CÔNG BẰNG TRONG TIỀN LƯƠNG TẠI VIỆT NAM DỰA THEO GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI


Tiền lương là vấn đề nan giải và khó khăn trong toàn thế giới, cách riêng nước Việt Nam cũng đang gặp phải vấn đề đó. Bởi thế, người viết muốn tìm hiểu công bằng tiền lương của công nhân tại Việt Nam như thế nào. Để tìm hiểu vấn đề trên, người viết xin trình bày các khía cạnh sau: Tìm hiểu khái niệm về Đức Công Bằng và tiền lương; thứ đến Tiền lương cơ bản tại Việt Nam hiện nay; và sau cùng người viết xin có Vài nhận định.  
1.  Tìm hiểu khái niệm về Đức Công Bằng và tiền lương
Công bình (justice) là tập quán làm ta sẵn sàng trả của ai cho người ấy; là đức tính luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân. Công bình đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng”. Đối với con người, công bình là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và sống hài hòa bằng cách đối xử minh chính đối với mọi người và thực thi công ích. Theo Thánh Kinh, người công chính sống ngay thẳng trong mọi tư tưởng và cư xử chính trực với tha nhân.[1] Công bình là trả cho mỗi người phần họ đáng được, dù phần đó không được tập tục hoặc luật pháp xác định; theo luật tự nhiên, công bình nhất thiết đòi hỏi tính cách bình đẳng trong việc trao đổi hoặc phân phối. Công bình là nhân đức luân lý mà chúng ta biết, được nới rộng để chỉ sự tuân giữ hoàn toàn các giới răn Thiên Chúa, nhưng đồng thời lại luôn được coi như một phẩm tính để đáng được công nghiệp trước mặt Thiên Chúa.[2]
Tiền lương (công) là tiền được qui định theo hợp đồng để trả cho công việc đã làm. Đó là sự đền bù lại cho công việc mà một người đã làm theo yêu cầu của chủ, theo như hợp đồng đã qui định. Tiền công không những là tiền chi trả cho những việc lao động chân tay, có chuyên môn hay không, mà còn là tiền lương dưới hầu hết mọi hình thức.[3]                                                    
2.  Tiền lương cơ bản tại nước Việt Nam hiện nay
Tiền lương là tiền được qui định theo hợp đồng được thỏa thuận để trả cho công việc đã làm. Tiền lương đó được trả tùy theo công việc, môi trường hay thời gian làm việc. “Ở Việt Nam, hiện nay chúng ta đang dần áp dụng chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi công ty, xí nghiệp đều áp dụng chế độ này, trái lại, đa số vẫn áp dụng chế độ 48 giờ/tuần”.[4]
Tại Việt Nam, quy định mới về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ quan và tổ chức có thuê mướn lao động, được áp dụng từ ngày 01 tháng 10 năm 2011 như sau: “[1] Mức 2 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. [2] Mức 1.780.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. [3] Mức 1.550.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. [4] Mức 1.400.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV”.[5] Chính phủ đã phân thành bốn mức lương cho bốn vùng trong cả nước, nhưng ở đây, người viết xin lấy mức hai triệu đồng/tháng áp dụng cho vùng I (các quận, huyện của thành phố lớn) để phân tích và nhận định.
Thử làm một bài toán đơn giản để xem tiền lương có chi trả đủ cho cuộc của mỗi công nhân hay không. Hiện nay tại thành phố Sàigòn, một công nhân mỗi tháng cần chi trả những khoản cơ bản sau: tiền ăn 750.000 đồng/tháng, tiền tiền thuê nhà 500.000 đồng/tháng, tiền điện-nước 50.000 đồng/tháng, tiền điện thoại 100.000 đồng/tháng, tiền mua sắm khác 100.000 đồng/tháng, bảo hiểm và bệnh tật 100.000 đồng/tháng và tiền di chuyển 100.000 đồng/tháng. Như thế, mỗi công nhân nhận 2.000.000 đồng/tháng, nhưng chi tiêu hết 1.700.000 đồng/tháng, vậy còn dư lại 300.000 đồng/tháng; trong khi đó chưa tính đến chi tiêu cho các dịp ma chay, hay tiếp đãi bạn bè.
 Nếu mỗi công nhân phải đối diện với một cuộc sống như thế thì tương lai của họ như thế nào, tiền đâu để xây cất nhà, tiền đâu để chăm lo cho con cái. Qua đó, dựa theo công bằng xã hội và công bằng trong Kitô giáo, người viết xin có vài nhận định như sau.
3.  Một vài nhận định
Trước tiên, chúng ta cần khẳng định rằng, tiền lương là tiền được trả theo qui định trong hợp đồng đã thỏa thuận giữa người thuê và người làm việc. Thế nhưng, điều đó không thể hiện được sự công bằng chính đáng giữa người thuê và người được thuê. Bởi thế, chúng ta cần dựa vào đức công bằng trong giao hoán và đức công bằng xã hội để chi trả tiền lương cách công bằng cho công nhân. Qua bài toán trên, chúng ta thấy người công nhân Việt Nam phải chi trả nhiều khoản để lo cho đời sống của mình, trong khi đó tiền lương cơ bản mới chỉ trả đủ những khoản chính yếu cho một người, còn nếu một người đã lập gia đình sẽ không có tiền dư để lo cho vợ (chồng) con, chứ chưa nói đến họ được quyền hưởng như an sinh xã hội, khoản lợi nhuận đáng được hưởng hay đi nghỉ ngơi. Như thế, nếu không làm ăn bất hợp pháp thì người công nhân lấy tiền đâu để xây cất nhà cửa, mua sắm các phương tiện và chăm lo cho con cái.
Theo Karl H.Peschke, “lương công bằng là vấn đề chính yếu trong các vấn nạn xã hội. Vấn đề này đã trở nên cấp thiết cùng với sự phát triển của công nghiệp trong thế kỷ trước. Chủ thường có khuynh hướng đánh giá lao động theo kiểu một món hàng. Giá cả của lao động ấy được qui định trong hợp đồng dựa theo nguyên tắc cung cầu. Nếu có nhiều người làm mà yêu cầu lao động lại ít thì giá lao động đương nhiên sẽ thấp. Công nhân được tự do tham gia hợp đồng lao động hay không họ không bị ép phải chấp nhận tiền công thấp. Thế nhưng, nếu đã tham gia hợp đồng, đương sự sẽ bị rằng buộc bởi hợp đồng”.[6] Việt Nam là một nước đang phát triển và một trong những nước chi trả tiền lương của công nhân rất thấp; hơn nữa số người lao động quá dồi dào, không muốn nói là dư thừa. Bởi thế, các ông chủ tại Việt Nam thường thanh toán theo hợp đồng đã ký kết với công nhân, và không trả thêm bất cứ khoản gì. Theo nguyên tắc thì xem ra ông chủ đã rất công bằng với công nhân. Nhưng trong thực tế, chúng ta thấy rằng các ông chủ tại tại Việt Nam rất giàu, và sự giàu có đó dĩ nhiên là từ lợi nhuận trong kinh doanh của họ. Nếu lợi nhuận trong việc kinh doanh đó chắc chắn có sự đóng góp rất nhiều của công nhân, nên công nhân sẽ được quyền hưởng trên lợi nhuận đó nữa, mặc dù không có điều này trong hợp đồng đã ký. Hầu như các ông chủ đã không thực hiện điều này đối với công nhân, họ cho rằng lợi nhuận là của riêng họ. Bởi thế mới xẩy ra sự chênh lệch quá xa giữa chủ và công nhân. Một bữa ăn của ông chủ thường chi trả từ vài trăm ngàn đến vài triệu, ngược lại, một bữa ăn của công nhân chỉ vài chục ngàn đồng. Đời sống của các ông chủ thì quá đầy đủ và dư thừa, ngược lại đời sống của công nhân phải chắt góp và dành dụm mới sống đủ. Như thế thử hỏi công bằng thế nào, và hai con người giữa chủ và công nhân đã xứng đáng hay chưa?
Đối với Kitô giáo, Đức Leô XIII đã hướng dẫn: “Các hợp đồng lao động luôn luôn được quyết định dựa trên một yếu tố của sự công bằng tự nhiên, một yếu tố còn quan trọng hơn và còn có lâu đời hơn cả sự ưng thuận tự do của hai bên ký hợp đồng. Đó là tiền lương không được thấp dưới mức có thể nuôi sống một công dân sống tiết kiệm và ngay thẳng. Mức lương này bao gồm cả phần nuôi sống vợ con”.[7] Vaticanô II dạy trong Hiến chế Mục vụ rằng: “Tùy theo phận vụ và năng suất của mỗi người cũng như tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc làm cần phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho mình và gia đình một đời sống xứng hợp cả về phương diện vật chất, xã hội, văn hóa cũng như tinh thần”.[8]
Như thế, công bằng trong tiền lương tại Việt Nam đang là một vấn đề nan giải giữa chủ và công nhân. Chính phủ Việt Nam trong mấy năm gần đây đã có nhiều nghị định thay đổi tiền lương, thế nhưng mức lương hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cho một công nhân sống, chứ chưa nói đến nuôi sống gia đình, hay được hưỡng những quyền khác. So với các nước, như: “Pháp, chính phủ bảo vệ và ưu đãi công nhân quá tốt, đến nỗi công nhân có thể lợi dụng lại ông chủ. Nếu đuổi một công nhân, ông chủ phải lo chi trả lương thất nghiệp cho đến khi tìm được việc mới cho họ; nếu xẩy ra tai nạn lao động thì phải chăm lo và bồi thường cách xứng đáng theo pháp luật; nếu con cái đau ốm, họ được phép nghỉ để chăm sóc con cái, thậm chí còn được phụ giúp tiền thêm để ở nhà chăm sóc con”[9]. Do đó, chính phủ Việt Nam cần xem xét và thực hiện những qui chế cần thiết và thực tế để áp dụng và thực hiện công bằng trong tiền lương cách phù hợp với đời sống của công nhân.
Kết luận
Mỗi công nhân, trên hết là họ có quyền hưởng một mức lương tương xứng để nuôi sống mình và gia đình trong điều kiện xứng hợp. Nói thế có nghĩa là mức lương ấy phải đủ để cung cấp lương thực, để thuê hay mua một ngôi nhà tương đối, để bảo đảm cho con cái được giáo dục phù hợp và cho sức khỏe gia đình được chăm sóc thích đáng. Sau cùng, đức công bằng đòi hỏi lương bổng phải cân xứng với những yêu cầu phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế của quốc gia. Hiện tại, khoảng cách chênh lệch giữa giàu và nghèo tại Việt Nam rất lớn. Điều đó nói lên sự ép buộc và bóc lột của các ông chủ doanh nghiệp đối với công nhân, đây là sự bất công bằng cách công khai. Hơn nữa, theo tôi, chính phủ Việt Nam cần tính đến giá trị đời sống của con người, không để chênh lệch và bất công quá xa như thế, chủ và tớ đều là con người nên có quyền được hưởng những khoản phù hợp với giá trị của họ, không được xem nhẹ người công nhân.
....................................................................................................................
[1] Nguyễn Lộc Thọ, Đức Công Bằng, TTHVĐM, 2011, tr 2
[2] Giáo hoàng Học viện Pio X, Điển ngữ thần học Thánh Kinh, tập I, 1971
[3] Nguyễn Lộc Thọ, Đức Công Bằng, TTHVĐM, 2011, 43
[4] Ibid, tr 43
[5] Nghị định về tiền lương: S 70/2011/NĐ-CP; Phụ lục: Mức lương tối thiểu áp dụng cho từng vùng
[6] Nguyễn Lộc Thọ, Đức Công Bằng, TTHVĐM, 2011, tr 43, dựa theo Karl H.Peschke
[7] Đức Leô XIII, Rerum Novarum, số 63.65
[8] Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 67
[9] Bài giảng của Cha giáo, trong phần Hợp đồng kinh tế-Tiền lương