Sau khi tìm hiểu những bài đọc kinh
sách trích từ tác phẩm của thánh Augustinô, tôi thấy ngài đã nêu lên những suy
tư thần học về Giáo hội qua các diện mạo sau. Trước tiên, ngài đề cập đến sự
hiệp nhất trong Giáo hội dựa trên nền tảng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; thứ
đến là một Giáo hội tiến bước trong sự bách hại và chống đối; tiếp theo Giáo
hội là hiện thân của lòng thương xót Chúa; và cuối cùng Giáo hội là thân mình
của Đức Kitô. Người viết xin trình bày các chủ đề trên như sau:
1.
Giáo hội hiệp nhất theo gương mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi
Ngay từ đầu, thánh Augustinô đã nhấn mạnh đến tính chất hiệp
nhất trong Giáo hội, sự hiệp nhất được cụ thể hóa khi Giáo hội cử hành Bí tích
Thánh Thể. Mỗi khi Giáo hội cử hành bí tích, mọi người Kitô hữu cùng tham gia,
điều đó nói lên tinh thần hiệp thông với Giáo hội trong Chúa Kitô. Giáo hội cử
hành bí tích là thể hiện sự hiệp thông chính nội tại, hầu thánh hóa mỗi người
bằng đức ái và lòng mến để hiệp nhất với nhau và trở nên một trong Chúa Kitô.
Bởi thế, thánh nhân nhấn mạnh rằng: “Mọi hình thức chia rẽ và ly khai đều đi
ngược lại với bản chất của Giáo hội. Sau khi mỗi người Kitô hữu tiếp nhận Thánh
Thần, Đấng châm ngọn lửa tình yêu, ai nấy đều được đức ái và nhiệt tình của
Thần Khí, đưa về một mối và sống với nhau trong tình hiệp nhất.”[1] Tư tưởng thần học hiệp nhất trong Giáo hội được ngài so
sánh với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo ngài, “Thánh Thần là mối dây tình
yêu giữa Cha và Con, nên cũng là dây tình yêu liên kết giữa các tín hữu; như
thế sự hiệp nhất của Giáo hội phản ánh và thông phần vào sự hiệp nhất của Thiên
Chúa Ba Ngôi.”[2] Cũng nên biết thêm rằng, vào thời của ngài có nhiều người
theo phái Donat. Phái này đã ly khai với Giáo hội, bởi thế sứ vụ của ngài là
nhắm đến việc khẳng định lập trường của Giáo hội trước bè phái chia rẽ này. Với
ngài, lòng kính mến Thiên Chúa và lòng yêu thương giữa con người với nhau làm
nên một Giáo hội hiệp nhất trong Chúa Kitô, cũng giống như làm cho mọi chi thể
thắt chặt với nhau nhờ mối giây yêu thương là Chúa Thánh Thần.
2.
Giáo hội tiến bước trong bách hại và chống đối
Từ sơ khai cho tới thời của thánh
Augustinô, lịch sử Giáo hội luôn mang trong mình nhiều sắc thái: Giáo hội bị
bách hại trong suốt mấy thế kỷ đầu, đến thời Giáo hội rất phồn thịnh và Kitô
giáo được xem như quốc giáo (Chiếu chỉ Milan năm 313). Nhưng rồi, Giáo hội luôn
bị xâu xé bởi nhiều dạng bách hại khác nhau. Những chặng đường của lịch sử đã
diễn ra như thế, Giáo hội không bao giờ dửng dưng và để mặc cho lịch sử. Ngược
lại, Giáo hội luôn suy nghĩ về chính mình, cũng như vai trò của chính mình với
mọi thời. Bởi vậy, nhờ những suy tư nền tảng đó mà thần học về Giáo hội ngày
được khám phá và khai triển cách đầy đủ hơn. Thánh Augustinô là một trong những
nhà thần học đầu tiên đã khai mở và suy tư về Giáo hội học, những suy tư đó hầu
làm nền tảng cho thần học về Giáo hội ngày nay. Ngài đã nói đến sự khổ ải và khó
khăn của Giáo hội trong cuộc lữ hành này; cũng như Giáo hội đã đối diện và chịu
những thách đố của mọi thế lực muốn chống Giáo hội. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn
đứng vững trước muôn vàn thử thách, đồng thời vẫn phát triển và hòa nhập với
thế giới qua mọi thời.
Mặc dù Giáo hội chịu những thách đố
và chống đối, nhưng vẫn thăng tiến trong sự quan phòng và hướng dẫn của Đức
Kitô là đầu của Giáo hội. Giáo hội nhiều lúc xem ra bị suy tàn hay khủng hoảng
cách trầm trọng, nhưng chính lúc đó, Giáo hội lại xuất hiện những khuôn mặt lỗi
lạc để lấy lại và khơi lên căn tính cũng như vai trò của Giáo hội Chúa Kitô.
Ngay từ nguyên thủy, Giáo hội được xây trên một đá gốc là Đức Kitô, và Giáo hội
là của chính Người, nên được Người che chở qua việc Giáo hội yêu mến Người. Nhờ
yêu mến và bước đi theo Đức Kitô nên Giáo hội được Người giải thoát khỏi mọi sự
dữ và vĩnh cửu.
3.
Giáo hội là cộng đoàn diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa
Giáo hội là mẹ của những người con đang trên đường theo
Chúa. Vì thế, Giáo hội cưu mang và hướng dẫn con cái của mình tiến đến đích
điểm của sự trọn lành. Với thánh nhân, mỗi người đều mang trong mình tội lỗi,
nhưng với lòng nhân lành và rất yêu thương, Giáo hội luôn hướng dẫn và mời gọi
kẻ tốt trở nên tốt hơn, người tội lỗi biết trở về nẻo chính đường ngay và được
sống trong ân nghĩa của Chúa. Thánh nhân khẳng định rằng, Giáo hội là mẹ đang
ngày đêm ngóng chờ những kẻ lầm lạc, chăm sóc những ai bị thương tích, và hướng
dẫn đoàn con sống trong tình hiệp thông huynh đệ.
Không những thế, Giáo hội còn là mẹ của một đoàn con đông
đúc đã thừa lệnh Đức Kitô, là đầu của Giáo hội để hướng đẫn, nâng đỡ, và lo
lắng cho đoàn con. Bởi thế, Giáo hội hằng mở rộng vòng tay để đó nhận những con
chiên lạc quay trở về. Đồng thời, Giáo hội luôn sẵn sàng chữa lành và băng bó
những con chiên bị thương tích, quan tâm và chăm sóc những con chiên bị bỏ rơi.
Như thế, lòng xót thương của người mẹ là Giáo hội diễn tả lòng nhân lành và bao
dung, là nơi để cho đoàn con được gần gũi và cảm nếm được tình yêu của Thiên
Chúa.
4.
Giáo hội là thân mình của Đức Kitô
Đức Kitô là đầu của Giáo hội, vì thế Giáo hội là thân mình
của Người. Vì là đầu, bởi Người lập nên Giáo hội, Người luôn hiện diện và hướng
dẫn Giáo hội tiến bước. Phêrô được Đức Kitô trao quyền hướng dẫn và điều hành
Giáo hội, làm đại diện cho Giáo hội để nhận chìa khóa Nước Thiên Chúa. Điều này
nói lên một sự giao phó và đặt để quyền bính trong Giáo hội, cũng giống như khi
Vị Mục Tử Tối Cao trao chiên cho Phêrô và giao cho ngài coi sóc để làm cho
chúng được nên một với Người. “Và như thế, Người trao chiên cho ông để chính
Người là đầu, còn chính ông tượng trưng cho thân thể Người là Hội Thánh, và để
cả hai nên một thân mình như tân lang và tân nương.”[3]
Là thân mình, nên Giáo hội có nhiều chi thể, và mỗi chi thể
đều liên kết với nhau trong tình yêu và lòng mến. Mỗi khi các tính hữu qui tụ
và hiệp nhất bên giám mục để cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, lúc đó chính cộng
đoàn tham dự vào sự sống của Đức Kitô và được trở nên giống Người. Giáo hội có
nhiều chức vụ và thành phần khác nhau, nhưng cùng một thân thể duy nhất được
Đức Kitô là đầu hướng dẫn. Vì tất cả cùng chung một phép rửa, cùng ăn một tấm
bánh, và cùng được hướng dẫn bởi một đầu là Đức Kitô. Do đó, Giáo hội trở nên
tốt lành trước mặt Chúa Cha là nhờ lời cầu nguyện của Đức Kitô, là Đấng mà
chúng ta luôn nài van. Để toàn thân thể được khỏe mạnh và trong sạch thì Giáo
hội phải gắn liền với đầu là Đức Kitô, vì Người là đầu mối của mọi sự thánh
thiện và quyền năng.
Kết luận
Qua tìm hiểu, tôi thấy thánh Augustinô đã trình bày diện mạo
của Giáo hội thật phong phú và thực tế qua nhiều khía cạnh khác nhau. Ngài đã
kết hiệp Giáo hội với những thực tại trần thế, nhưng điều trọng tâm là Giáo hội
được xây dựng trên nền móng của Đức Kitô, Đấng là đầu của Giáo hội. Rồi ngài
suy tư về Giáo hội là thân mình của Đức Kitô, cũng như Giáo hội hiệp nhất trong
Chúa Ba Ngôi. Đó là những ý tưởng nền tảng của ngài đã để lại mà đến ngày nay
vẫn tiếp tục có giá trị và đóng góp rất nhiều cho thần học về Giáo hội. Đây
cũng là những ý tưởng cao quý hầu giúp tôi nghiên cứu và xây dựng Giáo hội ngày
càng tốt đẹp hơn trên con đường tận hiến.
[1] Peter
Neuner, Giáo hội học
qua các tác giả- gửi
Philadelphia, 7,2, do Nguyễn Văn Hòa, OP dịch, Wien Koln, tr 109
[2] Erich
Plumer, Sự phát triển
của
Giáo hội
học:
từ
Giáo hội
sơ
khai đến
thời
cải
cách, đề cương học, tr 6
[3]Các Bài Đọc Kinh Sách, Trích khảo luận
của
thánh Augustinô, giám mục, về
các mục
tử,
Bài đọc 2, thứ Sáu, CN XXV, Thường Niên