(CN V MC năm C: Ga 8,1-11)
Hôm nay Chúa Nhật V Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa mời
gọi mọi người Kitô hữu hãy kiểm điểm đời sống, kiểm điểm lương tâm cách chân
thành. Dưới ánh sáng mầu nhiệm khổ nạn của Đức Kitô cũng như tâm tình linh
thiêng của Mùa Chay, hẵn đã giúp chúng ta ý thức hơn về những gì mà chúng ta cần
sửa đổi, và đâu là những điều chúng ta cần trả lại sự công bằng cho người khác.
Bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay cho thấy (Ga
8,1-11) Đức Giêsu đã vạch trần sự bất công mà con người thường đem đến cho nhau
(nhóm Pharisêu). Thói quen xấu của con người là thích lên án người khác nhưng lại
muốn che dấu tội của mình luôn tồn tại trong đời sống con người và được trải dài
trong dòng lịch sử nhân loại. Bởi thế, Đức Giêsu đã không những phơi bày sự bất
công đó, mà còn trả lại sự công bằng cho tội nhân (người phụ nữ ngoại tình), đồng
thời Ngài cho chị một tương lai đầy hứa hẹn và sáng tươi. Do đó, chúng ta thử
tìm hiểu tội ngoại tình thời Cựu Ước, cách xử sự của Đức Giêsu đối với người phụ
nữ ngoại tình và thái độ của người phụ nữ ngoại tính đối với Đức Giêsu như thế
nào?
1.
Ngoại
tình trong Cựu Ước
Thiết nghĩ rằng,
chúng ta cũng nên biết trong thời Cựu Ước, việc ngoại tình Luật định nghĩa một
cách hạn hẹp: là một hành vi xâm phạm chủ quyền của người chồng hay hôn phu
trên người vợ (Lv 20,10; Đnl 22,22). Người phụ nữ bị coi như một đồ vật hơn là
một nhân vị hợp nhất với người nam trong sự trung thành mà tình yêu thương nhau
đòi hỏi: “Ngươi không được ham muốn nhà người
ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất
cứ vật gì của người ta”
(Xh 20,17). Sự hạ giá người nữ gắn liền với sự xuất hiện chế độ đa thê trong xã
hội thời bấy giờ. Chế độ đa thê còn được dung túng lâu đời trong xã hội thời đó
(Đnl 21,15). Dầu vậy, khi vạch trần tính cách hệ trọng của việc ngoại tình, các
hiền triết xưa đã khuyên người đàn ông dành tình yêu của mình cho người vợ cưới
thời niên thiếu. Hơn nữa, họ kết án việc giao du với phường mãi dâm dù việc
giao du đó không làm cho người nam thành kẻ ngoại tình (Cn 23,27). Bởi thế,
truyền thống đó làm cho họ sống nặng hình thức và quá nệ luật, nên mới có chuyện
dẫn người phụ nữ ngoại tình đến để thử Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã làm cho họ
thay đổi thói quen tố giác người khác nhưng không biêt tội của mình.
2.
Đức Giêsu lên án sự bất công và
trả lại sự công bằng
Từ một quan niệm sống
gắt gao với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình của các kinh sư và
Pharisêu đã bị Đức Giêsu phơi bày. Điều này không phải là chuyện dễ, vì nó đã
ăn sâu vào lối sống của họ, nhưng vì đức công bằng và sự thật nên Đức Giêsu đã không
những lên án các kinh sư và nhóm Pharisêu mà còn tha thứ cho người phụ nữ đã phạm
tội ngoại tình. Ngài rất ghét tội, nhưng lại yêu thương và hết lòng nâng đỡ tội
nhân.
Chúng ta thường mắc
phải một điều là hay theo giỏi và để ý tội (chuyện) của người khác, nhưng lại ít
để ý đến con người và lối sống của mình như các kinh sư và Pharisêu xưa. Chính
Đức Giêsu đã hướng họ nhìn vào con người của họ cách khéo léo bằng một câu hỏi:
"Ai trong các ông sạch tội,
thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi"(Ga 8,7). Chúng ta cứ tưởng tượng,
khi các kinh sư và
Pharisêu
nghe xong câu nói bất ngờ đó, vẻ hí hửng trên mọi khuôn mặt bỗng chốc biến mất,
thay vào đó là những khuôn mặt sệ dài ra vì vừa bỡ ngỡ lại vừa lo lắng sợ hãi;
thế là họ tìm cách chuồn nhẹ và rất có trật tự. Họ đến với vẻ cao ngạo hí hửng
bao nhiêu, thì nay lại rút lui im lìm bấy nhiêu. Đức Giêsu đã cho họ một bài học
về đức công chính. Người có tội thì sẽ bị phạt, nhưng không phải bởi tay những
kẻ có tội. Bị đức công chính tấn công và xoáy vào lương tâm, nên các ông tê tái
và hỗ thẹn, vì thế từ người già đi trước trẻ nhỏ theo sau âm thầm rút lui. Bởi
thế, tâm tình sống Mùa Chay mà Giáo hội luôn mời giọi mỗi người là hãy ăn năn
sám hối. Đây là tâm tình mà Đức Giêsu và Giáo hội luôn mời gọi mọi người hãy sống
chân thật với chính mình, sống khiêm nhường và biết rằng thân phận của mình
cũng hèn yếu, tội lỗi nên cần thay đổi và sống quảng đại với mọi người. Không
nên sống quá tự hào, sống kiêu ngạo cứ cho mình là tốt lành hơn người khác,
đáng tiếc hơn nữa đó là tự cho mình cái quyền lên án và xét đoán người khác.
3.
Ở lại với Đức Giêsu trong thân phận của một tội nhân
Chúng ta cần
học hỏi người phụ nữ, chị đã ở lại với Chúa và ý thức được tội lỗi của mình.
Chính hành động tự nhận mình là người tội lỗi và ở lại với Chúa nên kết quả là
chị được Chúa thứ tha: "Tôi không
lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!"(Ga
8,11). Một lời nói, một thái độ của Đức Giêsu thể hiện nằm ngoài sự chờ đợi của
người đàn bà khốn khổ kia, cũng như đối với mỗi người chúng ta hôm nay. Ngược
lại, có lẽ do sự kiêu hãnh và cho mình là tốt lành thánh thiện, nên các kinh sư
và nhóm Pharisêu đã tố cáo chị ta. Đức Giêsu đã hướng họ nhìn vào chính con
người và thái độ sống của họ, chính họ đã thấy rằng, họ không phải là những
người sạch tội nên đã bỏ đi. Việc họ bỏ đi không ở lại với Chúa cũng cho thấy
họ biết có tội nhưng họ không đủ khiêm nhường để ở lại với Chúa và trong cậy
vào lòng từ bi của Chúa, chính hành động bỏ đi nói lên việc họ đã mang tội của
họ đi theo và hậu quả là chính họ phải chịu lấy.
Còn chúng ta là những người tin
tưởng và luôn sống cậy trong vào tình thương yêu của Thiên Chúa. Bởi thế, Mùa
Chay được xem như là thời gian đặc biệt giúp chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình
và sống quảng đại với anh em. Nhận ra tội lỗi là ý thức và nhạy cảm đối với tội.
Nhận ra tội là nói lên mình là con người mỏng dòn và hèn yếu. Nhận ra tội cũng
nói lên mình cần đến sự tha thứ và lòng từ bi lân tuất của Thiên Chúa. Sống quảng
đại là biết yêu thương và đón nhận anh chị em. Sống quảng đại cho thấy rằng
mình đang thực thi lòng nhân từ của Chúa. Và sống quảng đại là người biết vị
tha và bao dung với người khác.
Lời Chuá hôm nay cũng đưa chúng ta
về với sự thật của lòng mình. Xin cho chúng con cũng biết trung thực với chính
mình, để đừng bao giờ lên án ai, phê bình chỉ trích ai cả. Và nghĩ cho cùng,
thì chúng con đâu dám chê các luật sĩ và người Pharisêu xưa, vì nhiều khi chúng
con biết mình chẳng tốt lành gì hơn ai, thế mà chúng con lại cứ nói xấu, chỉ
trích và lên án kẻ khác. Nhờ lòng yêu thương và quảng đại của Chúa, xin Chúa
giúp chúng con luôn dám sống với sự thật, sống công bằng và huynh đệ. Xin giúp
chúng con mạnh dạn trả lại sự công bằng cho anh chị em mà bấy lâu nay chúng con
thường đối xử bất công với họ. Amen.
Peter Bang, SVD