp ngừa thai nhân tạo hay không?  Điều này Giáo hội khẳng định là không được sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo trong đời sống hôn nhân. Vì nó đã đi ngược lại với luật tự nhiên cũng như ý định của Thiên Chúa. Giáo hội cũng nhắn nhủ các đôi vợ chồng sinh con cái luôn có trách nhiệm đối với chúng. Bởi vậy, bổn phận luân lý không chỉ bao gồm động cơ mà thôi, nhưng còn đòi phải tuân giữ các tiêu chuẩn khách quan nữa. Trong phạm vi tác phong tính dục, các tiêu chuẩn này là các tiêu chuẩn biết dựa vào bản chất con người nhân bản và các hành vi của họ, để duy trì trọn vẹn ý hướng tự hiến cho nhau và sinh con bằng một tình yêu chân chính và hoàn toàn tự do. Có thể nói rằng, du rằng đi nữa, Giáo hội vẫn khẳng định là tính dục và hôn nhân luôn được qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái. Không được tách biệt hay loại trừ việc kết hợp vợ chồng ra khỏi mục đích sinh sản con cái của hôn nhân. Có nghĩa là họ sống không phải chỉ vì mình, cho mình, nhưng còn cho con cái của họ nữa. Cũng trong bối cảnh đầy khó khăn như thế, (Ủy ban Giáo hoàng năm 1966)[9] đã bàn tới vấn đề ngừa thai thì cho rằng: Nếu việc ngừa thai nhân tạo trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó có thể giúp cho sự kết hợp vợ chồng thì nó đã gián tiếp nhằm mục đích phục vụ sinh sản của hôn nhân. Hơn nữa, nếu ngừa thai nhân tạo giúp cha mẹ săn sóc tốt hơn những đứa con hiện có thì nó cũng đã phục vụ với mục đích sinh sản rồi!?.
Cuối cùng, tháng 8 năm 1968, hơn hai năm sau khi nhận được các phúc trình của ủy ban, sau khi chuẩn bị cách kỹ lưỡng, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã công bố thông điệp Humanae Vittae (Sự Sống Con Người). Trong thông điệp, ngài đã tiếp nhận phần lớn liên quan đến hôn nhân và gia đình trong Hiến chế Gaudium et Spes. Ngài khẳng định lại rằng: “Hôn nhân là định chế khôn ngoan của Tạo Hóa để thể hiện kế hoạch yêu thương của Người nơi nhân loại. Nhờ việc tự hiến cho nhau, một sự tự hiến riêng biệt và có tính độc hữu đối với họ, chồng và vợ cùng hướng về sự hiệp thông con người của họ nhằm hoàn thiện lẫn nhau, cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục sự sống mới”.[10] Như thế, tình yêu hôn nhân không nhắm đến sự thỏa mãn thân xác, nhưng nó là một tình yêu mang tính nhân bản và tính tâm linh cùng một lúc. Do đó, Đức Phaolô VI đã bác bỏ việc sử dụng ngừa thai nhân tạo, và ngài nhắc lại giáo huấn truyền thống của Giáo hội là mọi hành vi vợ chồng phải sẵn sàng cho việc truyền sinh. “Quả thực, do cơ cấu thâm sâu của nó, hành vi vợ chồng, trong khi mật thiết kết hợp với nhau, đã giúp họ có khả năng sinh ra sự sống mới, phù hợp với các định luật được khắc ghi trong chính hữu thể của họ. Nhờ bảo vệ cả hai khía cạnh chủ yếu này, tức là khía cạnh kết hợp và khía cạnh sinh sản, hành vi vợ chồng duy trì trọn vẹn được ý hướng của tình yêu hỗ tương chân thực và sự xếp đặt của nó hướng tới ơn gọi cao cả nhất của con người là làm cha mẹ”.[11]
3.  Nhận định của cá nhân về tính dục
Có thể nói rằng, tính dục là một năng lực sáng tạo rất kỳ diệu nơi con người được Thiên Chúa ban cho. Ngược lại nó cũng là một điều gì đó rất đáng sợ, nếu con người tách ước muốn và sự thỏa mãn tình dục ra khỏi tình yêu của con người. Chính vì thế, tính dục không thể và không được phép dùng như là phương tiện nhằm chỉ để thỏa mãn nhục vọng hay chỉ vì sự ích kỷ. Tự bản chất, tính dục là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người. Vì ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, họ hướng đến và để tương trợ lẫn nhau (St 1,27). Đây chính là món quà cao quý mà Thiên Chúa trao tặng cho con người trong đời sống vợ chồng. Hơn nữa, mục tiêu của tính dục là làm triễn nở nhân loại qua việc sãn sinh sự sống mới. Đó cũng là mục tiêu tối hậu của hành vi tính dục trong đời sống vợ chồng. Bởi thế, Công đồng Vatica II đưa ra lập trường: “Tự bản chất, do chính định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân”.[12]
Qua đó, chúng ta thấy rằng, về mặt luân lý cũng như Giáo huấn của Giáo hội cho thấy mọi hành vi tính dục chỉ được thực hiện trong đời sống hôn nhân mà thôi. Đây là căn tính cốt lõi và bất di bất dịch trong đời sống hôn nhân và gia đình, vì nó không chỉ tương trợ nhau nhưng còn hướng đến việc sinh sản con cái. Bởi thế, hành vi tính dục chỉ hợp luân lý cho những ai đã là vợ chồng của nhau, và hành vi đó phải hướng đến việc sinh sản con cái. Loại trừ mọi hành vi tính dục nhằm để khoái lạc, giải trí hay coi nó như những món hàng hóa để tiêu dùng. Một ý nghĩa nữa đó là, hành vi tính dục nói lên sự kết hợp vợ chồng nhằm biểu lộ tình yêu và sự quí trọng của hai vợ chồng dành cho nhau, cũng như làm cho sự hiệp nhất giữa hai người được mật thiết và sâu đậm hơn.
Thay lời kết
Tóm lại, việc kết luận tính dục có tội hay không có tội thì phải xem xét theo từng đối tượng, mục đích và ý hướng của họ. Qua nguyên tắc luân lý cũng như những hướng dẫn của Giáo hội, chúng ta có thể kết luận rằng: những hành tính dục của hai người không phải là vợ chồng của nhau đều là tội. Đồng thời, nếu là vợ chồng của nhau, mà hành vi tính dục đó nhằm để thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu thể xác chứ không phải nhằm mục đích tương trợ và hướng đến việc sinh sản cũng đều là tội. Bởi thế, những hành vi tính dục trong đời sống hôn nhân cách hợp pháp, cùng với ý hướng giúp đỡ và nhằm để tạo ra sự sống mới đều đẹp lòng Thiên Chúa.
Bang Nguyen




[1] Ngô Sĩ Đình, Phái tính và trật tự của công trình sáng tạo, Bài 2, Đề cương dạy môn: Luân lý phái tính, 2012.
[2] Ibidem, Bài 2, Đề cương dạy môn: Luân lý phái tính, 2012.
[3] Xc: Chuyện bi hài ở… nhà nghĩ (http://hcm.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/nha-nghi-du-ky-an-tranh-thu-ngu-binh-dan-c46a500036.html)
[4] Xc: Tình dục đâu phải chuyện sinh con (tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi.../Tinh-duc-dau-chi-de-sinh-con.html)
[5] Xc: Thú chơi đổi vợ ở Saigon (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/09/thu-choi-doi-vo-o-sai-gon-1/)
[6] Vatican II, Gaudium et Spet, số 49
[7] Vatican II, Gaudium et Spet, số 48
[8] Ibid, số 48
[9] Xc. Tháng 6 năm 1966, Ủy ban gio hồng về kiểm sốt sinh đẻ phúc trình ln Đức Phaolô VI, Các phương thức mục vụ
[10] Phaolô VI, Humanae Vitae, số 8
[11] Phaolô VI, Humanae Vitae, số 12
[12] Vatica II, Gaudium et Spes, số 48